Phát huy vai trò giáo dục đạo lý của văn học trong việc xây dựng nhân cách con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở thời kỳ Cách mạng 4.0

Thứ Hai, 19/04/2021 11:37

Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông – Lời Bác Hồ

. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ

 

1. Hiểu sâu sắc nền văn học nhân đạo nước nhà Cụ Đồ Chiểu có được câu thơ nổi tiếng: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”. Con thuyền văn chương có chở bao nhiêu đạo lý yêu nước và đạo lý làm người thì cũng không bao giờ chìm đắm. Câu thơ vừa mang tính tổng kết khái quát vừa mở ra một sứ mệnh, xứng đáng là viên ngọc sáng soi đường cho văn học hiện tại và mai sau. Lý tưởng Đảng ta đưa nước nhà trở thành một nước: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” là bắt vào mạch nguồn đạo lý dân tộc và kế thừa, phát triển, nâng cao đã tạo ra sự thống nhất rất đẹp giữa con cháu và tổ tiên, hiện đại và truyền thống. Lời Bác Hồ là lời của chân lý lịch sử cũng là chân lý nghệ thuật: “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Con thuyền văn chương hôm nay vừa chở đạo lý truyền thống, lý tưởng Đảng ta vừa chở thêm những hành trang tinh thần đổi mới vươn ra ngoài biển văn hóa nhân loại để cập tới bờ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thời cách mạng 4.0 là thời của vi điện tử, của kết nối vạn vật, của người máy...con người đứng trước cơ hội được thụ hưởng những văn minh mới mẻ nhưng cũng phải đối mặt với những thử thách ghê gớm: nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi sinh, dịch bệnh...Trước sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn, con người càng phải cần đến nhau hơn, để đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ, san sẻ. Chưa kể, đứng trước sự can thiệp lạnh lùng của máy móc, công nghệ, của văn minh phi truyền thống, con người phải đối mặt với trạng thái stress, sự vô cảm, chai lỳ cảm xúc...dễ phát sinh những hành động khó kiểm soát. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đạo đức suy thoái nghiêm trọng, và sẽ ngày thêm nghiêm trọng hơn nếu không có sự chung tay ngăn chặn của toàn xã hội.

Dù ở thời Cách mạng công nghiệp nào thì nền móng tinh thần xã hội vẫn là đạo đức! Câu nói bất hủ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Bác Hồ mang tính phổ quát cho muôn đời. Ở thời nay càng rõ, cái “bất biến” là “đạo đức cách mạng” để ứng với cái “vạn biến” là sự thay đổi rất khó lường!

2. Cha ông ta từng lấy cái bất biến đạo đức để ứng phó với ngoại bang xâm lược: “Giặc tan muôn thuở thăng bình/ Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao” (Trương Hán Siêu - Bạch Đằng giang phú). “Đức cao” là bản sắc văn hóa Việt: “Giấy rách phải giữ lấy lề”; “Chết vinh hơn sống nhục”. Hình tượng con cò biểu tượng cho người nông dân xưa dù sa vào hoàn cảnh đường cùng thì vẫn “Có xáo thì xáo nước trong/ Chớ xáo nước đục đau lòng cò con”. Tầm nhìn của Bác Hồ vượt thời gian để trở thành chân lý ứng vào bất kỳ thời kỳ cách mạng nào trong tương lai: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” (1).

Những bài học đạo lý làm người, thương yêu con người, căm ghét cái ác, tinh thần hướng thiện được kết tinh trong văn học rồi tỏa sáng ở những hình tượng nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc.

Không ngẫu nhiên trong văn hoá Việt, Chử Đồng Tử được phong là “Tứ bất tử” (bốn vị thánh không chết). Truyền thuyết này trước hết là sự minh hoạ sinh động, cụ thể rất mực cảm động và chân thực cho chữ Hiếu. Trước khi chết người cha dặn con cứ táng trần cho bố còn khố giữ lại để con mặc. Chử Đồng Tử không nỡ vậy. Đây không chỉ là chữ Hiếu mà còn là phong tục tang ma ngày xưa với quan niệm “trần sao âm vậy” và “nghĩa tử là nghĩa tận”, dành cho người đi xa mãi mãi những điều kính trọng, mến thương, nhung nhớ. Muốn cha xuống âm phủ còn có cái khố che thân, Đồng Tử đã không chỉ tròn chữ Hiếu mà còn tròn với phong tục, tập quán. Không chỉ làm tròn trách nhiệm người con mà tròn cả trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ một công dân!Truyện là sự giao thoa các tư tưởng triết học lớn Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Sau này nhờ phép thuật mà Chử Đồng Tử có binh hùng tướng mạnh nhưng vẫn không chống lại quân của vua Hùng (tức bố vợ) vì chàng muốn giữ tròn chữ Hiếu!

Truyện là bài ca ca ngợi tình yêu hôn nhân tự do như là một mối tình đẹp nhất, chung thuỷ, bình đẳng và cực kỳ dân chủ. Một truyện cổ về tình yêu hay hiếm hoi không chỉ ở nước ta mà còn so với cả thế giới. Đồng Tử là chàng trai nghèo nhất, nghèo đến mức không thể nghèo hơn thế mà được Tiên Dung là công chúa, con gái vua Hùng cành vàng lá ngọc, cao sang, quý phái, vương giả chấp nhận lấy làm chồng. Tiên Dung đã vượt quyền cha mẹ để nghe theo tiếng gọi của trái tim mình. Nàng vượt qua bao tín điều, bao nội quy, quy tắc, nguyên tắc thành văn và bất thành văn của một triều đình. Nàng đích thực là một “nghịch tử”: con vua mà lấy chồng không hề tương xứng, không hề “môn đăng hộ đối”. Nàng phải vượt qua bao thành kiến và định kiến là lấy chồng “hoang” (Đồng Tử đích thực là kẻ “hoang”, tứ cố vô thân, không nghề nghiệp, không quần không áo, lại sống chui rúc ở bãi lau bờ sậy…). Không có một sức mạnh nhân văn cao cả, một tình thương lớn lao với những con người dưới đáy không thể sáng tạo ra được những chi tiết, hình tượng đầy nghịch cảnh mà tuyệt vời trong sáng như vậy. Truyện đã cách xa hàng ngàn năm, mà ở ngày hôm nay, chỉ một cô gái bình thường thôi, có gia cảnh bình thường, nghề nghiệp, nhan sắc, học vấn bình thường, liệu có ai “dũng cảm” dám lấy chồng có thân phận như Chử Đồng Tử? Thế nên, không ngẫu nhiên dân gian thờ không chỉ một Đồng Tử mà còn thờ cả Tiên Dung!

Những truyện cổ tích đẹp là những giấc mơ khơi nguồn, nuôi dưỡng và thúc đẩy khát vọng lớn lao của con người. Sống có nghĩa là khát vọng. Hết khát vọng là dấu hiệu sự sống dừng lại. Mà cổ tích thì là cả một thế giới vô tận những ước mơ. Hình tượng ông Bụt trở thành biểu tượng cho sức mạnh chính nghĩa, công lý giúp đỡ kẻ nghèo, người bất hạnh...Cô Tấm (Tấm Cám) mỗi lần gặp tai ách khổ nạn là được Bụt hiện lên cứu giúp. Nghe thấy tiếng thở dài phiền não của anh chàng nghèo khổ phải đi kiếm cây tre trăm đốt mới cưới được vợ là Bụt hiện ra giúp (Cây tre trăm đốt)… Như vậy Bụt chẳng phải là một biểu trưng cho khát vọng được che chở, được giúp đỡ, được bình yên, hạnh phúc đó sao? Người Việt cũng có cách hiểu khác về tư tưởng “cứu độ” của Phật giáo. Tượng Phật Việt Nam có nghìn mắt nghìn tay, nghìn mắt để nhìn thấy mà thấu hiểu và thấu cảm nỗi khổ trầm luân của chúng sinh, nghìn tay để cứu vớt con người! Nhân ái, bao dung, chia sẻ là thế!

Một phương diện cơ bản của thế giới truyện Nôm bình dân là giáo dục đạo lý. Truyện Thoại Khanh - Châu Tuấn ca ngợi đức hiếu thảo của nàng dâu Thoại Khanh thay chồng nuôi mẹ, từng cắt thịt mình nướng cho mẹ chồng ăn thoát qua cơn đói, khoét mắt mình dâng dâm thần để mẹ khỏi bị bắt đi. Truyện thơ Mục Liên Thanh Đề minh hoạ bằng cách thơ Nôm hoá câu chuyện Mục Kiều Liên cứu mẹ trong Kinh Phật để giáo dục con người sống thật thà, chân thành, không sát sinh. Hai truyện Quan Âm Thị KínhPhật Bà Quan Âm khuyên rănăn ở hiền lành, đức độ, thiện tâm sẽ sớm toại nguyện, hạnh phúc. Dưới thời phong kiến những truyện này có sức ảnh hưởng lớn trong dân gian, trở thành một phương tiện giáo dục đạo lý rất hiệu quả...

Là nhà Nho nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) cũnglà nhà giáo dục lớn. Bài Trung Tân quán bi ký mang tính tuyên ngôn: “Giữ được toàn vẹn tính thiện của mình là trung, không giữ được toàn vẹn tính thiện của mình thì không phải là trung vậy. Tân tức là bến vậy. Biết chỗ dừng, đó là đúng bến; không biết chỗ dừng, thì là lạc bến vậy”. Như vậy, muốn cập bến Giác Ngộ, phải có hiểu biết, nếu không sẽ bị “lạc bến” mà đi vào bể khổ tham, sân, si…Các khái niệm Tĩnh, Tri, Trí, Hòa xuất hiện nhiều trong thơ ông như bốn đỉnh tháp tư tưởng sừng sững trong thế giới thơ mang đậm sắc Thiền. Nhà thơ muốn nói với hôm nay: xây tòa nhà giáo dục cho xã hội và xây ngôi nhà nhân cách cho mỗi người thì phải lấy bốn chữ này làm nền móng! Nếu thiếu Tĩnh con người sẽ không có bình tĩnh, điềm đạm mà dễ nóng giận; thiếu Tri sẽ dễ vô văn hóa; thiếu Trí sẽ không nhận ra đâu là phải trái; thiếu Hòa sẽ dễ gây ra xung đột…Mà hình như hôm nay con người đang thiếu cả bốn điều cơ bản ấy!!!

Truyện Kiều, một viên ngọc quý trong kho tàng văn học, một đỉnh cao tư tưởng về tình yêu thương đậm tinh thần Việt khuyên răn con người hướng về chữ Hiếu: “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”; “Thấy nàng hiếu trọng tình thâm”; “Hiếu tình, khôn lẽ hai bề vẹn hai”; “Bán mình là hiếu cứu người là nhân”; “Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?”; “Như nàng lấy hiếu làm trinh”. Rồi những biến thể của chữ Hiếu, là “hiếu phục”: “Sinh rằng: Hiếu phục vừa xong”; là “hiếu nghĩa”: “Mấy người hiếu nghĩa xưa nay”; “Người sao hiếu nghĩa đủ đường”. Là “hiếu tâm”: “Bán mình đã động hiếu tâm tới trời”. Là “hiếu tử”: “Khen rằng: Hiếu tử đã nên”…

Có thể ví Hồ Chí Minh như cây đại thụ cường tráng cắm sâu rễ vào mảnh đất văn hoá truyền thống dân tộc, văn hoá Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo và vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng lý tưởng tiến bộ của thời đại mới nên trước tác của Người vừa cổ điển, truyền thống, dân tộc lại rất hiện đại, mới mẻ, nhân loại. Quan niệm về “trung hiếu” của Người vừa kế thừa vừa biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Người giải thích ngày xưa “Trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ”, còn ngày nay “Trung là trung với Tổ quốc, Hiếu là hiếu với nhân dân”. Vì sao vậy? Vì: “Ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết yêu thương cha mẹ” (2) và khẳng định: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến dày vò…Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rộng rãi như vậy” (3). Cả cuộc đời Người đấu tranh để giành hạnh phúc cho dân, “nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng; gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Nhận được thư, quà của nhân dân, dù bận Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn chu đáo, ân tình. Đó là cách ứng xử hiếu thảo nhất của người cách mạng đối với nhân dân.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nêu một nguyên lý nổi tiếng: “Nước lấy dân làm gốc” để nhắc nhở cán bộ phải luôn biết dựa vào dân và phục vụ vì dân. Đấy là Đại Hiếu. Người giải thích: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ” (4).

Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn, có những bài như bài Lên núi“mà thơ bay cánh hạc ung dung” như bay lên cõi Niết Bàn tinh khiết: “Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối: một nhành mai”.Theo GS Phan Ngọc, “hai câu đầu nôm na để dẫn tới hai câu sau bất tử: một tứ thơ cách mạng hoà với một tứ thơ Phật giáo. Ngạn là cái bờ suối cụ thể nhưng cũng là cái bờ bên kia, cái bờ đạt đến sự giác ngộ. Mai là cây mai cụ thể nhưng cũng là kẻ thoát kiếp luân hồi” (5). Đọc những bài như thế tâm hồn chúng ta như được “thanh lọc” để trở về với những gì thánh thiện, trong sáng nhất.

3. Đã có một vài người, vô tình hay hữu ý hạ thấp vai trò lịch sử của một nền văn học cách mạng, cho rằng nó chỉ có chức năng minh hoạ chính trị. Đây là những nhận định không đúng bản chất. Phải chăng do quá tâm huyết mong muốn có một nền văn học mới đi xa hơn truyền thống hoặc do cái nhìn lệch lạc thiên kiến mà đi đến phủ định!?

Văn học là ký ức, là tiếng nói của lịch sử. Giở văn học đời Trần ta thấy thấm đẫm tinh thần Đông A mà chắc chắn âm hưởng của hai tiếng “Sát Thát” (giết giặc Nguyên) từ ngoài đời thực khi ấy đã vọng vào những trang văn, để rồi cháu conmới được đọc những lời văn thống thiết, hùng tráng, kiêu hãnh về chiến thắng trong tác phẩm của Hưng Đạo Vương, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… Giở văn học đời Lê cũng một giọng chủ âm về lòng tự hào dân tộc, về quyết tâm đánh giặc để giữ nước…Thế nên văn học Việt Nam 1945-1975 có nhiệm vụ phản ánh cuộc kháng chiến vĩ đại chống hai kẻ thù thực dân đế quốc lớn, là điều hoàn toàn đúng quy luật phản ánh luận và sáng tạo của văn học. Đây là đặc điểm lớn, đặc điểm cơ bản chứ không không phải là một hạn chếnhư có người nhận định rồi “khuôn” nó vào công thức “minh hoạ” hoặc “tuyên truyền”…Ở ngày hôm nay vấn đề biển đảo đang là sự quan tâm của mọi người dân Việt Nam, dĩ nhiên có cả văn học nghệ thuật. Chả lẽ nói, viết, sáng tạo về chủ đề biển đảo cũng là “minh họa”, “tuyên truyền”…cả sao? Không. Đó là tiếng nói của trái tim, của hàng triệu trái tim, tiếng nói của hồn dân tộc, tiếng nói của lương tri và lẽ phải!

Cả dân tộc ta phải đổ máu để giành lại độc lập tự do. Có bà mẹ hy sinh cả chín mười người con cho sự nghiệp cứu nước. Kẻ thù đổ xuống dải đất thân yêu này hàng tỷ tấn vũ khí, giết hại bao dân thường, đốt phá hàng trăm nghìn làng mạc…Đây không phải là “một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch” mà là những cuộc chiến tranh tự vệ của một dân tộc khát khao có hoà bình, trân trọng con người, yêu tự do, không chịu nhục hèn chống lại kẻ xâm lăng. Thế mà có ý kiếncho rằng cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ấy là “cuộc chiến ý thức hệ”, “phi văn hoá” thì là sự cố tình lộn sòng các giá trị, đảo ngược các quan niệm, gây ra sự hiểu lầm về bản chất của những cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Chúng ta phải có một quan niệm rõ ràng: đối với kẻ xâm lược, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “phi văn hoá” vì chúng là những kẻ giết người mang tội ác diệt chủng. Cho đến hôm nay vẫn có bao những em bé bị què quặt yếu ớt không mang dạng người bình thường vì mang di chứng chất độc màu da cam. Kẻ rải chất độc chết người ấy xuống những cánh rừng nguyên sinh, xuống những làng mạc bình yên là “văn hoá” hay “phản văn hoá”? Đối với nhân dân Việt Nam thì đó là cuộc chiến tranh vệ quốc cực kỳ có văn hóa để bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải!

Thiên chức cao quý của văn học, xét đến cùng là nhân đạo hoá con người. Vì cố tình không hiểu (hay mập mờ) điều sơ đẳng này của văn học, vì không phân biệt chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa mà có người cho rằng văn học cách mạng 1945-1975 xa rời bản chất sáng tạo. Không phải. Chưa bao giờvăn học nhân đạo cách mạng từ khi ra đời (1930) cho đến hôm nay lại đi chệch ra ngoài sứ mệnh chân chính Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Xin có một vài dẫn chứng. Trước 1945 thơ Tố Hữu là tiếng thơ của giai cấp cần lao kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh: “Sống đã vì cách mạng anh em ta/ Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà”. Chả lẽ đấu tranh giành lại độc lập tự do để thoát khỏi kiếp hèn nô lệ lại không phải là “sứ mệnh chân chính” sao? Sau 1945 cả dân tộc bước vào thời đại mới, nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm ơn cách mạng “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”. Nên nhớ trước 1945 nhà thơ họ Chế không hề có một câu thơ đấu tranh, cũng nên nhớ ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà tư tưởng, một nhà văn hoá, một nhà triết học. Một trí thức lớn như thế không ai có thể xui ông viết những câu thơ rất đỗi thành thực về cuộc đời, về Đảng trong Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc

4. Tính cách người Việt luôn hướng tới cái trong sáng, cái cao cả. Sinh sống ở mảnh đất có nhiều kẻ thù nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Sự ngưỡng vọng cái cao cả còn nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng của mình bay lên trời sống cùng các vị Tiên, và phong thánh bất tử cho họ. Dễ hiểu Đền thờ Đức Thánh Trần có ở rất nhiều nơi trên đất nước này. Có thể nói tính chất anh hùng của sử thi có ở trong máu của mỗi người Việt chân chính, nhất là khi có kẻ thù xâm lăng thì nó càng hừng hực mạnh mẽ. Tính chất sử thi luôn là một đặc tính, thuộc tính, một phẩm chất của văn học Việt Nam từ trước tới nay và mãi về sau. Chỉ nên phát triển, phát huy chứ không thể và cũng không phủ nhận được đặc tính này. Những ai “dị ứng” với văn học sử thi cần nên có một suy nghĩ khác!

Cảm hứng sử thi hào sảng trong văn học 1945-1975 đã tạo ra những hình tượng đậm chất lý tưởng. Nhân vật như một vầng hào quang trên bầu trời văn hóa tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng hướng bạn đọc đi về miền nhân văn trong vắt, đi về phía cái cao thượng anh hùng. Ngoài thành công trong việc xây dựng những điển hình, văn học còn thể hiện tinh thần của thời đại cả dân tộc một lòng đứng dậy đánh giặc: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.

Con người sử thi thời đó sống vì cái chung hơn cái riêng.Tình yêu là lĩnh vực riêng tư nhất nhưng cũng hòa vào tình yêu đất nước, tình yêu nhỏ nằm trong tình yêu lớn.Tất cả, những người nơi hậu phương, nơi tiền tuyến đều coi nhau như trong một nhà, tất cả vì mục tiêu đuổi giặc. Cũng rất lôgich, khi đồng chí coi nhau như anh em trong nhà, thì anh em cha con ruột thịt cũng lại coi nhau như đồng chí. Thậm chí khi yêu nhau cũng coi nhau như đồng chí. Câu thơ của Tố Hữu đã nói rất đúng cái tình thời đó là tình đồng chí: “Rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”. Câu thơ của Phạm Tiến Duật nói rất hay về không khí sử thi trên đường ta đi đánh giặc: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!”.Con người yêu nước, con người có văn hóa trước hết là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Một quá khứ cực kỳ cao cả, đẹp đẽ, hào hùng ấy càng phải được làm sống lại trong mỗi con tim người Việt hôm nay và mai sau.

Ở ngày hôm nay nhìn về văn học giai đoạn 1945-1975 thấy có hiện tượng này: vì được đẩy vượt lên quá mức giới hạn thông thường nên các phạm trù cũng bị phá vỡ, vượt khỏi khung khái niệm. Nhân vật trở thành siêu nhân vật; không gian trở thành siêu không gian...rồi siêu kết cấu, siêu ngôn ngữ, siêu giọng điệu...Không còn là kết cấu thông thường mà đi theo kết cấu, bố cục của các trận đánh, các chiến dịch; không còn là ngôn ngữ con người bình thường mà trở thành ngôn ngữ của lương tri, của trách nhiệm, chính nghĩa; không còn là giọng điệu cá nhân đơn lẻ mà là giọng điệu của thời đại...Đấy là lẽ tự nhiên. Chiến tranh là hiện tượng bất thường. Cuộc chiến vệ quốc của chúng ta phải chống lại và chiến thắng các siêu cường đế quốc. Văn học cách mạng đã cố gắng miêu tả, phản ánh cuộc chiến vĩ đại ấy. Phải khẳng định giá trị và ghi vào trang vàng lịch sử nước nhà sứ mệnh vẻ vang của nền văn học nhân đạo này. Vì ưu tiên nhiệm vụ chính trị kêu gọi cổ vũ phải quan tâm đến sự kiện nên không thể chú trọng đến vấn đề con người cá nhân. Đây là một đặc trưng, không phải là một hạn chế (nếu có thì hạn chế này thuộc về lịch sử). Rõ ràng văn học Việt Nam 1945-1975 đã thực sự mang một tầm văn hóa lớn lao đấu tranh vì con người.

Tri ân quá khứ là tìm ở đấy tấm gương soi để hiện tại tốt đẹp hơn. Không có thành tựu văn chương Việt Nam hiện đại trong lịch sử hai cuộc kháng chiến thì làm sao có thể có văn học Việt Nam hôm nay đa dạng sắc màu như vậy?!

Văn học hôm qua đã làm rất tốt thiên chức giáo dục con người. Cần những giải pháp nào để văn học hôm nay đi vào quỹ đạo hướng con người về phía lý tưởng cách mạng của cái chân, thiện, mỹ? Giải pháp chung mà thế giới đưa ra là xây dựng một xã hội “sống để yêu thương” và một xã hội học tập. Ở điểm này Bác Hồ cũng đi trước thời đại khi Người nóivề học cách làm người: “Nghĩ cho cùng mọi vấn đề là ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức” (6). Bác cũng từng nói hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là để sống với nhau có tình có nghĩa. Đấy cũng là đạo lý “Người trong một nước phải thương nhau cùng” của người Việt. Xây dựng một xã hội học tập vừa phát huy truyền thống hiếu học, văn hóa “trọng chữ” vừa khuyến khích mọi người tích cực thu nhận kiến thức mới, học mọi nơi, mọi lúc, không kể tuổi tác…mới có thể giúp hòa nhập với đà phát triển vũ bão của thế giới công nghệ.

5. Xin được kiến nghị các giải pháp cụ thể

5.1- Nhóm giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo

Sống ở xứ sở nhiệt đới khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai và lắm địch họa nên người dân Việt phải cô kết lại với nhau thành một khối để lao động và sinh tồn. Họ sống trọng tình, trọng niềm tin, “một điều bất tín vạn sự bất tin”. Dân ta rất thiết tha với Đảng, yêu Đảng và vì Đảng, do vậy Đảng phải đáp lại tấm lòng ấy, phải gần dân hơn, yêu và vì dân hơn, phải nói đi đôi với làm. Điều kỳ vọng nóng bỏng của dân ta hôm nay với Đảng, đặt niềm tin vào Đảng là việc chống tham nhũng triệt để và hiệu quả. Mà tham nhũng thì chỉ có ở những người có chức có quyền. Triết lý muôn đời trước nay, ở bất kỳ thể chế chính trị nào thì cũng “thượng bất chính hạ tắc loạn”, nói theo dân gian thì “nhà dột từ nóc”. Tội tham nhũng không chỉ đục khoét tài sản của Nhà nước và nhân dân, cái nguy hiểm hơn là nó đục khoét lòng tin của dân ta với Đảng, đục khoét vào các giá trị khác như đạo lý, đạo đức, trách nhiệm, bổn phận… Đảng phải lựa chọn cán bộ thực sự là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân. Đấy là cách chủ yếu để trong sạch Đảng, có như vậy mới có thể nói được với dân, thuyết phục, tuyên truyền, kêu gọi được dân. Làm sao mỗi cán bộ đảng viên phải là tấm gương sáng để quần chúng, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên lấy đó làm hình mẫu để trau dồi, học tập. Chúng ta phải thấm thía hơn nữa lời Bác Hồ dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (7). Người nhiều lần nhấn mạnh mỗi cán bộ phải lấy đạo đức cách mạng là gốc: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (8).

5.2- Nhóm giải pháp văn hóa

Những giá trị văn hóa có từ ngàn năm trong việc giáo dục đạo lý con người cần được nghiên cứu kế thừa, phổ biến. Ví dụ tác phẩm “Hậu tự huấn” của Nguyễn Trãi viết giúp vua Lê Thái Tổ để răn dạy Quốc vương Tư Tề và Thái tử Nguyên Long hay “Nhị thập tứ huấn điều” (1470) do vua Lê Thánh Tông cho công bố 24 điều quy định huấn thị quan lại từ cấp trung ương đến cấp làng xã, rất cần để cán bộ đảng viên hôm nay tham khảo, học tập, tu dưỡng. Rồi “Gia huấn ca” (tương truyền của Nguyễn Trãi) là những bài học về đạo lý làm người trong gia đình...Có thể khẳng định thời Nhà Lê cực thịnh có sự góp phần không nhỏ của văn hóa đạo lý làm người rất được nhà nước quan tâm chú ý.

Chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế về sự “xâm lăng văn hóa” mà bài học ở hầu hết các nước đang phát triển vẫn là tăng cường sức đề kháng văn hóa cho thế hệ trẻ bằng cách đầu tư làm lớn mạnh văn hóa truyền thống; bằng cách giáo dục ý thức, bản lĩnh văn hóa cho học trò ngay từ nhà trường phổ thông.

Hiện nay nhiều trẻ em mê chơi gamevà xem clip độc hại trên mạng hơn mê đọc sách, biết tên các danh thủ bóng đá, các tài tử nghệ thuật thế giới hơn là biết các danh nhân văn hóa Việt Nam…Điều này có lỗi ở người lớn. Vì chúng không có chỗ chơi, không có trò chơi hấp dẫn. Các trò chơi có trong truyền thống hàng ngàn năm như đi kheo, đánh khăng, nhảy dây, chơi đu…phù hợp với thể chất, tính cách người Việt thì hầu như bị quên lãng. Do vậy cần một giải pháp quan trọng là phục hưng văn hóa, tức là làm sống lại những giá trị văn hóa cổ truyền. Nhưng lại xảy ra tình trạng có nơi quá chú ý tới hình thức hơn là chú ý tới nội dung của văn hóa. Ví dụ việc tổ chức lễ hội tràn lan, thiếu chọn lọc nên hội đông mà không vui, tiền thu được thì có thể nhiều nhưng lợi ích văn hóa thì ít thấy. Nhiều người đi hội chỉ chăm chăm cúng lễ, khấn vái…, thậm chí cướp lộc “thánh” chứ không mấy quan tâm tới lịch sử lễ hội, ý nghĩa ngày tưởng nhớ tôn vinh các vị thánh (thần) có công với hậu thế. Như thế thì tấm lòng không thanh tịnh (vì không nhận được bài học giáo dục), không thư thái vui vẻ (vì không được tiếp nhận ý thức thẩm mỹ) vốn là những yêu cầu đặc trưng về mặt tinh thần của lễ hội truyền thống.

Phải có những giải pháp quản lý văn hóa một cách chặt chẽ về mặt nhà nước. Tại sao có quy định hẳn hoi mà vẫn có nhiều sinh viên (là trí thức) khi đến Văn Miếu vẫn sờ, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa? Tại sao tình trạng “chặt chém” khách du lịch diễn ra thường xuyên? Tại sao lại có thịt thú rừng bày bán la liệt ở khu vực lễ hội lẽ ra phải là một không gian trong lành, chay tịnh, hòa hợp với thiên nhiên…? Vì ý thức kém của con người, và rõ ràng có nguyên nhân từ phía cơ quan chủ quản chưa có một điểm tựa pháp luật để răn đe, xử phạt. Phải sớm luật hóa lễ hội, phải có những văn bản pháp quy dưới luật làm căn cứ để quản lý. Không chỉ lễ hội mà còn bao phương diện khác của văn hóa đời sống cần được luật hóa, như chuyện đánh cãi nhau, chuyện đổ rác sai quy định…Những điều này trong Bộ Luật Hồng Đức cách nay đã trên năm trăm năm lại được ghi rất cụ thể. Nhìn sang các nước bên cạnh, như Singapore, Malaixia...luật pháp của họ quy định cụ thể đến chi tiết nhỏ như cãi lộn trên đường phố, hút thuốc sai quy định,...đều bị xử phạt bằng cả hai hình thức, trừng phạt về vật chất (nộp tiền), về tinh thần (ngồi tù)…

Phải tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc. Dĩ nhiên tiếp thu truyền thống phải trên tinh thần phản biện, gạn lọc, những cái gì bất cập, cổ hủ, phong kiến, không phù hợp với văn hóa hôm nay cần phải nghiên cứu loại bỏ. Đồng thời với việc kết hợp làm mới những giá trị truyền thống. Lịch sử văn hóa nhân loại chứng minh bất kỳ sáng tác của một nhà văn hóa lớn nào cũng đều được bắt nguồn, khơi nguồn từ truyền thống, nhưng trong những sáng tác ấy đều có những dấu ấn cách tân rất rõ. Hiện nay các khuynh hướng, các trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật trên thế giới hay có dở có đang từng bước ảnh hưởng tới nước ta. Chúng ta chấp nhận sự đa dạng hóa trong hướng tiếp cận đối tượng sáng tác, nghiên cứu nhưng làm sao phải đảm bảo yếu tố phù hợp với bản sắc văn hóa Việt, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của đông đảo quần chúng lao động. Liệu lối sáng tạo theo hướng “hậu hiện đại” trong văn học nghệ thuật Việt Nam có phù hợp?Đi theo lối phi truyền thống, đẩy sự tìm tòi đi về phía bản năng, hình thành tác phẩm theo lối cắt dán những mảnh vỡ vốn rời rạc, ngôn từ nghệ thuật giải sử thi để quay về cái thông tục, phi lý…Liệu những lý thuyết ấy có ăn nhập gì với mảnh đất văn hóa Việt?

Triết học văn hoá hiện đại rất chú ý tới khái niệm tính người, coi mỗi con người là một cá thể văn hoá phát triển trong một môi trường văn hoá nhất định. Hãy cứ hình dung mỗi cá nhân như một cây xanh tươi tốt là nhờ nó luôn cắm rễ rất sâu vào mảnh đất truyền thống để hút từ đó những dinh dưỡng tinh hoa. Đồng thời cây xanh ấy luôn vươn cao hô hấp, quang hợp ánh sáng, không khí của bầu trời văn hoá đương đại. Nếu cây được trồng ở mảnh đất dù có rất giàu dưỡng chất truyền thống mà thiếu ánh sáng và khí trời của thời hiện đại thì nó cũng còi cọc, và ngược lại.

5.3- Nhóm giải pháp giáo dục

Chúng ta cần nhanh chóng hòa nhập với trào lưu giáo dục hiện nay của thế giới, nhất là ở các nước có nền giáo dục tiên tiến đều hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là sự cụ thể hóa triết lý học để làm người. Phải tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì gia đình là tế bào của xã hội, mỗi người từ thuở ấu thơ cho đến lúc trư­ởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hoá truyền thống từ gia đình. Gia đình cũng là nơi phát hiện sớm nhất và kịp thời ngăn ngừa những hành vi, những hiện tư­ợng xã hội phi đạo đức, vi phạm pháp luật của các thành viên. Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân, bởi bản thân mỗi người vừa là chủ thể vừa là khách thể trong quá trình tự giáo dục, điều chỉnh lẽ sống, hành vi. Không ai có thể sống thay ai. Do vậy việc giáo dục một ý thức văn hóa tự làm chủ bản thân mỗi người là rất quan trọng. Hơn nữa nhận thức là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ trong đó chủ thể nhận thức đóng vai trò quyết định. Phải tự mày mò, học hỏi, tự tìm lấy con đường đi cho chính mình thì tri thức thu được mới chắc chắn, mới làm chủ được nó. Nói thế cũng không hề phủ nhận ý nghĩa, giá trị, công lao hướng dẫn, gợi mở của người thầy, nhưng cái chính vẫn là người học, tự học, tự rèn. Không một ông thầy vĩ đại nào có thể dạy một trò từ kém thành giỏi nếu trò đó không thích học, không chủ động học. Bởi trò đó không có động cơ tiếp thu. Nhưng một trò thích học lại được học thầy giỏi thì sẽ tiến bộ rất nhanh chóng.

Mục đích giáo dục ở nhà trường phổ thông hướng tới là xây dựng nhân cách văn hóa. Cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy người trước rồi mới dạy chữ. Cách dạy nhồi nhét kiến thức vừa phản khoa học vừa phản văn hóa. Vì nó bắt các em làm người lớn quá sớm, vất vả quá sớm, khôn quá sớm so với độ tuổi cần được chơi nhiều hơn học. Dạy người tức bồi dưỡng một tư cách công dân nhưng ở nhà trường hôm nay môn giáo dục công dân chưa được đánh giá đúng, bị coi là môn phụ, thậm chí giáo viên nào dạy cũng được. Văn hoá truyền thống ngấm rất sâu, biểu hiện rất tinh tế ở nghệ thuật truyền thống. Không thể không đưa những nét đẹp văn hoá của nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy ở các cấp phổ thông. Cái gì là hồn cốt dân tộc thì phải học. Cần đưa vào chương trình phổ thông để giảng dạy cho học sinh một số bộ môn nghệ thuật dân tộc truyền thống cơ bản (như hát chèo, hát dân ca...).

5.4- Nhóm giải pháp luật pháp, hành chính

Trong một xã hội hiện đại thì lý tưởng, niềm tin của con người gắn chặt với luật pháp, con người điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo luật pháp.

Chịu ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông ngại va chạm, ngại đến “chốn công đường” (Vô phúc đáo tụng đình) nên phần lớn ng­ười dân chư­a nhận thức đ­ược quyền lợi và nghĩa vụ của mình tr­ước pháp luật. Vốn quen sống trong một môi trường không gian tư­ơng đối biệt lập, khép kín của làng xã với sự tĩnh lặng, ít biến đổi, quen sống và tuân thủ theo lệ làng nên dễ xuất hiện t­ư t­ưởng cục bộ, bè phái, thiếu một nhân cách pháp luật. Bác Hồ từng chỉ ra: quan tham vì dân dại, nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì quan dù không liêm cũng hoá ra liêm. Có nghĩa là khi trình độ dân trí cao, dân biết quyền hạn của mình, có năng lực kiểm tra, giám sát, không những ngăn chặn được hiện tượng “tham” mà còn giúp cán bộ thực hiện đư­ợc tốt phẩm chất “liêm”. Cho nên nâng cao dân trí là điều kiện để nâng cao nhận thức về vai trò của pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân.

N.T.T

----------

  1. Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập). Nxb Chính trị Quốc gia 2000, tập 9, tr 283.
  2. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd, tập 5, tr 640.
  3. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd, tập 7, tr 60.
  4. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd, tập 5, tr 644.
  5. Viện Văn học (1993). Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù. Nxb Giáo dục, tr 615.
  6. Nhà nước và pháp luật Việt Nam – Nxb Pháp lý, 1990, tr 174.
  7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tr. 558
  8. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd, tập 5, tr. 252 - 253.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)