Sự cất tiếng của kí ức, lịch sử và lương tri

Thứ Sáu, 30/04/2021 00:44

. NGUYỄN THANH TÚ
 

Đã có một số người, vô tình hay hữu ý hạ thấp vai trò lịch sử của nền văn học cách mạng, cho rằng nó chỉ có chức năng minh họa chính trị. Đây là những nhận định không đúng bản chất. Phải chăng do quá tâm huyết mong muốn có một nền văn học mới đi xa hơn truyền thống hoặc do cái nhìn lệch lạc thiên kiến mà đi đến phủ định?

Văn học là kí ức, là tiếng nói của lịch sử. Giở văn học đời Trần ta thấy thấm đẫm tinh thần Đông A mà chắc chắn âm hưởng của hai tiếng “Sát Thát” (giết giặc Nguyên) từ ngoài đời thực khi ấy đã vọng vào những trang văn, để rồi cháu con mới được đọc những lời văn thống thiết, hùng tráng, kiêu hãnh về chiến thắng trong các tác phẩm của Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… Giở văn học đời Lê cũng gặp một giọng chủ âm về lòng tự hào dân tộc, về quyết tâm đánh giặc để giữ nước… Thế nên văn học Việt Nam 1945-1975 có nhiệm vụ phản ánh cuộc kháng chiến vĩ đại chống hai kẻ thù thực dân đế quốc lớn là điều hoàn toàn đúng quy luật phản ánh luận và sáng tạo của văn học. Đây là đặc điểm lớn, đặc điểm cơ bản chứ không phải là một hạn chế như nhiều người nhận định rồi “khuôn” nó vào công thức “minh hoạ” hoặc “tuyên truyền”… Ngày hôm nay, vấn đề biển đảo đang là sự quan tâm của mọi người dân Việt Nam, dĩ nhiên có cả những chủ thể sáng tạo văn học nghệ thuật. Chả lẽ sáng tạo về chủ đề biển đảo cũng là “minh họa”, “tuyên truyền”… cả sao? Không. Đó là tiếng nói của trái tim, của hàng triệu trái tim, tiếng nói của hồn dân tộc, tiếng nói của lương tri và lẽ phải!

Dân tộc ta phải đổ bao nhiêu máu xương mới có thể giành lại độc lập tự do. Có bà mẹ hi sinh cả chín mười người con cho sự nghiệp cứu nước. Hãy nhìn và ngẫm nghĩ, kẻ thù đã đổ xuống dải đất thân yêu này hàng tỉ tấn vũ khí, giết hại bao dân thường, đốt phá hàng trăm nghìn làng mạc… Cuộc chiến mà nhân dân Việt Nam bất đắc dĩ phải thực hiện trong thế kỉ XX không phải là “một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch” mà là cuộc chiến tranh tự vệ của một dân tộc khát khao hoà bình, trân trọng con người, yêu tự do, không chịu nhục hèn... chống lại kẻ xâm lăng. Thế mà có ý kiến cho rằng cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ấy là “cuộc chiến ý thức hệ”, “phi văn hoá”. Đây là sự cố tình lộn sòng các giá trị, đảo ngược các quan niệm, gây ra sự hiểu lầm về bản chất của những cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Chúng ta phải có một quan niệm rõ ràng: Cuộc chiến tranh mà kẻ xâm lược gây ra ở Việt Nam là “phi văn hoá” vì đồng nghĩa với tội ác diệt chủng. (Cho đến hôm nay vẫn có bao con người, bao cuộc đời mang di chứng chất độc màu da cam.) Còn cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam là rất có văn hóa nhằm bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải.

Thiên chức cao quý của văn học, xét đến cùng, là nhân đạo hoá con người. Vì cố tình không hiểu (hay mập mờ) điều sơ đẳng này của văn học, vì không phân biệt nổi chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa nên có người cho rằng văn học cách mạng 1945-1975 xa rời bản chất sáng tạo. Không phải. Chưa bao giờ văn học cách mạng, từ khi ra đời (1930) cho đến hôm nay, lại đi chệch ra ngoài sứ mệnh chân chính “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Trước 1945, thơ Tố Hữu là tiếng thơ của giai cấp cần lao kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh: Sống đã vì cách mạng anh em ta/ Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà. Chả lẽ đấu tranh giành lại độc lập tự do để thoát khỏi kiếp hèn nô lệ lại không phải là “sứ mệnh chân chính” sao? Sau 1945, cả dân tộc bước vào thời đại mới, nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm ơn cách mạng: Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi. Nên nhớ, trước 1945, Chế Lan Viên không hề có một câu thơ đấu tranh, cũng nên nhớ ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà tư tưởng, một nhà văn hoá.

Tính cách người Việt luôn hướng tới cái trong sáng, cái cao cả. Sinh sống ở mảnh đất có nhiều kẻ thù nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Sự ngưỡng vọng cái cao cả còn nâng đến mức tuyệt đối là cho thần tượng của mình bay lên trời sống cùng các vị tiên, và phong thánh bất tử cho họ. Dễ hiểu vì sao đền thờ Đức Thánh Trần hiện diện ở rất nhiều nơi trên đất nước này. Có thể nói tính chất anh hùng của sử thi đã ở trong máu của mỗi người Việt chân chính, nhất là khi có kẻ thù xâm lăng thì nó càng hừng hực mạnh mẽ. Tính chất sử thi luôn là một đặc tính, thuộc tính, một phẩm chất của văn học Việt Nam từ trước tới nay và mãi về sau. Chỉ nên phát triển, phát huy chứ không nên và cũng không thể phủ nhận được đặc tính này. Những ai “dị ứng” với văn học sử thi cần có một suy nghĩ khác!

Cảm hứng sử thi hào sảng trong văn học 1945-1975 đã tạo ra những hình tượng đậm chất lí tưởng. Nhân vật như một vầng hào quang trên bầu trời văn hóa tỏa chiếu ánh sáng lí tưởng hướng bạn đọc đi về phía giá trị nhân văn, phía cái cao thượng anh hùng. Ngoài thành công trong việc xây dựng những điển hình, văn học còn thể hiện tinh thần của thời đại cả dân tộc một lòng đứng dậy đánh giặc: Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành (Tố Hữu). Con người sử thi thời đó sống vì cái chung hơn cái riêng. Tình yêu là lĩnh vực riêng tư nhất nhưng cũng hòa vào tình yêu đất nước, tình yêu nhỏ nằm trong tình yêu lớn. Tất cả, những người nơi hậu phương, nơi tiền tuyến đều coi nhau như trong một nhà, tất cả vì mục tiêu đuổi giặc. Cũng rất logic khi đồng chí coi nhau như cha con anh em trong nhà và anh em cha con ruột thịt cũng lại coi nhau như đồng chí. Thậm chí khi yêu nhau cũng coi nhau như đồng chí. Câu thơ của Tố Hữu đã nói rất đúng cái tình thời đó là tình đồng chí: Rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí. Câu thơ của Phạm Tiến Duật nói rất hay về không khí sử thi trên đường đi đánh giặc: Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Con người yêu nước, con người có văn hóa trước hết là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Quá khứ cao cả, đẹp đẽ, hào hùng ấy càng phải được làm sống lại trong mỗi trái tim người Việt hôm nay và mai sau.

Ngày hôm nay nhìn về văn học giai đoạn 1945-1975 thấy có hiện tượng này: Vì được đẩy vượt lên quá mức giới hạn thông thường nên các phạm trù cũng bị phá vỡ, vượt khỏi khung khái niệm. Nhân vật trở thành siêu nhân vật, không gian trở thành siêu không gian, rồi siêu kết cấu, siêu ngôn ngữ, siêu giọng điệu... Không còn là kết cấu thông thường mà đi theo kết cấu, bố cục của các trận đánh, các chiến dịch; không còn là ngôn ngữ của con người bình thường mà trở thành ngôn ngữ của lương tri, của trách nhiệm, chính nghĩa; không còn là giọng điệu của cá nhân đơn lẻ mà là giọng điệu của thời đại... Đấy là lẽ tự nhiên. Chiến tranh là hiện tượng bất thường. Cuộc chiến vệ quốc của chúng ta chống lại và chiến thắng các siêu cường đế quốc. Văn học cách mạng đã cố gắng miêu tả, phản ánh cuộc chiến vĩ đại ấy. Phải khẳng định giá trị và ghi vào trang vàng lịch sử nước nhà sứ mệnh vẻ vang của nền văn học nhân đạo này. Vì ưu tiên nhiệm vụ chính trị, kêu gọi cổ vũ, văn học hướng sự quan tâm đến sự kiện nên không thể chú trọng đến vấn đề con người cá nhân. Đây là một đặc trưng, không phải là một hạn chế (nếu có thì hạn chế này thuộc về lịch sử). Rõ ràng văn học Việt Nam 1945-1975 đã thực sự mang một tầm văn hóa lớn lao vì con người.

Văn học hôm qua đã làm rất tốt thiên chức giáo dục con người. Cần những giải pháp nào để văn học hôm nay đi vào quỹ đạo hướng con người về phía lí tưởng cách mạng, về phía chân, thiện, mĩ? Giải pháp chung mà thế giới đưa ra là xây dựng một xã hội “sống để yêu thương” và một xã hội học tập. Ở điểm này Bác Hồ đi trước thời đại khi Người nói về học cách làm người: “Nghĩ cho cùng mọi vấn đề là ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức” (Nhà nước và pháp luật Việt Nam - Nxb Pháp lí, 1990, tr.174). Bác cũng từng nói, hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là để sống với nhau có tình có nghĩa. Đấy cũng là đạo lí “Người trong một nước phải thương nhau cùng” của người Việt.

Văn học nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo tinh thần đặc thù. Điều này thể hiện ở bốn lí do. Thứ nhất, đây là lĩnh vực của cái tôi, của cá tính sâu sắc để tạo ra tiếng nói riêng, giọng điệu riêng. Đó là cá tính để sáng tạo ra cái mới, tiến bộ, phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ, đặc sắc, độc đáo. Nghệ sĩ cống hiến cho xã hội bằng các giá trị tinh thần, làm mới các giá trị tinh thần. Thứ hai, năng khiếu sáng tạo đòi hỏi ở người nghệ sĩ sự nhạy cảm, nhất là nhạy cảm trước những biến động xã hội. Họ như cái cần ăngten thu phát những tín hiệu đổi thay của cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có một sức đề kháng, một “bộ lọc” hoàn hảo để thu phát những tín hiệu tích cực, lành mạnh nên có người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng mà trở thành cái loa tuyên truyền, gieo rắc những mầm tiêu cực. Thứ ba, về bản chất hình tượng, văn học nghệ thuật sáng tạo ra một “cuộc sống thứ hai” thoát thai từ đời sống, nhưng chỉ là mô hình chứ không phải bản thân đời sống. Có bao nhiêu tác phẩm giá trị là có bấy nhiêu mô hình, có cái giống, có cái khác, lại có cái xa lạ, thậm chí ngược với đời sống thực. Vì lẽ này, tiếp nhận văn học nghệ thuật luôn là vấn đề phức tạp. Có mô hình bị ngợi ca vô lối, có mô hình bị hiểu sai, có cái thì bị lợi dụng. Thứ tư, xét ở góc độ tiếp nhận thì văn học nghệ thuật là món ăn tinh thần, nhưng trong thời tiếp biến văn hóa rộng rãi, mạnh mẽ hiện nay, có món ăn vì nhiều lí do cả chủ quan lẫn khách quan mà dễ gây ngộ độc.

Soi những ý này vào cấu trúc nhân cách nghệ sĩ, ngoài tài năng thì lí tưởng, tinh thần, tâm huyết sẽ quyết định chất lượng tác phẩm. Vấn đề này không mới bởi khoanh lại thì vẫn là hai phạm trù “tâm” và “tài”. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, cụ Nguyễn Du nói đã mấy trăm năm. Quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm nên thời nào chữ tâm cũng được nhấn mạnh. Tức phải có ý thức chính trị cao mới tạo tiền đề cho tình yêu, cho tâm huyết - vốn được coi là những điều sống còn trong sáng tạo. Cây nghệ thuật có tươi mát, có sum suê hoa trái là nhờ được trồng trên mảnh đất của tình yêu. Thiếu tình yêu, nghệ thuật nhất định khô héo. Tình yêu không tự nhiên có mà do sự giáo dục, do rèn luyện bản lĩnh của một ý thức chính trị nhất định. Đây như một nguyên lí nghệ thuật.

Tâm lí học sáng tạo nghệ thuật cũng coi điều trước hết cần có ở người nghệ sĩ là giàu tình cảm, dễ xúc động. Người nghệ sĩ cũng là công dân, dù có tự do trong cái tôi sáng tạo thì vẫn phải ý thức được trách nhiệm phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân, chống lại cái ác, cái xấu, cái lỗi thời. Khái niệm “tự do sáng tạo” là một phạm trù mở nên hay bị lợi dụng theo ý xấu. Nghệ sĩ nào cũng tự do cả, bởi làm sao mà cấm/nhốt được tư duy?! Với phương châm vì con người, vì lẽ phải, cứ viết hết mình, viết cho thật hay. Chỉ có nghệ sĩ bất/ít tài tự đội vào đầu “vòng kim cô” của cái tâm hẹp hòi thì mới kêu đòi “tự do sáng tạo”.

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)