. TRẦN HỒNG HOA
Được hình thành ở Mĩ vào giữa những năm 90 của thế kỉ XX, phê bình sinh thái được coi là một khuynh hướng phê bình liên ngành, vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức của sinh học (với tâm điểm là môi trường), văn hoá và văn học. Trên cơ sở nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường, phê bình sinh thái sử dụng phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm để truy tìm những căn nguyên tạo nên khủng hoảng của đời sống tự nhiên, từ đó cảnh báo con người phải chú ý hơn về vai trò và tác động của mình như một phần cộng sinh của tạo hoá. Vận dụng lí thuyết phê bình sinh thái để tiếp cận các tác phẩm văn học từ cổ chí kim sẽ là một hướng đi mới mẻ và tạo được nhiều hiệu ứng thú vị. Trong bài viết, SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái cũng sẽ được giải mã từ lí thuyết phê bình mới này.
SBC là săn bắt chuột là một tiểu thuyết mang tính chất huyễn hoặc, giả tưởng. Cùng lúc dựng lên hai thế giới song hành - thế giới loài người và thế giới loài chuột, tác giả muốn dùng lăng kính nhị nguyên để giúp con người có cơ hội nhìn sâu hơn vào giá trị và vị trí của giống loài mình trong thế giới tự nhiên. Từ đầu đến cuối tiểu thuyết, luôn luôn được đặt trong thế đối sánh với một loài động vật được coi là thấp hèn và bẩn thỉu, con người - với tất cả những sự lột trần không khoan nhượng từ phía tác giả - liệu còn dám tự xưng là “động vật thượng đẳng nhất” hay không?
Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết nói trên, trái với hình dung của độc giả, không phải là những chàng hay nàng, những ông nọ bà kia oai phong lẫm liệt, mà lại là nhân vật Chuột Trùm - nhân vật để lại nhiều dấu ấn khó quên nhất. Chuột Trùm thuộc kiểu nhân vật giả tưởng, là một con chuột chuyên gặm nhấm tử thi nên đã thành tinh, to như con chó, nặng đến 15 cân, dọa được chó mèo, thậm chí còn có phép thuật, có thể báo mộng cho con người, trả thù con người bằng lời nguyền.
Nó là thống lĩnh của đàn chuột cũng kinh dị không kém: đàn chuột có hàng trăm con, sống như một vương quốc thu nhỏ, mỗi lần di chuyển là như một dòng sông chuột, rỉa thịt tử thi ở nhà xác bệnh viện và thịt thai nhi ở bãi rác y tế để sống. Các nhân vật trong truyện và độc giả đều sẽ cảm thấy rợn tóc gáy khi đọc những dòng tác giả mô tả về bầy chuột thành tinh này. Nhưng chính qua hình ảnh Chuột Trùm và bầy chuột đáng sợ, Hồ Anh Thái đã khắc nhấn thành công sự hủy hoại mà con người dành cho tự nhiên.
Không ai khác, chính con người đã vứt rác bừa bãi, xử lí rác thải y tế sai quy định, tiếp tay cho những tội ác ghê rợn từ phòng bệnh để làm nên nguồn thức ăn “nuôi” đàn chuột kia. Tự nhiên bị tàn phá, trở nên xấu xí, bất thường thực chất cũng là do con người gây nên. Vì lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt, con người đã không ngần ngại tàn phá Mẹ Thiên nhiên - người đã cho chúng ta tất cả mọi thứ để sinh tồn và phát triển.
Mọi ân oán giữa Chuột Trùm với con người bắt đầu từ khi nhân vật Đại Gia phá hang ổ của đàn chuột, vốn là bãi rác ở cạnh bệnh viện để xây dựng quần thể nhà hàng khách sạn khu vui chơi giải trí. Vốn dĩ đàn chuột đã chấp nhận tìm nơi khác để sống, nhưng khi vợ con Chuột Trùm hiện thành người đi vào trong mơ để báo mộng cho ông Đại Gia, xin ông từ từ phá núi để gia đình có thời gian thu xếp, phân định khu vực sinh sống, làm ăn rồi mới chuyển đi thì Đại Gia không nghe theo, vẫn để xe ủi đất phá hang ổ của đàn chuột, gây nên cái chết thương tâm của vợ con Chuột Trùm.
Từ đây, nó mới nuôi lòng oán hận, quyết tâm báo thù Đại Gia và tìm cách giết chết hắn bằng đôi mắt có năng lực phi thường của mình - đôi mắt có thể giết người và biến người khác thành kẻ mất trọng lượng, trở thành những quả bóng bay lơ lửng trên bầu trời. Ánh mắt mang lời nguyền của Chuột Trùm không chỉ là ánh mắt để trả thù mà còn là hình ảnh ẩn dụ cho hình phạt mà Mẹ Thiên nhiên giáng xuống những kẻ đã tàn phá, khoét sâu những vết thương vô phương cứu chữa lên Mẹ. Ngoài ra, ánh mắt ấy có thể còn là hình ảnh ẩn dụ cho “sự thật” về xã hội hiện đại tôn thờ vật chất, hư danh, thích dùng lời nói ngon ngọt, dáng vẻ đạo mạo để tung hỏa mù nhằm che đậy sự băng hoại, xấu xa bên trong. Bởi vậy, ai nhìn vào đôi mắt “sự thật” ấy sẽ bị mất trọng lượng, bị bay lên trời, thậm chí là bỏ mạng.
Đến đoạn cuối của quá trình săn bắt chuột, dù bị con người bắt mất “hiền thê” mới cưới và dồn vào đường cùng, Chuột Trùm vẫn là một vị tướng oai hùng, sẵn sàng ở lại, không thoát thân bằng con đường máu mà bề tôi mở ra, không chấp nhận để đàn em phải tiếp tục hi sinh vì mình và người vợ, chấp nhận đi vào chỗ chết. Có thể thấy, ẩn dưới vẻ ngoài dị hợm, xấu xí, Chuột Trùm đã có nhiều đức tính tốt đẹp, đáng được ngợi ca và ngưỡng mộ. Là một con chuột nhưng nó có những ưu điểm mà con người đáng phải học tập. Vì vậy, khi nó bị con người giết chết, cả đàn chuột hàng trăm con đã đưa xác nó đi thủy táng, đồng thời tuẫn táng theo. Chuột Trùm đã có một đám ma long trọng mà chưa con người nào trên thế gian này có được.
Qua những chi tiết trên, ta nhận thấy thế giới loài chuột đầy ắp những phẩm chất cao đẹp như tình đồng loại, đức hi sinh, sự trung thành…, trong khi đó, xã hội loài người tưởng chừng tốt đẹp lại đầy rẫy những suy đồi, bại hoại, mục ruỗng… Tác giả đã luôn đặt thế giới loài chuột trong thế tương phản với xã hội loài người để phơi bày những mặt xấu xa nhất mà con người luôn tìm cách giấu kín. Chẳng hạn như vợ chồng Chuột Trùm chung thủy, sắt son với nhau thì nhân vật Giáo Sư lại quan hệ tình dục với hàng trăm người phụ nữ; vua tôi nhà chuột nghĩa tình, trung thành thì ông Cốp, Đại Gia và Luật Sư chỉ cấu kết với nhau bằng quyền lợi.
Trong tuyến người, tác giả không để các nhân vật có tên gọi riêng mà định danh họ bằng nghề nghiệp, vừa để phiếm chỉ các hạng người trong xã hội hiện đại vừa làm mờ đi những lằn ranh nhân hình và nhân tính cụ thể trong mỗi người: ông Cốp, Đại Gia, Luật Sư, Giáo Sư, Nhà Báo, Nhà Thơ… Tất cả đều được khắc hoạ thành các nhân vật nghịch dị, có vô số bí mật, góc khuất, sự xấu xa, suy đồi ẩn giấu sau những lấp lánh chức danh và quyền cao chức trọng.
Ông Cốp - nhân vật có vị trí cao trong xã hội - thích “cạp đất mà ăn” theo đúng nghĩa đen vì xuất thân từ vùng nổi tiếng với các món đất như đất rán, đất quay, đất áp chảo…, thích chôn xác mèo rồi trồng cây khế lên trên vì “khế ấy có xác mèo chắc chắn sẽ ngọt”, thích tô môi đỏ trước khi diễn thuyết trước đám đông…
Luật Sư - đại diện cho luật pháp và sự công bằng - lại thích đám ma, hồi nhỏ thích nhặt những con vật đã chết hoặc chặt đầu búp bê đem đi chôn để làm đám ma cho chúng, lớn lên thì thích đi dự đám ma, đi đường bắt gặp đám ma cũng nhảy vào tham gia. Luật Sư còn thích tiền, mỗi lần mẹ và con cái được ai lì xì tết thì đều lấy hết, thậm chí tiền mọi người biếu cho mẹ Luật Sư khi bà bị bệnh cũng lấy không sót đồng nào. Tính tham tiền này đã khiến Luật Sư trở thành một người con bất hiếu, dám lừa mẹ kí vào giấy bán nhà, lừa mẹ vào viện dưỡng lão, thậm chí đẩy mẹ ngã chết.
Giáo Sư - nhân vật mang danh học thức và đạo đức đầy mình - thực chất lại là một kẻ cuồng dâm, trụy lạc, đồi bại. Gặp gái lạ bên đường cũng sẵn sàng ngủ với cô ta, còn khoe với tài xế rằng “vùng này đàn bà ngon thế mà gái góa bỏ không cũng phí”. Trong mấy chục năm hướng dẫn luận văn cho hàng trăm người, 60% là nữ, ông đã ngủ với 70% trong số 60% ấy. Cứ 10 cô thì ngủ với 7 cô. Thậm chí còn vỗ ngực cho rằng bản thân đã sản sinh ra tiến sĩ, thạc sĩ, còn các cô sản sinh ra con ông, không sản sinh thì đi xử lí. Vì vậy, cuối cùng ông ta bị nhiễm HIV/ AIDS, vừa không biết mình bị lây từ ai, đã lây sang cho ai, chỉ biết mình sắp chết, và dù có chết cũng không được để ai biết mình chết vì HIV, nếu không sẽ bị ô danh, đàm tiếu, gièm pha đến cả khi đã chết rồi.
Bên cạnh những nhân vật xấu xa trên, các nhân vật còn lại đều có những điều kì quái, bất thường. Chẳng hạn như nhân vật Nàng - một doanh nhân thành đạt theo đuổi chủ nghĩa độc thân - vốn có công giải lời nguyền cho những nhân vật khác, thế nhưng Nàng luôn mang bên mình một loại thuốc kì lạ chữa căn bệnh rối loạn tiền đình, gọi là thuốc cốm chuột, làm từ thịt chuột. Ông Đại Gia giàu có, khôn khéo, thích làm việc thiện nhưng có rất nhiều bồ nhí, bỏ mặc vợ con. Thậm chí những nhân vật ở tuyến phụ cũng xuất hiện đầy ấn tượng và dị thường: chủ nhiệm câu lạc bộ nữ quyền có sở trường đào mỏ, không thèm ái tình mà chỉ thèm tiền, hễ ở đâu có quỹ hỗ trợ người nghèo là lại tìm đến, 51 tuổi mới lấy chồng, đêm tân hôn ngồi ôm mặt khóc rưng rức vì biết thế này thì lấy chồng sớm hơn; phó chủ nhiệm 47 tuổi vẫn không lấy chồng, xin một bé gái làm con nuôi, bị một gã trai đểu vu khống là “minh hồi” (nói lái của “hôi mình”) nên luôn xịt nước hoa và lăn nách; cô thư kí đại hội phát dục sớm, sống cả đời truy hoan, nông nổi, dễ dãi, phù phiếm... Các nhân vật trong tuyến người là điển hình cho những hạng người khác nhau trong xã hội hiện đại nhưng đều giống nhau ở sự băng hoại, thối nát, bị đồng tiền làm mờ mắt, mất hết cả nhân tính lẫn nhân hình.
Tác phẩm mở đầu bằng một trận lụt và kết thúc bằng một trận hạn hán đã tạo nên thế song đối về thảm hoạ thiên nhiên, là sự trừng phạt được báo trước dành cho những lỗi lầm mà con người đã gây ra cho tự nhiên và tạo hoá. Mặc dù Chuột Trùm đã chết, bè lũ người đã được cứu sống nhưng sự tồn tại của họ không thể lâu bền, họ sẽ sống nhục nhã, hôi tanh, không đáng được tôn vinh, không thể làm cho người ta lay động như trước cái chết kiêu hãnh của con vật thấp hèn kia.
Như vậy, từ góc nhìn của phê bình sinh thái, trong tác phẩm SBC là săn bắt chuột, Hồ Anh Thái đã cố ý kéo con người ra khỏi trung tâm của tiểu thuyết để nhường chỗ cho loài vật. Thế giới loài người toàn những nhân vật có địa vị cao trong xã hội, được tôn kính, trọng vọng nhưng thực chất đầy những âm mưu, tính toán bẩn thỉu, những thủ đoạn đê hèn. Ngược lại, thế giới loài chuột vốn bị kinh sợ, khinh ghét trong thực tế thì khi bước vào câu chuyện lại khiến cho người ta phải thán phục, ngưỡng mộ bởi cách sống văn minh, có tình có nghĩa. Trong sự đổi ngôi giữa người và chuột, Hồ Anh Thái đã dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người thời hiện đại về sự băng hoại của những phẩm chất người. Nếu cố tình phá hủy tự nhiên, phá hủy căn tính người tốt đẹp của mình thì không bao lâu, con người sẽ nhanh chóng tự hủy diệt và biến mất như bong bóng bay lên trời cao.
T.H.H
VNQD