Khi thượng đế chết

Thứ Tư, 12/05/2021 10:56

(Đọc Đêm của Elie Wiesel, Nxb Hội Nhà văn & Tao Đàn, 2019)

“Ngày hôm nay, tôi không cầu nguyện nữa. Tôi không đủ khả năng rên rỉ mãi. Trái lại, tôi cảm thấy rất mạnh mẽ. Tôi là người tố cáo. Và bị cáo: Đức Chúa. Đôi mắt tôi mở ra và tôi đơn độc, vô cùng đơn độc trong thế giới, không có Chúa, không có loài người. Không tình yêu cũng không thương xót. Tôi chẳng là gì ngoài tro bụi, nhưng tôi lại thấy mình mạnh mẽ hơn Đấng Toàn Năng đã bó buộc cuộc đời tôi bấy lâu nay.”

Trong số những bản thảo còn sót lại của Franz Kafka, Vụ án là một trong những văn án được đánh giá cao nhất. Có người xem đó như một sự tái hiện huyền thoại của Adam và Eva khi ăn phải trái cấm rồi bị đuổi khỏi Vườn Địa đàng. Thế nhưng, Vụ án khi được nhìn lại sau 100 năm phải chăng còn là một lời tiên tri, lời tiên tri dành cho vụ án kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại - án oan của những con người Do Thái dưới sự cai trị tàn bạo của Adolf Hitler?

Mở đầu Vụ án là sự việc nhân vật Joseph K đối diện với cáo buộc về một tội danh anh không hề hay biết. Xuyên suốt câu chuyện là hành trình Joseph K miệt mài tìm cách giải oan cho mình ngay cả khi không biết tội trạng của bản thân là gì và thậm chí, mù tịt luôn cả việc ai là người đưa ra cáo buộc dành cho anh. Tương tự với Joseph K, người dân Do Thái trong suốt bốn năm Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra đã trở thành bị cáo không tội trạng, bị bắt bớ, giam cầm và tàn sát trong những trại tập trung được bày bố rộng khắp châu Âu dưới sự cai quản của Phát xít Đức. Là một người Do Thái, đồng thời là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của nạn diệt chủng, Elie Wiesel đã bất chấp những đau đớn, dày vò khi lục tìm trong ngăn hòm kí ức từng trải nghiệm đau thương thời gian bị nhốt trong những trại tập trung từ thuở thiếu thời để viết nên Đêm - câu chuyện mà “nếu trong cuộc đời tôi chỉ được viết một cuốn sách duy nhất, thì có lẽ sẽ là cuốn sách này” (Elie Wiesel).

Đêm không phải là một thiên sử thi đồ sộ viết về chiến tranh nhưng lại càng không phải là gói gọn của một buổi đêm đầy biến động. Trái lại, câu chuyện sự nối dài của những màn đêm tăm tối, vô vọng đến không lối thoát - màn đêm của tự nhiên, của thời cuộc và của số phận những con người Do Thái. Từ năm 1941, những trại tập trung được dựng nên, trở thành mức hành hình cao nhất đối với người Do Thái. Nó là nỗi ám ảnh kinh hoàng, là cơn ác mộng của đời thực. Trại tập trung: nơi người ta chứng kiến linh hồn của mình, gia đình, bạn bè từng ngày một dần mòn chết đi. Bước vào đó, mỗi người đều phải thực hiện nghi thức “gột rửa”. Giống như bước sang một trang mới của cuộc đời, nghi thức này như tẩy sạch đi con người của quá khứ, cuốn trôi đi những tháng ngày tươi đẹp và để lại duy nhất sự hoang mang, trống rỗng cùng nỗi sợ hãi tột cùng. Từ thời khắc đó, mỗi một người Do Thái với thân thể kiệt quệ, rỗng tuếch phải vật vã từng ngày, chạy đua từng ngày để tranh giành từng hơi thở, níu kéo từ giờ phút được sống mà chẳng biết rằng trên chính đường đua đó, người ta từng bước một lún sâu vào địa ngục, từng bước một đến gần với cái chết. Bởi lẽ, bước chân vào trại tập trung, thứ đầu tiên người ta bị tước đoạt chính là nhân hình: họ bị đánh đập bởi đòn roi tàn nhẫn, bị vắt kiệt bởi những căn bệnh không được chạy chữa, bởi cái đói từ những bữa ăn cầm hơi và cái giá lạnh trước sự thiếu vắng tình người.

Trại tập trung không chỉ phá nát vỏ bọc thân xác của con người mà lấy đi cả phần cốt cách của con người, lấy đi thứ phân biệt con người ta với những loài súc sinh vô tình - nhân tính. “Ở đây, mỗi người phải đấu tranh cho chính mình và đừng nghĩ đến những người khác. Thậm chí không nghĩ đến cha mình. Ở đây, cha không có nghĩa lý nữa, không anh em, không bạn bè. Mỗi người sống và chết cho chính mình, một mình.” Nhân tính còn đâu khi người ta bỏ mặc tất cả bao gồm cha mẹ, gia đình mình chỉ vì sự sống của bản thân? Nhân tính còn đâu khi người ta như trở về làm những loài động vật chỉ biết đến sự sống và cái chết của mình, chỉ biết sống bằng cái chết của những kẻ khác? Không còn nhân tính thì sự sống của con người có còn nghĩa lý ngoại trừ những vỏ bọc rủng roảng cùng một linh hồn chết ngấm?

Trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich có viết: “Chiến tranh kết thúc... phải học lại lòng trắc ẩn. Nhưng chúng ta có thể tìm lại lòng trắc ẩn từ đâu?” Đúng thế, chúng ta có thể tìm lại lòng trắc ẩn, tìm lại linh hồn, nhân tính của mình từ đâu khi mà cuộc chiến kia đã đánh cắp của ta tất cả? Người ta thường nghĩ máu và xác người nuôi lớn những cuộc chiến nhưng họ lại quên rằng thứ mà hết thảy chúng ta đánh đổi cho mọi cuộc chiến chính là lòng trắc ẩn, sự nhân từ. Để rồi, chiến tranh qua đi, người ta chẳng thể làm gì ngoài ân hận, hối lỗi và dằn vặt chính mình: Tôi sẽ không bao giờ tha thứ bản thân vì chuyện đó. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho thế giới đã dồn tôi vào bước đường cùng ấy, đã biến tôi thành một con người khác, đã đánh thức trong tôi một con quỷ dữ, tâm trí thấp hèn nhất, bản năng hoang dã nhất”. Chúng ta đã tiêu tốn hàng triệu năm để tiến hoá thành loài người, tự hào vì là loài động vật cao cấp nhất để rồi chỉ bằng việc chọn lựa chiến tranh, chúng ta phủi bỏ hàng triệu năm đã qua mà quay về làm những loài vật vô tri, hung bạo và tàn nhẫn!

Nhà văn Elie Wiesel

Là những đứa con của Chúa, người Do Thái xem đức tin dành cho Ngài là chỗ dựa vững chãi nhất trên đời. Suốt những ngày tháng bị giam cầm trong màn đêm, họ tìm đến Chúa trời, cầu nguyện và van xin. Niềm tin vào Chúa cho họ nghị lực để sống, lí do để tồn tại. Thế nhưng, khi từng đợt tuyển chọn qua đi, từng lần một chứng kiến đồng loại bất lực trong việc giành giật sự sống, liệu niềm tin đó có còn bất di bất dịch và những lời cầu nguyện có còn là lẽ sống? Khi họ cấu xé nhau vì những mẩu bánh mì, tranh giành nhau cơ hội được chữa dứt căn bệnh kiết lị, phỉnh phờ nhau để thoát khỏi sợi dây thừng trực chờ siết chặt cổ mình - Thượng Đế đã làm ngơ! Làm ngơ mặc kệ những con chiên đang oằn mình đón nhận cái chết, làm ngơ trước lời khẩn cầu để được nhìn thấy ngày mai đầy tuyệt vọng. Và rồi Thượng Đế đã chết, chết trong ý niệm của những tín đồ, chết cùng cái chết dần mòn xâm lấn những đứa con của dân tộc Do Thái. Thượng Đế đã chết và con người ta thì buông bỏ khát khao được sống, thất vọng trước Đấng Toàn năng đã bỏ rơi sinh mạng bé nhỏ của mình đến mức phải bán rẻ cả linh hồn để bám trụ từng hơi thở mong manh!

Đêm khép lại khi ánh sáng đã trở về với nhân loại, khi những trại tập trung chỉ còn là trang sử đen tối không ai muốn gợi nhắc. Nhưng liệu ánh sáng của hôm nay có che mờ được vết thương của quá khứ? Người chết không thể sống lại, nhân tính đã đánh đổi không sao đòi về. Con người ta liệu sẽ đi qua quá khứ rồi tiến về tương lai hay chỉ là có thể nỗ lực không ngừng để trốn chạy bóng đêm hồi ức, trốn chạy khỏi con thú dữ có thể sống dậy bất cứ lúc nào bên trong con người mình?

LAM THẢO

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)