Quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh phong trào Học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đấu tranh chống các quan điểm lệch lạc

Thứ Năm, 20/05/2021 17:17

. NGUYỄN HẢI THANH

 

Đại hội XIII của Đảng là một thành công lớn mở ra một kỷ nguyên mới về những sự phát triển đầy hứa hẹn. Nghị quyết Đại hội là ánh sáng, là kim chỉ nam để đất nước ta, dân tộc ta vững bước đi lên. Từ góc nhìn xây dựng Đảng về đạo đức gắn với đẩy mạnh phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bài viết xin đưa ra mấy vấn đề nhỏ về đặc trưng, giải pháp và ý nghĩa.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII là điểm tựa để đất nước ta đổi mới, phát triển: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết cũng đề ra phương pháp luận chung là nguyên lý hành động: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam…”. Và những biện pháp cụ thể, thiết thực: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng”. Cũng lấy đó làm điểm tựa, bài viết xin đi sâu vào nội dung:

Ngày 01/7/1922 trên báo Người cùng khổ (tiếng Pháp) Nguyễn Ái Quốc cho in truyện Lời than vãn của bà Trưng Trắc lên án Khải Định (đang tham dự cuộc Đấu xảo thuộc địa tại Pháp) tội dứt bỏ truyền thống vẻ vang của Tổ quốc để đi ôm chân kẻ xâm lược là thực dân Pháp. Ấn tượng mạnh với độc giả Pháp đến mức hôm nay họ vẫn lấy truyện làm bài học giáo dục biết ơn quá khứ lịch sử, biết ơn tiền nhân. Có học giả lại lấy nội dung truyện minh họa cho câu phương ngôn nổi tiếng: nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác. Giới phê bình hàn lâm thì coi truyện là mẫu mực cho nghệ thuật tự sự - trào phúng: kết cấu linh hoạt, lời văn thâm thúy mà tinh tế, vận dụng nhiều thủ pháp hiện đại như huyền ảo, giễu nhại, “hài hước đen” (black humor)...

Một biểu hiện bản lĩnh Hồ Chí Minh là sự nhất quán tuyệt vời. Mục đích đặt ra khi bước chân xuống tàu tìm đường cứu nước cho đến khi tuổi cao đều không thay đổi và Người cố gắng thực hiện trọn vẹn nhất có thể. Đó là mẫu nhân cách tự trọng, thủy chung, trước sau như một với chính mình, lấy đó làm cái “bất biến” để “ứng” với cái “vạn biến” trong cuộc đời.

Bác Hồ là tấm gương đẹp nhất về sự tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cáo các giá trị truyền thống. Nhiều nghiên cứu văn hóa trên thế giới hôm nay lấy câu nói của Người làm phương pháp luận: những dòng suối tiến bộ luôn chảy ra từ ngọn núi cổ điển. Triết học văn hóa đương đại khuyến khích đa dạng cách tiếp cận nhưng vẫn nhấn vào hướng đổi mới trên nền truyền thống. Người ta càng thấy câu nói ấy không chỉ là nguyên lý khoa học, còn là chân lý lịch sử và đạo lý ứng xử.

Trong tác phẩm của Người, nhất là từ 1941 đến 1945 xuất hiện nhiều lần các cụm từ chỉ dòng giống vinh quang của người Việt: Hồng Lạc, Lạc Hồng, Con Hồng cháu Lạc, Con Rồng cháu Tiên, Rồng Tiên… vừa gợi lên niềm tự hào về truyền thống cao quý vừa gợi nhắc một ý thức đoàn kết. Hơn thế, còn là bài học biết ơn quá khứ nguồn cội.

Người cán bộ đảng viên hôm nay phải thấm nhuần hơn nữa lời của Bác: “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Phải coi đây là bài học đạo đức đầu tiên vì đó là cách làm vững cái gốc truyền thống để tươi tốt phần thân ngọn nhân cách! Bác là sự kết tinh đạo lý dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bác dạy cán bộ phải rèn luyện đủ đức đủ tài, lấy đức làm gốc để phục vụ nhân dân thật tốt. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là mẫu mực sinh động, thuyết phục cho chính những điều ấy.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ không chỉ là “kim chỉ nam” cho đất nước ta đổi mới, phát triển mà còn ảnh hưởng ở tầm nhân loại. Gần đây (05/10/2019), Hội thảo khoa học quốc tế có chủ đềGlobal Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh toàn cầu) được tổ chức ở New York (Mỹ) cho thấy thế giới nghiên cứu Bác Hồ như là một đối tượng ưu tiên. Các chủ đề được các học giả Mỹ và Đại học Columbia đề xuất khi cùng đứng ra tổ chức hội thảo đều tập trung khẳng định không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa, Hồ Chí Minh còn là cầu nối Việt Nam và thế giới, nhân cách của Người sẽ mãi tỏa sáng khắp các châu lục. Di sản tư tưởng và những giá trị văn hoá cao đẹp của Bác Hồ đang được cả nhân loại đón nhận.

Thế mà tại sao ở ngày hôm nay, trên đất nước tự do và đổi mới do chính Bác Hồ và Đảng khai sinh, khởi xướng, lãnh đạo đang gặt hái những thành quả lớn lao, được quốc tế thừa nhận vẫn có những người, thậm chí được gọi là trí thức lại có ý phủ nhận đường lối, công lao Bác Hồ và Đảng ta? Tại sao lại có số ít người phủ nhận Cách mạng tháng Tám, phủ nhận hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại?...

Ai cũng biết năm 1945 nước ta bị 2 triệu người chết đói. Lịch sử đau đớn khắc ghi tội ác của bọn đế quốc, thực dân, phát xít, phong kiến vào đạo lý, lương tâm, lương tri mỗi người Việt yêu nước. Ngày nay thế giới ca ngợi Bác Hồ có cách giải quyết tuyệt vời nhất trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau tháng 9/1945 nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong giặc ngoài nhưng Bác vẫn chủ trương giải quyết hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, là tầm trí tuệ kiệt xuất trên cơ sở một tình yêu nước, yêu dân lớn lao hiếm thấy. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào và ngược lại!

Thế mà sao họ nỡ quên lịch sử? Sao họ nỡ quên hàng vạn hàng triệu người con ưu tú ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh để đất nước vẻ vang có ngày hôm nay!?

Với mỗi con người thì thân thể là quý giá nhất. Thế mà bao đồng bào hy sinh cái quý giá nhất để Tổ quốc nở hoa độc lập, để hôm nay đất nước kiêu hãnh ngẩng cao đầu cùng các cường quốc. Đã là công dân, không một ai được quên lịch sử, càng không được phủ nhận lịch sử. Vì thế là đi ngược với tính người, đi ngược với đạo lý Việt! Lời cha ông dạy còn văng vẳng trong các kho sách cổ: thờ ơ là vô cảm, chối bỏ là vô tri, phủ nhận là vô luân!

Cái lõi của vấn đề là cách loại bỏ cái chủ nghĩa cá nhân ở số ít những người trên. Nếu không chúng sẽ là các khối u độc “di căn” khắp cơ thể xã hội. Điểm tựa vững chắc nhất cho công việc này là tư tưởng Hồ Chí Minh về “nâng cao đạo đức cách mạng”!

Một là, mỗi cán bộ đảng viên là tấm gương sáng.

Thế giới đang kêu gọi xây dựng một “xã hội học tập” mà hạt nhân của nó là sự học tập lẫn nhau, soi sáng, nâng đỡ nhau. Bác Hồ dạy cán bộ phải gần gũi học hỏi quần chúng, phải là tấm gương cho quần chúng, thì đó chính là bản chất của “xã hội học tập”. Bác đã đi trước thời đại về giáo dục. Đảng ta có hàng triệu đảng viên thực sự là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân thì toàn dân tin Đảng, theo Đảng. Tự nhiên kẻ xấu sẽ không còn đất sống!

Hai là, giáo dục bằng truyền thống văn hóa.

Những giá trị văn hóa có từ lâu đời trong việc giáo dục đạo lý cần được kế thừa, phổ biến. Các giá trị ấy kết tinh trong văn học dân gian và bác học (như Hậu tự huấn, Gia huấn ca), trong các hương ước...rất có ích cho hôm nay. Phải tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì bất cứ ai từ ấu thơ đến khi trư­ởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hoá truyền thống từ “nếp nhà”. Gia đình cũng là nơi phát hiện sớm nhất và kịp thời ngăn chặn những hành vi, những hiện tư­ợng phi đạo đức của các thành viên. Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân. Không ai có thể sống thay ai. Việc giáo dục một ý thức văn hóa tự làm chủ bản thân là cực kỳ quan trọng.

Ba là,tiếp thu tư tưởng giáo dục hiện đại của thế giới trên nền tảng cái dân tộc, truyền thống. Thế giới coi thế kỷ XXI là “thế kỷ của tâm linh” với ý nghĩa hướng con người về cội nguồn quá khứ tổ tiên, lấy đó làm các nguồn lực văn hóa tạo thành điểm tựa ứng phó với cách mạng 4.0 để tạo ra sự cân bằng trong đời sống. Do vậy lịch sử, tôn giáo, phong tục, tín ngưỡng...rất được quan tâm, chú ý. Cũng vì thế mà người ta rất coi trọng việc xây dựng nhân cách văn hóa. Như cây xanh cắm sâu rễ vào mảnh đất truyền thống rồi vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng trí tuệ tiên tiến của thời đại mới. Có vậy cây mới khỏe mạnh, cứng cáp vững vàng trước những cơn bão công nghệ lạnh lùng, mạnh mẽ. Đúng với truyền thống, đúng với tinh thần giáo dục của thế giới thời 4.0, đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm hơn việc dạy người(đức) trước rồi mới dạy chữ (tài).

Bốn là, giải pháp luật pháp, hành chính.

Đạo đức là gốc của nhân cách. Đạo đức cũng là gốc của pháp luật. Một ng­ười có đạo đức tốt có thể thiếu kiến thức luật pháp như­ng sẽ có nhận thức đúng về cái thiện, cái ác và sẽ ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức. Do vậy nâng cao kiến thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức.

Việc ra luật là cần thiết nhưng việc giải thích, h­ướng dẫn, phổ biến và thực thi pháp luật cũng rất quan trọng. Luật phải đi vào đời sống mới có giá trị để xây dựng ý thức pháp luật, văn hoá pháp luật.Mặt trái của tâm lý tiểu nông cố hữu là ngại liên quan đến pháp luật, “vô phúc đáo tụng đình”. Vì không quen, không ưa việc giải quyết bằng pháp luật dẫn đến thiếu niềm tin vào pháp luật, thiếu tôn trọng luật, dễ có hành vi chệch khỏi chuẩn mực pháp lý. Vì thế cần thiết phải triển khai giảng dạy, tuyên truyền pháp luật một cách hệ thống đến mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Khi toàn xã hội “thượng tôn pháp luật” thì “thần linh pháp quyền” sẽ là ánh sáng ngăn chặn, giáo dục kẻ xấu, ý đồ xấu!

Là một người lính, tôi xin có vài lời nhấn sâu về ý nghĩa đạo đức của hình tượng này!

Trong Đại dịch Co-vid 19 đã và đang diễn ra hàng ngàn công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về với Mẹ Tổ quốc được “cách ly” trong các doanh trại quân đội. Nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội nói cảm nhận khi về đến đất nước như là về với nhà mình. An toàn, yên tâm, ấm áp. Được bác sỹ quân y khám bệnh, động viên, thăm hỏi. Được bộ đội tận tình phục vụ ăn nghỉ, sinh hoạt...Bộ đội như người thân ruột thịt. Yêu thương, che chở, cưu mang, đùm bọc!

Khi cả nước theo lời kêu gọi của Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, quân đội là người lính tiên phong. Bộ đội nhường doanh trại. Bộ đội làm bác sỹ, y tá, hộ lý. Người đi xa trở về ăn bữa cơm quê nhà thật ngon. Vì cơm đó do bộ đội nấu, trong bữa cơm ấy có ân nghĩa, ân tình của đạo lý “Thương người như thể thương thân”...Trong phòng thí nghiệm, những chiến sỹ quân y quên ngày đêm, quên cả bản thân để phát minh bộ xét nghiệm được quốc tế công nhận, không chỉ góp phần ngăn chặn hiệu quả “giặc vi-rut” trong nước còn xuất khẩu giúp bạn bè.

Nước ta nằm sát ngay vùng tâm dịch, đường biên giới lại thật dài. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc bộ đội biên phòng phải căng mình giúp dân, bảo vệ dân chống dịch, ngăn “dịch” tràn vào nước mình...

Đấy chỉ là một vài biểu hiện gần nhất, dễ thấy về người lính trong sứ mệnh “Vì nhân dân phục vụ. Vì nhân dân hy sinh”!

Trong lịch sử giữ nước hiện đại, người lính cụ Hồ đã dùng máu mình viết nên những trang sử vẻ vang nhất của dân tộc. Bước vào thời kỳ 4.0, kế thừa và phát huy lý tưởng “Trung với Đảng. Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ giang sơn bộ đội luôn là cánh tay phải của Đảng, của nhân dân trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước.

Đất nước mình nhiều địch họa, lắm thiên tai. Vì dân, bộ đội trừ “địch họa”. Vì dân, bộ đội thắng “thiên tai”. Là đội quân chủ lực trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bộ đội lại tiên phong trong xử lý ô nhiễm môi trường. Nơi nào, dù xa xôi nhất có lũ cuốn, có mưa nguồn, có núi lở, có rừng cháy... nơi đó bộ đội có mặt sớm nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân. Ngay nơi đồng bằng mưa bão ngập đồng, bộ đội lặn gặt lúa giúp dân. Nơi hạn mặn xâm hại, bộ đội san sẻ cùng dân từng lít nước ngọt.

Quân đội có những Tổng Công ty, những doanh nghiệp lớn làm kinh tế đóng góp không nhỏ vào Tổng sản phẩm quốc dân. Bộ đội làm đường tuần tra biên giới. Bộ đội làm đường đến từng bản nhỏ. Bộ đội kéo điện sáng. Bộ đội làm bác sỹ chữa bệnh. Bộ đội làm thầy giáo dạy trẻ cái chữ cụ Hồ. Bộ đội tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật... Ở đâu có bộ đội ở đó bà con yên tâm. Bộ đội đã đem lại cuộc đời mới cho người dân nơi hẻo lánh nhất!

Điểm tựa của nền kinh tế biển ở bất cứ quốc gia nào cũng là sự bảo vệ chắc chắn của các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển. Những năm gần đây vấn đề chủ quyền biển đảo ngày thêm nóng bỏng. Là quốc gia biển, Tổ quốc yên tâm có những đứa con yêu ngày đêm giữ trời ta xanh sắc thắm hòa bình, giữ biển ta mãi ngân nga tiếng hát bài ca gọi cá. Bộ đội giỏi ngoại ngữ, nắm chắc Luật hàng hải...Bộ đội giúp ngư dân ra khơi, tuyên truyền đồng bào không xâm phạm lãnh hải nước bạn. Bộ đội trợ giúp pháp lý quốc tế...

Tham gia đội quân giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc là những bác sĩ quân y, sỹ quan hậu cần, sỹ quan tham mưu... Họ thay mặt đất nước mình tận tụy giúp đỡ, bảo vệ những người dân nghèo khổ nơi châu Phi xa xôi đang cần sự chia sẻ của tình người...Dù là thời bình bộ đội vẫn còn đổ máu vì phải rà phá bom mìn đang nằm sâu trong lòng đất. Đấu tranh chống tội phạm ma túy, chống kẻ xấu,...vẫn còn có đồng chí hy sinh...Những đội quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trên đất bạn - nơi rừng thiêng nước độc, thường xuyên phải đối phó bệnh tật, thú độc cắn. Có người nhiễm bệnh mạn tính... Không thể kể hết những đóng góp vinh quang, những hy sinh của người lính thời bình. Dù “lao động máu” nhưng tuyệt đối không lời than vãn, không hề đòi hỏi Tổ quốc phải đãi ngộ thêm quyền lợi gì. Vì họ là bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, vì dân mà hy sinh, chiến đấu.

Cả thế giới đang bước vào đầu kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0 với cái lõi dựa trên nền tảng công nghệ số và sự tích hợp các công nghệ thông minh cùng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ na-nô, v.v. Cuộc cách mạng này sẽ tạo ra những đột phá mới mẻ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Quân sự - quốc phòng là lĩnh vực ứng dụng sớm nhất, mạnh mẽ và hiệu quả nhất thành tựu cách mạng 4.0 mà tiêu biểu là hai nước Mỹ và Nga với đặc trưng nổi bật là sử dụng vũ khí thông minh để thực hiện tiến công chính xác mục tiêu tầm xa. Trước đó, trong chiến tranh vùng Vịnh (2003), Mỹ dùng tên lửa hành trình Tomahawk (phiên bản 2) đã rất hiệu quả. Gần đây, trong chiến dịch không kích Syria (2017, 2018) họ đã dùng phiên bản cải tiến lần 4 điều khiển thông minh với hệ dẫn đường quang điện tử, chụp ảnh, tính toán mục tiêu, kết nối đường truyền về sở chỉ huy nên hiệu quả gần như cao nhất. Quân đội Nga ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vật liệu na-no...vào mục tiêu “thông minh hóa” vũ khí, trang bị. Tên lửa thông minh tầm xa của họ phóng từ tàu ngầm có thể tiêu diệt chính xác mục tiêu cự ly 1.400km...Cả Mỹ, Nga, gần đây là Trung Quốc đang hướng vào sự phát triển máy bay ném bom không người lái tự động điều khiển phù hợp với địa hình có khả năng hoạt động độc lập dựa trên các lập trình máy tính...

Nhìn chung những ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt. Đây cũng chính là những yếu tố cơ sở góp phần tạo nên một thế giới ngày càng mong manh, bất ổn, khó lường tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.

Là những đứa con yêu của dân tộc thông minh, anh dũng, kiên cường; kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng của quân đội anh hùng; đặt trong sự đối sánh với các nền quốc phòng hiện đại và đặc thù của cách mạng 4.0 trong lĩnh vực quân sự đang ứng dụng hiệu quả trên thế giới, người lính Việt Nam chuẩn bị tư thế nào bước vào thời 4.0? Từ tầm nhìn vĩ mô, chiến lược quân đội cần tiếp tục quán triệt các nguyên tắc chung.

Một, tăng cường hơn nữa sự sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Đây không chỉ là nguyên lý làm nên mọi chiến thắng của quân đội ta trong lịch sử mà với hiện nay và tương lai càng phải như thế. Vì đây là nguyên nhân cơ bản để quân đội có một sức mạnh vô địch. Chỉ có vậy quân đội mới tập trung thống nhất một cách tuyệt đối từ mục tiêu, lý tưởng đến phương hướng nhiệm vụ, đối tượng, nội dung tác chiến. Một đặc điểm của chiến tranh thời 4.0 là tập trung. Các nước có nền quốc phòng mạnh lại đang triệt để tuân theo nguyên tắc “Thà ít mà tốt” của V. Lê-nin: Tinh gọn ở quân số; tập trung, thống nhất ở chỉ đạo; thông minh về vũ khí; nhanh chóng về cơ động.

Hai, tăng cường hơn nữa quan hệ máu thịt với nhân dân. Về bản chất quân đội ta là con đẻ của dân, từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu. Phát huy cao độ bản chất này sẽ tạo ra khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, hình thành thế trận lòng dân, kiến tạo một hình thái “chiến tranh nhân dân” có sự kết tinh cao độ, tập trung trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin, sự chủ động của toàn dân. Dù chiến tranh 4.0 hay 10.0 xảy ra nhưng được dân hộ, dân tiếp sức thì quân đội đó vẫn chiến thắng và ngược lại.

Ba, tăng cường đối thoại quốc phòng, theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh “giúp bạn là giúp mình” và “vĩnh viễn không xâm lược nước khác” cũng “vĩnh viễn không để cho kẻ thù nào xâm lược nước mình”. Điều này không chỉ phù hợp với xu thế đối thoại toàn cầu hóa mà còn đúng với bản chất hòa hiếu của dân tộc ta.

Và thấu triệt các nguyên tắc cụ thể.

Một, rèn luyện một bản lĩnh chính trị vững vàng. Thời 4.0 cái gốc nhân cách của người lính vẫn là tình yêu nước, yêu dân, tinh thần xả thân vì Tổ quốc, ý thức kỷ luật cao, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Chiến tranh nào thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Bản lĩnh chính trị luôn là tiền đề cơ bản nhất trong yếu tố con người. Con người tạo ra sự “thông minh của vũ khí”, cũng chính con người chế ngự sự “thông minh” ấy.

Hai, đào tạo nguồn nhân lực quốc phòng đáp ứng thực tiễn mới. Đặc biệt chú trọng việc xây dựng đội ngũ sĩ quan chất lượng cao và đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật số. Ngoài giỏi chuyên môn còn giỏi nhiều ngoại ngữ theo phương châm tác chiến đối tượng nào phải làm chủ mã ngôn ngữ đối tượng đó.

Ba, phát triển nền công nghiệp quốc phòng đáp ứng chiến tranh thời 4.0. Lấy việc phát triển công nghiệp lưỡng dụng công nghệ cao làm căn bản kết hợp với mua sắm hiện đại hóa vũ khí.

Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm nhân loại phổ quát. Một số nước châu Mỹ, Phi hiện đang chủ trương lấy tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh làm nguyên lý ứng vào việc xây dựng nền quốc phòng thời 4.0: “Phép dùng binh, giữ toàn nước địch mà ta thắng lợi là khéo nhất”. “Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua”! Những người lính chúng ta phấn đấu và rèn luyện để thật xứng đáng với tên gọi: Bộ đội Cụ Hồ!

N.H.T

------------

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 7.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập (2002). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4.

(4) Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh (2010). Nxb Hội Nhà văn.

(5) Trần Đình Hượu (1995). Đến hiện đại từ truyền thống. Nxb Văn hóa.

(6) Nguyễn Thanh Tú (2019). Đối thoại văn hóa. Nxb Quân đội Nhân dân.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)