. NGUYÊN THANH
I. Quan điểm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII về “an ninh con người”.
Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết coi “nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Văn kiện Đại hội nhiều lần nhắc đến “an ninh con người”, riêng trong Nghị quyết nhấn mạnh 03 lần:
“Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người...”.
“Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người...”.
“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người…”[1].
II. Khái niệm “An ninh con người”. Vai trò của nó trong đời sống nhân loại hôm nay.
- Khái niệm “An ninh con người” (human security) được nêu lên trong Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) năm 1994. Theo đó, khái niệm an ninh cần được mở rộng về phía người dân thường hơn là cách hiểu có phần hạn hẹp trước đó chỉ an ninh quốc gia, với các khái niệm an ninh chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ..., cùng các khái niệm liên quan như chiến tranh, chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí hạt nhân…
- “An ninh con người” được thể hiện trong 7 phương diện: an ninh kinh tế (bảo đảm mức thu nhập cơ bản của con người. Mối đe doạ là tình trạng đói nghèo); an ninh lương thực (mọi người dân đều có thể được tiếp cận nguồn lương thực cơ bản để đảm bảo đủ cho một cuộc sống); an ninh y tế (đảm bảo sức khỏe cho mọi người dân. Mối đe doạ là bệnh tật và tổn thương sức khoẻ); an ninh môi trường (con người phải được an toàn trước các mối đe doạ từ môi trường); an ninh cá nhân (con người được bảo vệ trước các hành vi bạo lực, lạm dụng); an ninh cộng đồng (an toàn hơn khi là thành viên của gia đình, cộng đồng, tổ chức... Mối đe doạ là các tập quán đàn áp, trọng nam khinh nữ, phân biệt sắc tộc); an ninh chính trị (tôn trọng các quyền cơ bản của con người trong xã hội).
- Năm 2003 Ủy ban về An ninh Con người của Liên Hợp quốc nhấn mạnh nếu không có an ninh con người thì an ninh quốc gia sẽ không được bảo đảm và ngược lại. Nói khác đi an ninh con người là nhân tố cơ bản để an ninh quốc gia vững vàng hơn, do vậy nâng cao an ninh con người chính là góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Tổng Thư ký Liên hợp quốc - ông Kofi Annan nói: “An ninh (con người) là việc bảo vệ các cộng đồng và các cá nhân khỏi bạo lực từ bên trong”[2].
- Ở ngày hôm nay cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng 4.0 với sự phát triển chóng mặt về kinh tế, khoa học, y tế,...Là thời của vi điện tử, của kết nối vạn vật, của người máy...nên con người đứng trước cơ hội được thụ hưởng những văn minh mới mẻ nhưng cũng phải đối mặt với những thử thách ghê gớm: nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi sinh, dịch bệnh...Triết học văn hóa càng nhấn mạnh hơn vào tính người, an ninh con người...coi đó là những phạm trù trung tâm của sự phát triển. Muốn vậy con người phải được sống trong một môi trường nhân văn, vì con người.
- Đảng ta coi nhân tố con người là trung tâm của mọi hoạt động, con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực cho sự phát triển nên việc bảo đảm an ninh con người là đảm bảo cho sự ổn định chính trị xã hội, là tiền đề cho việc xây dựng đất nước chính là sự kết hợp rất đẹp hai mạch nguồn văn hóa dân tộc/truyền thống (“Người ta là hoa đất”; “Một mặt người bằng mười mặt của”...) và nhân loại/hiện đại (về an ninh con người).
Đại dịch Covid 19 đang đe dọa cả thế giới càng báo động vấn đề “an ninh con người” phải được đặt lên cao nhất!
III. Đi trước thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vừa đặt nền móng, vừa cụ thể hóa khái niệm “An ninh con người”.
Giới nghiên cứu quốc tế, cụ thể là Hội thảo khoa học Quốc tế về Hồ Chí Minh gần đây nhất (05/10/2019) có tên Global Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh toàn cầu) được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ) chỉ ra sự vĩ đại ở Hồ Chí Minh là không chỉ đấu tranh đòi quyền cho con người nô lệ ở khắp nơi trên thế giới, quan trọng hơn Người còn khẳng định và bảo vệ đến cùng quyền làm người. Con người không chỉ cần có quyền sống ăn, ở, mặc, học hành, quyền mưu cầu hạnh phúc...mà cần phải/được sống trong môi trường dân chủ với quyền làm chủ, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được pháp luật bảo vệ, quyền công dân, quyền sỡ hữu tài sản, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo...Như vậy con người được đặt vào vị thế đúng nghĩa nhất, không chỉ là một thực thể tồn tại mà còn là một thực thể phát triển, sự phát triển hướng về hạnh phúc, về ngày mai, về ánh sáng, về những gì đẹp đẽ, quý giá nhất!
Để hiện thực hóa lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình. Mục đích, nội dung các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, chính nghĩa, công lý, nhân tính,... nói chung là vì con người. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác để dừng lại, trước hết là giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ để kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi trả lại nhân tính. Muốn vậy trước hết phải đòi chủ nghĩa thực dân đế quốc trả lại môi trường có nhân tính. Chia sẻ, động viên, kêu gọi (đồng chí), xét đến cùng là nhận chân kẻ thù chung và cùng nhau giải phóng con người.
Đầu tiên là đối với con người (Di chúc) hay con người là vốn quý nhất. Bác Hồ nhiều lần khẳng định con người là “vốn quý nhất”:
“Phải đảm bảo an toàn lao động vì người lao động là vốn quý nhất”[3].
“Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”[4].
“Nhất định chúng ta phải tổ chức tốt việc sơ tán các cháu, bảo vệ và nuôi dưỡng tốt các cháu, vì các cháu là những vốn quý nhất của đất nước”[5].
Khát vọng cháy bỏng quyền con người và quyền làm người cho đồng bào mình, Nguyễn Ái Quốc sớm có ý thức nhất đi tìm quyền tự do dân chủ - điều kiện để có mọi quyền khác. Điều ấy biểu hiện trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Véc-xây tháng 6/ 1919. Điểm thứ 8 của bản Yêu sách này ghi rõ: “Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”[6].
Ngày 03/9/1945, tức chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, dù phải đối phó với muôn vàn khó khăn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phiên họp đầu tiên vẫn đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Người đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống”[7]. Điều này thể hiện rõ nhất thành quả đấu tranh cũng là hạnh phúc của nhân dân khi lần đầu tiên được hưởng quyền làm chủ, Đây cũng là biểu hiện cụ thể nhất của nền dân chủ, mà cho đến nay Đồng thời nó biểu hiện cho quyền con người, cũng vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ công dân.
Bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do Người trực tiếp làm trưởng ban soạn thảo đã được Quốc hội thông qua (9-11-1946). Trong Lời nói đầu đã xác định “bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân” là một trong những nguyên tắc cơ bản. Chương II nói về “quyền lợi và nghĩa vụ công dân” gồm 18 điều cụ thể quy định các quyền dân sự, chính trị cũng như các quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội…Trên quan điểm tất cả vì con người, đảm bảo sự phù hợp với sự phát triển của thời đại mới, các Hiến pháp năm 1959, 1982, 1992, 2013 cùng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta đều kế thừa, triển khai từ Hiến pháp 1946 và tư tưởng Hồ Chí Minh về con người.
Chúng ta thấy quan niệm của Hồ Chí Minh về con người là sự hội tụ tinh hoa quan niệm quý trọng con người của truyền thống phương Đông, quan niệm về quyền làm người, quyền con người của các nền dân chủ tiên tiến phương Tây!
IV. Nhà văn quân đội hôm nay làm gì để viết hay, sâu sắc về an ninh con người?
Văn học là nhân học. Tức văn học là con người. Trước các nguy cơ về chiến tranh, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đói nghèo...triết học văn hóa đang đi đúng hướng. Thực ra quỹ đạo của triết học văn hóa (về con người) này cũng đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thế giới ca ngợi Bác có cách giải quyết tuyệt vời nhất dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau tháng 9/1945 nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong giặc ngoài nhưng Bác vẫn chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, là tầm trí tuệ kiệt xuất trên cơ sở một tình yêu nước, yêu dân lớn lao hiếm thấy. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào và ngược lại. Nhà văn hôm nay có điểm tựa sáng tạo vững chắc nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh, rộng ra là tư tưởng văn hóa, cụ thể hơn là tư tưởng về an ninh con người.
Với văn nghệ sĩ, học và làm theo tư tưởng Bác Hồ chính là sự cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.
- Sáng tạo những biểu tượng văn hóa về an ninh con người.
1.1. Biểu tượng “dân” là đích sáng tạo của mỗi nghệ sĩ.
Nhà văn là người suốt đời đau đáu một chữ “dân”. Trên báo Le Paria số 4, ngày 1-7-1922, trong nguyên bản tiếng Pháp bài báo Thù ghét chủng tộc Nguyễn Ái Quốc dùng hai chữ “con gái” bằng tiếng Việt. Trên báo L’Humanité ngày 17-8-1922, trong nguyên bản bài Dưới sự bảo hộ của… các chữ “nhà quê”, “Quan lớn”, “lính lệ” viết bằng tiếng Việt. Trong truyện Vi hành chữ “dân” viết bằng tiếng Việt. Đặc biệt hai chữ “nhà quê” được tác giả đều viết bằng tiếng Việt trong các văn bản tiếng Pháp. Không phải là trong tiếng Pháp không có từ tương ứng mà tác giả có dụng ý hẳn hoi. Có thể là từ ấy quen với người Pháp ở An Nam, ví dụ hai chữ “con gái” thường xuất hiện trong các bài báo tiếng Pháp là do người Pháp nuôi những thiếu nữ người Việt vừa để hầu hạ vừa làm trò chơi, họ gọi những người này bằng âm tiếng Việt. Hai chữ “nhà quê” thì mang sắc thái biểu cảm rõ ràng, trong văn cảnh cụ thể thì có thể đó là sắc thái mỉa mai những tên thực dân khinh thường dân An Nam thuộc địa hoặc có thể là tâm trạng xót xa của người viết trước cảnh đồng bào mình bị bóc lột tàn tệ…Sau này khi là Chủ tịch Nước Bác nhắc cán bộ: “Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện”
Ngày 21/7/1956 nói chuyện tại Lớp nghiên cứu Chính trị khoá I trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác nói: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”. Đó không chỉ là chân lý mà còn là đạo lý, nguyên lý. Là nguyên lý vì nhân dân là người làm ra của cải vật chất để ta hưởng thụ, là người sáng tạo ra văn hoá để ta trưởng thành. Là đạo lý vì phụng sự nhân dân là đúng với ứng xử văn hoá Việt “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh được mọi người dân Việt noi theo và học tập tu dưỡng vì trước hết đó là tư tưởng vì dân, trọng dân, làm theo ý nguyện của dân: “Không gì có thể ngăn cản mặt trời mọc. Không ai có thể đi ngược lại ý nguyện của nhân dân” . Hình ảnh mặt trời mọc mang tính biểu cảm cao vì đó là chân lý, vì đó là hình tượng luôn toả sáng, toả nóng để đem sức sống đến cho muôn loài; trên cơ sở đó tác giả ví nó với “ý nguyện của nhân dân”. Không có mặt trời sẽ không có cuộc sống. Không có dân cũng chẳng có cuộc đời này. Một câu nói mà toát ra cả một tư tưởng lớn!
1.2.Những biểu tượng “quái vật”, “động vật” xâm phạm an ninh con người!
Để chỉ bản tính tham lam, nham hiểm, nhiều mánh khoé vơ vét của “nghề ăn cướp thực dân”, có lẽ không hình ảnh nào diễn tả chính xác hơn hình tượng con bạch tuộc: “Để hút đến giọt máu cuối cùng của đất nước khốn khổ chúng tôi, nghề ăn cướp thực dân như con bạch tuộc, đang xiết chặt bằng nhiều cái vòi hút độc quyền không biết chán...Một nhà thám hiểm Pháp viết: Nói về các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như một con nai béo đẹp bị trói chặt tàn nhẫn và đang hấp hối dưới những cái mỏ quắm của bầy diều hâu rỉa móc mãi không biết chán”[8]. Một hình ảnh gây chú ý: “một con nai béo đẹp bị trói chặt tàn nhẫn”. Con nai vốn hiền lành lại còn bị trói chặt thì càng không có cách gì tự cứu mình, đành chịu “hấp hối dưới những cái mỏ quắm của bầy diều hâu rỉa móc mãi không biết chán”. Một hình tượng báo động khẩn cấp về sự diệt vong bởi chủ nghĩa thực dân trên xứ Đông Dương không có gì để tự vệ, không có ai bênh vực, và càng không biết tự cứu mình. Nguyễn Ái Quốc lấy hình tượng “quái vật” để chỉ chủ nghĩa thực dân đế quốc mang bản chất ăn cướp, ăn cắp, chỉ nền “văn minh” phản động và chỉ chiến tranh giết người. “Nạn tử vong cao là một bằng chứng. Người Bắc Phi sẽ biến khỏi mặt đất, nếu giai cấp vô sản giác ngộ không đến cứu họ khỏi nền “văn minh” quái vật”[9]. Nhờ hình tượng ẩn dụ này mà tác giả đã khái quát được ý nghĩa phê phán về các đối tượng đả kích: sự quái lạ; tính chất phản động đi ngược lại quy luật phát triển, quy luật tiến bộ; sự tàn bạo, dã man, phản nhân tính.
Biểu tượng cá mập được tác giả dùng nhiều lần (19 lần trong Hồ Chí Minh toàn tập). Cá mập là loài cá dữ, háu ăn, tạp ăn, khi đói sẵn sàng ăn thịt cả đồng loại. Đây là một ẩn dụ nói được một cách chính xác nhất bản chất ăn cướp, tham lam, tàn nhẫn của chủ nghĩa thực dân đế quốc: “Sau khi bị binh lính bắn phá và chém giết, Đông Dương lại bị bọn cá mập thực dân cướp bóc đến tận xương tuỷ”[10].
1.3. Những thân phận nô lệ: Con vật – người.
Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra cái tâm lý cam chịu thân phận nô lệ mang tâm lý nô lệ: “giống như con chó trong truyện ngụ ngôn, họ lại thích đeo cái vòng cổ để kiếm miếng xương của chủ”[11]. Đó là một sự phê phán đích đáng, một sự phê phán đau đớn vạch ra trạng thái thảm hại của con người nô lệ. Viết thế thì có phải là một sự coi thường, khinh rẻ con người. Không. Ngàn lần không, mà là sự ngược lại, phải có tấm lòng kính trọng con người, một tình yêu vô cùng sâu sắc đối với con người thì mới có những câu văn đẫm nước mắt như thế. Bởi vì phải vạch ra trạng thái phi nhân tính thảm hại để con người hiểu, hiểu để mà thức tỉnh, rồi tiến hành đấu tranh đòi trả lại một cuộc sống đích thực nhân tính. Người phê phán kẻ bạc nhược, hèn nhát bằng biểu tượng con chuột!
Đặc biệt ưa thích ngụ ngôn của La Phôngten, những câu chuyện của Người đậm tính chất giáo dục, triết lý đã trở thành cổ điển cho mọi dân tộc trên thế giới. “Những con chuột ấy thật là hơn hẳn “những con chuột An Nam” không biết căm thù “những con mèo Pháp” vì những con chuột này không biết đoàn kết lại để bàn việc tiêu diệt những con mèo kia, chúng sợ rằng trong hàng ngũ chuột của chúng sẽ có con đi báo với mèo Pháp. Những người tự hào là dòng giống Rồng Tiên lại không bằng chuột! Thật là hổ thẹn, có phải không thưa ông!”[12].
Lời bình hướng tới hai sự phê phán đích đáng: tinh thần bạc nhược, đớn hèn và sự phản bội xấu xa. Toát lên một chân lý phổ quát: người An Nam phải biết đoàn kết lại thì mới sửa chữa được những thói xấu ấy.
Kết luận tút ra: Con người muốn bảo vệ an ninh chính mình phải biết đoàn kết đứng dậy đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu!
2. Nhà văn hôm nay viết về các đề tài an ninh con người.
2.1. Viết về “an ninh lương thực” hay “Có thực mới vực được đạo”.
Xuất phát từ quan niệm biện chứng, thực tế và khoa học “bất kỳ người nào, đoàn thể nào, cũng không ngoài năm việc là: ăn, mặc, ở, đi, làm” nên Hồ Chí Minh quan tâm một cách cụ thể, thiết thực cả 5 vấn đề nhưng ưu tiên trước hết là vấn đề “ăn”. Trong Hồ Chí Minh toàn tập (2011), 49 lần Bác Hồ nhắc đến hai chữ “ăn no” trong ngữ cảnh Đảng và Chính phủ cố gắng làm sao để cho dân được “ăn no”! 21 lần nhắc lại thành ngữ “Có thực mới vực được đạo”, mà Người giải nghĩa là “không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả”! Ngoài ra nhiều lần Người dùng cụm thành ngữ Hán Việt “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn) và “Dân dĩ thực vi thiên” (nghĩa là dân lấy ăn làm trời)!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, tháng 8 năm 1945 Uỷ ban cách mạng họp ở đình Tân Trào. Đang họp thì có một đoàn đại biểu đồng bào các dân tộc địa phương Tày, Trại, Nùng đến chúc mừng. Trong đoàn có hai ba em nhỏ đi cùng, các em đều trần truồng, bụng ỏng, đít beo, xanh xao. Bác Hồ trông thấy, rất xúc động Người nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc” . Một lời nói tưởng chừng giản dị nhưng lại chứa đựng khát vọng của cả dân tộc đã bao đời, chứa đựng khát vọng mang tầm chiến lược của lịch sử và cả tương lai của đất nước này. Năm 1946, thay mặt Ban đời sống mới, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến báo cáo với Bác hoạt động của Ban dựa trên 3 nguyên tắc: dân tộc, dân chủ, khoa học. Bác nói: “Trong đồng bào ta chưa mấy người hiểu những từ chú nói mà hiện nay họ cần là cần cái này, vừa nói Bác vừa chỉ vào bụng, “phải có cái ăn đã, nếu không có ăn không làm gì được. Hoạt động của Ban đời sống mới cũng phải tập trung vào cái đó đã, vận động bà con “lá lành đùm lá rách”, “tăng gia sản xuất cứu đói”. Trong một cuộc họp bàn về chống đói, Bác nói: “Các chú biết không, người xưa nói: Dân dĩ thực vi thiên: Dân lấy cái ăn làm trời. Đảng, Chính phủ phải lo cái ăn cho dân, không được để dân đói”[13].
Hôm nay nhà văn viết về mặt trận nông nghiệp, về đời sống nông dân, nông thôn cũng là một cách bảo vệ an ninh nông thôn, nông dân.
2.2. An ninh môi trường - “Mỗi một người dân khỏe mạnh, tức là cả nước mạnh khỏe”!
Ngoài phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước”, viết sách tuyên truyền “Đời sống mới”, Bác Hồ đi trước thời đại ở phát động Tết trồng cây với quan niệm khoa học “cây cối còn ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân”.
Tháng 12 năm 2009, tại Côpenhaghen (Đan Mạch) cả thế giới tổ chức Hội nghị về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Người ta đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến trái đất nóng lên, như khí thải công nghiệp quá mức cho phép, nạn đốt rừng, phá rừng bừa bãi…Người ta cũng đưa ra cách khắc phục như cắt giảm nhiên liệu, đồng lòng chung sức trồng cây gây rừng… Hội nghị này có lẽ không biết rằng 50 năm về trước có một người Việt Nam đã tiên đoán được cái ngày mà cả thế giới sẽ phải hứng chịu hậu quả do chính con người gây ra, mà một trong những nguyên nhân tạo ra hậu quả đó là nạn phá rừng. Người Việt Nam đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với nhãn quan thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng đồng bào mình phát động phong trào trồng cây. Tháng 1 năm 1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo lịch sử Tết trồng cây kêu gọi người người trồng cây, nhà nhà trồng cây “việc này ít tốn kém mà lợi ích lại nhiều”. Người chỉ ra lợi ích về mặt kinh tế, đặc biệt là “cây cối còn ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân”[14]. Chính Bác gương mẫu trồng cây, chăm sóc cây và quý mến cây. Chiều ngày 11 tháng 1 năm 1960 tại công viên Thống Nhất (Hà Nội), sáng ngày 31 tháng 1 năm 1965 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) Bác tự mình trồng một cây đa. Xuân Kỷ Dậu 1969 kỷ niệm 10 năm Bác phát động Tết trồng cây, tuy sức khỏe không tốt song Bác cũng tới xã Vật Lại huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ) và tự mình trồng một cây đa.
2.3. An ninh y tế - “Muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc”!
Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế (27/2/1955) Người đã xác định "một nhiệm vụ rất vẻ vang" cho ngành y tế: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”[15]. Chỉ trong hai câu văn ngắn Người dùng hai lần từ “phó thác”. Biết bao ý nghĩa nằm trong hai chữ phó thác này, vì nó vừa có nét nghĩa “giao cho cái quan trọng”, vừa là sự “tin tưởng vào người nhận”. Chúng tôi cho rằng câu nói của Bác Hồ là phương châm của mỗi người thầy thuốc để rèn luyện bản lĩnh ý chí, trau dồi nghề nghiệp: “y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”[16].
Sự hy sinh quên mình của đội ngũ bác sĩ trên tuyến đầu chống “giặc covid” đang đợi sự phản ánh, sáng tạo, ca ngợi, động viên của văn nghệ sĩ!
2.4. An ninh tinh thần – “Tự cung thanh đạm tinh thần sảng”!
Là một nhà cách mạng thực tiễn, duy vật nhưng Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng yếu tố chủ quan, luôn đề cao ý chí, bản lĩnh cá nhân. Điều này dễ chứng minh qua tập thơ Nhật ký trong tù, bởi xét ở góc độ thể loại, nhật ký là thể văn thể hiện rõ nhất cái tôi chủ thể của người viết. Trang bìa của tập Nhật ký trong tù là hình vẽ hai tay bị xích cùng bốn câu thơ: Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao. Đó là những cặp quan hệ đối lập: hoàn cảnh tù đày và con người mong muốn tự do; không gian trong tù (trong lao) và không gian ngoài tù (ngoài lao); con người chấp nhận một thực tế tù đày (thân thể ở trong lao) nhưng luôn vượt lên trên hoàn cảnh tù đày (tinh thần ở ngoài lao). Điều này chứng tỏ Bác Hồ đã làm một cuộc vượt ngục về tinh thần. Kẻ thù chỉ có thể giam cầm được thân xác nhưng không thể cầm tù được tinh thần người cộng sản. Để rồi Bác lại trở về với trạng thái con người ở nghĩa bình thường nhất: Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, cao hơn, ở trạng thái con người với nghĩa đầy đủ, trọn vẹn nhất, tinh tế, sâu sắc và sang trọng, quý phái - tư cách "thi gia": Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
3.Lên án thế lực phản văn hóa xâm phạm an ninh con người.
3.1. Lên án tội giết người của chủ nghĩa thực dân – đế quốc.
Trên báo Le Paria, số 5, ngày 1- 8-1922 có bài viết với tiêu đề: Khai hoá giết người của tác giả Nguyễn A.Q. Ngay cái tiêu đề này đã gây sự chú ý ở sự mâu thuẫn: khai hóa là mở ra những điều tốt đẹp; giết người là tội ác dã man nhất, tàn bạo nhất. Khi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, Người lên án qua sự so sánh văn hóa:
“Chúa Giêxu dạy: Đạo đức là bác ái.
Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.
Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa.
Còn đế quốc Mỹ thì: Đạo đức là giết người”[17].
3.2. “Đánh chửi vợ...đánh chửi con, là điều rất dã man”!
Trong cuộc đời và trước tác, Người chỉ dùng tính từ dã man với hai trường hợp, một là chỉ bọn giặc xâm lược giết người, đôt nhà, hai là chỉ những cha mẹ đánh đập con cái, nhất là lên án đàn ông đánh vợ. Đây là một câu thể hiện rất rõ quan niệm của Người: “Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man. Nhưng vì ta quen thấy, nên ta cho là việc thường”[18]. Người viết 5 bài báo lên án tội dã man “đánh vợ”. Trên báo Nhân dân (số 3199), ngày 28-12-1962 Bác viết tiếp một bài báo về chủ đề này, cơ bản hơn là chỉ ra giải pháp ngăn chặn: “Khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ.”[19].
Là một nhà văn hóa, một văn nghệ sĩ, một giải pháp nữa được Người đưa ra là “phê bình” bằng “văn nghệ”. Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3, Bác có bài nói chuyện quan trọng, trong đó có vấn đề yêu cầu văn nghệ tham gia cải tạo, xây dựng xã hội: “Trong thời kỳ quá độ, bên những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ, v.v.. Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn”[20]. Câu cuối là một nhiệm vụ cơ bản của văn nghệ là “phải phê bình rất nghiêm khắc”. Chúng ta chú ý sự chặt chẽ trong lập luận: nghiêm khắc vì mục đích “nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn”. Đấy chính là thiên chức cao quý “chân, thiện, mỹ” của văn nghệ!
Bác Hồ là một biểu tượng mà nhà văn cách mạng hôm nay noi theo, học tập: Như một cây xanh cắm sâu chùm rễ khỏe khoắn vào các mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại và vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại là Chủ nghĩa Mác Lê nin, nên lẽ tự nhiên, những trái cây tác phẩm của nhà văn hóa kiệt xuất đã kết tinh trong nó những giá trị tinh hoa. Quá trình ấy chính là liên văn hóa – trung tâm là liên văn hóa về con người được biểu hiện cụ thể trong tác phẩm và đời sống tuyệt đẹp của Người.
N.T
Tài liệu tham khảo chính
(1) Nhiều tác giả (2010) - Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ,văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh (10 tập), Nxb Hội Nhà văn.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập (15 tập. 2011), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
(3) PGS.TS Phạm Văn Đức, PGS.TS Đặng Hữu Toàn (đồng chủ biên. 2007), Triết học trong kỷ nguyên toàn cầu, NXb Khoa học Xã hội.
(4) J.Brecher (1993), Global visions beyond the new world order, Boston.
(5) Thomas L.Friedman (2005), The world is flat: a brief history of the twenty-first century, http: //www. Thomaslfriedman.com/worldisflat.htm
(6) Nguyễn Thanh Tú (2019). Đối thoại văn hóa. Nxb Quân đội Nhân dân.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập II. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 330, 331,336.
[2] United Nations Development Program, New Dimensions of Human Security, in Human Development Report 1994.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 591.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 70.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14. Sđd, tr 694.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 470.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Sđd, tr 7.
[8]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 401.
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 280.
[10]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 412.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 81.
[12]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 176, 177.
[13] Hồ Chí Minh – chân dung đời thường. NXB Lao động, 2005, tr 75.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 472.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Sđd, tr 343.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Sđd, tr 34.
[17] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 95.
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 125.
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 524.
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 504.
VNQD