Dòng chảy

"Dó Space" - Hiện đại trong hồn cốt dân gian

Thứ Bảy, 19/02/2022 10:40

Trong hiểu biết hạn hẹp của tôi, nói đến giấy dó là chạm đến những điều cũ kĩ, thô tháp. Là nghe tiếng chày giã dó vọng từ xa xưa. Là những khuôn tranh khắc gỗ Đông Hồ, tranh Hàng Trống… Là những thứ thuộc về quá khứ mà tôi chưa kịp hiểu gì nhiều. Tôi đến thăm Dó Space với cái đầu rỗng rễnh như thế trong tâm thế chờ đợi một không gian sắp đặt kiểu truyền thống, những cũ kĩ đáng yêu đã thành khuôn mẫu trong tưởng tượng. Nhưng không! Tôi đã bị bất ngờ!

DÓ - HIỆN ĐẠI

Vừa ngồi xuống chiếc bàn đá, bức tranh lớn đối diện đã mở ra cho tôi một không gian khác lạ với phong cách diễn giải hiện đại, có tầng có lớp: mảng cây lớn được zoom cận cảnh, rõ từng đường nét gân guốc của thân cành; sâu hơn một chút là mái ngói với những ô cửa tối, tạo hai vệt thẫm song song làm nền cho rặng cây mùa rét. Xa nữa là mờ mờ bóng núi.

Những cành cây khô khẳng giằng níu nhau trong thứ ánh sáng chói loà, chảy tràn trề trên bề mặt giấy với các sắc độ đậm nhạt khác nhau. Vài ba chiếc lá khô còn vương lại, chỉ để nhắc cho ta biết, nơi này đã từng xanh tốt, sum suê.

Tác phẩm tại Dó Space mang vẻ hiện đại trên chất liệu truyền thống.

Tôi đoán, cảnh đã vào mùa rét đậm. Hơi giá vương mờ trên bề mặt tranh. Ánh sáng càng lấp lánh, cảm giác giá buốt càng rõ nét. Cảm giác ấy đến từ trải nghiệm cá nhân của tôi, người từng lưu trú rất lâu trong vùng nắng lạnh vào mùa đông. Ngày hiếm nắng, nhưng đã nắng thì càng nắng, càng lạnh. Song cái lạnh ấy không đáng sợ. Nó gọi hơi ấm. Nó nhắc ta ngồi lại bên chén trà bốc khói, khơi lửa đốt lò ủ ấm những bàn tay. Nó khiến ta vội vã đặt một nồi súp khoai tây hay luộc một đĩa sủi cảo Nga nghi ngút hương nguyệt quế để cùng nhau ngắm rặng cây xám mờ viền đẫm tuyết, chỉ những ngày có nắng mới bừng lên, cho thấy mạch sống vẫn thấm đẫm thân cành.

Chính vì cảm nhận rất mới, rất hiện đại mang hơi hướng châu Âu như thế mà tôi thấy choáng ngợp với Dó Space. Thì ra, chất liệu truyền thống là công cụ để hoạ sĩ kể chuyện, để hoạ sĩ chạm đến thế giới tâm hồn rất riêng tư của mỗi người xem. Hồn cốt dân gian đã ở lại bền vững cùng chúng ta - hiện hữu cùng thời đại mới trong cách nhìn cuộc sống rất đa dạng, rất cá nhân, và dần không còn giới hạn về không gian, thời gian, không bị đóng khung bởi những thiên kiến trong tư duy sáng tạo.

Đến đây vào dịp Tết Nhâm Dần, tôi đặc biệt rung động trước bức tranh mẹ hổ và hai bé hổ trên nền hồng nhẹ nhõm của mùa Xuân. Mẹ con hổ thảnh thơi quấn quýt bên nhau, mỗi đứa một vẻ, mỗi hổ một ánh mắt, một nét ria sinh động. Bà mẹ hổ không ra oai, không nhe nanh múa vuốt mà vẫn khiến tôi nhớ lại ánh nhìn của một con hổ cái vùng Amur tôi từng được hân hạnh chạm mắt trong … rạp xiếc. Nó nhìn tôi và cả đám người quanh đó một cách chăm chú mà bình thản, khoan thai. Ánh mắt thôi miên tất cả. Bấy giờ, máu đã sẵn sàng đông cứng trong huyết quản, tôi đã gần như không dám thở… thì may thay, nó quay đi.

Trong bức tranh này của Vũ Thái Bình, bà mẹ hổ nằm thư giãn bên con nhưng vẫn thận trọng nhìn ra thế giới con người để bao bọc, bảo vệ hổ con. Dáng điềm tĩnh dịu dàng của nó vẫn toát lên vẻ quyền uy dữ dội khiến người xem kính sợ và ngưỡng mộ.

Bức tranh mẹ hổ dịu dàng của họa sĩ Vũ Thái Bình trên giấy dó.

Dó Space tiếp tục cho tôi cảm giác choáng ngợp khi lên tầng 2, không chỉ vì tranh, không chỉ vì câu chuyện say sưa nồng nhiệt của hoạ sĩ mà còn vì nét kiến trúc hiện đại, thú vị ở không-gian-kể-chuyện này. Trong-ngoài, hẹp-rộng, tối-sáng, trên-dưới… - , kiến trúc sư tận dụng tối đa các đường nét đối lập để trao gửi thông điệp, mang lại hết bất ngờ này đến bất ngờ khác cho khách đến thăm. Nhưng đó cũng chỉ là phương tiện dẫn dắt khiến câu chuyện trên giấy Dó của hoạ sĩ Vũ Thái Bình được vang lên trọn vẹn, khác biệt với từng người xem…

NGƯỜI ĐỒNG HÀNH CÙNG DÓ

Họa sĩ Vũ Thái Bình. 

Hoạ sĩ Vũ Thái Bình sinh năm 1976, độ tuổi dường như trẻ hơn nét cọ thâm trầm, chắc chắn trên giấy dó của anh. Anh say sưa nói về hồn “dó” mà anh đã dành hai mươi năm qua tìm tòi, nắm bắt. Để giữ chất liệu cổ xưa này ở lại với cuộc sống hiện đại, hẳn hoạ sĩ đã thấu hiểu dó tới từng lớp tơ sợi đa chiều của giấy, tận dụng sắc dó để đưa ra cách xử lí màu sắc rất riêng cho không gian tranh của mình. Vẽ trên giấy dó khó ở chỗ không có cơ hội sửa: đặt bút, xuống màu là nền giấy xốp nhận lấy bằng hết. Ý tưởng và nét cọ phải chín, phải hoà hợp tận cùng rồi mới đưa bút… Và khi đã đưa bút thì dứt khoát, hối hả đầy lòng tin không chút phân vân ngờ vực…

Một góc không gian Dó Space.

Sắc trầm, sắc sáng của dó cũng tạo “đất” cho tư duy hội hoạ của Vũ Thái Bình. Anh không đơn giản là phủ màu lên giấy. Anh nương theo nó, theo những gì đã và sẽ trường tồn với thời gian để thể hiện tư tưởng và góc nhìn cuộc đời. Vì vậy, nếu đến gần nhìn kĩ, thấy nhiều mảng giấy được để trống, bởi sắc dó vốn đã được Vũ Thái Bình đưa vào bảng màu của riêng mình. Anh và dó gặp nhau ở sắc màu tự nhiên của đất bùn, gio trấu, rơm rạ, nước, cây cỏ, sông núi - tất cả dùng để tái hiện cái gân guốc thô mộc, vẻ trầm tư tự tại hay nét an nhiên hồn hậu của cảnh và người. Vũ Thái Bình đồng hành với dó. Còn người đồng hành cùng anh trên chặng đường tìm kiếm và chinh phục dó là chị Hoàng Thị Hạnh, vợ anh, và Vũ Thái Văn, con trai anh. Họ cũng say đắm với dó không kém gì hoạ sĩ. Ngày Tết được cùng họ êm đềm ngồi nghe dó trong không gian Dó, thấy năng lượng sống như được tái tạo mới mẻ, thấy rõ bước chân khoan hoà của một năm mới nhiều hi vọng, mạnh mẽ mà bình an.

THỤY ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)