Nghĩ từ thảm họa Chernobyl

Thứ Năm, 03/03/2022 11:38

Nếu như Người đến từ Mariupol của Natascha Wodin mới đây cho thấy thân phận lưu lạc của một phụ nữ Ukraine trong chiến tranh thì Lời nguyện cầu từ Chernobyl của Alexievich lại là những ghi chép đẫm nước mắt của những nạn nhân Blarus từ thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cũng tại đất nước Ukraine nhiều éo le trong lịch sử và hiện tại.

Đã có quá nhiều thống kê về thiệt hại và mức độ khủng khiếp của thảm họa nổ lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân tại Chernobyl ngày 26/4/1986 nhưng, có thể nói, chỉ đến khi Lời nguyện cầu từ Chernobyl xuất hiện thì lần đầu tiên mới có một “thống kê những thương tổn về tâm hồn” của con người sau thảm họa này.

Lời nguyện cầu từ Chernobyl bản tái bản do Nxb Phụ nữ Việt Nam thực hiện qua bản dịch của 2 dịch giả Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Bích Lan.

Chernobyl đã trở thành nỗi ám ảnh của cả nhân loại mà trực tiếp là các nhân chứng, nạn nhân của tấn thảm kịch công nghệ tàn khốc nhất thế kỉ hai mươi. Gần 500 nạn nhân trực tiếp từ thảm họa Chernobyl người Belarus đã được Svetlana Alexievich gặp gỡ tiếp xúc và ghi lại những câu chuyện như những trang nhật kí đẫm nước mắt cùng sự kinh hoàng từ sự cố đã làm thay đổi số phận của họ và hàng triệu người khác.

NHỮNG ÁM ẢNH TẬN CÙNG

Tham gia khắc phục sự cố Chernobyl là khoảng 5.000 người lính. Rất nhiều người trong số họ cũng đã bị nhiễm phóng xạ khi có mặt tại hiện trường mà không được cảnh báo để mang trang phục bảo hộ. Họ đã ra đi sau thảm họa chỉ ít ngày. Sự hủy hoại của phóng xạ với cơ thể con người được mô tả đến tận cùng từ những góc nhìn gần nhất, trực diện nhất. Svetlana Alexievich đã gặp người thân của những người lính để tái hiện lại những giây phút cuối cùng của họ. Câu chuyện về Lyusya, vợ của anh lính cứu hỏa Vasya ám ảnh người đọc với những chi tiết cảm động, bằng tình yêu chị dành cho chồng, sự dũng cảm đối mặt, giành giật lại sự sống của người chồng thân yêu, bất chấp mọi nguy hiểm cho tính mạng của mình, bởi khi gần một người bị nhiễm phóng xạ nặng cũng đồng nghĩa với việc đang tiếp xúc với một nguồn phóng xạ, và chính bạn cũng sẽ bị nhiễm, cũng sẽ trở thành nạn nhân nếu nhiễm một cơ số đơn vị rơn-gen quá mức chịu đựng của cơ thể.

Lời nguyện cầu từ Chernobyl, không thiếu những trang viết khiến độc giả rơi nước mắt, chẳng hạn như đoạn về những khoảnh khắc cuối cùng của Vasya qua lời kể của vợ anh: “Tôi nói với người y tá đang trực: Anh ấy sắp chết rồi”. Và cô ta nói với tôi: Cô mong đợi điều gì chứ? Anh ấy nhiễm 1600 rơn-gen phóng xạ. Trong khi đó 400 rơn-gen đã có thể làm chết người. Cô đang ngồi cạnh một cái lò phản ứng hạt nhân đấy”. Bất chấp nguy hiểm, Lyusya vẫn ở bên chồng đến giây phút cuối cùng, kể cả việc nói dối rằng mình không mang thai, nói dối rằng vợ chồng cô đã có hai con, một trai, một gái để được vào chăm sóc và luôn ở bên cạnh chồng.

Bên trong một trường mẫu giáo ở Thành phố Pripyat - thành phố bị bỏ hoang sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Ảnh AP

Cũng qua câu chuyện mà Lyusya kể, hình ảnh những người lính trong thảm họa hiện lên một cách sinh động. Chẳng hạn như tại khu điều trị đặc biệt ở Moskva, nơi những người lính bị nhiễm phóng xạ được đưa đến chữa trị, mọi người đều sợ hãi việc chính mình cũng bị nhiễm phóng xạ nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh ở mức thấp nhất, những việc mà các hộ lí rất sợ thì đồng đội của những nạn nhân là người thay thế: “Tại những phòng sinh học khác, nơi những người đàn ông của chúng tôi đang nằm có những quân nhân làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân bởi các hộ lí trong bệnh viện từ chối làm việc đó, vì không không có quần áo bảo hộ. Những người lính làm cả việc đổ bô. Họ lau sàn, thay khăn trải giường. Họ làm tất cả mọi việc”.

Phần tự sự của những người lính cũng gây ám ảnh không kém. Từ sự thiếu những hiểu biết, từ sự chủ quan đã gây nên những chuyện đau lòng. Như câu chuyện về chiếc mũ một người lính cho con trai sau khi trở về từ Chernobyl: “Chúng tôi trở về nhà. Chúng tôi cởi bộ quần áo đã mặc ở Chernobyl ra ném vào thùng rác. Tôi tặng con trai nhỏ của mình chiếc mũ lưỡi chai. Thằng bé thực sự muốn có chiếc mũ đó. Và lúc nào nó cũng đội chiếc mũ ấy trên đầu. Hai năm sau, bác sĩ chẩn đoán thằng bé có một khối u trong não…”.

Thời điểm ra mắt cuốn sách, dịch giả Nguyễn Bích Lan từng chia sẻ, điều ám ảnh chị nhiều nhất và cũng khiến chị xúc động nhất khi dịch tác phẩm của Svetlana Alexievich là cái chết của những người lính cứu hỏa, của các nhân viên cứu hộ, nhân viên thanh lí… qua lời kể của người thân của họ được tác giả ghi lại. Đó là những cái chết đau đớn về mặt thể xác nhưng cũng tràn đầy yêu thương, chứa đựng những nét tính cách cao đẹp của người Blarus.

HƠN CẢ MỘT CUỘC CHIẾN

“Chernobyl giống như một cuộc chiến của mọi cuộc chiến. Không có nơi nào để ẩn nấp hết. Dưới lòng đất, dưới nước, trên không trung, chẳng có nơi nào để ẩn nấp hết”. Các nhân vật trong cuốn sách, những người đã từng có trải nghiệm về chiến tranh đều so sánh, thảm họa Chernobyl còn hơn một cuộc chiến tranh. Chất phóng xạ có ở khắp mọi nơi, trên không trung, trên mặt đất, dưới lòng đất, trong mạch nước, ở tất cả các vật dụng trong bán kính bị ảnh hưởng, các đồ vật trong nhà, quần áo đang mặc trên người… nói chung là tất cả những gì thuộc về bạn đều có nguy cơ nhiễm phóng xạ. Bạn sẽ không còn một nơi trú ẩn nào hết. Không có nơi nào cho bạn cảm giác an toàn. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà sự cố hạt nhân này được gọi là “ngày tận thế về công nghệ”.

Nếu cần mội vài phép so sánh thì có thể viện dẫn, sau thảm họa đó, mặc dù nhà máy điện hạt nhân Chernobyl thuộc Ukraime, không nằm trên lãnh thổ Belarus nhưng đất nước nhỏ bé mười triệu dân này đã có 485 ngôi làng bị xóa sổ trong đó 70 ngôi làng bị chôn lấp vĩnh viễn dưới lòng đất (trong khi toàn bộ chiến tranh thế giới thứ hai, Belarus có 619 ngôi làng bị tàn sát). Cũng trong chiến tranh, một phần tư dân số Belarus bị thiệt mạng, còn sau thảm họa Chernobyl, một phần năm dân số đất nước này (khoảng 2,1 triệu người) phải sống trên những vùng đất nhiễm phóng xạ, trong đó có 700.000 trẻ em.

Những nhân chứng trong cuốn sách đã có những đúc kết cay đắng. Một người lính từng tham chiến ở Afghanistan sau đó được sung vào chiến dịch giải cứu Chernobyl đã đưa ra một so sánh cắc cớ: “Khi tôi trở về từ Afghanistan tôi biết rằng mình sẽ sống. Ở đây thì ngược lại: Nó chỉ giết chết bạn sau khi bạn đã trở về nhà”.

Nhà máy điện Chernobyl dù đã dừng hoạt động nhưng vùng đất này mở rộng ra bán kính 30km  vẫn là nơi nhiễm bụi phóng xạ đậm đặc nhất trái đất. Những xung đội từ cuộc chiến Nga - Ukraine rất có thể làm bụi phóng xạ bị cày xới và phát tán.  Ảnh: Shutterstock 

“Tôi cảm thấy như mình đang ghi chép tương lai” là lời của tác giả Svetlana Alexievich trong cuốn sách Lời nguyện cầu từ Chernobyl. Đúng! Từ thảm họa công nghệ trong quá khứ được cho là khủng khiếp nhất thế kỉ hai mươi, nữ tác giả đã đặt ra những vấn đề ở thời tương lai của nhân loại. Khi mà con người, tưởng như đã làm chủ khoa học kĩ thuật thì lại phải đối diện cay đắng với những hệ lụy từ nó. Khi mà tưởng như sự phát triển của công nghệ đã giải quyết được nhiều bài toán thì chỉ một chút bất cẩn đã phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp.

Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl chỉ là một sự cố ngoài ý muốn nhưng tổn hại của nó vẫn vô cùng nặng nề. Còn câu chuyện về vũ khí hạt nhân luôn là câu chuyện nóng và nhạy cảm trên bàn cờ chính trị thế giới. Trong lịch sử nhân loại, vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng duy nhất một lần trong Thế chiến thứ hai tại Nhật Bản nhưng hậu quả của nó đến nay vẫn còn là nỗi khiếp sợ đối với con người, khiến loài người luôn phải cảnh giác với nó. Mọi răn đe hạt nhân hay ý định dùng vũ khí hạt nhân để giải quyết xung đột lợi ích, xung đột chính trị, quân sự để xảy ra những thảm họa khủng khiếp cho con người đều là tội ác không thể dung thứ.

BẢO AN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)