Nhà văn người Đức gốc Ukraine - Natascha Wodin, từng viết trong cuốn Người đến từ Mariupol của mình rằng: “Nạn nhân sống sót từ trại tập trung trở về đã viết nên hàng loạt tác phẩm văn chương mang tầm quốc tế, sách họ viết về nạn diệt chủng đối với người Do Thái xếp đầy thư viện, thế nhưng những công nhân không phải Do Thái hồi đó bị bắt đi cưỡng bức lao động, lại im lặng, chẳng ai viết lách gì”. Và hiện thực ấy không chỉ đến với những đồng bào Ukraine bị cưỡng ép đi lao động, mà còn là của những người-không-quê-hương trở về từ những lò sát sinh của Đức Quốc xã, bị nghi ngờ, rồi rốt cuộc là không thuộc về đâu.
Tiền từ Hitler cũng là một nỗ lực như thế. Cây viết nổi tiếng người Séc Radka Denemarková không tập trung hướng nào cảnh huống ở trại tập trung mà người Do Thái đã phải chịu đựng; mà thay vào đó, bà xoáy sâu hơn vào những nỗi đau lịch sử, của di chứng chiến tranh và những cách biệt ngày càng lan rộng, mà nạn nhân chính không ai khác ngoài những DPs (displaced person) - những “người nước ngoài vô quốc tịch” theo từ dùng của Natascha Wodin, mà không bên nào nhìn nhận họ cả, dù cho đó là quê hương hay một dải đất hoàn toàn mới.
Tiền từ Hitler bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành qua bản dịch của Hau Phamova.
Tiểu thuyết là câu chuyện kể giữa 60 năm cuộc đời của người thiếu nữ 16 tuổi Gita Lauschmanová, và rồi sau này là người bác sĩ trở về với những vườn táo của gia đình mình vào năm 2005. Chịu những bất công ở trại tập trung của Đức Quốc Xã chỉ bởi là con gái của một gia đình tri thức Do Thái người Séc; hành trình trải qua những vực thẳm của Gita cũng chính là những nỗi đau được gợi lại, với đọa đày và sự thống khổ cùng cực. Đó không chỉ là những tư tưởng phi nhân loại, mà đau đớn hơn, còn là sự thiếu gắn kết giữa những với người trong nỗi ngờ vực tưởng như không còn trong thời hậu chiến.
Không như những nhà văn khác viết về Holocaust, Radka Denemarková không xoáy sâu vào hành trình mà Gita đã phải chịu đựng ở nơi tăm tối và đầy bất công; mà thay vào đó, mọi thứ đều được bà hướng về vùng Puklice ở Séc với 6 lần trở về, cũng là 6 nỗ lực muốn hòa vào mảnh đất quê hương và những người thân yêu của mình, thế nhưng mọi thứ đã thay đổi mà vực sâu ấy không có gì khác ngoài những nỗi đau chiến tranh.
Lần đầu tiên sau khi thoát khỏi trại tập trung của Đức Quốc Xã, Gita sống trong hồi ức về một gia đình êm ấm và nhiều kỉ niệm. Ở đó hình ảnh người cha đáng kính, lịch lãm, luôn luôn đội mũ bước cạnh chiếc motor thường gây náo động; và người mẹ với làn da mỏng manh, vết ố loang dầu trên váy cũng như những lời nhắc nhở đừng để còng lưng… là thứ giúp cô vượt thoát khỏi những lần di dân từ Đông sang Tây dưới thời Hitler. Thế nhưng, thứ đón chờ cô ngay ở ngôi nhà từng thuộc về mình là sự ghét bỏ cũng như chiếm dụng của những người Séc mới - những người từng làm công cho cha cô, nay quay sang vu khống cho ông chỉ vì dám nói tiếng Đức khi lịch sử sang trang.
Trong những giây phút chịu sự hành hạ sống không bằng chết ấy, Gita đã rút ra một ý định thực sự đáng thương, bởi những gì đã mất và không thể trở lại. Chịu sự tra tấn bởi những nông dân mình từng quen thuộc, giờ đây, thức ăn là ánh mặt trời và khoai tây thối; những thứ đó còn không thể so được với cả bọn lợn đầy trứng nguyên vỏ và khoai tây loại tốt. Gita sống như không sống, cô thẫn thờ và không hiểu chuyện gì vốn đang xảy ra. Chính bước đường cùng ở ngưỡng tuyệt vọng đã đưa cô đến quyết định giành lại nhà mình, nhưng chưa bao giờ ngờ rằng sẽ có lúc bản thân được cứu bởi một người đàn bà mang thai, người cũng chứng kiến một cái chết khác của một thành viên trong gia đình cô.
Gita thoát khỏi thảm cảnh ở chính ngôi nhà cô đã thương yêu, để đến với một thời đoạn đảo điên, với những giờ khắc đảo chính và quyền lực liên tục thay tên đổi chủ nơi đất nước cô. Ở đó, cô biết rèn luyện thân thể thành một lô cốt bê tông trống rỗng, không còn các dây thần kinh cảm xúc, để chịu đựng cái chết của mẹ cô trong phòng hơi ngạt cùng những đứa trẻ khác, và phải lắng nghe bố cô bị quy tội là mật thám Đức, phản bội Tiệp Khắc.
Sự đảo điên ấy được Radka Denemarková sử dụng với sắc thái nhanh, mạnh và cũng rất nhiều ám ảnh: “Frau mang thai, cái bụng phình to ra và sinh ra một khẩu súng máy be bé, sinh ra cả gia đình toàn những khẩu súng máy nhỏ dễ vỡ, chúng chui từ trong người chị ấy ra như những con rắn nhỏ nhỏ bằng kim loại đông cứng. Chúng chỉ tan ra mãi tận khi ở trong lòng bàn tay chúng tôi và trên bộ ngực của chị ấy, từ đó rớt xuống những viên đạn sáng bóng”.
Sáu mươi năm sau, Gita trở về Puklice cùng những kí ức kinh hoàng về nhà kho chứa lúa, về thảm cảnh của ba vị vua say và cái chết lúc lên 4 của con trai mình. Trên hành trình về lại nhà dì Ottla, Gita liên tục chịu những đau đớn khi nhận ra bất cứ ai rồi thì cũng bị siết cổ bởi dải băng về đích mà họ đã tham gia. Radka Denemarková sử dụng hầu hết hai tuyến thời gian kể song song nhau trong tiểu thuyết này, cách quãng 60 năm để nhận ra Gita dưới bộ dạng một bộ xương khô đang kể về mình, sau này cũng trùng khớp đó chính là dòng tự sự mà người đàn bà ấy kể lại đời mình.
2005, bà trở về liên tục trong một nỗ lực để làm sáng tỏ lại sự thật về gia đình mình, thế nhưng cư dân ở Puklice - những thế hệ sau, lại đón chờ bà bằng sự bỉ bai trong cảnh quá khích của những cá nhân giật dây chính trị. Gita đơn thuần chỉ muốn dựng một tượng đài cho cha mình, từ bỏ hết mọi điền sản mà thông qua đó lên tiếng rửa sạch cho thanh danh ông; thế nhưng con cháu của những người từng hành hạ bà nơi nhà kho lại một lần nữa phản công và không công nhận điều này. Gita gọi cơn cuồng loạn đó như một chiếc đu quay đang tăng gia tốc, mà có thể hất văng bất cứ ai mặc cho lực li tâm cố gắng kềm giữ.
Tác giả người Séc Radka Denemarková
Nỗ lực không thành, Radka Denemarková khắc họa nhân vật của mình với những tổn thương tinh thần vô cùng đặc biệt. Nhà văn không đi vòng tránh hay xin tình thương, mà ngược lại, bà dùng hình tượng và những câu văn thô thiển nhưng đầy sức nặng, để nói về những cảm nghĩ của một con người đã mất tất cả, phòng vệ kém hơn và dễ tổn thương hơn. Bà muốn lột da Stolar con - con trai của lão Stolar đã đánh bà trong lần đầu tiên tìm về nhà mình hơn 60 năm trước. Bà coi những cuộc thảo luận nơi Uỷ ban là trận quyền anh mà cả hai bên ra sức dồn nén với những dòng máu ào ào chảy vào địa ngục.
Từ nơi chốn ấy, nỗi đau toàn vẹn lại một lần nữa ào vào đời bà, với người con gái được sinh ra không hề mong muốn, với người cháu mà bà hết mực thương yêu cũng như kí ức kinh hoàng về đứa con trai mà bà mất đi chỉ vừa 4 tháng tuổi…. Radka Denemarková tô đậm nỗi đau mà Gita gánh chịu, khi không chỉ đứa bé chết đi ngay trước mắt mình, mà đó còn là một nỗi ám ảnh ôm ấp sinh linh mình không muốn có trước nỗi sợ 4 tháng không thể vượt qua, để sau này luôn luôn là những tổn thương khi nhìn lại.
Hành trình của Gita là một hành trình mạnh mẽ để vượt qua, nhưng hầu như trong bà luôn luôn là sự tha thứ. Tha thứ không hẳn bởi sự bao dung, mà bà đã quá mỏi mệt để mà đấu tranh trước những gì bản thân phải chịu. Khởi đầu Gita dường như hóa đá trước cơn háo ăn của bầy lợn đói, thế nhưng khép lại của sách, những thế hệ sau nơi quê hương bà cũng không gì hơn cái thảm cảnh ấy, khi mọi người giày xéo lên nhau để sống, tồn tại và rực rỡ. Bà viết: “Tôi đứng đờ người ra thảng thốt. Một pho tượng với cái chĩa cán dài, chúa tể của biển cả với cái lao săn cá voi. Tôi không thể nào rời mắt khỏi đó. Những con lợn dí mõm đớp đớp gặm gặm nó từ dưới lên trên. Chúng hành hạ con lợn lạ đến chết với mình mẩy đầm đìa máu rồi ăn tươi nuốt sống”.
*
Tiền từ Hitler là một cuốn sách dữ dội, ám ảnh và nhiều thổn thức. Radka Denemarková không lãng mạn hay ủy mị hóa những gì nhân vật đã phải trải qua như dòng sách hướng về Holocaust. Bằng cách sử dụng xen kẽ hai dòng thời gian cũng như những hình tượng có phần bạo lực, cuốn tiểu thuyết này nặng nề một cách tê tái, nhưng cũng thực tế không hề che đậy. Tổn thương não trạng thời kì hậu chiến vẫn mãi còn đó, và dù vật đổi sao dời, thời gian xoay chuyển; sự mất kết nối và những nỗi đau luôn luôn tồn tại, bởi nhẽ “Cuộc đời là chuyến đi điên loạn trên chính chiếc đu quay ấy. Rốt cuộc, thực ra, đó cũng là tiền từ Hitler”. Sự thật không thể xóa nhòa, những gì dù còn lại thế nào đi nữa cũng đã bắt nguồn từ khởi đầu trước, và nỗi đau là không thể mất.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD