Khi sự sống tựa những cánh hoa anh đào

Thứ Hai, 07/02/2022 00:24

Yamauchi Sakura, một cô bé 17 tuổi vui vẻ, hoạt bát, tâm điểm của mọi sự chú ý nhưng ẩn sau nụ cười tươi rói của cô là căn bạo bệnh – ung thư tuyến tụy có thể cướp đi sinh mạng cô bất cứ lúc nào. Không một ai biết được căn bệnh này của Sakura ngoài bố mẹ và người bạn cùng lớp với cô – Boku (tôi – người kể chuyện) – Shiga Haruki. Bởi vì lí do đặc biệt đó, Haruki đã ở bên Sakura, cùng vui chơi với cô trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Nhưng... cuộc đời vốn khôn lường.

GIẢN DỊ ĐẾN TÀN NHẪN

Thoạt tiên, cái tên Kimi no suizou wo tabetai – Tớ muốn ăn tụy của cậu thật dễ khiến người đọc liên tưởng đến một câu chuyện kinh dị, rùng rợn. Nhưng trái ngược với ấn tượng ban đầu ấy, Tớ muốn ăn tụy của cậu lại là câu chuyện thấm thía, nhẹ nhàng, trong sáng tới thuần khiết mà đau đớn đến tận tâm can và gợi bao suy ngẫm về giá trị sống cùng những triết lí nhân văn tưởng chừng hết sức giản dị nhưng dường như cuộc sống bộn bề, ta đã lỡ lãng quên.

Lật giở từng trang sách, cả tác phẩm tựa cuốn nhật kí của một chàng trai mắc chứng ngại giao tiếp kể về những tháng ngày gần gũi bên cô bạn mắc căn bệnh nan y chỉ còn sống được chưa đầy một năm. Tình tiết truyện không gay cấn đến nghẹt thở, cũng chẳng cốt lấy sự bất ngờ để câu kéo ánh nhìn từ độc giả. Mà chính những câu chữ chân thật, gần gũi; từng tình tiết, sự kiện cứ thế hiện lên như chính từng nhịp dòng đời đã cuốn hút người xem đến những trang truyện cuối cùng. “Chỉ có vậy, tôi mới có thể cảm nhận rằng không phải cô ấy đang nhìn vào cái chết, mà nhìn vào sự sống. Và chỉ có vậy, tôi mới có được cảm giác trái tim nhỏ bé của mình trở nên nhẹ nhõm hơn. Tôi là một kẻ hèn nhát. Rõ ràng tôi đã biết nhưng đâu đó vẫn không thể chấp nhận việc cô ấy sẽ chết.”

Tình tiết truyện giản dị, trong trẻo, tươi sáng đến nỗi, dường như một khoảnh khắc, ta quên mất rằng đây là cuốn sách viết về một cô gái mười bảy tuổi còn chưa đầy một năm để sống. Chỉ đến khi, bước ngoặt chuyển tiếp thực sự xuất hiện, độc giả mới nhận ra, Tớ muốn ăn tụy của cậu dẫu tươi sáng đến đâu cũng không phải một câu chuyện chiều lòng người đọc bằng phép màu biến điều không thể thành có thể. Mà tác phẩm này được tác giả Yoru Sumino xây dựng chân thực đến tàn nhẫn. Cô bé Sakura ra đi khi thời hạn một năm còn chưa đến, không phải vì chứng bệnh ung thư tuyến tụy cô vẫn chiến đấu bấy lâu; sự ra đi bất ngờ, tức tưởi, đau đớn và để lại đau thương cho tất cả những người xung quanh đồng thời khiến ta thấu hiểu sự thật nghiệt ngã rằng: Cuộc đời vốn chẳng công bằng nhưng lại rất công bằng với tất cả.

Cuộc đời sẽ không vì bạn bất hạnh mà thiên vị bạn hơn những người khác. Nên bởi thế, cuộc đời lại như trở nên quá đỗi bất công với bao sinh mạng vốn mang quá nhiều bất hạnh. Chúng ta có thể lựa chọn để trở thành người này, người khác, lựa chọn cách sống như này như kia; song ta lại chẳng thể lựa chọn những biến cố trong cuộc sống của chính mình. Vì vậy, ta chỉ có thể sống sao cho khỏi phí hoài quỹ thời gian hiện tại và tranh thủ nói những lời yêu thương với người ta cảm mến. Bởi, chẳng ai có thể đoán định trước tương lai sẽ thế nào.

Bìa tác phẩm.

BÀI CA VỀ SỰ SỐNG

Nhưng dẫu tàn nhẫn ra sao, Tớ muốn ăn tụy của cậu vẫn là cuốn sách đẹp về tình bạn, tình người; mãi là bài ca đầy sức sống về việc sống tận lực, tận hiến cho trọn từng phút từng giây; là sự khích lệ lòng tin của con người để lựa chọn những điều thật ý nghĩa với bản thân giữa đời vô thường. Như cách cô bé Sakura đã sống trọn cuộc đời ngắn ngủi với trọn vẹn nụ cười và dẫu cô bé có ra đi đột ngột thì niềm tin, hi vọng về một ngày mai tươi sáng cô gửi gắm cho những ai mãi là động lực để họ tích cực, lạc quan, gắn bó, sống thay cả phần cô bé chưa kịp trải nghiệm.

Dù vậy, nói rằng Sakura chưa từng đau khổ, tuyệt vọng vì bệnh tình là nói dối. Có đọc đến những dòng văn trong cuốn nhật kí Đồng hành cùng bệnh Sakura viết mới hiểu rằng: cô bé đã trải qua quãng thời gian khó khăn như thế nào. Và dường như, một cô gái có quỹ thời gian cuộc đời chỉ còn là hữu hạn thì khái niệm sống lại càng trở nên sâu sắc: “Cái gọi là sống ấy, chắc chắn là việc khi ta thấu hiểu lẫn nhau [...] Thừa nhận một ai đó, yêu một ai đó, ghét một ai đó, niềm vui khi ở bên một người, rồi sự phiền muộn khi ở cạnh một người khác, nắm tay một ai đó, ôm một ai đó, ngang qua đời một ai đó. Đấy chính là sống. [...] Vì có mọi người mà tôi biết mình có trái tim, vì họ chạm vào mà tôi biết mình có cơ thể. Tôi có hình hài và vẫn đang sống được như này đều nhờ những thứ đó/ Bởi thế, sống là một việc mang đầy ý nghĩa.”

Bên cạnh Sakura, nhân vật “tôi”, người như bạn đồng hành cùng Sakura trong những ngày cuối đời; đồng thời tựa “đôi mắt” để tác giả đặt điểm nhìn dưới vai trò người kể chuyện, điểm nhìn của tác giả dưới vai trò người kể chuyện cũng là hiện thân của châm ngôn về chữ “sống”. Nhưng không phải dưới dạng cái loa phát ngôn cho tư tưởng tác giả, “tôi” - Shiga Haruki thuyết phục người đọc ở sự thay đổi tích cực của cậu ấy. Từ một người coi bản thân tựa “chiếc thuyền lá”, gió thổi, nước đẩy tới đâu, “tôi” sẽ trôi theo tới đó, không có nhận thức về con người, thế giới, thuận theo đối phương rồi tôi dần cuốn theo Sakura, mở lòng đón nhận thanh âm cuộc sống.

Xây dựng cá nhân “tôi” như điển hình của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên Nhật Bản thụ động, ngại giao tiếp với xã hội, sống khép kín, thu mình; tác giả Yoru Sumino như ngầm khẳng định: Giữa dòng chảy cuộc đời, chẳng ai có thể mãi là một chiếc thuyền lá. Từng khoảnh khắc ta hiện diện trên trên cõi đời vẫn luôn ẩn chứa những bất ngờ không thể lí giải, có thể là duyên kì ngộ, cũng có thể là những điều tàn nhẫn khiến bản thân ta như muốn ngã gục. Song, lựa chọn cách sống, cách đối mặt với mỗi vấn đề phát sinh như thế nào lại là quyết định của riêng mỗi người. Thậm chí, việc thuận theo dòng chảy, thuận theo quyết định người khác, sống khép kín, thu mình cũng là một chọn lựa. Và với quỹ thời gian ngắn ngủi, con người tiếc nuối hay hi vọng, nằm ở chính việc người đó chọn lựa cách sống, lựa chọn từng bước tiến trong cuộc đời.

Và bài ca về sự sống trong tiểu thuyết Tớ muốn ăn tụy của cậu còn hiện diện ở bóng hình những người đã bên cạnh “tôi” và Sakura. Là cậu bạn lúc nào cũng rủ “tôi” ăn kẹo cao su như góp tiếng nói để “tôi” hiểu rằng, “tôi” không còn là một cá nhân vô hình giữa tập thể lớp. Là cô gái có tên Kyoko không chỉ là bạn thân của Sakura mà còn đóng vai trò, tựa sợi dây nối tiếp minh chứng cho tình bạn giữa Sakura – “tôi” từng tồn tại trên cõi đời. Cả những bậc phụ huynh xuất hiện trong cuốn truyện như biểu tượng của kinh nghiệm, sự từng trải, giúp định hình lối đi, cân bằng cảm xúc cho lớp trẻ vẫn đang lạc lối.

Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, trong sáng, thuần khiết mà không kém phần day dứt, Tớ muốn ăn tụy của cậu viết về sự sống và hi vọng bằng những nỗi đau thương quặn thắt. Nhưng có lẽ, trải qua đau thương, người ta mới càng thêm trân trọng hạnh phúc, vượt qua đêm tối để thấy ánh sáng người ta mới càng trân trọng hi vọng hướng tới tương lai; đối diện với tử sinh, người ta mới càng thêm trân trọng sự sống và những khoảnh khắc hiện diện trên cõi đời.

Đồng thời, từ trang viết Tớ muốn ăn tụy của cậu, tác giả Yoru Sumino cũng như muốn gửi gắm những giá trị rất “thiền” về cái chết và sự tái sinh. Có lẽ chết đi cũng không đồng nghĩa với kết thúc mà chỉ là hình thức khác của sự sống. Con người ra đi, hóa thành cát bụi song người ta sẽ lần nữa tái sinh, trong kí ức những người ở lại. Như những nụ hoa anh đào, hoa tàn chỉ là hình thức để loài cây này tiếp tục ủ nụ, chờ đến mùa xuân lại bung cánh. Tựa cô bé Sakura mất đi nhưng nụ cười, tinh thần sống tích cực của cô bé vẫn mãi còn trong trái tim những ai đang sống.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)