"Hảo hán nơi Trảng cát": Những kiếp đời bé mọn dưới gầm trời Brazil

Thứ Năm, 20/01/2022 00:29

Tại vùng Salvador, xứ sở Brazil những năm 30 của thế kỉ XX, xuất hiện một nhóm thiếu niên “bất lương” mang tên Hảo hán nơi Trảng cát. Chúng là những đứa trẻ mồ côi, không có gia đình hay đã trốn khỏi gia đình để lăn xả vào cuộc đời đầy rẫy dối lừa, trộm cắp. Nhưng tới tận cùng, lũ “giặc con” khiến cánh báo chí, cảnh sát lẫn “nhà trừng giới” phải nhức đầu vẫn chỉ là những đứa trẻ cô đơn, khao khát hơn ai hết tình yêu thương cùng một ngày mai tươi sáng hơn để được sống một cuộc đời, ý nghĩa.

"BẤT HẢO"

Được đánh giá là “một trong những tác phẩm phổ biến nhất trong giới học sinh, sinh viên ở Brazil”, Hảo hán nơi Trảng cát, cuốn tiểu thuyết ra đời vào năm 1937 của nhà văn Jorge Amado thực sự là bài ca truyền cảm hứng cho con người về tình yêu, lòng nghĩa khí, sự ngưỡng vọng, khát cầu tự do… Nhưng trước khi trở thành câu chuyện truyền cảm hứng, Hảo hán nơi Trảng cát là cuốn sách viết về một băng nhóm tập hợp những đứa trẻ “bất hảo”, không ngừng gây nên những vụ lộn xộn trong xã hội khiến giới chức trách cùng dân chúng phải đau đầu.

Thật vậy, sự “bất hảo” của nhóm Hảo hán nơi Trảng cát đã được tác giả Jorge Amado thể hiện ngay trong phần mở đầu khi ông viện dẫn nguyên văn hàng loạt bài viết từ phóng sự đến ý kiến cá nhân, thư từ, phản hồi của cá nhân, đứng ở các cương vị khác nhau trên mảnh đất Bahia được đăng tải tại tờ tạp chí có tên Nhật báo cuối tuần. Những đứa trẻ ấy, bị cánh phóng viên, giới chức trách gọi bằng cái danh “bọn trẻ con trộm cắp”, “băng trẻ con phạm pháp” bởi hàng loạt vụ đột nhập, trộm cắp, gây rối trật tự chúng đã gây ra.

Nhà văn Jorge Amadoa.

Và sự thật, khi đi sâu vào mỗi tình tiết, từng cá nhân, tác giả Jorge Amado càng không tránh né việc khắc họa nhóm Hảo hán nơi Trảng cát như một lũ “giặc con”. Chúng luôn nhắm đến tầng lớp thượng lưu, giàu có trong xã hội Bahia, tiếp xúc quá sớm với chất kích thích cùng các trò đỏ đen, sắc dục... Chúng sống vô phép vô thiên, dối trá, lừa lọc, đắm chìm vào tệ nạn và khao khát được phát tiết thứ bản năng của tuổi mới lớn.

Nhưng dẫu có là những thiếu niên bất lương, nhóm Hảo hán nơi Trảng cát vẫn luôn sống bằng trọn vẹn sự kiêu hãnh của những đứa trẻ sớm đời lăn lộn giang hồ. Dưới sự lãnh đạo của Pedro Bala, Hảo hán nơi Trảng cát trở thành băng nhóm rất khác với đám trẻ bất lương khác trên đường phố Bahia, biết trước biết sau, trọng tình, nghĩa khí với anh em bạn bè, giữ chữ tín ngay cả khi hoàn cảnh sống của chúng hôm nay mà không biết tới ngày mai.

“Hảo hán nơi Trảng cát”, cái tên như đã nói lên tất cả. Chúng chẳng phải “anh hùng”, “mã thượng” mà là “hảo hán”, là “giang hồ” chìm sâu vào mảng tranh tối tranh sáng của đường phố Bahia nói riêng, mảnh đất Brazil đầy nắng và gió nói chung những năm 30 của thế kỉ XX. Những đứa trẻ sống kiếp giang hồ, sẵn sàng làm tất cả, trở thành kẻ đối nghịch với cả xã hội, những mong tồn tại mà hướng tới ngày mai.

DƯỚI TẬN CÙNG XÃ HỘI

Không phải ngay từ khi sinh ra, đám trẻ Hảo hán nơi Trảng cát đã trở thành những thiếu niên bất hảo. Mà bởi xã hội, thậm chí chính gia đình đã đẩy chúng xuống đáy cùng xã hội không nơi nương tựa, không chốn đi về, chỉ biết nương tựa vào nhau gắng gượng sống mỗi ngày. “Chúng nó ăn cắp để có cái ăn, bởi vì tất cả những người giàu sang kia họ thừa tiền để vứt qua cửa sổ, để đem cho nhà thờ, mà họ lại không hề nhớ rằng trên thế gian này đương có những đứa trẻ bị đói khát...”

Vì thế, nơi nhà kho bến cảng đã trở thành chốn ngủ, cũng là điểm tập kết của muôn mặt kiếp đời thơ dại, lần hồi đi trong bóng tối thành phố Bahia. Mỗi đứa trẻ một tính cách, một số phận đẩy đưa chúng tới bước đường cùng. Một Cẳng Nhũn vẫn mãi ám ảnh về cái chân dị tật cùng những ác mộng nó bị rượt đuổi hàng đêm trở đi trở lại. Mất cả cha lẫn mẹ vì đậu mùa trắng, chị em cô bé Dora đến với Hảo hán nơi Trảng cát một cách tự nhiên và gia nhập nhóm một cách tự nguyện. Hay có những đứa như Almiro, có gia đình nhưng lại chạy trốn khỏi gia đình...

Hầu hết, chúng đều là trẻ mồ côi, vô thừa nhận, sớm trải đủ đòn roi, tra tấn đến mức, chúng gần như chẳng thể tin tưởng, hay mở lòng. Bị người đời kì thị, bị giới chức trách truy đuổi, bị cánh báo chí mạt sát... gần như chưa bao giờ những đứa trẻ ấy được nhìn nhận như những con người với đầy đủ quyền lợi cơ bản nhất. “Cái của này ấy à, không phải là những đứa trẻ, đó đều là những tên đầu trộm đuôi cướp... Đồ vô lại, đồ trộm cắp... cái của này, đâu có phải là những đứa trẻ.”

Chúng nghèo về vật chất, thiếu hụt về tâm hồn vì thất học, vì thiếu thốn tình thương cha mẹ, mái ấm gia đình. Và bằng tất cả cái nhìn bao dung, thấu hiểu, tác giả Jorge Amado đã đi sâu, khắc họa lên trang viết bóng hình tầng lớp thiếu niên bất lương trong xã hội Brazil những năm 30 của thế kỉ XX. Thoạt nhìn chỉ thấy chúng xấu xa, đồi bại mà thẳm sâu bên trong chúng là những kẻ kiên cường nhất. Kiên cường để sống bằng mọi cách, dẫu có đói nghèo hay ánh nhìn người đời có lánh xa, “kinh tởm”.

Bởi, những đứa ở dưới đáy cùng xã hội, thiếu hụt tất cả nhưng cuộc đời sớm lăn lộn cũng trui rèn chúng trở nên mạnh mẽ hơn bất cứ ai.

Dưới bầu trời Bahia, dưới mái nhà dột nát của khu cảng biển, có hội Hảo hán nơi Trảng cát, những đứa trẻ của nhà văn Jorge Amado, làm tất cả để sống, cho ngày mai, và cho tự do.

KHÁT CẦU MỘT NGÀY MAI

Sống dưới đáy cùng xã hội, lăn lộn cuộc đời sớm khiến những đứa trẻ của Hảo hán nơi Trảng cát tinh ranh, trưởng thành trước tuổi. Nhưng dẫu có trưởng thành đến đâu, chúng vẫn còn ở độ tuổi mới lớn ham vui niềm vui con trẻ, ôm ấp nhiều ước mơ, hoài bão gần như không tưởng. Và hơn hết, chúng là những đứa trẻ vô thừa nhận, cô đơn dưới bầu trời Bahia khao khát tình thương tới đớn đau.

Tác phẩm "Hảo hán nơi trảng cát" bản tiếng Việt.

Vì không còn nơi để về, yếm thế trước cuộc sống, Hảo hán nơi Trảng cát ra đời cho những đứa trẻ “đồng bệnh tương liên” vợi bớt nỗi cô độc. Cũng bởi cô đơn, những đứa trẻ ấy có thể nhanh chóng chuyển từ nỗi khát khao xác thịt, nhục dục với Dora, chuyển sang thứ cảm tình như sự tôn thờ, niềm tín ngưỡng trước cô bé như đã trở thành người chị, người mẹ, người bạn bao dung, yêu thương chúng. Hay có thể dễ dàng đón nhận thương yêu của những người xung quanh, khi đã vượt qua nghi kị ban đầu.

Thời gian càng trôi, càng nhiều đau thương xảy đến bào mòn tinh thần, thể xác từng đứa trẻ. Mâu thuẫn giữa bạn bè với cuộc sống cá nhân, dịch bệnh bùng nổ làm dấy lên xung đột gay gắt trong nhóm giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, và những giằng xé vẫn luôn âm ỉ trong nội tâm mỗi đứa trẻ tuổi dậy thì sớm phải chịu đủ cay đắng cuộc đời. Nhưng càng đắng cay, chúng lại càng hiểu hơn ai hết giá trị cuộc sống và giá trị của hai chữ tự do. Dù cho “niềm vui sướng của cái tự do đó thật là quá mỏng manh bên cạnh cái cơ cực của cuộc sống này.”

Tuy nhiên, Hảo hán nơi Trảng cát vẫn gắng gượng sống, bằng tất cả tinh thần tuổi trẻ cùng tình yêu lẫn sự thấu hiểu sự sống thao thiết hơn bất cứ ai. Tựa vòng xoay ngựa gỗ, đã đưa giấc mơ con trẻ, ngây thơ, trong trẻo nhất của mỗi đứa trẻ nghèo đến gần với bầu trời xanh: “Chúng nó quên đi những lời của mụ già mang bộ kính cặp mũi. Chúng nó quên đi tất cả và chúng nó cũng giống như tất thảy trẻ con, phóng những chiến mã trong bàn đua, quay vòng cùng với các thứ ánh sáng. Những ngôi sao sáng lấp lánh và cũng sáng lên vầng trăng tròn.”

Và dẫu rằng đoạn kết cho những Hảo hán nơi Trảng cát còn mang đây đó màu sắc lí tưởng hóa của tác giả Jorge Amado gửi gắm thì tới tận cùng, ông đã viết về các Hảo hán nơi Trảng cát bằng tất cả tình yêu thương, tấm lòng nhân đạo tới những kiếp đời bé mọn dưới gầm trời Brazil trong những năm phong trào công nhân lên cao trước khói lửa chiến tranh và chủ nghĩa phát xít lan rộng. Song thương yêu mà vẫn rất mực khách quan và nghiệt ngã. Đã có những cái chết đầy đớn đau, đã có những đứa trẻ tiếp tục sống mãi đời “hảo hán” để rồi cuối cùng, Hảo hán nơi Trảng cát đã chẳng thể bước tiếp cùng nhau mãi mãi. Nhưng có lẽ chăng, trọn vẹn quãng thời gian khổ cực chúng sống bên nhau, Hảo hán nơi Trảng cát đã không sống một đời hoài phí với tất cả những phóng khoáng, tự tại nhất của tuổi trẻ Bahia nhiệt huyết và giàu khát vọng.

MỌT MỌT

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)