“Huynh đệ” - Cuộc lột da của lịch sử

Thứ Năm, 06/01/2022 06:17

Sau hơn một thập kỉ, Huynh đệ của Dư Hoa mới trở lại với bạn đọc Việt Nam trong hình thức mới. Đây là một trong những tác phẩm lớn nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất của ông từ khi được ra mắt. Có người gọi đó là một bức tranh lớn dồn nén 400 trăm lịch sử trong hơn 40 năm đời người, thế nhưng cũng có người thất vọng gọi đây là “đống rác” mà một nhà viết tiểu thuyết lớn như Dư Hoa không đáng viết ra. Dù khen dù chê, đủ thấy với những phân luồng mà nó tạo ra, Huynh đệ vẫn sẽ còn có giá trị trong rất nhiều năm nữa.

Dư Hoa không hẳn là cái tên xa lạ với độc giả Việt Nam, khi cùng với Mạc Ngôn, Tàn Tuyết, Diêm Liên Khoa… ông đã cho thấy một góc nhìn rất khác về lịch sử Trung Quốc, mà những nhà nghiên cứu thường nhân nó thành định nghĩa “phản tư”. Phản tư hay reflection, là nhìn lại, xét lại những sự kiện lớn; không chịu bất cứ yếu tố ngoại lai nào về chính trị, thành kiến hay những áp bức thời đại. Và ở Huynh đệ, cái phản tư này lên đến đỉnh điểm, khi cùng với cái lạnh lùng, thơ ơ cũng như dửng dưng; Dư Hoa đã viết nên được quá trình lột da của lịch sử, để từ nỗi đau biến chuyển thân xác, thứ chờ đợi tiếp nối là những lần lột tiếp theo, nối tiếp, không ngừng.

Tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa bản tiếng Việt mới được in lại. 

THÔN QUÊ MANG TÍNH PHỔ QUÁT

Hẳn nhiên, đa số các nhà văn có khuynh hướng “xét lại” thường đặt các tác phẩm của mình ở vùng nông thôn hẻo lánh, vì dường như đó là nơi mà những đôi mắt bị che mù tuyệt vời nhất, chồng chồng lớp lớp không chỉ ở giới lãnh đạo, mà ngay cả những dân quê nghèo nàn ít học cũng không khác gì hơn. Huynh đệ được đặt trong lòng thị trấn Lưu, nơi có rất nhiều tiểu thương buôn bán và những dân quê mang tính điển hình. Thị trấn ấy của Dư Hoa đã được thương mại hóa, không còn những cánh đồng lúa của Tất Phi Vũ nhưng cũng chưa nhộn nhịp phù hoa như Kim Vũ Trừng.

Dư Hoa bằng chất giọng đặc sệt vẻ giễu nhại đã châm biếm những thói hư vinh nơi thôn quê ấy. Khi nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu tự xưng chẳng viết gì hơn 4 dòng thơ và vài dòng văn được in roneo trên báo địa phương, thế là trở thành những người có chức có quyền. Câu chuyện về Lý Trọc ngay từ ban đầu cũng là một bức biếm họa không hơn không kém, vì việc nhìn trộm mông phụ nữ mà bị dẫn đi diễu phố. Đáng cười hơn nữa là hai nhà thơ trên dẫn cậu ta qua ba tiền đồn nhưng không ghé vào, chỉ khi mỏi gối đau lưng thì trạm dừng cuối cùng mới được hoàn thành.

Thế nhưng, ngay khi vào đó, những gì mà người ta muốn biết lại chính là những gì mà cậu bé thấy. Từ lớn đến nhỏ, từ không học thức đến ít học thức… người dân ở thị trấn Lưu ấy quan tâm chỉ đơn thuần là cái mông của Lâm Hồng, chứ không hẳn là bất cứ thứ gì khác đứng về chính nghĩa hay là luân lí. Lý Trọc nhờ đó mà được ăn rất nhiều suất mì Tam Tiên để tả lại những gì cậu thấy, món ăn mà dù có mơ cậu cũng chưa bao giờ thấy được ở Khách sạn Nhân Dân.

Từ cha đến con, mẹ Lý Lan chìm trong tủi nhục và xấu hổ, vì cùng nỗi thẹn mà Lưu Sơn Dương và Lý Trọc tạo ra. Dư Hoa dường như quán triệt theo chủ nghĩa tự nhiên một cách triệt để, khi ông không chỉ đặc tả phông nền xã hội thời đó, mà ngay cả những tâm tư, tình cảm của từng nhân vật cũng được xét lại. Những tối dạo phố dưới ánh trăng hiu hắt của hai mẹ con Lý Lan, Lý Trọc; cũng như định mệnh rong ruổi với Tống Phàm Bình là những thứ sáng chói nhất trong một cốt truyện có phần đau đớn và cách xa.

Và sự xét lại, điều đầu tiên đã đến ở trường hợp Đại Cách mạng Văn hóa của Tống Phàm Bình. Một thời mù mắt, bị dẫn dắt dẫn đến những cái chết thương tâm không thể không ám ảnh. Dư Hoa thành công khi xây dựng từ từ và triệt để mạch truyện của mình, tạo ra một đà hoàn hảo, để cảm xúc dâng ngập lên đến đỉnh điểm, của cái chết mà khi bỏ vào áo quan vẫn phải bẻ khớp gối mới đúc vừa vào, của người cha địa chủ nhường hết đất cho dân nghèo, khòm lưng, chảy nước mắt đưa thi thể con trai về làng. Dư Hoa đứng bên cạnh, như người lần giở tập ảnh trắng - đen của thời đã qua, không áp đặt, không suy xét; ông chỉ tả lại những gì mình thấy, những gì hình ảnh gợi ra, bởi lẽ, hình ảnh là bằng chứng vững chắc nhất mà con người vẫn hay tin vào.

NHỮNG VAI DIỄN ĐẶC BIỆT

Từ đầu cho đến cuối, ngoài các nhân vật chính; những người dân ở thị trấn Lưu dường như mờ nhạt và không có một dấu ấn cá nhân nào xác định. Họ dễ gợi đến cảm giác của dàn đồng ca trong những vở bi kịch Hy Lạp, khi đồng thời là người bóc trần, và cũng đồng thời là kẻ kết tội. Những người dân ấy không có tiếng nói, Dư Hoa khắc họa cái mờ nhạt ấy như của quyền lực ấn định. Họ mù mờ và làm theo khuôn khổ phía trên. Họ trở thành con rối và bị điều khiển bởi những thế lực tít tận trên cao, uống nguồn dưỡng chất của nó mà không biết thực chất đó là thần dược hay thuốc độc.

Từ Đại Cách mạng Văn hóa cho đến Thời kì Mở cửa; trong vùng quê ấy vẫn không thiếu những chuyện khôi hài, về Lý Trọc và chỉ xoay quanh anh ta. Lý Trọc là một cá nhân vô cùng nổi bật, một kẻ coi thường sự đời, và bằng vẻ gian giảo sở hữu được khi còn là một cậu bé 15 mà đã tinh thông như một lão già 50. Hắn ta dẫn dắt 14 anh câm, mù, điếc, ngáo ngơ của Xưởng phúc lợi đi đến thành công chỉ bằng một tấm ảnh chụp chung. Hắn ta nặng tình với Lâm Hồng dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười. Hắn ta với mộng quốc tế hóa, đi ra nước ngoài và trở về tay trắng, để cuối cùng thành công trong thương vụ mua lại áo vest đã qua sử dụng.

Nhà văn Dư Hoa. Nguồn:China Dayly

Dường như những nhà văn đương đại khi nhìn về Trung Quốc luôn có hai phản ứng: hoặc họ sẽ đầy đau khổ và nhiều đau đáu như Diêm Liên Khoa, như Lưu Khánh Bang; hoặc sẽ giễu nhại và đầy châm biếm như Dư Hoa, như Nghiêm Ca Linh. Từ những con rệp ăn tiệc của Nghiêm Ca Linh cho đến anh hùng áo vest đã qua sử dụng, với tên từng dòng tộc trưởng giả, cho đến cuộc thi Hoa hậu trinh tiết và những chiếc Màng trinh giả gắn vào để đảm bảo giá trị cá nhân; thị trấn Lưu là mảnh đất dễ bị dắt mũi trong bàn tay đầy quyền năng của kẻ tham muốn quyền lực, và dường như, nó là một miếng bọt biển đang nở lớn ra của một đất nước mang nhiều tương đồng sau này, với tham vọng bành trướng, bá chủ, và quyền lực.

Và việc đặt tình huynh đệ giữa Lý Trọc và Tống Cương làm đề tài chính càng làm rõ thêm nan đề tiến thoái lưỡng nan trong cảnh huống này. Huynh đệ tương tàn trong xã hội hiện đại, vì một người phụ nữ để sau này là chí nam nhi; Dư Hoa luôn dồn ép các nhân vật của mình vào mối quan hệ có phần bất khả kháng như thế. Rốt cuộc rồi thì, liệu lịch sử là thứ làm hai anh em họ tách nhau ra, hay bởi tham vọng, quyền lực và nhiều thứ khác? Dễ thấy nó là tổng hòa của nhiều yếu tố, mà đời sống và bối cảnh xã hội lúc đó càng là trợ lực giúp quá trình diễn ra nhanh và đau đớn hơn.

Việc Lâm Hồng sau bao nhiêu năm khước từ Lý Trọc để cuối cùng nằm trên giường của y và đón nhận cái chết của chồng; việc Lý Trọc sau bao nhiêu năm lăn lộn giang hồ cuối cùng bay ra ngoài không gian ôm theo nắm tro của anh trai mình… như những gỡ gạc muộn màng của những lựa chọn bị đời sống vây hãm rứt thành trăm mảnh. Sau rốt, chẳng ai hạnh phúc, ai cũng đớn đau trong dục vọng và tham vọng của mình, mà phông nền của một đất nước sắp sửa trỗi dậy đã được Dư Hoa khắc họa rất ấn tượng và nhiều biến báo.

*

Khép lại Huynh đệ, dấu ấn của một Dư Hoa phản tư và những lầm than của Trung Hoa thời kì mở cửa vẫn còn đó. Huynh đệ dễ nói là một tiểu thuyết không mới trong việc sử dụng đề tài, nhưng bằng cách đứng bên lề quan sát, Dư Hoa đã dựng nên vở bi kịch mới bằng văn chương, với dàn đồng ca là những thây ma chịu điều khiển, và ở đó trung tâm vở kịch, bộ ba nhân vật đau đớn, Lý Trọc, Tống Cương và Lâm Hồng vẫn đang diễn mãi vai trò của mình, như những đại diện cho một thời đoạn biến động và một vùng đất chịu nhiều đớn đau trong cuộc lột da của lịch sử.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)