Ngày xuân

Thứ Tư, 02/02/2022 00:08

. Truyện ngắn của Sherzod Artikov (Uzbekistan)

Câu chuyện bắt đầu khi cậu con trai ba tuổi của tôi không có bánh mì nóng trên bàn ăn buổi sáng. Tôi cố trấn an nhưng vô ích, thằng bé càng phản đối và tiếng mè nheo của nó lớn dần thành tiếng khóc. Sau đó, nó bắt đầu xé vụn những mẩu bánh mì trên bàn.

“Đưa thằng bé cứng đầu đó ra khỏi tầm mắt của ta ngay!” – Cha tôi giận dữ hét lên sau một hồi đứng nhìn chúng tôi trong im lặng, cau mày.

Bất ngờ trước phản ứng từ cha, tôi sững người trong giây lát. Sau đó, không chú ý gì đến tôi, cha bắt đầu xếp từng miếng bánh thành một chồng nhỏ rồi lần lượt hôn và đưa lên trán.

“Đưa con trai của con ra khỏi phòng ngay đi!"

Thằng bé chưa từng chứng kiến ông ngoại phản ứng ghê gớm như thế bao giờ nên đã khóc thét lên. Quả thật, cha tôi luôn là người kín đáo và nhã nhặn. Tôi ôm con trai vào lòng và đi ra cửa.

Từ việc cảm thấy bị tổn thương, tức giận, tôi bắt đầu run rẩy và nói: “Cha ơi, nó vẫn còn là một đứa trẻ bé bỏng mà... Cha hãy nghĩ về hồi trước con cũng đã rất nghịch ngợm. Và vì vậy, đôi khi đã làm những điều ngây ngô và cha đã cho qua…”

Cha tôi giữ im lặng, ông đưa những mẩu bánh mì lên miệng nuốt, rồi uống trà.

Không hài lòng, tôi đi sang phòng khác, ôm gối và ấm ức khóc. Và cứ thế tôi nằm cho đến khi mẹ, anh trai và chị dâu sang gọi tôi đi ăn trưa. Dù họ có nài nỉ thế nào, tôi vẫn cương quyết. Ôm con, không nói một lời, tôi nhìn về một nơi xa xăm. Khi con trai ngủ say, cha tôi xuất hiện ở cửa. Ông cầm một đĩa thức ăn trong một tay và một chiếc bánh trong tay kia.

“Con gái, con phải ăn đúng giờ, nếu không con sẽ đau dạ dày đó.”

Vừa nói, ông vừa cẩn thận xếp bánh mì và thức ăn xuống bàn.

“Con biết đấy, không có căn bệnh nào tồi tệ hơn là đau dạ dày. Nó rất đau đớn.”

Tôi để ý thấy đôi bàn tay rắn chắc của cha, nổi đầy gân guốc và run lên như thế nào. Những nếp nhăn hằn sâu khiến gương mặt ông càng đẹp hơn. Một hồi sau, cha tôi chuyển cái nhìn mệt mỏi sang tôi. Thấy tâm trạng kiên quyết của tôi, ông hít một hơi dài rồi ngồi xuống chiếc ghế trong góc phòng.

“Hôm nay là chủ nhật” - ông buồn bã nói, nhìn về phía cây mai đang nở hoa, và theo tôi hiểu thì ông đã có chút sinh khí: “Đó là một ngày chủ nhật mùa xuân! Mùa xuân đã đến! Những ngày ấm áp đã đến, cây đã bắt đầu ra hoa. Tháng tư ngoài sân mẹ thiên nhiên sẽ bung lụa khoe hết vẻ đẹp. Cái mùi quyến rũ của mùa xuân tràn ngập trong từng tế bào của cơ thể chúng ta…”

Và rồi ông đặt một tay lên bệ cửa sổ, tay thứ hai mở tấm chắn cửa sổ. Còn tôi thì vẫn ngồi im lặng bất động, thể hiện sự phẫn uất. Tôi vuốt ve mái tóc bồng bềnh của con trai đang say ngủ để tránh nhìn cha.

“Và trong chiến tranh, mùa xuân cũng vậy” - cha tôi tiếp tục, chăm chú xoa lòng bàn tay. “Sự đánh thức mùa xuân của thiên nhiên đã xóa tan nỗi kinh hoàng của chiến tranh, giúp ta sinh tồn, quên đi thực tại, chịu đựng những gì đang xảy ra xung quanh. Và những khoảnh khắc từ thời thơ ấu hạnh phúc hiện lên: ta ở đây với ba mẹ yêu dấu, và chị gái - người chị yểu mệnh chỉ sống có bốn năm. Ta nhìn thấy rõ khuôn mặt thông minh của cha, của người mẹ nhân hậu. Nhưng một trận mưa đạn đã xé tan sự bình yên, một trận đổ bộ dày đặc của súng máy, những tiếng kêu chói tai của máy bay đã đưa ta trở lại thực tại. Sau đó ta muốn chạy ra khỏi chiến hào và hét lớn: “Tại sao chúng ta lại gây đổ máu cho nhau? Tại sao điều này xảy ra?!" Có một cục đắng trong cổ họng khiến ta nghẹt thở trong suốt thời gian ấy, ta cố gắng thoát ra bằng một tiếng hét lớn. Ta không thể bày tỏ suy nghĩ của mình, không thể trả lời những câu hỏi, điều ấy đã làm ta day dứt. Việc nhận ra rằng, ta bắn vào một người hoàn toàn xa lạ - một người không gây ra bất cứ điều gì tồi tệ cho ta, điều ấy thật đau lòng và day dứt biết bao! Vào những khoảnh khắc như vậy, những người Đức như Karl, Sebastian, Paul đứng ngay trước mắt ta thuộc về một phe, và ta với các đồng đội của mình thuộc phe bên kia. Tại sao chúng ta lại giết nhau? Trước chiến tranh ta sống ở Margilan, và họ sống ở Munich hoặc Dresden. Suy nghĩ của ta không có hồi kết...”

Lần đầu tiên cha nói về chiến tranh. Trước đây, chúng tôi thường nói chuyện với cha về các chủ đề khác nhau, nhưng cha luôn né tránh chủ đề này. Cha tôi lập gia đình, con cái rất muộn. Khi tôi sinh ra, cha đã hơn năm mươi tuổi, vì vậy anh trai và tôi trở thành thứ ánh sáng lung linh trong ngôi nhà. Cha thực sự yêu chiều hết mực, nâng niu con về mọi mặt.

Vào những buổi tối ấm áp mùa xuân và mùa hè mát mẻ, sau giờ làm việc, cha thường đưa chúng tôi đạp xe dạo quanh thành phố. Sau đó, chúng tôi sẽ ngồi trên một chiếc ghế dài trước đài phun nước và thưởng thức món kem sô cô la yêu thích của mình. Và rồi cha kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị về cuộc đời của ông nhưng không có một lời nào kể về chiến tranh. Khi anh trai hoặc tôi quan tâm đến chiến tích quân sự thì cha lập tức chuyển chủ đề.

Cha tiếp tục, giọng trầm trầm “... Ở Ukraine, không xa Lviv, cha đã bị bắt ở công ty. Trên chuyến tàu lên đường sang Ba Lan cha cũng không có nhiều suy tư, trăn trở. Cả nhóm được đưa đến ngoại ô Krakow để đến trại tập trung Auschwitz – một nơi khủng khiếp và đáng sợ nhất trên thế giới. Người Đức gọi Auschwitz là "trại tử thần".

Trại được chia thành ba khu định cư. Cùng với những tù nhân khác, cha bị đưa đến khu thứ hai. Ngày càng có nhiều tù nhân vào trại và bị quân Đức chia thành bốn nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm tất cả những người được cho là không phù hợp với công việc: đầu tiên là người ốm, người già, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ cao tuổi và nam giới có sức khỏe không tốt, có chiều cao hoặc thể trạng yếu. Những người tội nghiệp này ngay lập tức bị đưa đến phòng hơi ngạt, nơi mà họ sẽ chết trong đau đớn khủng khiếp. Sau đó xác của họ bị thiêu trong các lò hỏa táng. Trong nhóm thứ hai, những tù nhân khỏe mạnh, cường tráng được chọn làm nô lệ khổ sai trong các khu công nghiệp xung quanh trại tập trung. Nhóm thứ ba bao gồm các cặp song sinh, người lùn, những người có đặc điểm thể chất không tự nhiên, họ bị đưa đến các khu thí nghiệm y tế khác nhau có các bác sĩ của Đế chế thứ ba. Nhóm thứ tư, hầu hết là những phụ nữ xinh đẹp, được người Đức lựa chọn để sử dụng cho mục đích cá nhân như người hầu hoặc giao cho các tiệm giặt là và căng tin của các đơn vị quân đội.

Ảnh minh họa.

Là thành viên của nhóm thứ hai, cha được điều đến làm việc trong ngành công nghiệp nặng, cách trại tập trung khoảng nửa giờ. Phụ tùng xe tăng được sản xuất tại nhà máy nên công việc vô cùng nặng nhọc và độc hại. Cơ sở quá ngột ngạt đến nỗi làm nửa ngày, các tù nhân trở nên mất sức. Cả ngày dài như nô lệ, cha và mọi người phải nghe những lời sỉ nhục nặng nề của lính canh Đức và chịu đòn roi của họ. Chúng cho cả nhóm ăn chỉ bằng nước luộc khoai tây và bánh mì đen.

Vào buổi tối, trên đường về trại, nhiều tù nhân nằm dài tiều tụy vì mệt mỏi, và sau đó có những người Đức thấy bực mình thì bắn họ. Thế nên, mọi người đều tập trung tất cả can đảm và sức mạnh để đến những tòa nhà bằng gạch kia, nhưng trên đường thì có khi bất tỉnh. Thế là họ theo chân đồng đội sang thế giới bên kia.

Nhóm của cha đã làm việc ngay cả vào Chủ nhật. Ở đây, sự sống và cái chết luôn song hành. Khi máy móc hỏng hóc hoặc phải sửa chữa, cha và mọi người - những tù nhân buộc phải nghỉ. Vào những ngày như vậy, mọi người được đưa đến một quảng trường rộng lớn được bao quanh bởi hàng rào dây kẽm gai và bị phơi dưới mưa, mưa đá, hoặc cái nóng không thể chịu nổi.

Trong khu trại có bốn phòng hơi ngạt và nhiều lò thiêu. Vào cuối tuần, mọi người thường theo dõi các tù nhân được dẫn vào các phòng giam này. Trong số đó, có những người còn rất trẻ. Mọi người đều biết rằng sau một hồi nữa thôi là sẽ bị thiêu sống. Trong khi họ đang cố gắng tìm hiểu tình hình thì một mùi quái dị bốc ra từ ống khói của lò hỏa táng, từ đó mọi người đều quay đi. Và càng ngày càng có nhiều tro của người chết gần lò hỏa táng, và cuối cùng chúng chất thành cả một ngọn núi. Những người tù được đưa đến làm việc trong các lò hỏa táng, lần lượt rồi cũng đến lượt những người tội nghiệp. Thật đau xót khi nhận ra rằng chỉ mới gần đây thôi còn sống mà giờ cái chết sắp xảy ra.

Một lần, nếu cha không nhầm là vào tháng 4 năm 1944, một ngày cả nhóm bị kéo đến địa điểm này. Các tù nhân kiệt sức vì đói và điều kiện khó khăn, giống như những xác sống. Các tù nhân sợ hãi, bởi vì đó là Lễ Phục sinh. Mọi người đều biết rằng vào những ngày lễ hội, quân Đức giải trí bằng mọi cách chế nhạo và hành hạ các tù nhân.

Ví dụ, họ tổ chức các cuộc thi chạy: người đầu tiên về đích thoát chết, còn ba người chạy sau ngay lập tức chết vì trận mưa đạn. Nếu họ muốn nghe hát, họ ra lệnh cho một số tù nhân đứng thành đội hình dọc theo hàng rào dây. Một người đóng vai trò là nghệ sĩ độc tấu, những người khác hát với dàn hợp xướng. Những người biểu diễn khốn khổ buộc phải hát những bài hát ca ngợi Đức quốc xã. Điều tồi tệ nhất là khi các tù nhân bị buộc phải chạy tới chạy lui với tay phải giơ lên, và kêu lớn “Hoan nghênh Hitler!” Khiến cho bọn chúng vô cùng thích thú. Đặc biệt “trò chơi giải trí” này được sử dụng rộng rãi khi người Do Thái bị dẫn vào phòng hơi ngạt. Các tù nhân, giơ tay phải lên cao mà không có khí thở, phải chào lãnh đạo Đức Quốc xã và bị phán quyết vào vòng tay của tử thần. Nếu ai đó không làm đúng, người đó sẽ phải theo chân người Do Thái vào phòng hơi ngạt.

Lần này các lính canh có vẻ nghiêm túc. Không có dấu hiệu của tâm trạng lễ hội, trên khuôn mặt của những người lính canh tàn bạo này thể hiện sự cảnh giác và thận trọng vô cùng nghiêm ngặt. Hóa ra chính người chỉ huy đang thực hiện việc kiểm tra kĩ lưỡng. Những người đàn ông SS, với khẩu súng trường tự động trên tay, đứng khiêm nhường bên cạnh hàng rào dây thép gai. Từ xa, một chiếc ô tô màu đen xuất hiện. Khi có tiếng xe chạy đến, viên chỉ huy và các phụ tá chạy ra khỏi khu vực của mình và xếp thành một hàng. Vì cơn mưa suốt đêm không ngớt nên nó dính đầy bùn và đất sét. Chiếc xe dừng ngay trước mặt nhóm của cha.

"Hoan nghênh Hitler!" - Chỉ huy và binh lính chào khách bằng một giọng dứt khoát.

Vị sĩ quan xuống xe chào hỏi mọi người và bắt đầu quan sát xung quanh. Ông ta mệt mỏi và buồn bã nhìn núi tro gần lò hỏa táng, nơi doanh trại xám xịt và u ám. Sau đó, ông ta đến gần hàng rào dây thép và bắt đầu quan sát các tù nhân. Ông ta là một người đàn ông có bờ vai rộng, đẹp như tượng tạc vào độ tuổi khoảng từ bốn lăm đến năm mươi tuổi. Tình cờ, ánh mắt của ông ấy hướng về phía cha và ra hiệu cho cha đến chỗ của ông ta. Ở đây, một thông dịch viên đứng gần hỗ trợ.

“Anh có phải là người Do Thái không?” – Vị sĩ quan hỏi, nhìn cha từ đầu đến chân.

Người thông dịch viên trẻ tuổi dịch từng từ mà ông ta nói.

“Không, là người Uzbekistan…” – Cha trả lời mà không ngẩng đầu lên.

"Anh có thấy chiếc xe kia không?" - ông ta chỉ vào chiếc xe của mình.

“Vâng, tôi có thấy…”

“Trong nửa giờ nữa anh phải làm sạch chiếc xe này. Thời gian bắt đầu…”

Lúc đầu cha không hiểu mệnh lệnh của ông ấy, chỉ sau lần giải thích thứ hai cha mới gật đầu ra hiệu đã hiểu. Người lái xe và một người đàn ông SS mang theo một xô nước, một giẻ lau, và thế là cha bắt đầu làm.

Lần đầu tiên trong đời, cha được đứng bên một tiến bộ kĩ thuật như vậy, tận mắt xem và tận tay sờ. Trước đó, chỉ nhìn chúng trong ảnh thôi. Nay trước mặt cha là một chiếc ô tô thật - màu đen, bóng loáng, ghế ngồi êm ái và rất nhiều thiết bị tinh vi khác. Phía sau cha nhìn thấy chữ "Mercedes".

Dù sức đã cùng kiệt, mệt lả, cha đã lau chiếc xe sáng bóng. Xong việc, cha trở lại hàng ngũ tù nhân. Ngồi xuống đất và dựa vào một hàng rào thép rồi thở. Vị sĩ quan cùng đoàn tùy tùng rời khỏi tòa nhà và bắt đầu kiểm tra công việc của cha. Ông ta vòng qua xe, kiểm tra xung quanh và mãn nguyện. Sau đó, ông ta nói điều gì đó với viên chỉ huy, người này đưa ra chỉ thị cho người lính đứng gần đó.

Trong khi đó, vị sĩ quan dựa vào thùng xe hút thuốc. Chẳng mấy chốc, có một người lính xuất hiện, tay cầm một đĩa bánh mì trắng. Vị sĩ quan đi cùng anh ta đến gần hàng rào và gọi cha. Khi cha đến gần, ông ta vỗ vai cha và nói rằng những thứ trong đĩa bây giờ thuộc về cha. Có những lát bánh mì trắng trong đĩa, mùi của nó khiến tim cha đập nhanh hơn và gần như bất tỉnh. Sau khi ôm đồ ăn, cha vội vàng trở về. Nhìn thấy hàng chục con mắt đổ dồn về, cha vô cùng day dứt. Khoảnh khắc đó cha muốn nhắm mắt ăn bánh mì thật ngon nhưng lương tâm không cho phép hành động ích kỉ ấy.

"Cầm lấy, Umar!" - Lần đầu tiên cha tiếp cận người bạn Tashkent của mình. Ban đầu anh ấy không dám đưa tay ra, nhưng sau lần thứ hai cha đưa bánh cho anh ấy, anh ấy đã bẻ ra một miếng nhỏ và cho vào miệng. Rồi anh ta để nửa còn lại trên chiếc đĩa.

"Nhìn này, bánh mì đây!" – Cha nói khi đến gần một chàng trai trẻ đến từ Tajikistan. "Naufal, hãy thử đi".

Anh ta cũng chỉ lấy một nửa miếng bánh. Các tù nhân còn lại cũng làm như vậy. Miếng cuối cùng được trao cho một đồng chí Kazakhstan. Khi cha trả lại chiếc đĩa trống cho người lính, vị sỹ quan đến gặp cha:

"Anh bị điên à?" – ông ta do dự nói - “Đó là phần thưởng dành cho anh khi anh làm sạch chiếc xe. Thay vì tự mình thỏa mãn cơn đói, anh đã trao miếng bánh cuối cùng cho người khác. Tại sao anh lại làm như vậy?"

Trước mắt cha, như một cuốn phim, hiện lên hình ảnh người vợ trẻ của Umar Islambekov, người đã có con trước khi nhóm của cha bị giam cầm, mẹ già của Naufal, cha của Niyazov, người bị mất một chân và nhiều người khác nữa.

"Tại sao anh lại làm như vậy?” - Anh ta lặp lại câu hỏi của mình.

“Bởi vì ở quê hương của họ, những người thân yêu đang chờ đợi họ… Còn tôi thì không có ai đang đợi cả…” - giọng cha run run.

Sau khi nghe câu trả lời của cha, vị sĩ quan hít một hơi thật sâu. Và rồi cha nhìn vào mắt ông ta. Trong cái nhìn mệt mỏi của ông ta, cha có thể nhìn thấy một con người khác. Ông ta suy nghĩ một lúc rồi ném điếu thuốc và nhìn xung quanh. Ánh mắt buồn, ông ta nhìn vào lò hỏa táng, vào núi tro cốt và nói bằng tiếng Đức: "Got vergib uns, wir sind alle Geschöpfe". (Xin Chúa tha thứ cho chúng con, tất cả chúng con đều là tạo vật”.

Sau khi đưa ra chỉ thị cho người lính gần đó, ông ta tiến về phía chiếc xe. Trên đường đi, ông ấy nhìn về hướng cha và thì thầm điều gì đó với người phiên dịch. Khi chiếc xe màu đen biến mất khỏi tầm nhìn, người lính SS dẫn cha đi, theo hướng dẫn của người phiên dịch, cha không biết sẽ đi đâu. Lúc ấy, như cảm thấy có lỗi, nhóm người đồng môn của cha càng ngày càng ghì mạnh vào hàng rào dây kẽm. Đôi mắt họ đầy thương cảm và tuyệt vọng hướng về phía cha, họ tiên lượng cái chết sắp xảy ra với cha.

"Islambekov, Chariev, Niyazov... Các bạn của tôi, đừng nhớ đến tôi một cách hờ hững." Khi bước đi, toàn bộ cuộc sống của cha lóe lên trước mắt. Mẹ, bố, chị. Ngôi nhà thân tương. Khu vườn có cây bèo... Ý nghĩ không còn ai thương tiếc đã giúp cha chấp nhận cái chết. Trên đường đi, cha thì thầm lời cầu nguyện đã học được khi còn nhỏ.

Thế rồi, không hiểu sao người lính lại đưa cha vào phòng ăn. Cha im lặng đi theo anh ta, rồi anh ta ra lệnh cho cha ngồi xuống bàn. Rất nhanh, người đầu bếp đã mang thức ăn lên khay: vài lát bánh mì trắng, bít tết và nước mơ. Trong khi cha đang tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, thì người phiên dịch đang ngồi trước mặt cha nói.

“Vị sĩ quan đã ra lệnh cho tôi cho anh ăn. Rằng chỉ mình anh ngồi, ăn đi...”

Với đôi tay run rẩy, bố nhấc một chiếc thìa. Người phiên dịch lấy ra một cuốn sổ trong túi, anh ta xem bức ảnh của người phụ nữ nào đó.

"Bánh mì ngon không?" anh ta hỏi với một nụ cười.

Cha gật đầu lia lịa. Với đôi môi run rẩy, cha bẻ bánh mì và bắt đầu ăn. Ngay lập tức, cha cảm thấy năng lượng tràn ngập.

“Đừng ngại. Ăn đi, anh được chào đón, đã đến giờ ăn trưa. Và bạn bè của anh cũng sẽ sớm được cho ăn. Kể từ hôm nay, anh sẽ được cho ăn đúng cách. Thay vì ăn nước luộc vỏ khoai tây, anh sẽ ăn khoai tây. Đây là mệnh lệnh của viên sĩ quan”.

Sau khi đặt chiếc thìa vào đĩa, cha chuyển ánh mắt ngạc nhiên trong giây lát. Anh ta không để ý đến điều này, vui vẻ hỏi:

"Tên của anh là gì?"

Lần đầu tiên, cha nhìn người phiên dịch gần như vậy. Anh ta chạc tuổi cha, khoảng hai lăm tuổi. Anh ấy là một chàng trai tốt bụng, rất tốt bụng.

“Tên tôi là Odil,” cha trả lời.

“Và tôi là Richard. Tôi dạy tiếng Nga tại Đại học Berlin. Thật không may, tôi đã không thể hoàn thành việc ấy. Năm 1938, tôi phải nhập ngũ vì chiến tranh”.

Richard ở lại với cha một lúc, rồi đứng dậy và đi ra cửa. Anh ta quay lại nhìn cha, rồi nhìn vào bức tĩnh vật treo trên tường.

“Rất nhanh thôi quân đội của bên anh cũng sẽ tới những nơi này. Không còn bao lâu… Sẽ sớm qua thôi.”

Chín tháng sau, vào cuối tháng 1 năm 1945, quân đội Liên Xô giải phóng trại tập trung Auschwitz. Umar Islambekov đã không được nhìn thấy ngày đó bởi anh chết vì bệnh thương hàn. Anh ấy còn rất trẻ, anh ấy kết hôn năm 18 tuổi và rời đi mặt trận năm 19. Naufal đã treo cổ tự tử vào mùa thu buồn bã năm đó. Và biết bao bạn bè, đồng đội của cha đã không thể chịu được cuộc sống khắc nghiệt của trại tập trung. Nơi khủng khiếp này là nơi ẩn náu cuối cùng của họ. Chỉ có cha, Niyazov và một vài người khác sống sót trong trại tử thần mà thôi.

... Đã nhiều năm trôi qua kể từ đó, nhưng những ngày ấy vẫn còn sống mãi trong kí ức của cha. Đặc biệt là vào những ngày mùa xuân như thế này, cha nhớ đến ngày chủ nhật diệu kì của năm 1944, câu chuyện về chiếc bánh mì trắng, khi những khuôn mặt hạnh phúc của những người tù được nếm một miếng ngon nhất hiện ra trước mắt cha.

Cha thậm chí nhớ cả kẻ thù của mình – Thiếu tướng kiêm thông dịch viên Richard, người bất chấp mọi thứ, luôn nhân từ và đầy lòng trắc ẩn. Có lẽ trong số phe đối lập cũng có những người như vậy, những người không tìm ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi làm họ day dứt. Nhìn thấy bao nhiêu máu, chết chóc và ẩn khuất thương tâm xung quanh, họ cũng cảm thấy thổn thức trong tâm hồn chai sạn của mình. Điều này giải thích cho hành động của vị sĩ quan nọ.

Cha im lặng. Cuối cùng, tôi đứng dậy và đi đến cửa sổ. Căn phòng trở nên mát mẻ, tôi đóng cửa sổ. Đứng đó một lúc, tôi đến gần cha hơn. Tôi muốn nói điều gì đó với ông mà lòng nghẹn ngào. Cha đang nhìn về một nơi nào đó xa xăm, hai tay bám vào thành ghế run rẩy.

“Cha ơi, tha lỗi cho con ...” - Tôi lao vào vòng tay của cha.

Tôi khóc, cha cũng khóc.

“Con biết không... con biết không, con gái của bố... mỗi chiếc bánh mì, mỗi chiếc bánh nhỏ đều có ý nghĩa rất lớn đối với cha. Cha luôn muốn chia sẻ chiếc bánh mì của mình với những người bạn...”

KHÁNH PHƯƠNG dịch từ bản tiếng Anh

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)