Vào kì nghỉ xuân, có hai đứa trẻ, hai chị em mang nhiều thương tổn cùng những hoài nghi về mối quan hệ đang li thân của bố mẹ, ông hàng xóm xấu tính, sự ra đi của người bà, lẫn việc bản thân chẳng thể hòa hợp với thế giới “ngoài kia”... đã vô tình gặp một người phụ nữ nghèo hiện sống độc thân, ngày ngày vẫn cho đám mèo hoang ở bãi phế liệu ăn. Hai đứa trẻ, nhanh chóng làm thân với người phụ nữ và lũ mèo xa lạ để rồi, mùa xuân cứ vậy trôi qua, mang đi cả những nghi ngờ, tổn thương vẫn hằn sâu trong tâm lũ trẻ, lúc nào không biết.
Nhà văn Kazumi Yumoto.
NHỮNG GIẤC MƠ
Được mở ra từ giấc mơ của cô bé Tomomi, xưng “tôi”, kể về ác mộng một quái vật do chính là cô bé đang chuẩn bị bước qua cánh cửa cấp 1, để bước vào cấp 2 đấy biến thành, không gian truyện Organ mùa xuân như trở thành điểm giao thoa giữa thực và ảo. “Quái vật đấy, quái vật đến kìa…!” Hiện tại mang theo những cơn ác mộng liên tiếp ùa về, cứ vậy trở đi trở lại với muôn hình muôn dạng trong mỗi giấc ngủ kể từ ngày bà Tomomi ra đi, Tomomi phải đối diện với đủ vấn đề một cô bé tuổi mới lớn có thể trải qua.
Chuyện trường lớp cùng ngưỡng cửa của giai đoạn trưởng thành. Những thay đổi trong gia đình, không chỉ bà mất mà bố mẹ cô bé còn li thân vì một ông hàng xóm luôn khó chịu, người em trai ngây thơ, thuần khiết đến mức gần như ương ngạnh... Tất cả hiện thực ấy, lần nữa được khúc xạ và hiện hình vào tầng vô thức của tâm hồn cô bé chớm bước vào tuổi dậy, sống trong hoàn cảnh rất đặc biệt với tất cả sự âu lo, nhạy cảm nhất.
Và rồi, khi nhìn vào những những giấc mơ về quái vật hay về căn phòng trắng toát hiện lên trên trang viết Organ mùa xuân, lại càng thấy chúng chân thực đến mức, ranh giới thực - ảo trong câu chuyện tác giả Kazumi Yumoto viết lên như bị xóa nhòa. Là thực hay là mơ, những đêm Tomomi đã đi cùng Tetsu để bảo vệ em, những câu ngỡ không đầu không cuối Tetsu vẫn nói, những đêm tràn ngập ánh trăng, hai đứa trẻ ngủ bên nhau trong chiếc xe ô tô chật hẹp người ta vứt ngoài bãi rác để canh giữ cho những chú mèo hoang, và giữa cơn giông đêm tối, Tomomi bị một gã đàn ông xâm hại thân thể… Tất cả, đều hư ảo như được bao phủ bởi lớp sương mộng ảo bàng bạc nơi vùng vô thức mà Tomomi đã trốn tránh vào đó để lãng quên đi ý thức về hiện thực đầy những mâu thuẫn cô bé chẳng thể lý giải hay tháo gỡ.
Organ mùa xuân, như tạo tác được viết lên từ những giấc mơ trải dài. Nhưng giữa dòng chảy thực - ảo khó phân định, thì tình người, vẫn luôn hiện hữu chân thực, tựa chiếc mỏ neo, níu giữ tâm hồn cô bé Tomomi mang nhiều vụn vỡ, bất ổn ở lại cuộc đời. Để cô bé nhận ra, bà cô mất, bố mẹ cô có thể không sống cùng nhau, nhưng kỉ niệm vẫn luôn hiện hữu trong từng ngõ ngách ngôi nhà nhỏ, hiện hình ở ngay chính những vật dụng ngỡ rằng đã bị lãng quên. Để cô bé biết rằng, “ngoài kia” có những người xa lạ, vẫn sống vì cả những số kiếp bé mọn, lang bạt như lũ mèo hoang. Và để cô bé hiểu, con người cũng có thể thay đổi, vì chữ “tình.”
Những giấc mơ, là tái hiện nỗi âu lo của Tomomi vào miền vô thức, là cách cô bé lẩn trốn cuộc sống. Nhưng người ta không thể mãi trốn chạy, cũng như thời gian vẫn trôi, và Tomomi vẫn phải trưởng thành. Organ mùa xuân, tên tác phẩm được ghép từ cây đàn gắn với kỉ niệm của Tomomi và mùa xuân tựa khoảnh khắc giao thoa tuổi trẻ của một cô bé Tomomi, đang lầm lũi, dần vượt qua bất ổn, để đón nhận những thanh âm chân thực của cuộc sống. Dù phía trước có thể còn nhiều thương tổn đang đón chờ cô bé 12 tuổi ấy.
NHỮNG CON MÈO
Nếu những giấc mơ mở ra vùng không gian thực - ảo đan xen của Organ mùa xuân thì những con mèo lại như đưa hai đứa trẻ trong câu chuyện, bước từ màn sương mù ác mộng, tiến gần về hiện thực đời sống ấm áp, bình dị.
Những con mèo đó, trước hết là các tạo tác đầy hữu hình tác giả Kazumi Yumoto đã tạo nên. Là con mèo hoang bị ô tô cán chết Tetsu bắt gặp, xuất hiện ngay sau giấc mơ quái vật của Tomomi, được Tetsu nhặt về và đem chôn trong vườn nhà ông hàng xóm khó chịu. Là lũ mèo hoang vẫn được người phụ nữ mà chị em Tomomi gọi bằng “bác” cho ăn mỗi ngày. Là từng con mèo sống lang bạt nơi bãi phế thải Tetsu đã đặt tên cho từng con, bảo vệ chúng bằng tất cả sức mạnh của một đứa trẻ thuần khiết đến mức, chỉ biết cố gắng vì những gì nó tin yêu.
Những con mèo, đã dẫn dắt chị em Tomomi dần bước vào bóng tối để tìm thấy ánh sáng phía sau con đường vẫn đầy mịt mờ chúng ngày ngày lầm lũi bước đi. Kéo hai đứa trẻ ra khỏi “vùng an toàn” và mở ra thế giới mới, nghiệt ngã hơn, đau đớn hơn khi chúng dần thấu hiểu, sinh mệnh là thứ mong manh như thế nào. Mới hôm qua, mèo nhỏ còn liếm tay chúng, hôm sau con mèo đó đã có thể biến mất rồi.
Sinh mệnh lũ mèo, hai đứa trẻ gặp gỡ sau khi bà của hai đứa ra đi, càng khắc sâu thêm sự “vô thường” của cuộc đời vào tâm thức lũ trẻ. Nhưng chính vì hiểu sự “mong manh” đó, mà có lẽ chúng càng thêm trân trọng và bảo vệ “sinh mệnh” hay rộng hơn, là những gì chúng yêu thương, gắn bó.
Lũ mèo với chị em nhà Tomomi, đã sớm không phải là quan hệ người - vật, chủ - tớ mà trở thành mối quan hệ của những kẻ “đồng cảnh”, “tương ngộ” nên thấu hiểu, “đồng cảm.” Cả hai cùng bơ vơ và như bị quên lãng trước mâu thuẫn bủa vây xung quanh trong cuộc sống bộn bề của người lớn. “Mèo cũng có sự sống, khác với đồ vật. Vứt mèo là một việc không được làm. Đúng vậy, hiển nhiên là như vậy. Điều như thế đến tôi còn hiểu được. Nhưng, lũ mèo lại bị vứt bỏ.”
Bởi thế, cũng như những giấc mơ, những con mèo trong Organ mùa xuân, đã trở thành một dạng biểu tượng. Nhưng nếu “ác mộng” là hiện thân nỗi đau vô thức thì “con mèo” lại tượng trưng cho sự “cảm thông” và “chữa lành”, cho những yêu thương chân thành, cả sự ấm áp, bình dị những đứa trẻ đã vô tình tìm thấy trong cuộc đời vốn vô thường và đầy thương tổn này.
Bìa cuốn sách Organ mùa xuân.
NHỮNG ĐỨA TRẺ
Những đứa trẻ trên trang viết Kazumi Yumoto thường rất đặc biệt. Chúng như thiếu đi sự trong trẻo của tuổi thơ mà thường già hơn so với tuổi thực. Chúng quá trầm lặng, hiểu chuyện, sâu sắc và nội tâm chúng chất chứa quá nhiều những cô đơn, vụn vỡ khi đối diện mâu thuẫn cuộc sống bằng vốn kinh nghiệm sống còn ít ỏi. Và điều đó, lần nữa được tái hiện trong tiểu thuyết Organ mùa xuân.
Kiriki Tomomi, Kiriki Tetsu, hai chị em, mỗi người một cá tính nhưng đều có giao điểm chung: chung hoàn cảnh, chung tâm hồn đầy nhạy cảm trước đổi thay trong đời sống thường nhật. Buồn bã, bất lực, làm những đứa trẻ dần hé mắt nhận thức cuộc đời, đang tuổi ăn, tuổi lớn bắt đầu hoài nhi tất thảy, ngay cả người thân hay ngay chính bản thân chúng. “Người ta bảo rằng trái tim của một người chỉ to cỡ bằng nắm đấm tay của người đó. Thế nhưng, dù tôi đi xa tới thế nào, có gặp bao nhiêu người đi nữa, thì chắc chắn cũng không thể nhìn được trái tim của mình bằng đôi mắt này.”
Nhưng cuối cùng, trẻ nhỏ vẫn là trẻ nhỏ và tác giả Kazumi Yumoto đã không hề áp đặt cái nhìn từ người trưởng thành lên những đứa trẻ của cô. Cô để chúng sống đúng với tuổi thực, bởi dù có “già hơn trước tuổi” thì những âu lo của Tomomi hay Tetsu vẫn hết sức trẻ thơ. Những đứa trẻ trong trẻo vô ngần, song càng trong sáng bao nhiêu, đón nhận buồn đau, vấp ngã và chấp nhận cuộc sống luôn tồn tại những mảng sáng - tối với chúng lại như càng khó khăn bấy nhiêu. Những đứa trẻ dẫu có nhạy cảm như thế nào, vẫn thiếu vốn sống nên cần lắm, sự chỉ bảo, dìu dắt từ lớp người đi trước. Và những đứa trẻ, có yếu đuối, non nớt thì vẫn luôn kiên cường cho ngày mai, để rồi chính sự kiên cường ấy, lại trở thành động lực để người lớn vốn đã chịu đựng quá nhiều vết sẹo thời gian, càng thêm mạnh mẽ cho “tương lai.”
Trẻ nhỏ dễ buồn dễ vui, dễ nhớ dễ quên, và đặc biệt dễ mở lòng để trao yêu thương cùng đón nhận thương yêu. Cho đến khi, vượt qua được cô đơn, buồn đau tuổi mới lớn, những đứa trẻ càng thêm trưởng thành, vị tha. Như cách, Tomomi đã thức dậy sau những cơn ác mộng kéo dài. Như cách, cậu bé Tetsu hòa mình, bảo vệ lũ mèo hoang. Và như cách, hai đứa trẻ đón nhận mùa xuân “cuộc đời” mà khôn lớn.
MỌT MỌT
VNQD