Trưng bày tranh tự họa của Van Gogh tại Anh

Thứ Ba, 08/02/2022 13:55

16 trong số 37 bức chân dung tự họa còn sót lại của Van Gogh, tất cả được thực hiện trong bốn năm cuối đời của ông, sẽ được trưng bày ở Courtauld, London.

Chân dung tự họa, mùa xuân 1887, của Vincent Van Gogh. Ảnh: Bảo tàng Kröller-Müller

Van Gogh đã nhìn thấy bản thân như thế nào? Tại triển lãm tuyệt vời của Courtauld, nơi tập hợp các bức chân dung tự họa của nghệ sĩ được tập hợp lại với nhau, có một bầu không khí kì lạ khó có thể diễn tả. Đây là những “lần hiện ra” mà Van Gogh viết trong những bức thư của mình, bức chân dung “hiện đại” trong mắt ông có sức sống kéo dài hơn bất kì sự tương đồng nào trong tranh. Những tâm trạng kì lạ được biểu hiện rõ ràng, xuyên qua bức tranh một cách sắc nét. Những bức chân dung sống động rõ ràng, cho thấy xương thịt hay màu sắc đa dạng của đôi mắt. Hầu hết, những bức tranh đều được vẽ theo trường phái hậu ấn tượng trong những năm cuối đời của Van Gogh.

Hình ảnh kinh điển của Vincent Van Gogh với chiếc tai được băng kín sau vụ danh họa tự cắt tai. Bức tranh tự họa được ông vẽ vào tháng 1 năm 1889, chỉ một tuần sau khi được xuất viện. Đây là một trong 16 bức tự họa của Van Gogh đang được trưng bày tại London. Rất nhiều trong số này lần đầu tiên được trưng bày công khai kể từ khi rời khỏi xưởng vẽ của đại danh họa. Những bức tranh thể hiện những tiến triển trong phong cách nghệ thuật của ông vào những năm cuối đời.

Bà Karen Serres - Giám tuyển nghệ thuật cho biết: "Ông ấy đã vẽ 35 bức tự họa chỉ trong vòng 3 năm rưỡi. Đó là điều rất hiếm có trong lịch sử nghệ thuật. Chúng tôi muốn tìm hiểu vì sao thể loại tự họa lại hấp dẫn ông đến vậy. Và chúng tôi cũng nhận thấy đây là một cách rất hay để nghiên cứu sự phát triển phong cách của ông trong giai đoạn cuối đời. Bởi đó là quãng thời gian ông ấy tự chiêm nghiệm về bản thân và trở thành Van Gogh mà chúng ta đều biết".

Karen Serres cũng muốn xóa bỏ quan điểm cho rằng những bức chân dung tự họa của Van Gogh là sự thể hiện cảm xúc thô sơ. Bà tin rằng chúng là những minh chứng về kĩ thuật cũng như miêu tả tâm trạng; nghệ sĩ là người mẫu tốt nhất (và rẻ nhất) của chính anh ta, những chi tiết cụ thể về địa điểm của các bức tranh được vẽ, bà không nói tới nhiều.

'Giống như một số nghệ sĩ rock chuyên nghiệp xưa trang trí cho bìa album mới nhất của ông ấy': Chân dung tự họa với mũ rơm, tháng 8-9 năm 1887. Ảnh: Học viện nghệ thuật Detroit.

Chính sức khỏe tâm thần của Van Gogh với những cơn điên loạn như bóng tối ập xuống, ngăn cản danh họa tiếp tục làm việc. Khi vẽ, ông cảm thấy, dường như mình khỏe mạnh hơn. Vậy nhưng các tác phẩm cũng cho thấy tất cả dấu hiệu của cảm giác cực đoan, có vấn đề tâm lí.

Van Gogh đã sử dụng một phép ẩn dụ tuyệt vời để giải thích mối quan hệ giữa nghệ thuật và bệnh tật của mình: biết bệnh tật tấn công lúc nào và nghệ thuật thôi thúc ông lúc nào. Ông từng nói: “Nghiêm túc mà nói, là một người thợ mỏ luôn gặp nguy hiểm nên vội vàng làm những gì anh ta làm”. Quả thật, danh họa đã quá khéo léo và sáng tạo trong hành trình nghệ thuật của mình. Ông biết khi nào làm việc, khi nào dừng lại. Niềm tin vào tài năng của ông, đôi khi vụt tắt, đôi khi rực cháy. Không chỉ đôi mắt của ông sâu thẳm, mà tâm trí ông cũng như được khai quật.

Có 37 bức chân dung tự họa còn sót lại, tất cả đều được thực hiện trong khoảng thời gian từ mùa xuân năm 1886 đến đầu mùa thu năm 1889 (Van Gogh tự sát, 37 tuổi, vào tháng 7 năm 1890). Triển lãm này có 16 bức tranh trong số đó, cũng như hai bức tranh khác từ năm 1888: Chiếc ghế của Van GoghChân dung của Eugene Boch, trong đó danh họa mô tả người bạn là họa sĩ người Bỉ trên bầu trời đầy sao (“Tôi vẽ cái vô hạn”), mang đến cho người bạn của ông sự cảm kích, sự thấu hiểu, thậm chí là tình yêu mà ông thường xuyên khao khát dành cho chính mình.

Bức Chân dung tự họa 'hoang dã', cuối tháng 8 năm 1889, bên trái, và Bức chân dung tự họa, tháng 9 năm 1889, trong đó 'ánh sáng đã chiếu vào'. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế Quốc gia, Oslo; Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, Washington DC

Đây là lần đầu tiên trong hơn 130 năm, hai bức chân dung tự họa vào năm 1889, được thực hiện khi Van Gogh đang ở trong một bệnh viện tâm thần ở Saint-Rémy-de-Provence được xếp cạnh nhau. Vẽ chỉ cách nhau một tuần, sự tương phản giữa chúng là rất ấn tượng, đáng kinh ngạc. Đầu tiên, da của Van Gogh có màu xanh vàng; có điều gì hoang dã trong biểu hiện của ông, như thể ông là một con chuột đồng ốm yếu. Ở bức thứ hai đã xuất hiện ánh sáng chiếu vào, chúng tôi nhìn thấy những chiếc bàn chải của ông. Ông đang làm việc và những nếp gấp sang trọng trên áo khoác của ông cũn gợi ra năng lượng mới.

Các bức tranh tự họa đều cuốn hút từ màu sắc, nét vẽ, vầng trán lộng lẫy. Bức tranh sớm nhất, Chân dung tự họa với chiếc mũ phớt (1886-87), xuất hiện trong phòng vẽ: người họa sĩ trông thật nghiêm túc, thật tư sản. Nhưng trong Chân dung tự họa với mũ rơm (1887), được vẽ sau đó vài tháng, danh họa xuất hiện trước chúng ta như hình ảnh các rocker trong bìa album mới nhất của mình vậy.

Vẫn màu tóc hung đỏ, vẫn bộ râu và đôi mắt xanh lá với cái nhìn sắc bén… nhưng các bức tranh tự họa của Van Gogh lại được vẽ với những thủ pháp rất khác biệt. Đó là cách mà danh họa với nhiều vấn đề về tâm lí bày tỏ cá tính cũng như thể hiện những giằng xé trong nội tâm của mình. Van Gogh coi nghệ thuật là một phần quan trọng để tự chữa lành khỏi những đau đớn trong tâm hồn. Rất nhiều bức tranh được vẽ trong thời gian ông ở bệnh viện hoặc ngay sau khi được xuất viện.

Triển lãm tranh tự họa của Van Gogh diễn ra tại Phòng tranh The Courtauld từ 3/2 tới 8/3/2022.

BÌNH NGUYÊN dịch

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)