Sau cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi về tình mẫu tử, nhà văn người Canada đã chuyển sự chú ý vào cha mình. Cô ấy viết về nỗi đau buồn với sự trung thực hiếm có và quyết định không có con của mình.
Nhà văn Sheila Heti.
Sheila Heti không có ý định viết một cuốn sách về nỗi đau buồn, nhưng vào cuối năm 2018, khoảng một năm sau khi cô bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết mới, Pure Color, cha cô qua đời. “Bố tôi đã bị ốm, nhưng điều đó luôn là cú sốc. Đó là sự thanh đổi sâu sắc nhất mà tôi trải qua khi trưởng thành, khi bố mẹ qua đời”. Kết quả của cú sốc đó, câu chuyện trong cuốn sách của cô “đột ngột vỡ ra”.
Heti và tôi đang ngồi trong căn hộ tầng hai ấm cúng của cô ấy ở Toronto, nơi cô ấy ở chung với người bạn trai 11 năm của mình, Luc, và chú chó rottweiler thân thiện của họ, Feldman. Bên ngoài, một cơn bão tuyết thổi qua, nhưng Feldman giữ ấm cho cả hai chúng tôi bằng cách gác chân lại. Heti có giọng nói nữ tính và bộ trang phục thiếu niên những năm 1990 áo phông dài tay bên dưới chiếc váy xanh bằng vải cotton, mái tóc ngắn giống kiểu tóc pixie và một sự trầm lặng, nhạy bén cùng độc đáo. Có thể dễ dàng hình dung cô từng là một cô gái có khiếu nghệ thuật bẩm sinh và một người phụ nữ sắc sảo mà cô sẽ trở thành vào một ngày nào đó.
Pure Color thể hiện cả sự độc đáo và sắc nét đó. Cuốn sách như bao sự khởi đầu và kết thúc của thế giới, Adam và Eve, cũng như toàn bộ cuộc đời của nhân vật Mira của cô, đầy hấp dẫn và lôi cuốn độc giả. Heti chia sẻ: “Với những cuốn sách khác của mình, tôi đã nghĩ khi viết: Sẽ có người bạn này đọc cuốn sách này và tôi muốn gửi gắm điều này tới họ. Nhưng khi viết cuốn sách này tôi không nghĩ như vậy. Cuốn sách trở nên trực quan hơn”. Kết quả là, tiểu thuyết có những mơ mộng và một số đoạn như thể xuất phát từ tiềm thức của Heti, chẳng hạn như khi nỗi đau buồn của Mira dành cho cha đã lấn át, khiến cho cô trở thành một chiếc lá, trong thời gian khá dài.
Là một thiếu niên lớn lên ở Toronto, con gái của những người Hungary nhập cư Do Thái, Heti yêu thích sách của các nhà văn như Henry Mille, Edmund White và Marquis de Sade. Họ là những nhà văn ban đầu có ảnh hưởng lớn đối với con đường sự nghiệp của cô.
Trong tiểu thuyết How Should a Person Be?, (tạm dịch: Nên trở thành một người như thế nào?), Hati miêu tả như một tác phẩm dựa trên các cuộc phỏng vấn với bạn bè của cô, đặc biệt là với họa sĩ Margaux Williamson. Đôi khi các đoạn văn là cuộc nói chuyện bằng văn xuôi, đôi khi ở dạng kịch bản. Sách đã được The New York Times chọn là một trong 100 cuốn sách hay nhất năm 2012 và James Wood của tờ The New Yorker chọn là một trong những cuốn sách hay nhất của năm.
Vào năm 2018, Heti đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết tự truyện, Motherhood (tạm dịch: Tình mẫu tử), tập trung vào việc cô ấy đang cân nhắc về việc có nên có con hay không. Ban đầu sách được coi là một tác phẩm phi hư cấu, Heti khám phá sự chú trọng của xã hội đối với vai trò làm mẹ và cách phụ nữ bị đánh giá bất kể họ như thế nào. Cuốn sách lọt vào danh sách rút gọn vào vòng chung kết cho Giải thưởng Scotiabank Giller năm 2018...
Các cuốn tiểu thuyết nghe có vẻ giống nhau, nhưng chúng hoàn toàn khác nhau về giọng điệu và tâm trạng, với tác phẩm trước đó ghi lại sự tự nhận thức và nghi ngờ bản thân của những người ở độ tuổi 20, và tác phẩm sau khai thác sự hoảng sợ và lo lắng bao trùm của người phụ nữ ở độ tuổi ba mươi về sau. Các cuốn sách chứa đựng nhiều yếu tố tự truyện nên nhiều nhà phê bình đã mô tả chúng là tự truyện. Hati từng thấy không thích hợp khi nghe từ này, nhưng giờ chấp nhận rằng “đó là một thuật ngữ hữu ích vì nó giúp ích cho kì vọng của mọi người về cuốn sách. Tuy nhiên, tôi chỉ gọi nó là hư cấu. Tất cả các nhà văn đều sử dụng trải nghiệm cuộc sống của họ để viết. Hãy nhìn vào Proust - tất cả đều là sự hư cấu,” cô nói.
Bìa cuốn sách Pure Color.
Không giống như hai cuốn trước, Pure Color được viết ở ngôi thứ ba và sách không đặt ra câu hỏi trọng tâm: người kể chuyện hoàn toàn chắc chắn về những gì cô ấy đang nói, cho người đọc biết ngay từ đầu lí do tại sao mọi người như vậy và tại sao thế giới là như nó là. Điều này một phần phản ánh bản thân Heti - “Đúng vậy, tôi cảm thấy chắc chắn hơn về bản thân mình bây giờ,” và cũng bởi đây là cuốn tiểu thuyết về tuổi trung niên, thời điểm trong cuộc đời khi “bữa tiệc đang diễn ra sau cánh cửa đóng kín”.
Pure Color là một dải ngân hà của một cuốn tiểu thuyết: bùng nổ, tươi sáng, khổng lồ và đầy vẻ đẹp. Đó là một cuốn kinh thánh đương đại, một tập bản đồ về cảm giác và một hướng dẫn hài hước đến ngớ ngẩn về những điều tuyệt vời (và khủng khiếp) về việc được sống. Sheila Heti là một nhà triết học của kinh nghiệm hiện đại, và cô ấy đã hình dung lại những gì một cuốn sách có thể chứa đựng.
Đầu tiên, chúng ta đang ở đây, đang sống trong bản nháp đầu tiên của Sự sáng tạo, được thực hiện bởi một nghệ sĩ vĩ đại nào đó, người hiện đang sẵn sàng xé nó ra. Khi đó nhân vật Mira ngạc nhiên về sự trôi chảy của thời gian kể từ khi cô còn trẻ, trước internet và mạng xã hội. Mira khi đó rời nhà để đi học. Ở đó, cô gặp Annie, người có sức mạnh khủng khiếp mở ra lồng ngực của Mira như một cánh cổng - cô không biết là gì.
Sau đó, khi Mira lớn hơn, người cha thân yêu của cô qua đời và linh hồn của ông truyền vào cô đột ngột và câu chuyện trở thành điều mà Heti không ngờ tới. Điều đó tạo thành một phần của cuốn sách. Khiến cho độc giả như đang ở trong bản thảo thứ hai, sau cái chết của người thân, giống như thế giới đã kết thúc. Mira và cha trở thành một chiếc lá trên cây. Nhưng quá trình quang hợp trở nên nhàm chán, và việc tồn tại là một vấn đề không thể giải quyết được, ngay cả với một chiếc lá. Cuối cùng, Mira phải nhớ lại thế giới loài người mà cô ấy đã bỏ lại, bao gồm cả Annie, và quyết định có quay lại hay không.
Không có nhà văn nào thích được nghe rằng sách của họ gợi nhớ đến tác phẩm của nhà văn khác. Bởi tôi chia sẻ, đôi khi Pure Color khiến tôi liên tưởng đến tác phẩm No One Is Talking About This của Patricia Lockwood đã lọt vào danh sách tranh giải Booker năm ngoái, tác phẩm ấy cũng kết hợp sự đau buồn với những quan sát vui nhộn về cách công nghệ đã làm thay đổi thế giới. Heti gật đầu nói: “Đúng vậy, tôi và Patricia là bạn, và cách đây vài năm, chúng tôi đã kể cho nhau nghe về những cuốn sách của mình, và tôi nói, 'Những cuốn sách này có rất nhiều điểm chung!' Vì vậy, chúng tôi đã trao đổi các bản thảo và về mặt cấu trúc, chúng cảm thấy khá giống nhau, ” cô nói.
Đối với tôi, tác phẩm của Heti là cuốn sách mạnh mẽ hơn, với những mô tả về nỗi đau buồn đến mức ngạc nhiên và chân thực: “Cô ấy đã nghĩ rằng, khi ai đó chết, giống như họ đi vào một căn phòng khác vậy,” cô viết. “Cô ấy không biết rằng chính cuộc sống đã biến đổi thành một căn phòng khác, và nhốt bạn trong đó mà không có chúng.”
Trong những cuốn sách trước đây của mình, Heti đã viết với sự trung thực tương tự về tình yêu và tình dục. Nhà văn có bao giờ cảm thấy bị phơi bày khi viết về những trải nghiệm cá nhân như vậy không? Heti nói: “Tôi không bao giờ cảm thấy bị phơi bày bởi vì không có gì bên trong tôi mà không phải ở trong bạn. Tất những bài viết đều viết về tất cả chúng ta, về trải nghiệm của con người, ” cô nói.
Tuy nhiên, lựa chọn không sinh con chỉ đơn giản vì bạn không muốn có con, như Sheila quyết định trong Motherhood, không phải là một trải nghiệm phổ biến. Cuốn sách đó làm dấy lên hàng loạt bài bình luận, ủng hộ và tán dương có, hoặc nghi ngờ lí luận của Heti. Tôi đóng góp ý kiến chủ quan rằng, một phần của cuốn sách khiến tôi thất vọng là Sheila tin rằng cô ấy phải lựa chọn giữa việc theo đuổi nghệ thuật của mình và sinh con. Tại sao đối tác của người phụ nữ không thể hỗ trợ chăm lo em bé trong khi cô ấy có thể tiếp tục với nghệ thuật?
"Bạn có con không?" Heti hỏi. Tôi trả lời rằng tôi có. Cô ấy nói: Tôi biết nhiều nghệ sĩ đều có con, đó không phải lí do tại sao Sheila lại không có. Có lẽ lí do cô ấy không có con là vì cô ấy không muốn, đó là tất cả, nhưng dù sao bạn phải tìm được một lí do hợp lí nào đó”, Heti dí dỏm nói thêm.
Khi còn nhỏ, Heti thích diễn xuất và viết lách, tham gia các buổi biểu diễn cùng bạn bè và viết truyện cùng cha. Cuối cùng cô quyết định rằng cô phải lựa chọn giữa hai thứ để có cơ hội trở thành người giỏi một thứ gì đó. Cô đặt tên cho tạp chí văn học là Believer, nhưng lại bỏ dở việc đó để thực hiện một cuốn sách cộng tác, Women in Clothing (Phụ nữ mặc quần áo), mà cô mô tả là “cuộc trò chuyện giữa hàng trăm phụ nữ” về lựa chọn thời trang của họ. Cùng với đó và các tiểu thuyết của mình, cô đã viết một vở kịch, một tiểu thuyết, một tuyển tập truyện, hai cuốn sách thiếu nhi và một ấn phẩm hợp tác khác, ấn phẩm này về triết học. Cô yêu sách “hơn tất cả”, cô ấy nói, và chúng tôi được bao quanh bởi các kệ đầy những tác phẩm kinh điển như - Gide, Flaubert, Tolstoy. Heti nhấn mạnh cuộc trò chuyện của cô ấy với các đề xuất về sách: Adelle Waldman lần đầu ra mắt The Love Affairs of Nathaniel P vào năm 2013; Acts of Service của Lillian Fishman - một tác phẩm đầu tay khác sẽ được xuất bản ở Anh vào mùa hè này; cuốn tiểu thuyết tự truyện gần đây Fuccboi của Sean Thor Conroe... “Có rất nhiều nhà văn giỏi”, cô nói một cách vui vẻ và giàu cảm hứng. Bởi họ đã viết rất tốt, nên bạn cần tìm ra thế mạnh của mình là gì. Heti cũng nói tới một cuốn sách cô vừa khám phá gần đây - The Wall của Marlen Haushofer, một tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1963, “hiện tại sách đã không còn được in nữa và nó sẽ khiến bạn phát ốm, bởi nếu cô ấy không phải là phụ nữ, thì mọi người sẽ đọc nó, giống như Robinson Crusoe,” Heti nói.
Cô có nghĩ rằng sách của phụ nữ vẫn bị đối xử khác với sách của nam giới không? Heti trả lời: "Quả thật, tôi cảm thấy rất thú vị khi đọc các đánh giá về Fuccboi của Sean Thor Conroe và so sánh chúng với các đánh giá của tôi về Motherhood. Các nhà phê bình tán đồng nghĩ rằng nhân vật biết mình đang làm gì, đã đưa ra những lựa chọn có ý thức. Không ai nói nhân vật trong tác phẩm dường như chính là tác giả. Còn trong Motherhood, các nhà phê bình rất phê phán con người nhân vật, điều này khiến tôi rất ngạc nhiên”.
BÌNH NGUYÊN dịch theo bài viết của Hadley Freeman, The Guardian.
VNQD