Dòng chảy

Giao lưu ‘Từ trang sách đến cuộc đời’

Thứ Sáu, 08/04/2022 15:56

Sách là phương tiện lưu giữ tri thức và các chặng đường phát triển của nhân loại... Sách có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Với mục đích nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ trong Bộ Tổng Tham mưu về văn hóa đọc, tối 7/4/2022, tại Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144, Cục Chính trị Bộ Tổng Tham mưu phối hợp với Thư viện Quân đội và các cơ quan chức năng tổ chức buổi tọa đàm giao lưu nhà thơ, nhạc sĩ với chiến sĩ, chủ đề "Từ trang sách đến cuộc đời".

Đồng chí Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đứng giữa), Đại tá Phạm Xuân Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Tổng Tham mưu (đứng bên trái) và Đại tá Nguyễn Đức Thi, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ 144 đến dự và tham quan trưng bày sách tại phòng Hồ Chí Minh của Tiểu đoàn 4, Lữ 144. 

Hai vị khách mời trong buổi giao lưu "Từ trang sách đến cuộc đời" là Đại tá, nhạc sĩ Vũ Hùng và Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng, đã chia sẻ về cuộc đời chiến trận, những cảm xúc trên từng trang viết của mình, gieo mầm tình yêu sách trong lòng chiến sĩ trẻ Tiểu đoàn 4, Lữ 144 để từ đó khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong đơn vị, góp phần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy, góp phần bồi đắp bản lĩnh và ý chí của người quân nhân cách mạng trong thời kì mới.

Buổi giao lưu nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới nhập ngũ về ý nghĩa Ngày hội đọc sách, đẩy mạnh phong trào đọc sách, rèn luyện đạo đức, lối sống xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Phát biểu tại buổi giao lưu Đại tá Phạm Xuân Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Tổng Tham mưu cho rằng: Với mong muốn lan tỏa trực tiếp phong trào đọc sách, tình yêu văn học nghệ thuật đến cán bộ, chiến sĩ trong Bộ Tổng Tham mưu, trước hết từ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144 trong xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tôi hi vọng toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn hãy cùng quán triệt nhận thức, nêu cao trách nhiệm chính trị trong phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời. Đại tá Phạm Xuân Tuấn kêu gọi mỗi người hãy dành thêm thời gian trong ngày, trong tuần để đọc sách, mang lại cho mình nhiều niềm vui, giúp nâng cao nguồn tri thức cho học tập bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, kĩ ngăng tư duy, rèn luyện nhân cách, góp phần làm giàu thêm tri thức của đất nước và nhân loại, cũng là góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp lành mạnh, phong phú trong Quân đội, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.

Đại tá Phạm Xuân Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Tổng Tham mưu mong muốn bằng những hoạt động giao lưu như thế này sẽ truyền thêm tình yêu đối với sách trong Quân đội nói riêng và nhân dân nói chung.

Mở đầu phần giao lưu Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng chia sẻ những kỉ niệm về 46 năm trước khi ông bước chân vào quân ngũ. Ngày đó đất nước mới trải qua cuộc kháng chiến chống Mĩ nên còn nhiều khó khăn, cơm bộ đội ăn chưa no, quân trang không đầy đủ như bây giờ. Tuy vậy ai cũng tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của đội quân vừa làm lên lịch sử lẫy lừng 5 châu, chấn động địa cầu.
Sau này khi đã là một nhà văn, nhà báo được đi nhiều và tiếp cận nhiều tư liệu chiến tranh, nhà văn luôn trăn trở làm một điều gì đó để nói lên tiếng nói của lịch sử, nói lên những mất mát hi sinh của cán bộ chiến sĩ trong các cuộc chiến tranh. Cơ duyên đến với ông vào năm 2004 khi ông cùng nhóm cựu chiến binh đã sưu tầm được nhiều tư liệu để biên soạn và cho ra đời tủ sách mãi mãi tuổi 20. Hai cuốn Nhật kí Đặng Thùy Trâm và Nhật kí Mãi mãi tuổi 20 được phát hành đã nổi tiếng lúc bấy giờ, những cuốn sách trở thành vật gối đầu giường để cán bộ chiến sĩ noi gương, học tập. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2020 nhà văn Đặng Vương Hưng đã biên soạn Bộ sách Nhật kí Những lá thư thời chiến Việt Nam. Bộ sách sưu tập đầy đủ các di vật là những bức thư, những cuốn nhật kí của các liệt sĩ ở tất cả các quân binh chủng trong Quân đội. Đặc biệt trong đó có tác phẩm Tài hoa ra trận sau này được cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chuyển thể thành bộ phim Mùi cỏ cháy. Bộ sách được giới nghiên cứu đánh giá cao trong khâu tư liệu sống động về chiến tranh. Đó là những trang thư, nhật kí riêng tư chỉ viết dành cho người vợ, người cha người mẹ hoàn toàn không có ý nhắn gửi tương  lai, nhưng tất cả đều đặt lên trên hết là tình yêu Tổ quốc, tình yêu Quê hương vô bờ bến. 

Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng giao lưu cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu.

Trả lời câu hỏi của Trung sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Đại đội 12, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu về cái duyên trong việc sưu tập hàng vạn di vật của Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng có di vật hay cuốn sách nào viết về Bộ đội Cận vệ không, Đại tá, nhà thơ đã bật mí về cuốn Nhật kí Gửi lại mai sau của liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Sơn (bút danh Nguyễn Hải Trường) quê Hậu Lộc, Thành Hóa từng là bộ đội Đại đoàn 312 sau được tuyển chọn vào Đại đoàn 350 có nhiệm vụ về bảo vệ Đảng và Bác Hồ khi tiến về tiếp quản Thủ đô. Cuốn sách là những câu chuyện hết sức xúc động mà liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Sơn ghi lại cảm xúc của mình khi tham gia các trận đánh tại chiến trường và hi sinh năm 1968.

Đại tá, nhạc sĩ Vũ Hùng trong phần giao lưu với các chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Lữ 144, Bộ Tổng Tham mưu.

Còn nhạc sĩ Vũ Hùng thì chia sẻ hoàn cảnh ra đời của bài hát Mối tình đầu. Bài hát đó được ông sáng tác vào năm 1989 đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày thành lập Bộ đội Trường sơn (19/5/1959) đó là cảm xúc rất thật khi ông được thăm lại chiến trường xưa, lời bài hát là những lời tri ân với đồng đội, với những mối tình sâu đậm của các anh các chị đã bị cuộc chiến tranh tàn khốc vùi lấp. Những ca từ trong bài hát trong sáng và thấm đượm sự lãng mạn đời thường.
Cách phát hành bài hát cũng rất bình dị, khi nó còn đang ở dạng bản nháp chưa được hòa âm phối khí đầy đủ. Đó là một hôm anh Vũ Thanh, Trưởng phòng Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng ca sĩ Trung Đức (NSND Trung Đức) ghé chơi, nhìn thấy bản nhạc Trung Đức liền cầm đàn guita tự đệm và hát thử. Anh Vũ Thanh nghe xong liền nói với ca sĩ Trung Đức cậu tập xong sang đài thu luôn không cần dàn nhạc vì sắp đến ngày kỉ niệm Trường Sơn rồi mà không có bài hát nào mới. Nhạc sĩ Vũ Hùng lúc đó hơi lo ngại vì bản nhạc còn nhiều sai sót, chưa kịp hòa âm, tuy vậy bản thu đầu tiên với chỉ độc cây đàn guitar đã đi sâu vào đời sống mà đến giờ những bản nhạc có đầy đủ hòa âm, dàn nhạc đi kèm cũng không làm được. 

Trả lời câu hỏi của chiến sĩ Lưu Công Tuấn, Đại đội 13, Tiểu đoàn 4 về bài hát nào mà nhạc sĩ thấy tâm đắc nhất, Đại tá, nhạc sĩ Vũ Hùng trả lời hóm hỉnh rằng đó là bài hát chưa ra đời.

Các chiến sĩ trẻ Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144 rất háo hức khi được tham gia giao lưu cùng nhà thơ, nhạc sĩ.

Buổi giao lưu "Từ trang sách đến cuộc đời" đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ chiến sĩ về những giá trị sâu rộng và những câu chuyện đằng sau những tác phẩm, những trang sách, góp phần đẩy mạnh phong trào đọc sách để nâng cao tri thức, tôn vinh người đọc, những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong Quân đội.

Một số hình ảnh tại buổi giao lưu:

Thúc đẩy tình yêu và phong trào đọc sách là chuẩn bị cho tương lai của các chiến sĩ. 
Thư viện lưu động được tổ chức tại Tiểu đoàn 4 đã thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đến thăm quan và đọc sách.
Những người lính đã tìm được niềm vui sau giờ huấn luyện.
Đại tá Phạm Xuân Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Tổng Tham mưu trao tặng sách cho Lữ đoàn 144.

Lãnh đạo Thư viện Quân đội trao tặng sách cho Tiểu đoàn 4.
Các chiến sĩ giao lưu cùng các tác giả và đồng đội.
Thực hiện: Thành Duy
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)