Dòng chảy

Yêu Trường Sa qua từng trang sách

Chủ Nhật, 24/04/2022 18:40

Buổi trò chuyện mang tên “Tổ quốc dấu yêu qua từng trang sách” diễn ra sáng 22/4 tại Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội dưới sự phối hợp của chương trình “Sách nhà mình” và Nhà xuất bản Kim Đồng. Từ một buổi giao lưu nhỏ, nhưng các em học sinh đã có những hiểu biết nhất định về Trường Sa thông qua các câu chuyện, để thấy rằng, “không xa đâu Trường Sa ơi!”.

Buổi giao lưu với sự tham gia của đông đảo các em học sinh Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong hành trình xây dựng và lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng nhân Ngày đọc sách Việt Nam 21/4, khắp cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu quảng bá sách, trong đó có hoạt động đẩy mạnh văn hóa đọc trong các trường học. Một trong những lí do hoạt động đọc sách diễn ra tích cực trong các trường học đó là việc xây dựng nền tảng văn hóa đọc nên được bắt đầu từ các em nhỏ, hiêu ứng từ mối quan hệ mật thiết giữa học sinh, gia đình và thầy cô giáo chính là nền tảng cơ bản của một xã hội đọc sách hiệu quả.

Một buổi trò chuyện giao lưu như thế đã diễn ra tại Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Buổi trò chuyện mang tên “Tổ quốc dấu yêu qua từng trang sách” diễn ra sáng 22/4 dưới sự phối hợp của chương trình “Sách nhà mình” và Nhà xuất bản Kim Đồng.

Ngày hội đọc sách 2022 với chủ đề “Quê hương dấu yêu qua từng trang sách” đã được thể hiện trong chương trình giao lưu xoay quanh cuốn sách “Trường Sa kì vĩ và gian lao” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Các em học sinh khối 6 lần đầu tiên đươc tham gia buổi sinh hoạt tập thể dưới sân trường, cùng với sự góp măt của đầy đủ các thầy cô Ban giám hiệu. Nhà văn Sương Nguyệt Minh - tác giả cuốn sách đã chia sẻ về chủ đề buổi giao lưu và những nội dung xoay quanh cuốn sách, cùng tham gia giao lưu là nhà văn trẻ Thương Hà và họa sĩ Tô Chiêm, đại diện Nxb Kim Đồng.

Cuốn sách được chọn làm chủ đề giao lưu của nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Buổi giao lưu mở đầu bằng một số trò chơi tập thể, các hoạt động đoán từ, đuổi hình bắt chữ, các em đươc dẫn dắt đến những đặc trưng nổi bật của vùng đất đầu sóng ngọn gió qua các cụm từ đưa ra trong cuốn sách để giới thiệu về vùng biển đảo Trường Sa thân yêu, nơi mà nước ngọt quý hiếm như máu, nơi thiên nhiên khắc nghiệt nhưng sức sống của con người và thiên nhiên cũng hết sức dẻo dai, can trường, nơi có những doi cát xoay vòng quanh đảo qua bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, v.v.. Tuy không phải điều gì các em cũng biết đến, nhưng quan trọng là các em được khơi gợi, từ đó để đến với Trường Sa một cách tự nhiên qua từng trang sách.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ về cuốn sách với thầy trò Trường THCS Dịch Vọng.

Ngay sau đó, các em đã được nghe chính nhà văn Sương Nguyệt Minh, tác giả cuốn sách, giải thích cụ thể bằng những câu chuyện sinh động trên đảo Trường Sa. Các em cũng đã mạnh dạn hỏi tác giả cuốn sách những thắc mắc về Trường Sa cũng như động lưc để nhà văn viết nên tác phẩm.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã rất xúc động khi được trở về với tuổi thơ qua hình ảnh các em ríu rít dưới mái trường. Ông cho biết, đây cũng là lần đầu tiên có cơ hội chuyện trò với các độc giả nhỏ tuổi về cuốn sách. Về động lực viết nên tác phẩm này, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết, ban đầu là nhiệm vụ công tác của một phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng sau đó là cảm xúc thực tế, là tình yêu thương mạnh mẽ đối với các chiến sĩ tại Trường Sa. Hai yếu tố đó hoà quện với nhau tạo ra độ thăng hoa cho quá trình sáng tạo của người cầm bút.

Đại diện nhà trường tặng hoa cám ơn nhà văn - diễn giả.

“Cứ mỗi lần đến với trường học là tôi lại rưng rưng sống lại một thời tuổi thơ cắp sách đến trường. Tuổi thơ thời chúng tôi trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ và... chăm đọc sách. Phải nói là thế hệ chúng tôi thời trẻ con rất chăm đọc. Chăm đến mức cứ thấy cái gì có chữ là đọc. Bởi đời sống tinh thần có gì đâu, tivi cũng chưa có, ngoài thế giới động vật, cỏ cây và chương trình văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam thì một tháng một lần được xem phim màn ảnh rộng ở bãi cỏ, hoặc bãi chợ. Bây giờ, thời đại của internet, games, phim ảnh, ca nhạc... tràn ngập, trẻ con ít đọc sách hơn. Nhưng dù đọc thì bọn trẻ vẫn chăm đọc hơn người lớn”, nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ. Có lẽ đó cũng là lí do chương trình đọc sách quốc gia luôn bắt đầu từ các em học sinh, hướng đến thế hệ trẻ.

Buổi giao lưu đã cho các em trường THCS Dịch Vọng một hình dung về Trường Sa kì vĩ, Trường Sa thiêng liêng, Trường Sa gian lao nhưng cũng vô cùng kì thú, từ cảnh sắc thiên nhiên, đến cuôc sống của các chiến sĩ, những người dân, v.v.. Họ chính là những chiến sĩ ngày đêm bám biển, bám đảo, giữ yên vùng biên cương trên biển của Tổ quốc.

Các em học sinh nhận phần thưởng sau buổi giao lưu.

Hướng về Trường Sa, ghi nhớ những sự hi sinh cao cả, thầm lặng ấy, các em học sinh, những người dân được sống, được học tập và làm việc trong hoà bình, hạnh phúc cần phải nhìn nhân lại cách sống của chính bản thân mình, có trách nhiệm với đất nước từ những câu chuyện nhỏ như liệu chúng ta đã biết trân trọng nước ngọt, mở rộng ra là những nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận hay chưa, hay đã biết giữ gìn, chú trọng sức khoẻ, sự tiến bộ của chính bản thân chúng ta hay chưa. Để có kiến thức và kĩ năng sống, một trong số những hành động thiết thực đó là xây dựng thói quen đọc sách hàng ngày. Ví dụ như với cuốn “Trường Sa kì vĩ và gian lao”, các em sẽ hiểu hơn một vùng đất đặc biệt của Tổ quốc, để thêm yêu hơn miền đất, yêu thêm quê hương mình. Mở rộng ra, đoc sách, các em sẽ tăng thêm sự hiểu biết, bồi bổ cảm xúc, tâm hồn, kĩ năng, những yếu tố không thể thiếu trên hành trình trở thành một công dân hữu ích.

Từ một buổi giao lưu nhỏ nhưng các em học sinh đã có những hiểu biết nhất định về Trường Sa thông qua các câu chuyện, để thấy rằng, “không xa đâu Trường Sa ơi!”.

THU LAN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)