Trong khuôn khổ các hoạt động hướng đến Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4; Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, ngày 19/4, tại Thư viện Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức khai mạc Tuần lễ Sách và Văn hóa đọc trong Quân đội cùng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác.
Đây là dịp để khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn quân; nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách; xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Đồng thời, phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong quân đội nói riêng và trong cả nước nói chung.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ Sách và Văn hoá đọc trong quân đội năm 2022.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn phát biểu tại lễ khai mạc: Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là công tác thư viện, báo chí, xuất bản nhằm bảo đảm nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, thông tin, nghiên cứu, học tập, nâng cao kiến thức toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ. Hệ thống thư viện, phòng đọc đã và đang phát huy tác dụng tích cực, phục vụ cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức, trình độ góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều hoạt động để phát triển văn hóa đọc được các cơ quan, đơn vị áp dụng triển khai thực hiện.
Có thể nói, đối với bất kì một ngành nghề nào thì sách cũng là di sản/tư liệu vô cùng quan trọng và thiết yếu. Sách là tri thức của nhân loại, là những kinh nghiệm quý giá mà lịch sử và các thế hệ đã để lại cho chúng ta. Đối với quân đội, sách còn là hành trang không thể thiếu. Năm xưa trên những chặng đường hành quân, chiến đấu đầy gian khổ, những cuốn sách hiếm hoi vẫn được những người chiến sĩ chuyền tay nhau để vơi đi nỗi nhớ, vợi đi những gian truân. Ngày nay, sách càng không thể thiếu với mỗi cán bộ chiến sĩ, bởi sách góp phần lớn trong việc trang bị kiến thức sống, kiến thức phục vụ công việc, và kiến thức nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta.
Nhà văn Đặng Vương Hưng và nhà văn Lê Thị Bích Hồng là những khách mời tham dự buổi giao lưu, toạ đàm: Bảo tồn và phát triển văn hoá đọc thời kì 4.0.
Cũng trong khuôn khổ hướng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Thư viện Quân đội đã tổ chức buổi toạ đàm, giao lưu chủ đề Bảo tồn và phát triển văn hóa đọc thời kỳ 4.0. Sau 36 năm đổi mới toàn diện, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính trị, xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao... Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các phương tiện nghe nhìn có thể đáp ứng tối ưu mọi nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật, bồi dưỡng tinh thần và tình cảm thẩm mĩ của con người thì văn hoá đọc không còn giữ vị trí độc tôn như trước mà đã bị văn hoá nghe nhìn phần nào lấn át. Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ đến mọi đối tượng bạn đọc, nhất là giới trẻ, theo nhiều chiều hướng (tích cực và tiêu cực). Một trong những vấn đề nổi lên trong thời đại công nghệ 4.0 là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay, trong đó có thanh niên trong quân đội - một vấn đề đáng để chúng ta cùng suy nghĩ. Buổi toạ đàm mong muốn có thể trả lời được phần nào những câu hỏi còn bỏ ngỏ hiện nay về bảo tồn và phát triển văn hóa đọc thời kỳ 4.0.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, nhà thơ Đặng Vương Hưng chia sẻ những kỉ niệm của ông thời trẻ với sách. Theo đó, sách là người bạn không thể thiếu đối với ông trên mỗi chặng đường hành quân và chiến đấu, ngay từ khi còn là một cậu bé thiếu niên thì sách đã góp phần hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn ông. Đặc biệt, ông cho biết, những kỉ niệm sâu sắc với tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã cho ông thêm nhiều đam mê với việc đọc và chắp cánh cho những con chữ trong ông để sau này ông trở thành một nhà thơ, nhà văn đúng nghĩa.
Thế hệ trẻ trong quân đội vẫn luôn thể hiện niềm đam mê đọc sách trong thời kỳ 4.0.
Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Nhưng chúng ta đang bước vào thời kì 4.0 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, có quá nhiều thứ hấp dẫn thu hút chúng ta. Đặc biệt với người trẻ, họ năng động và khát khao đi tìm những điều mới mẻ. Vậy sách với người trẻ hôm nay có vị trí như thế nào?
Trả lời cho câu nỏi này, PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng cho biết: Mỗi người sẽ quan tâm đến sách và có cách đọc sách khác nhau, kĩ năng đọc và chuẩn mực đọc khác nhau, vậy nên cũng không nên bi quan về việc đọc sách của giới trẻ. Vì thực tế là họ vẫn đọc hằng ngày nhưng theo một cách khác truyền thống. Họ có thể đọc các bản trên máy tính, điện thoại… đó là điều dễ hiểu. Việc của chúng ta là giới thiệu, khuyến khích người trẻ tiếp tục đọc cũng như tiếp cận nhiều hơn với sách, bởi nếu không tiếp cận và lắng nghe sách thì chúng ta không thể lớn lên được.
Văn hóa đọc sách đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn đang ngày càng phát triển và phát triển đỉnh cao. Buổi toạ đàm đã góp những tiếng nói trong việc nâng cao nhận thức, ý thức của người trẻ, đặc biệt là người trẻ trong quân đội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách. Qua đây cũng nhằm tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác giả, tác phẩm; tôn vinh nghề thư viện, nghề xuất bản, phát hành… Sách hay sẽ giúp ta mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, là cách để nối liền quá khứ, hiện tại và mở ra tương lai, sách là người bạn đồng hành trên con đường hướng đến thành công của mỗi chúng ta, chính vì vậy chúng ta cần bảo tồn và phát triển văn hóa đọc trong thời kì 4.0.
PV
VNQD