Ngày 21/4/2022, Nhà hát Kịch nói Quân đội khai sàn vở diễn Mưa đỏ. Mưa đỏ được nhà văn Chu Lai chuyển thể kịch bản sân khấu từ tiểu thuyết cùng tên của ông. Tác phẩm nói về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đạo diễn của Mưa đỏ là NSND Lê Hùng; chỉ đạo nghệ thuật Đại tá- NSƯT Nghiêm Đình Thắng, Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Tiểu thuyết Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai từng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn năm 2016 và giải A Giải thưởng Bộ quốc phòng. Kịch bản chuyển thể cùng tên của tác giả cũng đoạt giải A của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt nam năm 2021.
Nhà văn Chu Lai và tiểu thuyết Mưa đỏ. Ảnh:PLO
Tác phẩm gây ám ảnh từ cái tên: Mưa đỏ hay Bản giao hưởng máu. “Mưa đỏ”- vì đó là mưa máu, những giọt mưa như những giọt máu! Kịch bản lấy bối cảnh chính là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, với thế giới nhân vật đông đảo ở cả hai chiến tuyến, từ vị tướng mặt trận đến cậu lính cần vụ, từ vị chính ủy đến cậu lính trơn xuất thân là cán bộ, công nhân, là anh nông dân chân lấm tay bùn, là những chàng trai cô gái học sinh, sinh viên, những nhạc sĩ, họa sĩ; từ tổng thống, đại tướng ngụy đến cố vấn Mĩ, đến những người lính ngụy, thậm chí đến mẹ, đến người yêu của những người lính ở hai chiến tuyến. Nhân vật tuy đông nhưng không bị nhạt nhòa, bởi mỗi nhân vật đều có cá tính riêng, vai trò riêng. Nhà văn Chu Lai không miêu tả theo hướng anh hùng ca đơn thuần, không phải là “những người lính Thành cổ dàn hàng ngang tiến lên”. Trong mỗi người lính có một thế giới nỗi niềm: người thì chiến đấu để có bằng liệt sĩ, xóa mặc cảm gia đình, người thì trốn tình yêu ra đi, người thì ban đầu rất có khí phách, nhưng dần không chịu nổi áp lực chiến tranh, dần thành kẻ hôi của, nhưng trong cuộc chiến này cũng bị sự hào sảng đánh tan đi, cuối cùng anh ta trở thành một ngọn đuốc sống trong trận đánh cuối cùng… Đặc biệt, tác giả không áp đặt theo lối ta tốt, địch xấu, mà khắc họa ở Quang- Đội trưởng đội Hắc báo có cả những nét nhân văn, lãng mạn. Tuy đa sắc màu như vậy nhưng diễn tiến tâm lí của nhân vật rất tự nhiên, rất con người và có tính thuyết phục.
Đại tá, NSƯT Nghiêm Đình Thắng, Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội phát biểu tại lễ khai sàn vở diễn Mưa đỏ.
Kịch bản Mưa đỏ tái dựng được không khí chiến tranh sục sôi bằng tâm thế của người từng vào sinh ra tử, bằng cái nhìn của tác giả về cuộc chiến, về Thành cổ, về chiến thắng và cả lòng người. Mà ở đó, bên trong sự trần trụi khốc liệt của mỗi người lính sẵn sàng đương đầu với cái chết là trái tim lãng mạn vô cùng, vì theo tác giả, “có lãng mạn mới sinh ra được lí tưởng, mới sinh ra sức mạnh của các giá trị tinh thần”. Biểu hiện là Cường Hà Nội, chàng sinh viên năm thứ 4 nhạc viện với “Bản giao hưởng máu” anh đã viết trong những khoảng lặng chiến tranh, ngay tại căn hầm giao thông chật hẹp. Đó là âm hưởng của lịch sử, của dân tộc, của đồng đội, âm hưởng của non sông... Trong kịch bản, người con (Cường) chiến đấu trận này để thêm một lá phiếu cho người mẹ đang họp ở Hội nghị Paris. Người mẹ làm thư kí ở Hội nghị Pari đang đọc bản Hiệp định Paris thì giọng đọc nghẹn lại khi nghe thấy tiếng gọi của người con, trong linh cảm người con đã hi sinh. Nhưng kịch không dừng ở sự đau thương đó, cũng không dừng ở chuyện “ta thắng địch thua”. Kết kịch thật ấm áp và sâu sắc: người mẹ mang theo âm hưởng bản giao hưởng máu của người con trai duy nhất hi sinh ở Thành cổ được cô gái Quảng Trị (người yêu anh từ cái nhìn đầu tiên) đưa vào Thành cổ để tìm mộ của con trai, đã gặp và từ từ đi lại phía người mẹ của người đã giết con mình “Xin phép chị cho tôi thắp cho cháu một nén nhang!”. Người mẹ phía bên kia nghẹn ngào xúc động… Đó là tư tưởng nhân văn của cuộc chiến tranh, của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, và đó chính là chủ đề âm hưởng vở kịch: Bỏ qua tất cả đau thương để hòa hợp dân tộc!
Mưa đỏ là một kịch bản hay, là một bản hùng ca bi tráng tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, sự hi sinh vì nghĩa lớn; là ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo, bản lĩnh vượt qua khó khăn, gian khổ, hi sinh; là sự đồng chí đồng lòng, đoàn kết thống nhất; là nghĩa tình đồng chí, đồng đội; là tinh thần nhân văn cao cả của con người Việt Nam, là tư tưởng hòa hợp dân tộc sâu sắc và tình nghĩa. Có thể nói, đây là một kịch bản truyền cảm hứng sáng tạo từ âm nhạc tới mĩ thuật, từ dàn dựng tới diễn viên, đồng thời đây cũng là một thử thách không nhỏ với đạo diễn và ekip sáng tạo. Đạo diễn- NSND Lê Hùng sẽ là người hiện thực hóa kịch bản trên sàn diễn Nhà hát Kịch nói Quân đội cùng với đội ngũ diễn viên đa số là diễn viên trẻ như: Dương Khánh, Huyền Sâm, Huy Hùng, Vi Thường, Lê Khả Sinh, Mạnh Hùng, Tô Sơn Bình, Nguyễn Văn Huy … bên cạnh một số gương mặt nghệ sĩ quen thuộc của Nhà hát Kịch nói Quân đội như: NSƯT Phùng Anh Huy, Thu Ngà, Hoàng Lan, Hoàng Hiệp, Xuân Thu, Xuân Bình…
Nhà văn Chu Lai, tác giả tiểu thuyết Mưa đỏ, đồng thời là tác giả kịch bản sân khấu phát biểu tại lễ khai sàn vở diễn.
Nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Tôi đã đến Thành cổ Quảng Trị 7 ngày đêm, thậm chí nằm ở ngôi mộ để nghe tiếng rì rầm của tâm linh, để viết Tiểu thuyết Mưa đỏ. Sau chuyển thể cuốn tiểu thuyết này sang kịch bản sân khấu, Nhà hát Kịch nói Quân đội là đơn vị đầu tiên dàn dựng vở diễn. Với bản sắc riêng có của Nhà hát Kịch nói Quân đội: Điều luật, chân thành, kỉ luật sáng tạo và hừng hực lửa, tôi tin vở diễn chắc chắn sẽ thành công”.
Vở diễn Mưa đỏ hướng tới chào mừng kỉ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và đặc biệt hướng tới kỉ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị 1972.
Một số hình ảnh các nghệ sĩ Nhà hát Kịch nói Quân đội tập vở Mưa đỏ:
VŨ HOÀNG HẠNH
VNQD