Vở nhạc kịch 3 hồi với sự tham dự của gần 200 nghệ sĩ, diễn viên, được dàn dựng công phu trong suốt hơn một năm qua xứng đáng là một công trình nghệ thuật quy mô khẳng định tên tuổi của Nhà hát Công an nhân dân trong dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập. Có thể nói, nhạc kịch Người cầm lái là một đóng góp tầm cỡ vào kho tàng các tác phẩm nghệ thuật lớn về đề tài chiến tranh cách mạng.
Vở nhạc kịch Người cầm lái tái hiện con đường ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 30 năm, từ thuở ấu thơ đến khi tìm ra chân lí, quá trình giác ngộ lí tưởng, con đường hoạt động ở các nước trước khi trở về Việt Nam lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám đi đến thành công. Đây cũng là hoạt động nghệ thuật hướng đến các sự kiện lớn trong năm như kỉ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022), kỉ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022). Cùng với lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập, tối 24/4/2022, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát Công an nhân dân đã công diễn vở nhạc kịch này.
ĐÓN HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHÌ
Lễ kỉ niệm 40 năm thành lập Nhà hát Công an nhân dân (27/4/1982 – 27/4/2022) có sự tham dự của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng đông đảo các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ Nhà hát Công an nhân dân các thời kì.
Trong diễn văn kỉ niệm 40 năm Nhà hát Công an nhân dân, Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác Đảng Công tác Chính trị, Bộ Công an đã khẳng định những đóng góp của các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Công an nhân dân trong việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an trên mặt trận văn học nghệ thuật cũng như những đóng góp của Nhà hát với nền nghệ thuật nước nhà với nhiều vở diễn để lại ấn tượng đặc biệt. PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định vai trò quan trọng của Nhà hát Công an nhân dân, không chỉ là thiết chế văn hóa của lực lượng Công an nhân dân mà còn có vai trò quan trọng trong hệ thống các thiết chế văn hóa của đất nước. Kỉ niệm 40 năm thành lập cũng là dịp để các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ công an nhân dân gặp gỡ, giao lưu, ôn lại chặng đường đã qua và cùng nhìn về chặng đường sắp tới.
Thay mặt Bộ Công an và Đảng ủy Công an Trung ương, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, chiến sĩ, diễn viên Nhà hát Công an nhân dân đã đạt được trong thời gian qua. Thượng tướng Lương Tam Quan nhấn mạnh, Đảng ủy Công an Trung ương luôn coi trọng và tạo điều kiện để phát triển văn học nghệ thuật trong lực lượng. Nhà hát Công an nhân dân luôn là đơn vị nòng cốt để xây dựng các giá trị nghệ thuật của người chiến sĩ công an nhân dân. Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, Thượng tướng nói, thời gian tới sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước đứng trước những thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn thách thức rất lớn, bối cảnh đó đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân những nhiệm vụ hết sức nặng nề trong đó có vai trò nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của các nghệ sĩ - chiến sĩ công an, Thượng tướng đề nghị Nhà hát Công an nhân dân phát huy truyền thống đã đạt được để hoàn thành những nhiệm vụ mới trong thời gian tới, vì nền nghệ thuật nước nhà và vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Đại tướng Tô Lâm trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho đại diện lãnh đạo Nhà hát Công an nhân dân. Ảnh: BTC Nhà hát Công an nhân dân tiền thân là Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân, được thành lập ngày 27/4/1982. Quyết định do đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) kí. Từ khi thành lập đến nay, tổ chức bộ máy của Đoàn có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị từng thời kì. Nhà hát Công an nhân dân hiện nay được thành lập trên cơ sở sát nhập Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân và Đoàn Kịch nói Công an nhân dân. Sau 40 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Công an nhân dân đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, góp phần khẳng định những đóng góp nghệ thuật của lực lượng Công an nhân dân. Nhà hát đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý… Đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát từng bước trưởng thành, được khán giả cả nước yêu mến; 23 nghệ sĩ của Nhà hát đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Đặc biệt, nhân kỉ niệm 40 năm Ngày thành lập, Nhà hát Công an nhân dân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. |
VỞ DIỄN LỚN MỪNG SINH NHẬT
Vở nhạc kịch Người cầm lái do Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an chỉ đạo, Nhà hát Công an nhân dân tổ chức thực hiện. Cố vấn nghiệp vụ Công an nhân dân: Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Thiếu tướng - NSND Nguyễn Công Bẩy. Cố vấn nghệ thuật: PGS.TS, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. Cố vấn âm nhạc: Nhạc sĩ, PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Vở nhạc kịch do biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và làm tổng đạo diễn; nhạc sĩ sáng tác Đình Thắng, Hoàng Huy, Duy Minh; biên đạo múa Tuyết Minh, Mạnh Quyền.
Đây là dự án nhạc kịch đầu tiên của Nhà hát Công an nhân dân, khai thác đậm nét hình tượng Bác Hồ. Vở nhạc kịch có sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ, với nhiều tên tuổi lớn ở các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, múa... Vở nhạc kịch Người cầm lái gồm 3 hồi: Quê hương, Tiếng vọng non sông, Chuyến tàu định mệnh. Tác phẩm được dàn dựng với hình thức giao hưởng - đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm, song vẫn phát huy di sản truyền thống từ sân khấu kịch hát dân tộc, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam qua chất liệu âm nhạc dân tộc và ngôn ngữ múa dân gian đương đại. Đó là lí do dù sử dụng hình thức nghệ thuật hàn lâm hiện đại nhưng khán giả vẫn thấy sự gần gũi và thuần Việt. Thiết kế sân khấu độc đáo cũng góp phần làm nên thành công của nhạc kịch Người cầm lái. Tạo hình bản đồ Việt Nam đắp nổi như một biểu tượng nghệ thuật xuyên suốt làm nền cho những biến động, những chuyển cảnh. Màn hình trình chiếu lớn đã tạo cộng hưởng rất tốt trong việc tạo ra những đại cảnh sinh động với sự chuyển động nhanh, cùng với âm nhạc, ánh sáng, vũ điệu đã tạo nên nhịp điệu nhanh, mạnh của một một bữa tiệc sân khấu cho khán giả.
Xuyên suốt nhạc kịch Người cầm lái, công chúng được đắm chìm trong một không gian nghệ thuật đặc sắc với các phần nghe/nhìn sống động trong sự chuyển tiếp liên tục và linh hoạt kết hợp giữa trình chiếu và mĩ thuật sân khấu phù hợp cho từng bối cảnh. Câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn thơ bé đến quãng đường 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã được tổng đạo diễn, nghệ sĩ Tuyết Minh tái hiện bằng những lát cắt, những câu chuyện tiêu biểu đậm ngôn ngữ múa. Chia sẻ về điều này, nữ đạo diễn nói rằng, chị đã dành cả năm trời nghiên cứu các tài liệu về Bác để lựa chọn những câu chuyện từ cuộc đời thực có tính kết nối trong một câu chuyện tổng thể để xây dựng kịch bản nhằm lột tả quá trình hình thành tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở giai đoạn đầu đời. Đó là sự ảnh hưởng từ gia đình, quê hương, từ trong truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông để kết tinh, hội tụ nên nhân cách Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại trong hành trình tìm ra con đường cứu nước, mở ra trang sử mới cho dân tộc.
Các ca khúc sử dụng trong vở nhạc kịch cũng được sáng tác mới hoàn toàn và đầu tư chăm chút công phu. Tất cả những điều đó cho thấy sự xả thân, lao động nghệ thuật nghiêm túc của tổng đạo diễn cũng là tác giả kịch bản và ekip các nghệ sĩ tham gia. Họ đã lao động hết mình cho một tác phẩm nghệ thuật thực sự sống động và thuyết phục.
Các ca sĩ, nghệ sĩ múa, diễn viên đã có những nỗ lực lớn để thể hiện vai diễn, trong đó có những vai nặng kí và xuyên suốt, đòi hỏi sức sáng tạo và nội lực lớn đã được các nghệ sĩ hoàn thành xuất sắc. Ca sĩ Lê Tuân trong vai Nguyễn Ái Quốc/Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhập vai xuất thần, với chất giọng miền Trung và phải thuộc những đoạn thoại dài, đặc biệt là phân cảnh Bác Hồ ở Paris, suy tư trăn trở về cách mạng vô sản và con đường để các dân tộc thuộc địa đứng lên giành độc lập, làm chủ vận mệnh đã được Lê Tuân thể hiện tự nhiên và thuyết phục, là một điểm nhấn quan trọng của vở diễn. Đảm nhận vai trò dẫn chuyện là hai ca sĩ Kim Long và Thu Hường đã đáp ứng tốt vai trò kết nối của vở diễn. Một số nghệ sĩ đã vào vai kép như NSƯT Minh Lương vừa đảm nhận vai Đức Thánh Trần Hưng Đạo vừa thủ vai viên toàn quyền Đông Dương. Ca sĩ Thanh Tâm, một gương mặt quen thuộc trong đội ngũ nghệ sĩ Công an nhân dân trong nhiều năm cũng xuất hiện trở lại với vai bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Hồ Chủ tịch. Bởi vậy, vở nhạc kịch cũng là dịp để các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Công an nhân dân được hội tụ nghề nghiệp trong một công trình nghệ thuật lớn mang nhiều ý nghĩa.
Một số hình ảnh vở nhạc kịch Người cầm lái do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Công an nhân dân cùng các nghệ sĩ biểu diễn tại Nhà hát lớn tối 24/4/2022:
THIỆN NGUYỄN
VNQD