Dòng chảy

Nhà thơ Hữu Thỉnh, bình dị và bát ngát

Thứ Hai, 09/05/2022 13:25

Buổi tối ngày 8 tháng 5 năm 2022, hàng trăm văn nghệ sĩ đã vô cùng xúc động khi tới dự buổi Lễ trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì của Chủ tịch nước cho nhà thơ Hữu Thỉnh tại Nhà hát lớn Hà Nội. Hình ảnh Hữu Thỉnh đứng trang nghiêm trên sân khấu, nghe lời tuyên đọc văn bản trao tặng Huân chương thật xiết bao xúc động. Tôi như thấy ông đứng trước tầng tầng liệt sĩ, đồng đội ông đã nối nhau ngã xuống trong dằng dặc mấy cuộc chiến tranh. Hữu Thỉnh lặng yên, phăng phắc và lồng lộng như một tượng đài trên sân khấu. Ngay cả khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiến tới trao tặng Huân chương và bó hoa tươi thắm, Hữu Thỉnh vẫn dường như còn chưa tỉnh hẳn. Ông mỉm cười đấy mà ánh mắt như ở một cõi khác, cõi của các liệt sĩ, nhất là các liệt sĩ khuyết danh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh. Ảnh:  VOV

Bên dưới sân khấu là những bậc trưởng lão của làng văn và cũng là đồng đội của Hữu Thỉnh, là những lứa văn nghệ sĩ kế cận kề vai sát cánh với ông cũng như trân trọng sự thiêng liêng của thi ca, của trái tim nồng hậu từ lứa nhà thơ chống Mĩ mà Hữu Thỉnh là một trong những đỉnh cao, người dẫn dắt cho tới hôm nay.

Đến với buổi Lễ trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì của Hữu Thỉnh, mọi người càng thấu tỏ trái tim và cuộc đời nghệ sĩ của ông. Xưa nay, người đời đã không ít lần trách Hữu Thỉnh chuyện này chuyện khác, thực ra là những chuyện cơm áo gạo tiền đã vít chúng ta xuống tầm thấp hơn chính bản thân mình. Rồi bỗng đâu có vật chất, có địa vị và tiền bạc, lại cũng không ít người quay ra trách Hữu Thỉnh, kì kèo, xin xỏ những thứ không phải của mình, nhưng Hữu Thỉnh chỉ cười hiền và nói “Tuyệt, tuyệt”. Còn tuyệt, tuyệt cái gì, thiên hạ hãy tự hiểu chứ một người thông thái như Hữu Thỉnh sao lại phải lần lượt trả lời những sự thường để lại gây thêm những phiền phức khác.

Chúng ta đã quá quen thuộc với thi ca và cuộc đời Hữu Thỉnh. Bạn văn chương nhiều thế hệ lúc trầm tư một mình cũng như lúc trà dư tửu hậu, ai cũng tự hào đã quen biết, vừa trò chuyện, vừa bàn soạn, thậm chí vừa trách cứ chuyện gì đó với Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh luôn nói “Tuyệt, tuyệt” về bất cứ ai, về bất cứ chuyện gì. Ông càng tuyệt nhiên không bao giờ tỏ ý trách cứ người đã “chế tạo” những giai thoại, trong đó có không ít là ác ý về ông. Hữu Thỉnh từng có câu thơ rất hay: Nước lã đổ đi nước lã lại đem thờ, cũng là sự mênh mông dài rộng và hết sức bao dung của trí tuệ và tâm hồn ông.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chúc mừng và tôn vinh Hữu Thỉnh cũng bình dị và bát ngát như chính cuộc đời ông. Chúng tôi đến sớm, cũng là để học tập cách thức tổ chức một sự kiện và đã thật kinh ngạc, trầm trồ trước sự bình dị nhưng ngân rung bát ngát, chí nghĩa chí tình, thơm thảo đến tận cùng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, giới văn nghệ sĩ và nhất là các văn nghệ sĩ trẻ, một số còn là sao trong showbiz như Tự Long, Xuân Bắc, Đàm Vĩnh Hưng, Lan Anh, Lê Anh Dũng… đã thể hiện hết mình những diễn ngôn nghệ thuật từ thơ ca của Hữu Thỉnh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942 tại Tam Dương - Vĩnh Phúc. Ông đã có hàng chục năm đảm đương cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội các khóa X và XI, với những đóng góp đặc biệt xuất sắc về văn học nghệ thuật và cũng là người dẫn dắt hết sức tài tình và khéo léo trong bước đường trưởng thành của Hội Nhà văn Việt Nam - một hội nghề nghiệp luôn ăm ắp những sóng to gió cả nhưng cũng đầy cảm xúc và có những đóng góp lớn trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã in khoảng trên 20 tập thơ, trường ca, tiểu luận phê bình văn học và được trao tặng các Giải thưởng của Hội Nhà văn; Giải thưởng văn học ASEAN; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Ông là một người lính chiến - nhà thơ thực thụ luôn có mặt ở những khu vực nóng bỏng nhất không chỉ trong chiến tranh mà còn trong cả thời bình. Chương trình tôn vinh ông trong Lễ đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhì có tên Sức bền của Đất đã phần nào khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ai trong số chúng ta chẳng thuộc ít nhiều thơ Hữu Thỉnh. Còn luôn nhẩm hát khúc khải hoàn: Năm anh em mỗi đứa một quê/ Đã lên xe là cùng một hướng/ Nổ máy lên ta một dạ xung phong/ Trước quân thù lòng chỉ biết có tiến công...(Năm an hem trên một chiếc xe tăng) hoặc như tuyên ngôn bình dị mà bát ngát: Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím (Thơ viết ở biển).

Nhắc tới nhà thơ Hữu Thỉnh, chúng ta thấy ngay được sự gánh vác và tận tâm, tận tụy của lứa nhà thơ chống Mĩ tới hôm nay với thi ca, với dân tộc. Lứa các ông như những bóng cây xòe tán vừa hứng bão táp phong ba vừa trao truyền xanh mát cho đời. Lại có lúc, thế hệ các ông, điển hình là Hữu Thỉnh giống như những cây bàng góc phố quanh năm chắn trời mà thấu tận cùng chìm nổi thịnh suy trong cơ hàn gân cốt riêng một mình ngẫm nghĩ cao xanh. Trong cuộc sống, không dễ gì tìm được sự bằng lòng. Trong thơ ca càng như vậy. Càng chẳng dễ dàng đâu tìm được một sự bằng lòng, nhất là của công chúng, nhất là của nhân dân cần lao đang đòi hỏi sự sáng suốt của chúng ta, sự hữu ích của thi ca với những khốn khó trăm bề, trước những sự tha hóa đến tận cùng của đời sống kim tiền vây bủa. Hữu Thỉnh đã từng chặng, từng chặng trả lời xuất sắc câu hỏi thơ ca phải làm gì? Phải có trách nhiệm ra sao trong đời sống của nhân dân. Hữu Thỉnh không né tránh những ngặt nghèo, đã đương đầu với giả dối và ti tiện bằng một sự bình dị và bát ngát của thơ ông, của đời ông. Chính sự thong thả và bát ngát của thi ca đã giữ cân bằng cho cuộc đời Hữu Thỉnh, để có những câu thơ thanh thoát đến dị thường: Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về/ Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu (Sang thu). Đi suốt cả ngày thu/ vẫn chưa về tới ngõ/ dùng dằng hoa quan họ/ nở tím bên sông Thương… Nước vẫn nước đôi dòng/ chiều vẫn chiều lưỡi hái/ những gì sông muốn nói/ cánh buồm đang hát lên (Chiều sông Thương)

Cá nhân tôi có vô vàn kỉ niệm với nhà thơ Hữu Thỉnh. Tôi cũng đã học được không ít nết đất nết người từ toàn bộ đời sống và tác phẩm của ông. Một lần, gần đây thôi, trong buổi ra mắt sách của nhà văn - Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung - người mà Hữu Thỉnh rất kính trọng và luôn dành nhiều thời gian, tâm huyết với ông anh cấp tướng. Cuốn sách tôi tham gia biên soạn và tổ chức thực hiện rất được giới văn bút khen ngợi, trong đó có Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh. Hôm đó, tôi đã phát biểu bằng tất cả tâm huyết và nhận thức của mình về văn học, về chiến tranh, và nhất là về lứa nhà văn đi trước. Chẳng hiểu Hữu Thỉnh nghe thế nào, ông đột ngột kết luận phát biểu như thế là… phản động, là sai lệch với máu xương của người chiến sĩ ta, nhân dân ta; là dễ bị mắc bẫy luận điệu của một số người muốn lật lại lịch sử... Mọi người ở đó sững sờ. Tôi vừa ấm ức vừa bàng hoàng, song đã bình tĩnh không nói lại. Lập tức, các nhà văn Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy... và nhất là đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Chí Trung đã thông cảm và động viên tôi và lập tức đính chính với Hữu Thỉnh. Đương nhiên, mọi chuyện mau chóng hướng về phía nhân văn và đúng đắn. Thật may tôi đã không cự cãi lập tức ở đó. Hữu Thỉnh là như vậy. Hữu Thỉnh chính là Hữu Thỉnh, luôn cởi mở dễ dàng và lúc cần gay gắt sát sạt, đều một mực vì văn học, vì thế hệ trẻ.

Trong buổi Lễ đón nhận Huân chương Độc lập của ông, hơn ai hết, Hữu Thỉnh hiểu được thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của mình ở đâu, và nhất là cần phải làm gì cho những chặng đường phía trước. Ông đứng im lặng đó, giống như một tòa thành với những lộc non, hoa trái xum xuê, nhưng cũng vô vàn những vết bom cày đạn xé. Tòa thành lừng lững ẩn chìm, có lúc như là rụt rè le lói sáng, lại có lúc chói lòa kiêu hãnh như một cung điện nguy nga. Là người phía bên ngoài, tùy theo tâm thức và cảm xúc mà phán xét vậy thôi, chứ trong thẳm sâu Hữu Thỉnh, phấn đấu suốt đời của Hữu Thỉnh, có lẽ chỉ là sự bình dị và bát ngát, một sự đằm sâu như sức bền của Đất.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Hữu Thỉnh - Sức bền của Đất". Ảnh: VOV

Cùng với lễ đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng là chương trình nghệ thuật "Hữu Thỉnh - Sức bền của Đất" quy tụ nhiều nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ của cả nước như NSND Lê Khanh; NSND Lan Hương; NSND Tự Long; NSND Xuân Bắc; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Xuyên suốt chương trình, khán giả được thưởng thức nhạc và thơ của ông như: Ngôi nhà của mẹ; Phan Thiết có anh tôi; Hóa thạch những dòng sông; Nghe tiếng cuốc kêu; Sang thu... Những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh đã được các nghệ sĩ sân khấu như Xuân Bắc, Tự Long, Lê Khanh, Lan Hương thể hiện xuất sắc, mang lại những cảm xúc nghệ thuật trong đêm diễn đặc biệt. Một số ca khúc phổ thơ Hữu Thỉnh cũng được thể hiện như Biển, nỗi nhớ và em; Ngẫu hứng hai nhà; Lời mẹ; Năm anh em trên một chiếc xe tăng... 

PHÙNG VĂN KHAI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)