Linda Lê từng khẳng định: “Tôi tự thấy mình là người ngoại quốc triệt để, bất cứ khi tôi ngụ ở đâu. Tôi đã lớn lên tại Việt Nam như người ngoại quốc, và tôi đã sống như người ngoại quốc trên đất Pháp. Đó là sự chọn lựa, đúng vậy, chọn lựa là kẻ đào vong.” Có lẽ vì quan niệm như vậy nên những tác phẩm của bà đã đem đến một sự độc đáo sâu sắc của sự không-thuộc-về, và cũng bởi vậy khi bà đã nằm xuống thì chúng ta vẫn ngồi đây để nói về bà, nói về sự đào vong của bà trong văn chương và tưởng nhớ về bà.
Sáng 29/5/2022 Nhã Nam và Viện Pháp đã tổ chức buổi tọa đàm “Linda Lê như trong ký ức” để những bạn đọc Việt Nam yêu mến các tác phẩm của bà cùng nhau chia sẻ và bày tỏ những suy ngẫm, tình cảm của mình về nhà văn gốc Việt tài năng, độc đáo này.
Không khí buổi toạ đàm "Linda Lê như trong ký ức".
Linda Lê nhận nhiều giải thưởng văn học như giải Vocation (1990), giải Renaissance de la nouvelle (1993), giải Fénéon (1997), giải Wepler (2010)… Năm 2012, cuốn tiểu thuyết Sóng ngầm của Linda Lê được xem là một trong những tác phẩm giá trị nhất của mùa văn học Pháp năm ấy và lọt vào danh sách 4 đề cử chung kết giải Goncourt. Các tác phẩm của bà có sự giao thoa giữa nhiều chủ đề: lưu vong, nỗi mất mát, mối quan hệ trong gia đình và những ám ảnh bởi tổn thương thời thơ ấu. Năm 2019, bà nhận giải thưởng Prince Pierre de Monaco, ghi nhận sự nghiệp sáng tác tại đất Pháp của bà. Có thể nói, hiếm có nhà văn gốc Việt nào được giới phê bình Pháp đánh giá cao như Linda Lê.
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Linda Lê coi văn chương như chốn cư ngụ cho đời sống của mình. Việc lựa chọn ngôn ngữ của bà là rất quan trọng. Bà đã đọc lại văn học Pháp, nhập vào văn học Pháp, tự tin làm chủ tiếng Pháp và sáng tạo tiếng Pháp.
Linda Lê đã có lần nhấn mạnh: Viết là lưu đày. Bạn đọc có thể tìm thấy quan niệm này trong tập truyện ngắn Lại chơi với lửa, cuốn sách tràn ngập những bi kịch u tối, rùng rợn, bế tắc và những chi tiết hoang đường. Cũng ở đây, triết lí về việc viết đã được nhà văn khẳng định qua các nhân vật chính, họ đều viết, viết một cách say sưa, ám ảnh.
Nhà phê bình văn học Văn Giá và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ tại buổi toạ đàm.
Là người từng có dịp gặp gỡ, làm việc với nhà văn Linda Lê, nhà phê bình văn học Văn Giá chia sẻ: ở Linda Lê có sự bí ẩn, đài các, phương đông, bà cũng rất kiệm lời. Bà lựa chọn ngôn ngữ tiếng Pháp và khám phá đến tận cùng ngôn ngữ ấy, như thể trút mình vào ngôn ngữ. Bà viết bằng tiếng Pháp là một cách để đi vào văn chương thế giới. Luôn để tác phẩm trong sự căng thẳng của tinh thần và thân xác, Linda Lê truy sát ngôn ngữ đến tận cùng, truy vấn nội tâm đến tận cùng. Bà tha hương từ trong ngôn ngữ của mình, từ trong cộng đồng của mình, từ trong gia đình của mình... Bà không thuộc về bất cứ điều gì. Văn chương của Linda Lê là trường hợp độc đáo, phức tạp, nhiều tầng nghĩa, đa văn hoá, liên văn bản. Một chú thích trong tác phẩm có thể mở ra rất nhiều câu chuyện phải tìm hiểu, thách thức bạn đọc. Bà không viết bằng đời sống thực tại đơn thuần. Linda Lê luôn quyết liệt khám phá ý nghĩa của ngôn từ. Điều đó tạo nên phong cách riêng, cũng là điều khiến độc giả yêu mến các tác phẩm của bà.
Linda Lê viết nhiều về cái chết, những cái chết lạ lùng kì dị. Cái chết đã trở nên như một ám ảnh trong văn chương của bà. Nhưng chính Linda Lê cũng từng khẳng định: “Tôi viết về cái chết như viết về tình yêu… Cái chết là một phần của sự sống, là mặt ngược lại của sự sống mà ta không thể tránh nhìn trực diện.” Thư chết, cuốn sách tang tóc này là cuộc tìm kiếm một tuổi thơ đã mất. Giờ phút xếp lại những bức thư của người cha vừa khuất là dịp để con gái thổ lộ nỗi đau giằng xé tâm can vốn kìm nén suốt hai mươi năm trời cha con xa cách. Gọi là “Thư chết” bởi thư được gửi tới người quá cố, cũng chính vì thế mà không bao giờ đến tay người nhận. Lá thư giống như lời thỉnh cầu âm thầm trước vong linh người cha, hiển hiện một khao khát mãnh liệt được nối kết, được hàn gắn.
Trong mỗi tác phẩm của mình Linda Lê cũng luôn cho thấy sự ám ảnh về người cha. Năm 14 tuổi (1977), Linda Lê theo người mẹ có quốc tịch Pháp sang Pháp sống, trong khi cha ở lại Việt Nam; sự chia lìa đau khổ này sẽ để lại ảnh hưởng mạnh mẽ lên những trang viết của bà về sau. Cũng trong một bài trò chuyện, Linda Lê nói rằng, hành trang bà đem sang Pháp là hình ảnh về nỗi cô đơn của người cha.
Một số tác phẩm của Linda Lê đã được Nhã Nam xuất bản.
Nhân vật tôi luôn là nhân vật chính trong tác phẩm của Linda Lê, như thể đó chính là cách nhà văn thể hiện cái tôi của mình, cái tôi ở bên trong. Văn chương của bà luôn nói đến những sự u tối, khốn quẫn nhưng thực chất là bà đang hướng đến ánh sáng. Trong văn chương của mình, Linda Lê luôn hé lộ, gián tiếp hay trực tiếp, ít nhiều về bản thân. Tiểu thuyết Vu khống xoay quanh câu chuyện của một người nhập cư (có lẽ là từ Việt Nam), anh ta bị gia đình gửi vào một trại thương điên ở Pháp suốt 10 năm. Được một bác sĩ tốt bụng giúp đỡ, anh tự cứu chính mình bằng việc học tiếng Pháp, đọc những tác phẩm trong thư viện. Bà sở hữu lối viết thôi miên kì lạ, những kết hợp từ sáng tạo và các nhân vật độc đáo.
Sóng ngầm được xem là một trong những tác phẩm giá trị nhất của văn học Pháp năm 2012 và lọt vào danh sách 4 đề cử chung kết giải Goncourt. Cuốn sách khám phá những phức tạp trong mối quan hệ gia đình, nguồn cội, ngôn ngữ và sự cách biệt văn hóa. Bốn nhân vật, mỗi người một giọng kể, mỗi người một tâm tư, bị ràng buộc với nhau bởi một câu chuyện. Với tiểu thuyết này, Linda Lê dường như có một sự đổi khác, từ chỗ luôn giấu mình tới chỗ muốn phơi bày một phần nội tâm, như để tưởng niệm nơi chốn đã nuôi dưỡng, “cứu vớt” mình.
Nhà văn Linda Lê luôn xem việc sống và viết phải đồng hành với nhau. Vậy nên có lẽ, dù chưa bao giờ bà nói và viết bằng tiếng Việt nhưng những tác phẩm của bà luôn có dấu ấn Việt Nam cũng như trong thẳm sâu trái tim bà thì Việt Nam vẫn là nguồn cội, là tiếng “cha đẻ” mà bà luôn luôn khắc khoải khôn nguôi.
Sáng 9/5/2022, Linda Lê đã qua đời tại Paris, Pháp, ở tuổi 59, để lại nỗi tiếc thương và khoảng trống cho giới văn chương và độc giả. Thật may, chúng ta vẫn còn có ở đây những tác phẩm của bà, như sự hiện diện vĩnh cửu của một tài năng. Bà luôn khẳng định mình là kẻ đào vong, không thuộc về nơi nào. Tuy nhiên, với những tác phẩm đã găm sâu trong tâm trí bạn đọc thì bà đã thuộc về tất cả những ai yêu mến bà, một tình yêu phi biên giới.
ĐỨC SƠN
VNQD