Dòng chảy

Trang sách hồng mở ra…

Thứ Bảy, 04/06/2022 16:17

 Nhân dịp ra mắt hai tuyển tập 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức buổi giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi vào sáng ngày 3/6/2022 tại trụ sở 55 Quang Trung, Hà Nội.

Ngay từ những ngày đầu thành lập (17/6/1957) Kim Đồng đã nhận được những trang bản thảo của các tác giả lớn cả về tài năng và lớn cả về tình yêu dành cho thiếu nhi. Đó chính là sự đóng góp đầu tiên và quan trọng nhất đặt nền móng và truyền thống vững chãi cho nhà xuất bản.

Tại buổi ra mắt sách, bà Ngô Thị Phú Bình, Trưởng Ban biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: Từ những trang bản thảo viết tay, đánh máy các tác giả gửi đến đã trở thành những tuyển tập lớn như Tủ sách vàng, Thơ hay viết cho thiếu nhi, Văn học tuổi mới lớn… Hai cuốn sách ra mắt hôm nay đã lưu được những dấu ấn những cảm xúc nên thơ, những hồn văn trong trẻo dành cho thiếu nhi. Nhà xuất bản Kim Đồng nguyện là cầu nối để lưu giữ và gửi gắm những ân tình văn chương đẹp đẽ cho thiếu nhi…

Các diễn giả tham dự buổi giao lưu (từ trái qua phải): nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, nhà văn Trần Đức Tiến, nhà thơ Cao Xuân Sơn. 

Hai tuyển tập 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi do nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn và 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi do nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn quy tụ sự đóng góp của hơn 200 nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ. Hai tuyển tập cũng phần nào cho thấy được diện mạo của văn học thiếu nhi Việt Nam trong 65 năm qua.

Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Anh, Phó Ban văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: Từ hai tuyển tập này có thể gặp những cái tên gọi tuổi thơ của chúng ta trở về. Chúng ta đã lớn lên cùng Kim Đồng. Ngày xưa khi được cầm những cuốn sách trên tay thì tên tuổi của các nhà văn nhà thơ đều rất xa xôi và gợi lên nhiều tưởng tượng. Nhưng bây giờ, ở đây Kim Đồng đã cho các em được gặp chính những người viết mà các em muốn gặp. Kim Đồng luôn khuyến khích những đội ngũ viết cho thiếu nhi dù ở giai đoạn nào. Điều này rất đáng quý và sẽ mở ra những chuyển động liên tục cho văn học thiếu nhi. Có nhiều người từng bi quan và cho rằng đã có sự đứt gãy trong việc sáng tác cho các em. Nếu có đứt gãy thì giờ đây chúng ta đã có sự nối liền và luôn có một dòng chảy róc rách không ngưng nghỉ ở mảng sáng tác này.

Dù không thể đưa hết các tác phẩm hay vào tuyển tập này nhưng những người làm sách đã cho thấy sự phong phú về đề tài, thể loại cũng như biên độ rộng lớn trong lựa chọn tác giả - tác phẩm. Trẻ em có nhiều lứa tuổi, ở mỗi độ tuổi nhu cầu đọc cũng rất khác nhau. Vì vậy nên các nhà văn, nhà thơ đã phải lựa chọn một cách kĩ càng, tinh tế, hài hòa nhất có thể.

Nhà văn Trần Đức Tiến, người tuyển chọn cuốn 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi chia sẻ: "Tiêu chí của các tuyển tập này là hướng đến bạn đọc là các em thiếu nhi. Ranh giới tuổi của các em cũng là vấn đề mà người lựa chọn rất lưu tâm. Vì nếu quá độ tuổi đó một tí là các em lớn rồi, đã bận tâm đến những câu chuyện khác rồi. Cái hay ở trong mỗi tác phẩm được chọn là theo quan niệm của cá nhân người chọn tuy nhiên cá nhân nhà văn cũng hết sức lưu ý những vấn đề xung quanh như: Ưu ái những tác giả có tâm huyết và có thành tựu dành cho các em, ưu ái người viết mới mà có tác phẩm hay. Đặc biệt với người viết mới thì họ là tương lai của thế hệ viết cho thiếu nhi, họ sẽ tiếp tục viết và cống hiến nên cần khuyến khích. Có thể các tuyển tập này còn bỏ sót các tác giả hay ngoài tầm kiểm soát của người chọn, điều này là khó tránh khỏi".

Qua 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi là một tuyển tập đồ sộ, hùng hậu về đội ngũ tác giả như: Khái Hưng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Tú Nam, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Kim Hòa… Bạn đọc có thể thấy được sự vận động phát triển của nghệ thuật kể chuyện cũng như những đề tài thu hút sự quan tâm của các em. Dẫu là đồng thoại, cổ tích viết lại, giả tưởng hay hiện thực, các nhà văn đều thể hiện góc nhìn tinh tế, sự đồng điệu và sáng tạo hướng về trẻ thơ, vì trẻ thơ. Mỗi truyện ngắn gieo vào tâm hồn trẻ thơ một hạt mầm thuần khiết, lành thiện.

65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi là những bài thơ đã được các thế hệ bạn đọc thiếu nhi thuộc nằm lòng và yêu thích như: Chú bò tìm bạn của Phạm Hổ, Đi học của Hoàng Minh Chính, Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa, Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh, Trong vườn thú của Ngô Gia Thiên An…

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, người tuyển chọn 65 bài thơ trên bày tỏ: "Cuốn sách này như một ân tình của Nhà xuất bản Kim Đồng với tôi, vì tôi đã luôn ao ước lúc nào đó sẽ được lựa chọn một tuyển tập những bài thơ thiếu nhi. Chúng ta cũng đã đọc những tập thơ dành cho thiếu nhi tuy nhiên ở đó còn thiếu sự bao quát về các tác giả-tác phẩm ở tất cả các khu vực cũng như sự lựa chọn vẫn còn quá quen thuộc. Có tác giả có nhiều bài thơ hay viết cho thiếu nhi nhưng chỉ được nhắc đến một bài trong suốt một thời gian dại nên tôi muốn tìm bài khác để mở rộng hơn góc nhìn của bạn đọc. Làm tuyển tập này cũng là sự phá cách của Kim Đồng khi để cá nhân đứng tên tuyển chọn. Vậy nên tôi cũng muốn mang đến sự mới mẻ trong lựa chọn. Tôi đã chọn theo tính tiếp nối thế hệ. Miền Bắc có truyền thống viết cho thiếu nhi trội hơn nên tất nhiên là những tên tuổi ở miền Bắc chiếm ưu thế. Cũng có những tác giả đã quá nổi tiếng từ lâu rồi nên tôi có phần chọn nghiêng về thế hệ sau, thế hệ mới. Tôi giữ những bài thơ đã đi cùng năm tháng, sống cùng các thế hệ, cũng có những bài thơ tôi chọn mà tác giả thì tôi chưa từng gặp bao giờ.

Điều đặc biệt là, có một số lựa chọn của nhà thơ Cao Xuân Sơn đã mang đến sự thú vị, ngạc nhiên và mới mẻ. Đó là việc đưa vào tuyển tập bài hát Em là bông hồng nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để các em đọc như một bài thơ. Nhà thơ lí giải: “Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao Giải Nobel cho nhạc sĩ Bob Dylan cớ gì chúng ta không chọn ca khúc đầy chất thơ của Trịnh Công Sơn”. Bên cạnh đó cũng có một câu chuyện khác rất đáng quan tâm về bài thơ Ngày đầu đến lớp của Nguyễn Đặng Viên Phương đã được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc thành bài hát Ngày đầu tiên đi học. Nhà thơ Cao Xuân Sơn đã đính chính lại chi tiết rất quan trọng về tác giả của bài thơ. Bài thơ này đã in trên báo Mực tím năm 1991với tên Viên Phương nhưng nhiều người kể cả báo chí cho đến nay vẫn nhầm lẫn đó là sáng tác của nhà thơ Viễn Phương. “Nhà thơ Viễn Phương không sáng tác cho thiếu nhi”, nhà thơ Cao Xuân Sơn khẳng định.

Hai tuyển tập trên đã nhận được rất nhiều sự yêu thích từ phía bạn đọc mọi lứa tuổi. Sự thành công ấy còn phải kể đến sự góp phần của các họa sĩ. Bởi mỗi bài thơ, mỗi truyện ngắn đều có những tác phẩm mĩ thuật sinh động và tinh tế song hành. Đó là những họa sĩ tên tuổi như Lê Trí Dũng, Nguyễn Công Hoan, Tạ Huy Long, Kim Duẩn, Vũ Đình Tuấn… và những họa sĩ trẻ như Đặng Hồng Quân, Lê Rin, Lê Huyền Trang, Quỳnh Chu, Xuân Đạt… Nội dung hay, hình thức hấp dẫn đã làm nên sự cuốn hút với bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi. “Ai nói trẻ em không chịu đọc. Thiếu nhi luôn tìm đến văn học và văn học luôn sống động trong thiếu nhi. Ngày xưa chúng ta chỉ cần chữ, kể cả chữ khó đọc vẫn đọc say mê. Ngày nay sách rất đẹp đã đáp ứng các em về mọi mặt” - nhà thơ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.

Buổi giao lưu có sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ: Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Trác, Lê Phương Liên, Thùy Dương, Nguyễn Xuân Thủy, Trang Thanh, Lữ Mai, Cao Nguyệt Nguyên... và đông đảo bạn đọc yêu thích văn học thiếu nhi.

Bên cạnh các nhà văn, nhà thơ tên tuổi, gạo cội mà tác phẩm đã trở nên kinh điển với bạn đọc nhiều thế hệ thì các tác giả trẻ cũng đã góp phần của mình vào dòng chảy dồi dào 65 năm của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Nhà thơ trẻ Ngô Gia Thiên An bày tỏ cảm xúc khi được góp mặt trong tuyển tập 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi: Tôi cảm thấy bất ngờ và xúc động khi bài thơ tôi viết năm 10 tuổi được chọn trong tuyển tập này. Bất ngờ tiếp theo với tôi là tập thơ in quá trang trọng, đẹp bay bổng với những bức tranh không chỉ làm nền cho những bài thơ mà có vẻ đẹp riêng của một bức họa. Trong tập thơ, tôi bắt gặp nhiều tác phẩm đã cùng tôi lớn lên suốt những năm tháng tuổi thơ. Lại cũng có nhiều bài thơ với tôi là mới lạ lần đầu tiên tôi được biết. Tôi tin là tập thơ sẽ được độc giả trân trọng đón nhận. Tôi cũng cảm thấy biết ơn nhà xuất bản và độc giả đã đón nhận thơ của tôi”.

Cũng trong buổi gặp gỡ với các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, chúng ta phải viết như thế nào để gần gũi, phù hợp với các em trong thời đại mới này. Em Bảo Châu, một bạn đọc nhỏ tuổi đã rất thẳng thắn chia sẻ: “văn học mới khai thác về khoảng sáng ngây thơ của chúng em chứ chưa khai thác khoảng tối, sự nổi loạn và nhiều tâm sự bên trong để em thấy bản thân được đồng cảm và vượt qua”.

Buổi giao lưu là một sự nhìn lại chặng đường 65 năm đã qua của Kim Đồng với văn học thiếu nhi nhưng cũng là sự hướng tới và mở ra những hướng đi mới, hành trình mới để đồng hành và trả lời cho những ước muốn, khao khát của những tâm hồn trẻ thơ.

KIM NHUNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)