Dòng chảy

Đấu giá sách gốc của Shakespeare, Svetlatna bị đạo văn…

Thứ Hai, 13/06/2022 07:46

Tuần qua văn chương thế giới ghi nhận nhiều sự kiện, từ việc đấu giá sách gốc của Shakespeare đến việc thống kê danh sách tác giả hàng đầu được độc giả mượn sách ở thư viện Anh; việc xuất bản tác phẩm mới tìm thấy của Shirley Jackson và sự việc rút đề cử giải thưởng vì tác giả đạo văn đoạt giải Nobel của Svetlana Alexievich…

Sách gốc của Shakespeare ước tính được bán với giá khoảng 2,5 triệu dollar

Bản gốc của cuốn First Folio (tạm dịch: Những vở hài kịch, kịch lịch sử và bi kịch) của William Shakespeare, thường được coi là tác phẩm quan trọng nhất trong văn học Anh, sẽ được bán đấu giá vào tháng tới tại New York. Theo nhà đấu giá Sotheby, bản đấu giá lần này đã được in cách đây gần 400 năm, và là một trong số 20 bản còn lại hiện nằm trong các bộ sưu tập cá nhân và ước tính có giá lên tới 2,5 triệu USD.

Nói về vai trò của tác phẩm này, do không có bản viết tay nào của Shakespeare còn tồn tại nên nếu không có First Folio thì có thể 18 vở kịch bao gồm Macbeth, Giông tố Đêm thứ 12… đã bị lãng quên vào lịch sử. First Folio được tuyển chọn bởi các đồng nghiệp đáng tin cậy của Shakespeare là John Heminges và Henry Condell, gồm 36 vở kịch chia thành ba nhóm hài kịch, bi kịch và kịch lịch sử.

Những nhà nghiên cứu cho rằng ấn bản này là bản sao duy nhất có nguồn gốc từ Scotland, được gia đình Gordon mua lại lần đầu vào đầu thế kỉ 17. Richard Austin, người đứng đầu mảng sách và những bản thảo của Sotheby cho biết: “Sự xuất hiện trở lại của bộ tuyển tập Shakespeare là một sự kiện lớn, bởi hiện còn rất ít các phẩm thuộc sở hữu cá nhân”.

First Folio của Shakespeare sẽ được đấu giá trong thời gian tới.

Được in cách đây gần 400 năm, cuốn sách này là một tác phẩm quan trọng giúp lưu giữ di sản của Shakespeare, và đảm bảo rằng nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông không bị mất đi theo dòng lịch sử. Bản sao này có phần đặc biệt vì dấu vết của những chủ nhân trước đây cũng được lưu giữ trên các trang sách. Nhiều người trong số họ đã để lại dấu ấn khó phai mờ, nhắc nhở chúng ta rằng đây cũng là một phần lịch sử sống động ghi lại cách mà các thế hệ đã hâm mộ Shakespeare.

Bản sao sẽ được trưng bày trong phòng trưng bày của Sotheby chi nhánh London cho đến ngày 15 tháng 6, trước khi bán đấu giá ở New York vào ngày 7 tháng 7.

Richard Osman đứng đầu danh sách sách mượn từ thư viện Anh

Theo dữ liệu được công bố mới đây của Cục Dữ liệu Cho Vay Công Cộng (The Public Lending Right), thì tác phẩm Câu lạc bộ sát nhân thứ Năm của Richard Osman là cuốn sách được mượn nhiều nhất từ ​​các thư viện của Vương quốc Anh trong suốt hai năm 2020 và 2021. Trong khi đó, xét về tổng số toàn bộ tác phẩm, thì nhà văn trinh thám - hình sự James Patterson mới là tác giả có số lượt sách được mượn nhiều nhất.

Dữ liệu cũng cho thấy rằng trong những năm gần đây, các thể loại sách tội phạm và kinh dị là những thể loại được nhiều người sử dụng thư viện mượn về. Sau tiểu thuyết của Osman, cuốn sách được mượn nhiều thứ hai là Blue Moon, từ bộ truyện Jack Reacher của Lee Child. Những cuốn sách kinh dị và tội phạm khác trong top 10 là The Long Call của Ann Cleeves, Find Them Dead của Peter James và The Sentinel, cũng của Lee Child.

Hai trong nhiều tác phẩm được mượn nhiều nhất từ thư viện của Vương quốc Anh.

Cuốn sách đoạt giải Booker của nữ văn sĩ Bernardine Evaristo Girl, Woman, Other và cuốn hồi kí Chất Michelle của Michelle Obama cũng nằm trong số những tựa sách dành cho người lớn được mượn nhiều nhất. Harry Potter và Phòng chứa bí mật của J. K. Rowling là tác phẩm duy nhất sách dành cho trẻ em nằm trong Top 10 được người trưởng thành mang về nhà mình.

Rowling thống trị danh sách dành cho trẻ em được mượn nhiều nhất, với tất cả bảy tập Harry Potter đứng đầu. Ba vị trí còn lại trong top 10 thuộc về David Walliams, với Slime ở vị trí thứ 8, The World of David Walliams ở vị trí thứ 9 và The Beast of Buckingham Palace ở vị trí thứ 10.

Tuy nhiên, Rowling chỉ là tác giả cho trẻ em được mượn nhiều thứ tư xét về tổng thể; Julia Donaldson mới là tác giả chiếm giữ vị trí đầu bảng, tiếp theo là Daisy Meadows và sau đó là David Williams.

Xuất bản tác phẩm chưa từng tìm thấy của Shirley Jackson

Hai truyện ngắn chưa từng xuất bản trước đây của “bà hoàng gothic” Shirley Jackson sẽ được phát hành trong thời gian tới. Theo đó Charlie RobertsOnly Stand and Wait đã được trích đăng vào ngày 9 tháng 6 vừa qua trên tạp chí Strand, một tạp chí in có trụ sở tại Hoa Kì chuyên đăng các bài phỏng vấn và tiểu thuyết ngắn.

Andrew Gulli, biên tập viên của tạp chí Strand, nói rằng Charlie Roberts đưa ra “nhiều câu hỏi chưa được trả lời và tất cả chúng đều dẫn đến mối đe dọa”.

Trong khi đó, Only Stand and Wait (tạm dịch: Chỉ Đứng và Chờ) lại đề cập đến sự cô lập, sáng suốt và từ bỏ - những chủ đề đã được tìm thấy trong các tiểu thuyết khác của Jackson như Chuyện ma ám ở Dinh thự HillTa vẫn luôn sống trong lâu đài.

2 tác phẩm của Shirley Jackson đã được giới thiệu ở Việt Nam.

Cả hai câu chuyện đều có dung lượng vô cùng ngắn: Charlie Roberts chỉ chứa khoảng 500 từ, trong khi Only Stand and Wait dưới 400 từ. Shirley Jackson qua đời năm 1965 ở tuổi 48. Tác phẩm của bà đã trở nên nổi tiếng trong những năm gần đây, với bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Ta vẫn luôn sống trong lâu đài và loạt phim Netflix dựa trên Chuyện ma ám ở Dinh thự Hill.

Trước đó, một truyện ngắn chưa từng được xuất bản trước đây, Adventure on a Bad Night, cũng đã được in bởi tạp chí Strand vào năm 2020. Nó được phát hiện bởi con trai Jackson, Laurence Hyman, trong hộp giấy tờ được bà quyên tặng cho Thư viện Quốc hội.

Giải thưởng Miles Franklin xóa một đề cử vì… đạo văn

Giải thưởng văn chương uy tín nhất nước Úc, Miles Franklin, đã rút tiểu thuyết The Dogs của nhà văn John Hughes ra khỏi danh sách đề cử năm nay, một ngày sau khi Hughes xin lỗi vì đã đạo văn tác phẩm Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ từ nhà văn người Belarus đoạt giải Nobel văn chương 2015 Svetlana Alexievich, một cách không cố ý.

Terri-ann White đại diện Nhà xuất bản Upswell của Hughes, đã xác nhận rằng cô đã yêu cầu rút The Dogs ra khỏi giải thưởng. White cũng nói rằng: “Chúng tôi sẽ không biện minh cho bất cứ điều gì: đó là một sự chiếm đoạt rõ ràng lời nói của người khác (những người phụ nữ mà Svetlana Alexievich đã phỏng vấn, cũng như nhận định của bà). Nhưng điều này là không cố ý; đó hoàn toàn là những sơ suất bởi chỉ con người”.

The Dogs bị tố đạo văn Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ.

“Đây là một lời nhắc nhở dành cho các nhà văn giàu trí tưởng tượng, những người đã không thể ngờ loại 'trí nhớ giả' - khả năng tự ghi nhận văn bản của người khác sau khi đã đọc rất nhiều (Hughes từng giảng dạy Alexievich trong các khóa dạy của mình) - nên được cân nhắc một cách nghiêm túc trước khi gửi đi xuất bản. Nếu John Hughes có ý định đạo văn một cuốn sách như Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, thì anh ấy hẳn đã thay đổi về mặt từ ngữ trong những đoạn mô tả ngắn ngủi đó. Sự việc này không làm suy giảm sự tôn trọng của tôi đối với John Hughes trong tư cách là một nhà văn ”.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)