Dòng chảy

Rosa Luxemburg: Hoa hồng bất tử

Thứ Ba, 07/06/2022 14:13

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, khoa tiếng Đức – Đại học Hà Nội và Nxb Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi giới thiệu sách Hoa hồng bất tử Rosa Luxemburg. Theo đó, ngoài là nhà cách mạng đấu tranh cho giai cấp vô sản, bà còn là hình tượng cho bình đẳng giới và đấu tranh cho quyền phụ nữ.

Rosa Luxemburg (1871 - 1919).

Rosa Luxemburg (1871- 1919) là một trong những nhà tư tưởng, nhà đấu tranh chính trị quan trọng trước Đệ nhất thế chiến. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng bà là người nổi bật nhất của thế hệ Marx sau Marx, và theo đuổi chủ nghĩa xã hội cổ điển, toàn diện. Với các nghiên cứu về kinh tế cách mạng cũng như đình công, bà đã góp tiếng nói rất quan trọng cho tư tưởng phản đối chiến tranh, hướng đến tự do trong một thời điểm có phần hỗn loạn.

Hoa hồng bất tử là cuốn tiểu sử - tranh ảnh ngắn gọn, súc tích về cuộc đời của bà. Được người biên soạn Trần Minh Tuấn viết lại dựa trên các cuốn tiểu sử, thư từ… cũng như nghiên cứu trong suốt thời gian qua; đây là cuốn sách đại cương, dẫn nhập; họa nên một bức tranh chung về một trong những người phụ nữ quan trọng đấu tranh cho tự do, bình đẳng và thống nhất.

Sinh ra tại Ba Lan và là người gốc Do Thái, Rosa Lumxemburg chịu nỗi đau thể chất từ lúc 5 tuổi do chứng lao xương hông. Tuy nhiên bà chưa bao giờ khuất phục. Được nuôi dưỡng trong gia đình quan tâm đến tự do và dân chủ, mặc cho đôi chân khập khiễng và đau nhức, bà đã không ngừng nỗ lực để chứng minh mình trong thời đoạn mà các vấn đề giai cấp, giới tính, chủng tộc đặc biệt được quan tâm.

Với ý chí vững chắc, bà đã vươn lên khỏi chủ nghĩa bài Do Thái, từ chối lối sống an phận để chấp nhận sự cô độc trong thế giới riêng. Tụ hợp với những người chung chí hướng và hoạt động bí mật ở Ba Lan, khi bị coi là thành phần bất hảo bởi quê hương Ba Lan vẫn là thuộc địa của Nga, cha mẹ bà đã mở cánh cửa cho bà đến Zurich - thành phố quan trọng nhất Thụy Sĩ, và cũng là nơi tư tưởng của bà được chắp cánh.

Là vùng trung lập tôn vinh văn hóa, nghệ thuật, tri thức; Rosa Luxemburg sớm tích lũy mọi thứ ở châu Âu để làm nên tư tưởng của riêng mình. Tại đây bà đã tìm thấy Leo Jogiches - người đồng chí, người thầy, người tình; và Clara Zetkin - người chị em thân thiết đấu tranh cho phụ nữ và rồi sau đây sẽ làm nên quốc tế phụ nữ. Từ Leo, Rosa đã bỏ những tháp ngà hàn lâm để đến với các thực tiễn xa xôi, để mang tư tưởng của mình đến gần quần chúng.

Không ngừng ở đó, bà còn là nhà đấu tranh cho phụ nữ và các vấn đề giải phóng phụ nữ. Không chịu bó buộc bởi truyền thống Áo- Hung lâu đời, bà sớm từ bỏ mái tóc bị bó chặt trên đầu cũng như những chiếc áo corset bó chặt khó hoạt động. Với khả năng nghiên cứu và học tập hết mình, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên có bằng tiến sĩ chính trị, và chống lại định kiến phụ nữ luôn phải gắn mình trong những căn bếp.

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Nguyễn Hoàng Điệp, người vốn được biết đến với ngôn ngữ điện ảnh khác biệt và nữ tính; trong buổi tọa đàm cũng đã chia sẻ về sự đồng cảm, khi Rosa Luxemburg như người tiên phong phá hết những khuôn mẫu định hình, người đã đạp đổ những chuẩn mực và xây dựng thế giới nơi những người bất đồng chính kiến, những người không cùng màu, cùng chất; cũng được quyền tự do thể hiện chính mình.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trong buổi tọa đàm.

Trong suốt cuộc đời mình, bà đã tự do như những chú chim, và luôn đấu tranh cho giá trị này. Nhà nghiên cứu lịch sử - giáo dục Nguyễn Quốc Vương cũng cho rằng bà là hình mẫu cho việc học tập không ngừng, đấu tranh không ngừng để hướng tới một thế giới tự do, bình đẳng và bác ái. Các giá trị tư tưởng như “Tổ quốc của chúng ta đó là toàn thế giới” hay “Tự do là tự do bất đồng chính kiến”… cho đến nay vẫn giữ nguyên những giá trị, và kim chỉ nam hướng tới một thế giới đại đồng.

Nhận thấy sức ảnh hưởng của bà, khối quân sự hóa và chấp nhận chiến tranh của Đức đã bẻ gãy và sát hại bà; nhưng cho đến cuối, bà vẫn kiên gan như một chú chim đại bàng cất cao tiếng hót cho hòa bình. Bà đấu tranh không khoan nhượng, ủng hộ tư tưởng quốc tế và đại diện cho các giá trị phụ nữ như một đóa hồng. Nhưng chính những chiếc gai sắc đã cản đường các thế lực đối lập, từ đó mong muốn triệt hạ bà.

Cũng như Lenin thừa nhận bà là một người bạn thân thiết, tuy có nhiều bất đồng trong các tư tưởng chính trị, nhưng ông cũng đã cho rằng Rosa thuộc loài phượng hoàng. Ông nói: “Đôi khi phượng hoàng có thể có lúc bay thấp hơn gà mái, nhưng gà mái sẽ không bao giờ có thể bay vút lên tận những tầng cao như phượng hoàng […] Nhưng mặc cho tất cả những sai lầm nhỏ đó, Rosa đã và sẽ mãi mãi là phượng hoàng”.

Tác phẩm Hoa hồng bất tử do Trần Minh Tuấn biên soạn, Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành dưới sự tài trợ của Qũy Rosa Luxemburg.

Để tóm gọn cuộc đời và sự nghiệp Luxemburg, Hoa hồng bất tử đã nói về bà như sau: “Cuộc chiến của Rosa không phải là chiến tranh quân sự. Bà dùng ngòi bút thay cho bom đạn, bà dùng biểu tình ôn hòa thay cho bạo lực, bà dùng hình thức đình công thay cho đập phá. Cuộc chiến tranh thế giới đã dùng bom đạn và bạo lực để mang đến sự phá hủy, rồi cuối cùng để lại một thế giới hoang tàn và kiệt quệ. Còn cuộc chiến của bà đã dùng bút mực và tiếng nói để mang đến sự thức tỉnh cho xã hội, để rồi cuối cùng đặt nền tảng cho sự thay đổi và tiến bộ được diễn ra”.

“Cuộc chiến tranh thế giới này là sự tranh giành của các quốc gia, và quyền lực và tài nguyên. Còn cuộc chiến của bà là chiến đấu để phá bỏ những bất công giữa các giai cấp, vì tự do và hòa bình. Hai cuộc chiến đó đã cùng nhau xoắn vặn cuộc đời bà đến với những ngã rẽ không ngờ”.

Với những di sản mà mình để lại, “bộ não tuyệt vời nhất sau Marx”, “thanh kiếm sắc bén, ngọn lửa sống của cách mạng”; đóa hoa hồng Rosa Luxemburg vẫn mãi tồn tại bất diệt trong những trang sử của chủ nghĩa quốc tế và trong thời đoạn lịch sử trước Đệ nhất Thế chiến. Không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do và quyền phụ nữ, cuộc đời Luxemburg là một trang sử hào hùng, nhưng cũng bi thương, và nổi bật trên hết là sự mạnh mẽ, sắc sảo và không bao giờ ngừng lại.

Quỹ Rosa Luxemburg (Rosa-Luxemburg-Stiftung - RLS) ra đời năm 1992, là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động quốc tế, nhận sứ mệnh phát triển giáo dục ở cả trong và người nước Đức. Quỹ RLS là một phần của mạng lưới xuyên quốc gia, thúc đẩy phản biện xã hội và hỗ trợ các sáng kiến chính trị, xã hội. Đây là một trong sáu quỹ chính trị ở Đức có mục tiêu xây dựng các thành tố chính trị tiến bộ, tài trợ cho các hoạt động giáo dục chính trị, cải tạo môi trường thiên nhiên và xã hội.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)