Ra mắt mới đây, Em và Trịnh là những thước phim về các “bóng hồng” đã đi qua đời ông. Mở đầu từ Thanh Thúy, đến hai chị em Bích Diễm - Dao Ánh, gồm cả Khánh Ly, Michiko và cuối cùng khép lại với Hồng Nhung. Tuy đã rào trước rằng đây chỉ là tác phẩm được “hư cấu hóa” với nhân vật thật, thế nhưng việc hướng vào lớp khán giả trẻ - những người ít nhiều đã biết đến Trịnh nhưng không quá sâu, có thể gây ra một tác dụng ngược.
HƯ CẤU CÓ DẪN ĐẾN HIỂU LẦM?
Hư cấu có thể nói là một yếu tố cần thiết trong các bộ phim chuyển thể. Hư cấu phần nào cho thấy những góc nhìn khác, những hướng đi khác… mà rất có thể người xem, người hâm mộ chưa từng nghĩ đến. Tuy nhiên bài toán về việc hư cấu đến đâu, hư cấu thế nào, và hư cấu trên nền móng nào… cũng rất cần phải bàn bạc thêm và được tính toán một cách kĩ lưỡng, bởi rất có thể gây ra những phản ứng trái chiều.
Với Em và Trịnh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và biên kịch Bình Bồng Bột dường như đã đi quá xa trong việc hư cấu. Nhìn vào bộ phim với những “bóng hồng” lướt qua đời Trịnh, những ai chưa từng tiếp xúc với vị nhạc sĩ chắc hẳn sẽ không đọng lại điều gì ngoài hình tượng người bất hạnh ở trong tình yêu. Trên mạng xã hội, không ít ý kiến cho rằng bộ phim đã khiến một tượng đài của âm nhạc Việt Nam trở thành “trap boy” chính hiệu - từ chỉ những người chuyên đi “lừa tình” và khiến người khác phải chịu đau khổ.
Điều này dễ dàng lí giải bởi phần kịch bản còn quá ôm đồm. Chẳng hạn như Bích Diễm - nguồn cảm hứng viết nên Diễm xưa, chiếm một thời lượng vô cùng ít ỏi, và dường như chỉ được đưa vào vì cô là người làm nên Diễm xưa đã quá nổi tiếng. Trong quá trình “say nắng” Diễm, bộ phim lại tả ánh mắt chếnh choáng của Trịnh với Dao Ánh, để rồi trong những tháng ngày chênh vênh ở B’Lao, vừa đọc thư Ánh, Trịnh (trong bộ phim này) lại có những cử chỉ khá “thân mật” với Lệ Mai. Khi cuối cùng gần như sắp kết đôi cùng Michiko, Dao Ánh lại một lần nữa quay về và tạo thành cái kết không trọn vẹn.
Khắc họa mối quan hệ giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trong Em và Trịnh có thể gây nhiều hiểu lầm.
Với hàng loạt những nhân vật như thế, già hai tiếng là thời lượng dài cho một bộ phim, nhưng vẫn không thể truyền tải hết được, vì kịch bản thiếu tập trung và quá dàn trải. Nếu bộ phim chỉ tập trung vào Dao Ánh và Michiko, như cách Em và Trịnh lí giải nguyên nhân vì sao hôn ước lại bị hủy bỏ (dù cả hai bên cũng như lí do chưa bao giờ được xác nhận, do đó việc giải thích này cũng là một hình thức hư cấu), thì kịch bản sẽ chặt chẽ hơn và dễ chấp nhận hơn. Với việc tóm gọn và quá vắn tắt, không chỉ kịch bản phân mảnh mà cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa phần nhiều cũng bị hiểu nhầm.
Hướng về giới trẻ, dàn diễn viên cũng gồm rất nhiều tên tuổi thu hút khán giả, xây dựng âm nhạc cũng mới mẻ hơn… thế nhưng sự thiếu chính xác và không toàn diện đã khiến cho những người xem - những người yêu thích và đã tìm hiểu về ông, không còn nhận ra một Trịnh mà mình từng biết. Đó là một nhà tư tưởng, một người đấu tranh cho hòa bình, tự do; cũng như có các nhân sinh quan vô cùng sâu sắc trong các tác phẩm. Người xem mới hoặc khán giả trẻ giờ đây sẽ không chú ý gì ngoài những “bóng hồng” đã kịp lướt qua, còn Trịnh là vị nhạc sĩ như bị ám ảnh bởi chính tình yêu và luôn cô độc. Từ đó cũng đã đặt ra một vấn đề là hư cấu với liều lượng thế nào để không làm “biến dạng” nhân vật?
CÓ QUÁ VỘI VÃ?
Những năm gần đây, thế hệ gen Z đã có cơ hội tiếp cận với Trịnh dưới nhiều hình thức. Đó là các dự án làm mới nhạc Trịnh như của Hà Lê (Trịnh Contemporary) hoặc các tour diễn, đêm nhạc… phi lợi nhuận được tổ chức xuyên suốt từ khoảng tháng 2 cho đến tháng 4 hàng năm. Tuy nhiên có thể thấy rằng đây chỉ mới là khía cạnh âm nhạc. Về những tình tiết cuộc đời, hầu như đến nay chưa có một bức tranh chung về Trịnh cho những người trẻ, ngoài hai dự án phim kể trên. Có thể tìm thấy những chi tiết này trong các cuốn sách của những nhân vật thân quen với Trịnh, nhưng thể loại này lại không tạo được nhiều hứng khởi cho những bạn trẻ.
Vì vậy sao không từng bước đem hình ảnh Trịnh đến gần hơn nữa ở dạng phim tài liệu chân dung với khán giả trẻ trước khi tiến hành “hư cấu hóa” như Em và Trịnh? Đáng nói trên thế giới, những bộ phim được lấy cảm hứng từ người nổi tiếng đa phần đều có ít nhất một phim tài liệu đã được thực hiện trước đó. Những thước phim này cung cấp một cách chuẩn xác câu chuyện của người nghệ sĩ, để rồi ngôn ngữ điện ảnh mới khai thác thêm những góc nhìn thú vị, để mang nghệ sĩ đến gần hơn nữa với khán giả đại chúng.
Nhóm bạn thân của Trịnh Công Sơn là một sáng tạo khá hay, nhưng vẫn còn thiếu điểm nhấn cho bộ phim này.
Chẳng hạn trong hai năm 2020 - 2021, có đến hai bộ phim về Nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin, gồm phim 8 tập Genius: Aretha và phim điện ảnh Respect. Tương tự như thế với các bộ phim về Billie Holiday (phim tài liệu 2019, điện ảnh 2021), Freddie Mercury (phim tài liệu 2012, điện ảnh 2018)… hay mới đây nhất là Elvis Presley cũng có phim tài liệu vào năm 2017 trước khi chuẩn bị ra rạp vào tháng 6 này.
Điểm chung của các phiên bản điện ảnh kể trên là chỉ khai thác một phần hoặc một thời đoạn nhiều sự kiện nổi bật của người nghệ sĩ. Thế nhưng do được hậu thuẫn từ các bộ phim đã khá toàn diện trước đó, khán giả xem phim vẫn hiểu đúng được nghệ sĩ mình yêu, chỉ là thông qua ngôn ngữ điện ảnh, họ được có thêm những góc nhìn mới mà trước đến nay chưa khám phá ra. Ở Em và Trịnh, do không có sự toàn diện, khép lại bộ phim giờ đây chỉ là hình tượng một người nghệ sĩ trân quý cái đẹp nhưng luôn thất bại và rồi cô độc, chứ không còn điều gì khác.
Có thể nói rằng, mục tiêu kéo gần di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn đối với khán giả nói chung và người trẻ nói riêng là vô cùng cần thiết. Thế nhưng điều này cũng cần tiến trình, hoạch định cũng như có sự hợp tác lâu dài một cách toàn diện. Việc “bắt ngọn”, “cục bộ”… không những gây ra phản ứng trái ngược, mà rất có thể sẽ gây tổn hại đến chính hình tượng một nghệ sĩ lớn mà công chúng hằng yêu.
Mới đây gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bật mí thêm rằng sắp tới, nhà sản xuất Galaxy sẽ thực hiện bộ phim tư liệu về cuộc đời của nhạc sĩ. Đại diện gia đình chia sẻ: “Phim tư liệu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ở giai đoạn hoàn thiện. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có những cuộc gặp gỡ với các chú, các bác, những nhân vật từng tiếp xúc, gần gũi với anh Sơn để nghe họ kể chuyện. Buổi ghi hình với chị Dao Ánh rất xúc động và nhiều người thân quen ở Huế. Tôi nghĩ đây là bộ phim mà những thế hệ sau có thể xem để phân tích hoặc làm tư liệu tham khảo cho các luận văn, luận án nghiên cứu về nhạc Trịnh". |
NGÔ MINH
VNQD