Trung tuần tháng 6 năm 2022 sẽ diễn ra Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại thành phố Đà Nẵng. Đây là một sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của những người viết văn trẻ cả nước. Nhân dịp này, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam xung quanh Hội nghị.
- Thưa nhà thơ Hữu Việt, lần thứ 10 tổ chức Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc là một dấu mốc rất quan trọng trong việc Nhà nước và Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm đến những người viết trẻ. Xin anh điểm qua những nét chung của các hội nghị lần trước và vì sao cần có những hội nghị như thế này?
+ Lần đầu tôi tham dự hội nghị viết văn trẻ toàn quốc là Hội nghị lần thứ 4, năm 1994. Sau đó là các hội nghị 5, 6, 8, 9 (trừ hội nghị lần thứ 7 tại Hội An) tôi đều tham dự với tư cách đại biểu chính thức hoặc tham gia ban tổ chức. Xin điểm lại hai hội nghị gần nhất. Hội nghị lần thứ 8 tại Tuyên Quang, có 112 đại biểu, diễn ra trong hai ngày 9-10/9 năm 2011. Trong khuôn khổ hội nghị có hai buổi tọa đàm Thơ trẻ, Văn xuôi trẻ và đêm giao lưu thơ, nhạc với chủ đề “Văn học với biển, đảo Tổ quốc”. Hội nghị lần thứ 9 tại Hà Nội, có 113 đại biểu, diễn ra trong hai ngày 28-29/9 năm 2016. Hội nghị có hai tọa đàm “Văn trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo”, “Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân” và Dạ hội thơ “Bản hòa âm tháng 9”. Hội nghị lần thứ 10 năm nay diễn ra trong hai ngày 18-19/6 tại thành phố Đà Nẵng. Lẽ ra hội nghị được tổ chức vào cuối năm ngoái, nhưng do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nên phải chuyển sang giữa năm nay. Đúng như anh nói, việc tổ chức Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Hội Nhà văn Việt Nam dành cho những người viết trẻ và tương lai của văn học Việt Nam. Đây là hoạt động định kì giữa các kì đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. Đã thành thông lệ, cứ sau mỗi đại hội Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức một Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc.
- Những người viết trẻ rất quan tâm đến Hội nghị lần thứ 10 này vì có một Ban chấp hành mới và những yếu tố mới khác để hi vọng vào những khác biệt. Nếu không phải chuyện bí mật, xin anh tiết lộ về con số đại biểu và tiêu chuẩn thế nào để được chọn là đại biểu chính thức?
+ Đến thời điểm này có tổng cộng 137 đại biểu chính thức đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Tiêu chuẩn đầu tiên là tuổi từ 35 trở xuống (tính đến năm 2021 là năm dự kiến tổ chức hội nghị). Tuy nhiên cũng có một số đại biểu 36 tuổi, thuộc diện ưu tiên những tỉnh “trống” chưa có đại biểu nào và chuyên ngành lí luận, phê bình vốn có ít đại biểu. Các đại biểu được lựa chọn từ đề cử của các Hội nhà văn, Hội văn học - nghệ thuật địa phương, các ban chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam, các tổ chức, diễn đàn văn học trong nước. Ban Nhà văn trẻ được giao là tiểu ban nhân sự của hội nghị đã căn cứ các tiêu chuẩn văn chương, số lượng và chất lượng tác phẩm của tác giả trẻ, tiến hành thảo luận, bỏ phiếu bình chọn. Những tác giả đạt số phiếu quá bán sẽ được trình lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn xem xét, thông qua. Trong số 137 đại biểu có 118 tác giả là những cây bút trẻ tiêu biểu và 19 đại biểu đương nhiên là các hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Về số lượng, hội nghị lần này có đại biểu nhiều nhất trong 10 năm gần đây. Lẽ dĩ nhiên, đây chỉ là những đại diện tiêu biểu trong số hàng ngàn người viết trẻ sung sức hiện nay trong cả nước. Đông nhất là chuyên ngành thơ và văn xuôi; tiếp đến là lí luận, phê bình văn học và cuối cùng là dịch thuật. Họ đến từ nhiều địa phương, ngành nghề, công việc khác nhau cho thấy sự đa dạng trong đội ngũ những người viết trẻ. Có những cây bút mới xuất hiện bằng một số bài thơ, truyện ngắn in báo; nhưng cũng có những tác giả đã xuất bản vài tiểu thuyết, tập thơ; đạt một số giải thưởng văn chương uy tín. Tôi muốn nhấn mạnh đến nhóm “hạt nhân” gồm 19 đại biểu đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi tuổi đời chưa đến 35, trẻ nhất là nhà văn Lê Quang Trạng, mới 25 tuổi. Trong số họ còn có nhà văn Đinh Phương, nhà thơ Lý Hữu Lương vừa đoạt giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021, nhà thơ Lữ Mai có tác phẩm lọt vào vòng chung khảo của giải thưởng này… Chúng ta vui mừng chào đón đại biểu trẻ nhất, sinh năm 2007, là một học sinh trường quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh. Nói tóm lại, hội nghị lần này có một đội hình khá mạnh, biên độ tuổi rộng chứng tỏ tiềm năng của lực lượng viết trẻ hiện nay.
- Những hoạt động chính của Hội nghị là gì, đâu là những điểm mới và khác biệt?
+ Ngày 18/6, buổi sáng sẽ diễn ra lễ khai mạc, sau đó là phần tham luận, dự kiến của 6 đại biểu trẻ. Buổi chiều sẽ có hai hội thảo Văn xuôi trẻ và Thơ trẻ. Đây là các hội thảo mở, có sự tham gia và thảo luận của đại diện 4 chuyên ngành, bao gồm cả dịch văn học và lí luận, phê bình. Về format thì không có nhiều khác biệt so với các hội nghị trước. Tuy nhiên quan điểm của Ban Tổ chức lần này là “giao” sân chơi tối đa cho những người viết trẻ. Đó là điểm rất mới. Người viết trẻ sẽ là người điều hành chủ yếu nội dung hội thảo, các vấn đề mà các cây bút trẻ quan tâm, những đề xuất, kiến nghị vì sự phát triển của văn chương Việt Nam từ mong muốn trực tiếp của những người trẻ.
- Và nữa, với vai trò là Trưởng ban Ban Nhà văn trẻ, đề nghị anh chia sẻ những hoạt động của Ban trong việc tập hợp và khuyến khích những người viết trẻ. Liệu đi dự Hội nghị viết văn trẻ có tăng cơ hội được kết nạp vào Hội Nhà văn hay không và những sân chơi dành cho những người viết trẻ sẽ ra sao, có phải chỉ đơn thuần là 5 năm tổ chức một hội nghị?
+ Phải thú thật là sau Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10, Ban Nhà văn trẻ chưa làm được gì nhiều, chủ yếu vì đại dịch Covid-19 cản trở các cuộc đi lại, tiếp xúc, các hoạt động văn học có sự tập trung đông người. Chúng tôi mới làm được một vài việc nhỏ, đó là: Tổ chức Ngày thơ Việt Nam theo hình thức trực tuyến, giao lưu, tặng sách cho đồng bào các dân tộc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, tham gia chấm sơ khảo và chung khảo giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, kết nối các nhóm văn bút, câu lạc bộ những người viết trẻ ở các vùng miền, giới thiệu những nhà văn trẻ tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam... Và dĩ nhiên, có một hoạt động lớn nhất sắp diễn ra, đó là tham gia tổ chức Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10.
- Theo anh thì những người viết trẻ phải làm gì để có thể khẳng định được tài năng và bản lĩnh của mình?
+ Điều này thì chỉ có những người viết trẻ trả lời được. Tôi nhớ, trong một lần trò chuyện, một nhà văn lớn tuổi đã nói với tôi, đại ý, có hai việc mà không ai làm thay cho ai được, đó là khi ngồi trước trang giấy trắng và nằm trong quan tài, bởi vì không ai có thể viết thay ta và cũng không ai có thể chết thay ta được. Tôi nghĩ công việc quan trọng nhất của người cầm bút là viết, bất cứ điều gì mình muốn chia sẻ về thế giới này và với thế giới này. Hôm trước ngồi với nhà văn Thái Bá Lợi, ông kể, hồi ở chiến trường Khu 5 có anh bộ đội Nguyễn Đăng Kỳ, người Thái Bình, viết được một số truyện ngắn đáng chú ý nên được nhà văn Nguyễn Chí Trung mời về trại viết Quân khu Năm. Hằng ngày Nguyễn Đăng Kỳ tự xích chân mình vào chân bàn để viết. Trại viết kết thúc thì anh cũng viết xong tiểu thuyết Vàng Krưm. Tuy sau này ra quân, anh về quê hương Thái Bình, rồi làm nghề bốc thuốc rất nổi tiếng, không viết văn nữa, nhưng câu chuyện của anh các bạn văn mỗi lần gặp nhau vẫn nhắc. Tài năng là của trời cho, còn bản lĩnh thì chỉ đến thông qua lao động, rèn luyện và những khó khăn, thử thách mình vượt qua.
- Và về phía các cơ quan chuyên môn nhà nước, hội đoàn, sự quan tâm tới văn học nói chung và những người viết trẻ nói riêng đã đầy đủ và thiết thực chưa, hay vẫn còn những khoảng trống và những việc cần tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện?
+ Thời gian vừa qua, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sát cho Hội Nhà văn Việt Nam nói chung và sự phát triển của phong trào viết văn trẻ nói riêng. Đầu năm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam, dự Lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất. Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thường xuyên gặp gỡ trao đổi với Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về những vấn đề của văn học. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham dự Lễ trao giải thưởng Văn học năm 2021 và kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hồi giữa tháng 2 vừa qua. Đây là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho Hội Nhà văn và là nguồn động viên rất lớn dành cho những người cầm bút. Tuy nhiên, giữa mong muốn và sự đáp ứng từ thực tiễn luôn có một khoảng cách, đặc biệt là ở một số cơ quan thực thi chính sách. Tôi xin phép thẳng thắn về việc này. Trong khi đa số địa phương sẵn sàng hỗ trợ các đại biểu trẻ kinh phí đi lại (không nhiều) để tham dự Hội nghị Viết văn trẻ lần này thì một số nơi vẫn viện ra những lí do khác nhau để từ chối không cấp kinh phí. Trường hợp này đã từng xảy ra từ những hội nghị lần trước khiến một số đại biểu trẻ đã không thể tới được hội nghị. Lần này, điều đó lại lặp lại, nên thật đáng buồn. Chúng ta đã bàn nhiều và khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, mà trong đó văn học, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt tinh tế với thế mạnh lưu giữ, làm sâu sắc, lan tỏa, cảm hóa, thuyết phục về những giá trị văn hóa. Từ nhận thức đến thống nhất hành động bằng những việc làm cụ thể cho văn hóa và văn học nghệ thuật là điều lâu nay vẫn thiếu đồng bộ.
- Anh có kì vọng những khuôn mặt dự Hội nghị lần này sẽ là lực lượng nòng cốt của văn học Việt độ 10, 20 năm nữa không; chúng ta có thể hi vọng vào những điều gì?
+ Tôi nghĩ câu trả lời sẽ rất thú vị và mỗi chúng ta sẽ tìm thấy ở Hội nghị lần này.
VNQĐ
VNQD