Sau khi bị kết luận 'đạo' Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, John Hughes tiếp tục bị phát hiện… 'đạo' một loạt tác phẩm khác.
Nhà văn John Hughes với tác phẩm The Dogs lọt vào chung kết giải thưởng Miles Franklin của Úc, vừa bị tố đạo văn của tác giả đoạt giải Nobel và đã xin lỗi Svetlatna Alexievich cùng dịch giả của bà vào tuần trước vì đã sử dụng một phần văn bản của cuốn Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ mà không nhận ra, tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau, nhà văn Shannon Burns và học giả Emmett Stinson đã chỉ ra thêm những điểm tương đồng giữa The Dogs và các cuốn sách khác. Các tác phẩm được cho là có sự giống nhau với tác phẩm của John Hughes bao gồm Đại gia Gatsby (F.S. Fitzgerald), Anna Karenina (Lev Tolstoy) và Phía Tây không có gì lạ (Erich Maria Remarque). Ngoài ra cũng có rất nhiều những điểm tương đồng với các đoạn khác trong Ký ức lạc loài của W.G. Sebald và Di chúc Pháp của Andrei Makine.
Những tác phẩm mà The Dogs của John Hughes bị cho là có nhiều đoạn tương đồng.
Khi được yêu cầu trả lời về các điểm tương đồng này, Hughes đã cho rằng: “Tôi không nghĩ mình là một kẻ đạo văn. Như bất kì nhà văn nào khác, tôi cũng bị ảnh hưởng bởi những người vĩ đại đã đi trước mình. Những chất liệu cao quý đó khiến tôi phải suy ngẫm về quá trình sáng tạo với tư cách một nhà văn. Tôi luôn lấy cảm hứng từ các tác phẩm của các nhà văn khác. Thật hiếm để nói không nhà văn nào không chịu ảnh hưởng ... Chỉ là vấn đề về mức độ mà thôi”.
“Như T.S Eliot đã viết trong The Sacred Wood, 'Các nhà thơ chưa trưởng thành thì bắt chước; khi trưởng thành rồi thì ăn cắp; những nhà thơ tồi thì làm xấu đi những gì họ có, và những người giỏi thì biến nó thành phiên bản tốt hơn, hoặc ít nhất là có khác biệt’. Đó là trung tâm của chủ nghĩa hiện đại. The Wasteland, tự nó là một tuyển tập được lấy cảm hứng từ các tác phẩm khác nhau. Nhưng điều này có khiến Eliot trở thành một kẻ đạo văn không? Có vẻ là không. Ta lấy nghĩa là tạo ra một cái gì khác; ta biến nó thành chỉ của riêng mình."
Huhes bị tố 'đạo' một loạt tác phẩm.
Tuy nhiên dường như vẫn có rất nhiều sự tương đồng khó chối cãi đã được dẫn ra như sau:
Từ Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque (bản dịch tiếng Việt không rõ dịch giả): “Haie Westhus bị gẫy xương sống, phải khiêng đi; mỗi lần nó thở, phổi nó lại phập phồng qua vết thương […] Chúng tôi thấy có những người đã bị mất sọ mà vẫn sống; chúng tôi thấy có những người lính đã bị đạn tiện đứt hai chân mà vẫn chạy; họ lảo đảo lết trên những khúc chân cụt dập nát đến cái hố trái phá gần đấy”.
Từ The Dogs: "Cô ấy nhìn thấy một người đàn ông bị cõng với phần lưng bị rách, phổi đau nhói vì vết thương […] Cô ấy nhìn thấy những người đàn ông vẫn tiếp tục sống với phần trên của hộp sọ đã mất. Cô ấy thấy người lính vẫn tiếp tục chạy dẫu khi cả hai chân họ đã bị bắn nát."
Từ Anna Karenina của Lev Tolstoy (bản dịch tiếng Việt của Vũ Ngọc Phan): “Qua cái nhìn ngắn ngủi, Vronsky nhận thấy vẻ sôi nổi ngấm ngầm phảng phất trên mặt nàng, lúc xuất hiện trong cặp mắt long lanh, khi ở nụ cười thoáng nở trên cặp môi tươi mát. Có thể nói toàn thân nàng trào lên một sức sống dào dạt, dù muốn hay không, vẫn bộc lộ qua ánh mắt hoặc miệng cười”.
Từ The Dogs: “Trong lần nhìn ngắm ngắn ngủi đó, tôi đã có thời gian để ý thấy vài hành động bị che giấu, và ngay lập tức biết điều gì đã thu hút mẹ tôi đến với cô ấy. Như thể có điều gì đó dư thừa tràn ngập trong cô, nó thể hiện ra ngoài ý muốn của cô, giờ là trong ánh nhìn rạng rỡ, là trong mỗi nụ cười của cô”
Từ Đại gia Gatsby của F.S.Fitzgerald (bản dịch tiếng Việt của Trịnh Lữ): “Gatsby mỉm cười một cách thông cảm, thật ra còn nhiều hơn thông cảm nữa. Nó là một trong những nụ cười hiếm hoi có khả năng làm cho ta mãi mãi cảm thấy yên tâm, một nụ cười mà ta chỉ có thể gặp qua bốn năm lần trong đời. Nó được đối diện, hay dường như đang đối diện, với toàn bộ cái thế giới bên ngoài trong một khoảng khắc, sau đó quay sang chú tâm tới chúng ta với chủ quan không cưỡng bức có lợi cho ta. Nó hiểu thấu chúng ta đúng như ta muốn được hiểu thấu, tin tưởng vào ta như ta muốn tin tưởng vào chính mình, và nó đảm bảo với ta rằng ấn tượng của nó đối với ta sẽ đúng như những gì ta mong muốn người khác nghĩ về ta”.
Từ The Dogs: “Lúc đó, cô ấy mỉm cười với ta, một trong những nụ cười hiếm hoi với sự yên tâm vĩnh cửu mà ta chỉ có thể bắt gặp một lần trong đời, nếu đủ may mắn. Nó đối diện - hoặc dường như đối diện - với toàn bộ thế giới trong chốc lát, và sau đó xoáy sâu vào ta với một định kiến không thể cưỡng lại có lợi cho mình. Nó hiểu ta đến độ như ta mong muốn được hiểu, tin vào ta như ta tin vào chính mình, và đảm bảo với ta rằng nó có ấn tượng chính xác về ta mà ta hi vọng sẽ được truyền đạt một cách hoàn hảo".
Trước đó, Giải thưởng văn chương uy tín nhất nước Úc, Miles Franklin, đã rút tiểu thuyết The Dogs của nhà văn John Hughes ra khỏi danh sách đề cử năm nay, sau khi Hughes xin lỗi vì đã "đạo văn" tác phẩm Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ từ nhà văn người Belarus đoạt giải Nobel văn chương 2015 Svetlana Alexievich một cách không cố ý.
THUẬN NGÔ
VNQD