Ít ai biết đến Thư viện Honresfield trong gần một thế kỉ qua, bởi đây là một thư viện tư nhân. Tuy nhiên, gần đây thư viện này bỗng trở thành tâm điểm chú ý của giới yêu sách bởi những thông tin trái chiều về số phận bộ sưu tập khổng lồ thư viện này đang lưu trữ.
Bản thảo của Jane Austen, chị em nhà Brontë, Walter Scott và Robert Burns đã được “giải cứu”. Ảnh: FNL
Có thể nói những gì Thư viện Honresfield đang lưu trữ là một kho tàng lớn, gồm các tác phẩm văn học quý hiếm như các tác phẩm của Jane Austen và chị em nhà Brontë. Kho tàng này đã may mắn được “giải cứu” khỏi “móng vuốt” của một cuộc đấu giá và sẽ được phân chia cho các tổ chức thư viện khác nhau để công chúng có thể tới chiêm ngưỡng và tìm đọc.
Trước đó, Thư viện Honresfield đã đứng trước nguy cơ phải giải tán và toàn bộ các tác phẩm lưu trữ ở đây sẽ phải mang ra bán đấu giá công khai trên thị trường. Nhưng thật may mắn là kho tàng vô giá này giờ đây đã được an toàn sau khi Nhóm FNL - Friends of the National Libraries (Tổ chức từ thiện phi lợi nhuận được thành lập năm 1931 nhằm hỗ trợ các thư viện cộng đồng ở Anh) gây quỹ và thu được 15 triệu bảng cần thiết để mua lại toàn bộ thư viện.
Điều đáng nói là phân nửa số tiền này là do tỉ phú Leonard Blavatnik đóng góp. Leonard Blavatnik là một doanh nhân sinh ra ở Ukraine, lớn lên ở Nga, di cư sang Mĩ và hiện nay là người có quốc tịch Anh và Mĩ. Phần còn lại do Quỹ Tưởng niệm di sản quốc gia (National Heritage Memorial Fund) (đóng góp 4 triệu bảng) và nhiều Mạnh Thường Quân và hàng nghìn cá nhân khác đóng góp.
Bản viết tay về sinh nhật của Emily Brontë và Anne Brontë có hình vẽ của Emily Brontë vào năm 1841. Ảnh: FNL
Thư viện Honresfield được William Law gây dựng từ cuối thế kỉ 19. Sau khi ra đời, Thư viện Honresfield gần như không mở cửa cho công chúng, nhất là trong suốt 80 năm gần đây.
Tại khu vực trung tâm của thư viện, nơi lưu trữ các tác phẩm của các tác gia lớn của Anh và Scotland, là một bộ bản thảo của Charlotte Bronte, Emily và Anne Brontë. Bộ bản thảo gồm 7 “cuốn sách nhỏ” nổi tiếng của Charlotte Brontë, một tập bản thảo thơ của Anne Brontë, khoảng 25 lá thư của Charlotte Brontë, và một số bản nhật kí hằng ngày do Emily và Anne Brontë viết chung. Tuy nhiên, theo FNL, “viên ngọc đích thực” trong bộ sưu tập bản thảo nhà Brontë chính là bản viết tay 31 bài thơ của Emily Brontë chép trong một cuốn sổ trong đó có nhiều chú thích của chính tác giả. Đây là bản thảo viết tay mà rất nhiều học giả cho rằng đã bị thất lạc.
Thư viện cũng lưu trữ 2 bức thư “cực kì quan trọng” của Jane Austen gửi cho chị gái Cassandra, trong đó một bức thư Jane Austen viết cho chị gái nói về việc sẽ chấm dứt một mối tình, bức còn lại bàn về 2 cuốn tiểu thuyết “Kiêu hãnh và định kiến” (Pride and Prejudice) và “Lý trí và tình cảm” (Sense and Sensibility).
Thư viện cũng có bản thảo toàn bộ quá trình làm việc của Walter Scott khi ông viết cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng “Rob Roy” và một tập thơ sáng tác thời kì đầu của nhà thơ Robert Burns.
Một bức thức Robert Burns viết cho bố. Ảnh: PA
Đầu năm 2022, Thư viện Honresfield đã lên kế hoạch để Sotheby’s đem bán đấu giá tất cả bộ sưu tập tại đây. Tuy nhiên, FNL đã tìm cách trì hoãn việc này và cố gắng gây quỹ để mua lại toàn bộ bộ sưu tập đó. Kết quả là giờ đây tất cả những tập bản thảo và sách có được từ Thư viện Honresfield sẽ được FNL tặng lại cho các tổ chức thư viện ở Anh.
Tiến sĩ Gabriel Heaton, chuyên gia của hãng đấu giá Sotheby’s, đã mô tả Thư viện Honresfield là “một bộ sưu tập không đâu có được. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên và vui mừng trước tham vọng đáng kinh ngạc nhằm mua lại toàn bộ thư viện của FNL. Họ xứng đáng với công lao của mình khi kết thúc thành công chiến dịch gây quỹ. Thành công của họ là minh chứng cho thấy những gì có thể đạt được thông qua sự hợp tác giữa các tổ chức công và các nhà sưu tập tư nhân”.
Theo Chủ tịch FNL Geordie Greig, “Công chúng dành sự quan tâm lớn chưa từng có cho bộ sưu tập bản thảo và sách được lưu trữ và chưa từng mở cửa cho công chúng tới xem trong gần một thế kỷ này”. Ông cũng cảm ơn tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ trong dự án giải cứu bộ sưu tập có một không hai này. Theo ông, “cuộc giải cứu” Thư viện Honresfield giống như khi người ta khai quật một ngôi mộ Ai Cập cổ đại để lần đầu tiên nhìn thấy các văn bản cổ và cả một kho báu sẽ được lưu lại vĩnh viễn cho sinh viên, học giả và những người yêu sách chiêm ngưỡng và tìm đọc.
HỮU DƯƠNG theo Independent
VNQD