Cao điểm 'mùa' cấm sách ở Mĩ

Thứ Ba, 31/05/2022 10:07

Nếu đã từng ấn tượng khi thấy Margaret Atwood ở tuổi 80 đi trên đường phố New Zealand với một chiếc scooter, thì chắc sẽ còn thích hơn nữa khi thấy bà ấy ở tuổi 82 sử dụng vũ khí cầm tay “tuyệt vời” và “siêu phàm” nhất: súng phun lửa cỡ vừa của Mỹ, để bắn về phía một trong những cuốn sách thành công nhất của mình phiên bản đặc biệt không thể cháy.

PHONG TRÀO ĐỐT SÁCH

Kể từ tháng 4 năm 2022, những cuốn sách về các vấn đề chủng tộc và LGBTQ+ ở Mĩ đang được chọn ra để kiểm duyệt một cách mạnh mẽ hơn. Hơn 1.500 lệnh cấm đã được tiến hành tại các trường học Hoa Kì trong 9 tháng qua. Nghiên cứu của PEN American cho biết khoảng hơn 1.145 cuốn sách là mục tiêu của các chính trị gia và nhà hoạt động cánh hữu, bao gồm cả tác phẩm của người đoạt giải Nobel Văn chương 1993, Toni Morrison.

Báo cáo cho thấy tác động liên tục của những người bảo thủ nhằm kiểm duyệt nội dung trong trường học. Các lệnh cấm chủ yếu nhắm vào các cuốn sách nói về chủng tộc và cộng đồng LGBTQ+, và một số lượng lớn các sách bị cấm được viết bởi các tác giả không phải người da trắng hoặc thuộc cộng đồng này.

Jonathan Friedman, giám đốc của chi nhánh Tự do giáo dục, Tự do bày tỏ trực thuộc PEN America đã phát biểu rằng: “Những thông tin cấm kiểu này chưa bao giờ được kiểm chứng và thành thật mà nói, kết quả khi biết thật đáng kinh ngạc. Những thách thức đối với việc cấm sách, đặc biệt là sách của các tác giả không phải nam giới da trắng, đang xảy ra với tỷ lệ cao nhất mà chúng tôi từng thấy”.

Dữ liệu của PEN America xác nhận rằng có những chủ đề cụ thể cho các lệnh cấm sách. Trong đó, 41% bao gồm “nhân vật chính hoặc nhân vật phụ nổi bật” là người da màu. Khoảng 22% số sách bị cấm “đề cập trực tiếp đến các vấn đề chủng tộc và phân biệt chủng tộc”, trong khi 33% “đề cập rõ ràng các chủ đề về LGBTQ + hoặc có nhân vật chính hoặc nhân vật phụ nổi bật là LGBTQ +”.

PEN America phát hiện ra rằng ba tựa sách thường xuyên bị cấm nhất đều tập trung vào các cá nhân LGBTQ +, hoặc đề cập đến chủ đề xoay quanh các “mối quan hệ đồng giới”. Tác phẩm tự truyện Gender Queer: A Memoir của nhà sản xuất phim hoạt hình người Mĩ, Maia Kobabe đã bị cấm ở 30 khu học chánh, trong khi All Boys Aren't Blue (tạm dịch: Không phải mọi chàng trai đều nam tính) của George M Johnson và Lawn Boy (tạm dịch: Chàng trai nông trại) của Jonathan Evison cũng nằm trong số những mục tiêu bị nhắm tới nhiều nhất.

Out of Darkness (tạm dịch: Bóng tối nghìn trùng) của Ashley Hope Pérez, một cuốn tiểu thuyết về mối tình lãng mạn giữa một thiếu niên da đen và một cô gái Mĩ gốc Mexico, đã bị cấm ở 16 quận, và The Bluest Eye (Mắt nào xanh nhất), câu chuyện về những trải nghiệm của một cô gái da đen trẻ tuổi ở Mĩ vào những năm 1940 của Toni Morrison cũng bị cấm ở 12 quận.

Mắt nào xanh nhất của Toni Morrison sắp tới cũng được ra mắt trở lại tại Việt Nam, do San Hô Books phát hành và Thiên Nga dịch.

Friedman nói: “Đây là một cuộc tấn công có tổ chức nhằm vào những cuốn sách mà chủ đề của chúng xứng đáng có được chỗ đứng trên các kệ thư viện trường học và trong các lớp học. Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự xóa sổ của các chủ đề mà gần đây chỉ thể hiện sự tiến bộ trong việc hòa nhập.”

Việc kiểm duyệt sách này được cho là phù hợp với những quy định mới đây của cánh hữu, khi quy định những gì giáo viên có thể và không thể thảo luận trong trường học. Vào tháng 3, bang Florida đã thông qua một dự luật có tên "don’t say gay - không nói đồng tính", cấm "những hiểu biết cần thiết" về khuynh hướng tình dục và bản dạng giới ở lứa tuổi mẫu giáo đến lớp ba. Một số bang cũng đã cấm thảo luận về tác động hiện thời của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong lịch sử Mĩ.

Việc kiểm duyệt thường xuyên được thúc đẩy bởi các nhóm bảo thủ có liên hệ với các nhà tài trợ cánh hữu nhiều tiền. Các nhóm như Moms for Liberty (tạm dịch: Hội các bà mẹ đấu tranh vì tự do) và Parents Defending Education (tạm dịch: Hội phụ huynh bảo vệ giáo dục) đã là công cụ trong các nỗ lực cấm sách ở Mĩ, thường tự thể hiện mình là những nỗ lực nhỏ, và là “cơ sở”, trong khi trên thực tế, họ có liên kết với những người theo Cộng hòa nổi tiếng, giàu có.

TÁC DỤNG NGƯỢC?!

Vào đêm 23/5 trong khuôn khổ một buổi dạ tiệc thường niên của Tổ chức Văn bút Hoa Kì (PEN America) ở New York (đêm này cũng có sự đồng hiện diện của Ruth Negga trao giải cho Zadie Smith và Michael Douglas trao giải cho Vladyslav Yesypenko), thương hiệu Penguin Random House đã thông báo sẽ cho ra mắt ấn bản chỉ in một lần, và không thể cháy của cuốn The Handmaid’s Tale (Chuyện người Tùy nữ, đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt qua bản dịch của An Lý). Tác phẩm này sẽ được bán đấu giá thông qua Nhà cái Sotheby chi nhánh New York, từ đó góp vào Qũy chung của PEN trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên toàn thế giới.

Được biết phiên bản chống cháy là một dự án hợp tác giữa PEN, tác giả Atwood, Penguin Random House và hai công ty có trụ sở tại Toronto - nơi Atwood sinh sống lâu năm. Trong đó Rethink là một công ty sáng tạo những ý tưởng mới, còn The Gas Company Inc là một studio chuyên về nghệ thuật đồ họa và đóng sách.

Margaret Atwood thử nghiệm chống cháy cho chính tác phẩm của mình.

Thay vì chất giấy truyền thống, cuốn sách dày 384 trang này đã mất hơn hai tháng để hoàn thành và người dùng có thể đọc nó như một cuốn tiểu thuyết thông thường. Phiên bản không cháy này được tạo ra từ nguyên liệu Cinefoil - một hợp chất gốc nhôm được xử lí đặc biệt và được khâu lại bằng tay bởi dây đồng niken.

Mặc dù Chuyện người Tùy Nữ (theo các thông tin chính thống) chưa bao giờ là nạn nhân của một vụ đốt sách có tổ chức, nhưng nó đã phải chịu rất nhiều lệnh cấm và cố gắng bị loại bỏ trong hàng thập kỉ qua, bởi đã tạo nên chân dung tưởng tượng có phần đen tối về vị thế của phụ nữ trong tương lai gần. Năm ngoái, nó đã bị các trường học ở Texas và Kansas kéo ra khỏi kệ.

Với việc cấm sách (và có thể là đốt) đang gia tăng trên khắp nước Mĩ, và không có thời điểm nào tốt hơn hiện nay để quyên góp cho các tổ chức bảo vệ văn học và tự do ngôn luận. Và nếu bạn có thể lấy cho mình một bản sao chống cháy của một trong những tiểu thuyết “điên rồ” nhất mọi thời đại đang ở nhà mình, thì điều đó thật tốt.

Có một số bằng chứng cho thấy những nỗ lực kiểm duyệt tài liệu tập trung vào vấn đề chủng tộc và LGBTQ+ đang có tác dụng ngược lại. Các câu lạc bộ sách cấm, nơi trẻ em và thanh niên gặp nhau để đọc và thảo luận về các tựa sách đã bị kiểm duyệt bởi các khu học chánh, đã mọc lên khắp nước Mĩ, trong khi doanh số bán tựa sách Maus, một tiểu thuyết kết hợp tranh ảnh đoạt giải Pulitzer nói về thời kì Holocaust, đang tăng vọt vào tháng Giêng sau khi nó bị cấm bởi hội đồng trường Tennessee.

Tất cả đều rất tồi tệ và chỉ ngày càng tồi tệ hơn khi có quá nhiều quyền lực trong chính trị địa phương. Vì vậy, hãy lên tiếng về việc cấm sách khi bạn gặp phải vấn đề này (hoặc gửi hỗ trợ vật chất cho những người bị cấm). Đây là một hướng dẫn hữu ích từ PEN America về cách học sinh có thể chống lại lệnh cấm sách.

THUẬN NGÔ tổng hợp

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)