‘Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch’: Xê dịch kích thích niềm vui sống

Chủ Nhật, 22/05/2022 11:49

Tiểu thuyết Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch là sự tái hiện một cách đầy chân thực, sống động và gần gũi đời sống tinh thần của một bộ phận tầng lớp trung lưu Nhật Bản.

Mashima và Saiki là hai người bạn từng học chung trường, hiện tại họ lại làm cùng một công ty. Nhưng do khác bộ phận nên cả hai ít có dịp tiếp xúc với nhau dù Mashima vẫn luôn mang lòng ngưỡng mộ Saiki từ lâu. Cho tới đợt nghỉ lễ Obon, Mashima muốn tới đảo Sado thăm mẹ và vô tình, anh đã nói dự định đó với Saiki, một người suy nghĩ hết sức đơn thuần. Để rồi một loạt sự móc nối liên lạc diễn ra làm cho ngày Mashima đến đảo Sado còn có thêm ba chàng trai khác đi cùng anh là Saiki, Shigeta, Nakasugi. Sau chuyến đi ấy, bốn chàng trai dần trở nên thân thiết, luôn nghĩ về nhau và gọi cho nhau ở bất cứ chuyến đi hay cuộc vui nào. 

TÁC PHẨM GIÀNH GIẢI SHOSETSU HOSEKI

Là cuốn tiểu thuyết được phát triển từ truyện ngắn cùng tên đạt giải tác giả trẻ lần thứ 7 trên tạp chí Shosetsu Hoseki của tác giả Yuriko Mamiya, Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch đã tái hiện một cách đầy chân thực, sống động và gần gũi đời sống tinh thần của một bộ phận tầng lớp trung lưu Nhật Bản qua hình ảnh bốn chàng trai - bốn người đàn ông tuổi không còn quá trẻ nhưng cũng chẳng đã về già. Bốn con người, mỗi người một cảnh nhưng đều gặp nhau ở điểm chung, họ vẫn đang miệt mài trên con đường đi tìm bản ngã, mang nỗi mặc cảm buồn sầu sâu kín về một quá khứ đã sớm trở thành vết thương khó lành.

Để rồi từ buồn đau họ tìm thấy sự thấu hiểu, từ thấu hiểu họ giúp nhau vượt qua khó khăn, vượt qua mặc cảm, mà tìm thấy hạnh phúc. Thứ hạnh phúc giản dị giữa những kẻ đồng cảnh, đồng cảm trên sự tôn trọng những gì là biệt trong cá tính hay cuộc sống riêng tư từng người. Họ cùng sẻ chia những đớn đau mong manh, vướng bận đời sống thường nhật mà người đàn ông vốn thật khó bày tỏ, cho nhau lời khuyên, thậm chí là hành động vì nhau để làm vợi bớt đi vất vả.

Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch bản tiếng Việt, Thu Trang dịch, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ ấn hành.

Họ, những chàng trai buổi hiện đại, gánh trên vai gánh nặng cá nhân, lê bước từng ngày mà tồn tại, rồi vô tình. Nên sự thấu hiểu họ dành cho nhau còn như xuất phát từ bản dạng giới giữa cánh mày râu. Những người đàn ông, dễ dàng kết thân, dễ dàng mở lòng, dẫu đã lãng quên hay chưa từng thân thiết, nhưng chỉ cần một lần bèo nước gặp nhau, vô tình tương ngộ giữa dòng đời, đồng hành trên một chuyến đi, người ta trở nên thân thiết lúc nào không biết.

Hành trình Mashima về thăm mẹ ở Sado, những tưởng là chuyến đi đầy đơn độc. Nhưng sự đồng hành bất ngờ với một đoàn ba chàng trai khác gần như xa lạ tựa đã mở ra tâm bản lề, tạo dựng lên tình bạn hết sức đặc biệt giữa bốn người đàn ông chốn công sở. Giúp tiếp thêm động lực cho Mashima có đủ dũng khí cũng như lòng vị tha mà nhìn nhận về người mẹ từng khiến tuổi thơ anh thương tổn. Như thay Shigeta một nhà nghiên cứu mãi lận đận trên con đường học thuật lẫn gia đình nói ra tiếng lòng những uất ức anh luôn âm thầm tránh né. Giúp một chàng trai vẫn mãi nhún nhường với hi vọng giải quyết mọi chuyện như Nagasaki có nghị lực buông bỏ gánh nặng để trải nghiệm ngày nghỉ được sống đúng với bản thân. Và chẳng phải, Saiki, một người mắc chứng tự kỉ ám thị, luôn gặp khó khăn trong giao tiếp, khi gặp khúc mắc với cô bạn gái mới quen Arue, đã tìm đến hội bạn như tìm đến một điểm tựa cuối cùng cho tâm hồn hay sao?

Bản thân các chàng trai ấy, có lẽ chẳng thể biết rằng, dù không can thiệp quá sâu vào cuộc sống cá nhân của nhau nhưng vô hình trung, họ đã coi nhau là tri kỉ mất rồi. Và khi cuộc sống còn nhiều thương tổn, và khi gánh nặng vô hình vẫn đè lên vai những người đàn ông vẫn âm thầm sống kiếp đời bình lặng, làm họ cũng có những khoảnh khắc, tâm hồn nhạy cảm, mong manh đến vậy. Thì “hạnh phúc” chính là được đồng cảm, thấu hiểu trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối từ kẻ đồng cảnh.

4 PHẦN ĐỜI TRẢI TRÊN TỪNG CHƯƠNG TRUYỆN

Có thể nói, kết cấu tiểu thuyết Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch khá rõ ràng, mạch lạc theo từng tuyến nhân vật, mỗi chương truyện kể về phần đời mỗi chàng trai. Nhưng ở các chương, góc nhìn, ngôi kể lại có sự đổi khác. Có câu chuyện được kể từ góc nhìn của ngôi thứ nhất: người kể chuyện xưng tôi nhưng cũng có câu chuyện lại xuất phát trên góc độ của ngôi thứ ba: người kể chuyện ẩn mình thuật lại sự việc.

Nhưng dù viết về ai, nội dung chương truyện ra sao hay đứng ở điểm nhìn, ngôi kể nào thì bốn chương truyện của Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch vẫn có mối liên hệ mật thiết. Vì họ, là nhân vật chính trong chương truyện - cuộc đời chính mình song cũng là một phần quan trọng, không thể thiếu trong mối quan hệ bạn bè giữa những chàng trai khác. Bởi thế, tổng thể tác phẩm không trở nên rời rạc mà đặc biệt gắn kết: chương này kết thúc lại đóng vai trò tiền đề, mở ra nội dung cuộc đời người khác ở chương sau. Cho nên, đọc Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch, độc giả cảm thấy mới mẻ bởi sự biến đổi ngôi kể, người kể, nhân vật song vẫn nhận thấy rõ sự logic và đầy chặt chẽ trong nội dung cốt truyện chính yếu.

Và mối liên hệ về cốt truyện đấy, còn đến từ bản thân bốn chàng trai trên trang viết. Họ không chỉ khác nhau về danh tính, nghề nghiệp mà còn là bốn tính cách, đời sống riêng biệt giữ vai trò ngang nhau trong tiến trình phát triển tổng thể cuốn sách. Nhưng dẫu cá tính có khác nhau, thì họ vẫn gặp gỡ ở giao điểm có tên trở ngại trong tâm lí đến từ quá khứ. Dù là người làm trái nghề hay người vẫn chưa chạm được tay đến giấc mơ, dù là người ngại giao tiếp hay người nhún nhường đến mức rụt rè mệt mỏi, họ cùng có nỗi khổ tâm rất thực, rất người. Tất cả, tựa mảnh ghép tạo nên sự đa dạng, muôn mặt cho cuốn tiểu thuyết này của Yuriko Mamiya.

Bốn người, mang bốn quá khứ, nỗi niềm, vết thương tâm lí đã kết sẹo mà trở thành ẩn ức nhức nhối. Một thứ ẩn ức rất gần với con người hiện đại nói chung, con người Nhật Bản nói riêng. Những người sau Chiến tranh thế giới thứ hai phải gánh chịu cuộc khủng hoảng căn cước trầm trọng, mãi vẫy vùng kiếm tìm cái tôi, bản ngã trong sự lạc lối về con đường tương lai. Những kẻ trong guồng quay đời sống hiện đại, bị cuốn theo lo toan cuộc đời cùng cường độ công việc quá sức mà kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Những chuyến đi giúp chữa lành vết thương. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, tái hiện hiện thực với những cá nhân thương tổn, tác giả Yuriko Mamiya hẳn không nhằm hướng người đọc đến nỗi hoang mang, bất định chảy trôi theo sự mất phương hướng của nhân vật. Mà trên tất cả, những gì cô thể hiện qua con chữ vẫn là tình người, là giá trị nhân văn, nhân bản con người dành cho nhau. Như bốn chàng trai ấy, không cùng huyết thống, đã từng xa lạ nhưng đến cuối cùng, họ mở lòng mà tin tưởng đón nhận sự chân thành, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong guồng quay cuộc sống đầy gai góc này.

Viết về những điều gần gũi, xây dựng những nhân vật chân thực như bước đi giữa cuộc đời trên trang sách, lời văn của tác giả Yuriko Mamiya mang nét man mác buồn hết sức đặc trưng. Nét đặc trưng tựa mạch ngầm đã xuyên suốt văn chương Nhật Bản từ xa xưa đến hiện tại hiện hình trong những biểu tượng tự nhiên “nước”, “sóng”, “gió”, “cát”... “Chẳng hiểu sao khi dấn bước vào nơi không có gì khác ngoài dấu vết bóng tối, tôi thấy sợ. Tiếng sóng thật dữ dội. Ngoảnh đầu lại chỉ thấy dấu chân mình nguệch ngoạc giữa bức tranh của gió, trong lòng tôi trào dâng cảm giác tội lỗi. Rồi chẳng mấy chốc, gió sẽ cuốn đi thôi”.

Tuy nhiên, giữa cái chung đó, cô cũng tạo được dấu ấn nơi các câu văn chứa đựng nét giản dị, trong trẻo đan xen cùng những đoạn văn ngắn hài hước: “Rồi đột nhiên thằng bé thọc tay vào túi, vốc một nắm đầy ném đi. Không hiểu sao tôi cũng khoan khoái khác thường, nắm cùng thằng bé.” Phải chăng, chính sự linh hoạt này làm văn chương Yuriko Mamiya trong Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch không bi lụy mà mang đầy âm hưởng tươi sáng, kích thích người ta niềm vui sống trong sở thích “xê dịch” vậy.

Một cây viết không phải nam giới nhưng lại viết về rất nhiều nỗi đau cùng nốt trầm nơi đời sống người đàn ông buổi hiện đại qua bóng hình Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch, tác giả Yuriko Mamiya đã thể hiện ánh nhìn khá tinh tế, sâu sắc cùng nỗi đồng cảm vượt qua định kiến giới thông thường trước một lớp người, vẫn lặng thầm sống giữa xã hội bộn bề. Đồng cảm mà trân trọng, và từ một lớp người cụ thể, cô như gửi gắm trọn vẹn niềm vui sống, đến mỗi độc giả, những ai vẫn bị níu chân bởi quá khứ trong hiện thực còn nhiều đớn đau này.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)