Nhà thờ lớn

Chủ Nhật, 08/05/2022 06:00

Raymond Carver (1938 - 1988) là nhà văn nổi tiếng người Mĩ sinh ở Oregon, lớn lên ở Washington. Các tác phẩm của ông có thể kể đến: Mùa thịnh nộ, Vui lòng đừng phô trương, Khi em cần, cứ gọi anh, Con voi... Ông đã có hai tập truyện ngắn được dịch sang tiếng Việt là Em làm ơn im đi được không Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình. Năm 1984, Raymond Carver được đề cử giải Pulitzer cho tập truyện ngắn nhan đề Cathedral (Nhà thờ lớn).

*********

Suốt đêm hôm ấy, một gã mù, người quen biết cũ của vợ tôi, cứ lông bông ngoài đường. Gã mất vợ từ lâu. Vì vậy, gã chỉ đi thăm bà con phía vợ ở Connecticut. Gã gọi điện cho vợ tôi từ nhà mẹ vợ gã. Gã sẽ đến bằng tàu lửa, chuyến đi kéo dài năm tiếng; vợ tôi sẽ đón gã tại nhà ga. Bà xã tôi không hề gặp gã kể từ khi cô làm việc cho gã suốt ba tháng hè tại Seattle mười năm trước. Nhưng cô và gã mù ấy vẫn liên lạc với nhau. Họ ghi âm vào băng cassette, gửi bưu điện cho nhau. Tôi chả quen biết gì gã. Thực tình tôi chả mong một người mù tới nhà.

Mùa hè năm đó ở Seattle, vợ tôi - khi ấy chưa lấy tôi - cần một công việc. Lúc đấy, chàng trai cô định kết hôn vào cuối mùa hè đang học tại trường sĩ quan. Anh ta cũng nghèo. Nhưng cô yêu anh ấy, anh cũng yêu cô, đại loại thế. Cô thấy người ta đăng trên mặt báo: CẦN NGƯỜI LÀM - đọc tài liệu cho người mù, với số điện thoại kèm theo. Cô gọi điện, tìm đến, được nhận việc ngay. Cô làm việc cho người đàn ông mù ấy suốt mùa hè. Cô đọc đủ thứ cho gã nghe, các nghiên cứu điển hình, các báo cáo, những thứ đại loại thế. Cô giúp gã tổ chức văn phòng nhỏ của gã ở bộ phận phục vụ cộng đồng quận. Họ đã trở thành bạn thân, vợ tôi và gã. Vào ngày cuối của cô ở văn phòng, gã mù hỏi liệu gã có thể chạm vào da mặt cô không. Cô đồng ý. Cô kể cho tôi nghe gã đã chạm mấy ngón tay của gã vào mọi bộ phận trên khuôn mặt cô, mũi cô - thậm chí cổ cô nữa! Cô không bao giờ quên điều đó. Cô thậm chí còn làm một bài thơ về chuyện đó.

Khi tôi và cô mới quen và bắt đầu đi chơi với nhau lần đầu tiên, cô đã cho tôi xem bài thơ ấy. Trong bài thơ, cô hồi tưởng tới mấy ngón tay gã rờ rẫm trên khuôn mặt cô; cô nói về cảm xúc của cô lúc đó, về những gì đã trải qua trong tâm trí cô khi người đàn ông mù chạm vào mũi và môi cô.

Sau đó, cô từ biệt gã, rồi làm lễ cưới với chàng trai mà bấy giờ là sĩ quan đặc khu. Nhưng giữa cô và gã mù vẫn giữ quan hệ mật thiết với nhau. Cô tìm cách liên lạc với gã lần đầu tiên sau hơn một năm. Lúc ấy về đêm, cô gọi điện cho gã từ một căn cứ không quân ở Alabama. Họ đã tâm tình với nhau. Gã yêu cầu cô gửi cho gã một cuộn băng cassette kể cho gã nghe về cuộc đời cô. Cô đã gửi cuộn băng đó. Trong băng, cô kể cô yêu chồng mình, nhưng cô không thích chỗ hai vợ chồng đang sống và cô không ưa chồng cô làm tại đơn vị sản xuất trang thiết bị không quân. Cô tâm sự với gã rằng cô đã làm một bài thơ có hình bóng gã trong đó. Gã mù làm một cuộn băng. Gã đã gửi cho cô cuộn băng đó. Rồi cô làm một cuộn băng nữa. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm. Chàng sĩ quan của cô được đưa đến hết căn cứ này, tới căn cứ khác. Cô đã gửi băng từ Moody AFB, McGuire, McConnell, và cuối cùng là Travis; tại đấy, một đêm nọ cô thấm thía nỗi cô đơn buồn chán vì phải xa cách những người quen biết do cuộc sống nay đây mai đó của cô. Cô tuyệt vọng, cảm thấy gần như không thể tiếp tục bước đi trên cõi đời này nữa. Cô vô phòng, uống tất tần tật thuốc có sẵn trong nhà và tọng xuống bằng một chai rượu gin; sau đó, bất tỉnh.

Tay sĩ quan của cô về nhà, tìm thấy cô, lật đật gọi xe cấp cứu. Thời điểm đó, cô ghi âm mọi chuyện vào băng cassette và gửi nó cho người đàn ông mù. Bên cạnh việc sáng tác thơ, tôi nghĩ ghi âm vào băng là thú vui chủ yếu của cô. Trong một đoạn băng, cô nói với gã mù rằng cô đã quyết định sống xa anh sĩ quan kia một thời gian. Trong một cuộn khác, cô nói với gã về chuyện li hôn với anh ta.

Cô và tôi bắt đầu đi chơi chung, và cô đã nói với người đàn ông mù về điều đó. Cô nói với gã về tất cả mọi thứ, như thể đang tâm sự với tôi. Một lần, cô hỏi tôi có muốn nghe đoạn băng mới nhất của người mù ấy không. Đấy là một năm trước. “Em đã nghe rồi,” cô nói thế. Vì vậy, tôi gật đầu. Đầu tiên, cô lắp cuộn băng vào máy cassette, điều chỉnh vài mặt số. Sau vài phút nghe gã trò chuyện mông lung, tôi bỗng nghe tên mình được thốt ra từ cửa miệng của người lạ ấy. Và sau đó là: “Với tất cả những gì cô đã kể về anh ấy, tôi chỉ có thể kết luận là…” Nhưng đột nhiên chúng tôi bị gián đoạn, một tiếng gõ cửa, hay một thứ gì đó, và chúng tôi không bao giờ quay lại với cuộn băng đó nữa.

Vợ tôi kể, một cô nọ, tên Beulah đã làm việc cho gã mù ấy vào mùa hè sau khi vợ tôi nghỉ làm. Chẳng lâu sau, Beulah và gã mù đã tổ chức đám cưới ở nhà thờ. Nhưng sau tám năm gắn bó, sức khỏe của Beulah xuống dốc trầm trọng. Cô ta chết trong bệnh viện Seattle, người đàn ông mù ngồi bên cạnh giữ chặt tay vợ. Họ đã lấy nhau, sống và làm việc cùng nhau, ngủ cùng nhau - chắc chắn là có quan hệ xác thịt với nhau - và sau đó người đàn ông mù phải chôn cất cô ta. Người phụ nữ nằm chết trông như thế nào thì đố mà gã ta thấy được. Nó cũng nằm ngoài sự hiểu biết của tôi. Nghe đến đây, tôi cảm thấy đáng thương cho gã mù đôi chút. Người ta trang điểm hay không - đối với gã, có khác gì đâu? Và rồi, khi rơi vào cõi chết, bàn tay người mù trên tay cô ta, đôi mắt mù lòa rơi nước mắt - tôi đang tưởng tượng - suy nghĩ cuối cùng của cô có lẽ là thế này: Rằng gã thậm chí chưa bao giờ biết người cô trông thế nào, rồi cô vội vàng ra huyệt mộ. Gia tài còn lại của Robert chỉ bao gồm một cái hợp đồng bảo hiểm chả đáng giá bao nhiêu và một nửa cent Mexico hai mươi peso. Nửa còn lại của đồng cent ấy đã bỏ vào quan tài theo cô ta.

Vì vậy, khi thời gian chầm chậm trôi đi, vợ tôi đến nhà ga đón gã mù. Tôi đang uống rượu, xem TV, thì nghe thấy tiếng xe hơi đi vào. Tôi rời khỏi sofa với đồ uống của mình, bước đến bên cửa sổ nhìn ra. Tôi thấy vợ tôi cười khi đậu xe. Tôi thấy cô ra khỏi xe, đóng cửa lại. Cô đi vòng sang phía bên kia xe để đến bên người đàn ông mù. Người mù ấy, nơi khuôn mặt, có một bộ râu thật hoàn mĩ! Gã với tay vào hàng ghế sau, lôi vali ra. Vợ tôi nắm tay gã, đóng cửa xe và nói suốt đoạn đường, đưa gã đến lối vào nhà và lên bậc thềm trước hiên nhà. Tôi tắt TV, bước ra cửa.

“Anh Robert, đây là chồng em.” vợ tôi nói. “Em đã kể anh nghe mọi chuyện về chồng em.” Cô ấy cười rạng rỡ. Cô đỡ lấy người đàn ông mù bằng cách nắm lấy tay áo gã. Gã hạ va li xuống, đưa tay lên. Tôi nắm tay gã. Gã siết mạnh, nắm lấy tay tôi, rồi buông ra.

“Tôi có cảm tưởng chúng ta đã gặp nhau rồi,” gã cười hớn hở.

“Tôi cũng vậy,” tôi lên tiếng. Tôi không biết phải nói gì khác. Sau đó, tôi nói, “Chào anh. Tôi đã nghe kể nhiều điều về anh.” Đoạn, cả ba chúng tôi cùng di chuyển từ hiên vào phòng khách, vợ tôi dắt tay gã. Người đàn ông mù xách va li trên tay còn lại. Vợ tôi nói những điều như, “Bước sang bên trái, anh Robert! Đúng rồi. Bây giờ để ý, có một chiếc ghế. Đó, đó, đó! Anh ngồi xuống đi. Đây là sofa. Tụi em mới mua bộ sofa này hai tuần trước.”

“Trông anh khác xưa nhiều lắm,” vợ tôi lại thốt lên. “Anh Robert, em thật là vui khi gặp lại anh.”

Tôi chưa bao giờ gặp, hoặc biết rõ về cuộc sống cá nhân của một người mù nào cả. Gã này ngoài bốn mươi, hơi mập, đầu hói, đôi vai hơi khom. Gã mặc quần tây nâu, sơ mi nâu nhạt, mang giày nâu, thắt cà vạt và khoác áo thể thao. Đẹp thật. Gã cũng có bộ râu rậm rạp. Nhưng gã không dùng gậy và cũng không đeo kính đen. Thoạt nhìn, đôi mắt gã chẳng khác gì người bình thường. Nhưng nhìn gần, mống mắt gã trắng xóa, và con ngươi di chuyển loanh quanh trong hốc mắt mà gã không biết hoặc không thể ngăn chặn được.

Tôi cao giọng, “Để tôi rót anh một li gì nhé? Anh muốn thưởng thức loại gì? Chúng tôi có mỗi thứ một ít. Uống cũng là một cách tiêu khiển của vợ chồng tôi.”

“Tôi là người Scotland, chú mày ạ,” gã nói nhanh, giọng ồ ồ.

“Vậy à,” tôi gật gù. Gã gọi tôi là chú mày. “Nhất định rồi. Tôi biết loại rượu ấy mà.”

Gã đưa mấy ngón tay chạm vào chiếc vali đặt dọc sofa. Gã đang giữ đúng bộ dạng của mình.

“Em sẽ chuyển nó lên phòng anh,” vợ tôi lên tiếng.

“Không, không sao,” người mù nói lớn. “Khi lên cầu thang, tôi sẽ xách nó theo.”

“Pha chút nước với rượu Scotland nhé?” Tôi hỏi gã.

“Vâng, ít thôi,” gã cất giọng ồm ồm.

“Tôi biết mà,” tôi gật gù.

Tôi pha đồ uống, ba li rượu Scotland lớn với một chút nước mỗi li. Sau đó, chúng tôi thong thả trò chuyện về chuyến đi của Robert. Đầu tiên gã bay một chuyến dài từ Bờ Tây đến Connecticut. Sau đó từ Connecticut lên đây bằng tàu hỏa. Chúng tôi uống thêm một li nữa khi gã kể tới đoạn đó.

Tôi nhớ mình đã từng đọc đâu đó rằng người mù không hút thuốc vì theo suy đoán, họ không thể nhìn thấy khói mà họ phà ra. Nhưng người mù này hút thuốc rê cuộn bằng giấy pơ-luya và sau đó châm một điếu khác. Gã chất tàn thuốc đầy gạt tàn, vợ tôi mang đi đổ.

Khi ngồi xuống bàn ăn tối, chúng tôi uống thêm mỗi người một li nữa. Bà xã tôi chất vào đĩa gã mấy miếng bít tết, khoai tây và đậu xanh. Tôi đút cho gã hai lát bánh mì. Tôi lên tiếng, “Đây là bánh mì và bơ nghe anh.” Tôi nhấp một ít rượu.

Chúng tôi chăm chỉ ăn. Người mù xác định ngay được thức ăn của mình, gã biết mọi thứ trên đĩa của mình. Tôi thán phục nhìn gã dùng dao và nĩa một cách thành thạo. Gã lại tiếp tục với một li sữa lớn.

Chúng tôi đã dứt điểm mọi thứ, bao gồm nửa chiếc bánh dâu tây. Trong một lúc, chúng tôi ngồi như thể tự ngạc nhiên về chính mình. Mồ hôi nhỏ giọt trên mặt chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi rời khỏi bàn, để lại đó những chiếc đĩa bẩn. Chúng tôi bước ra phòng khách, sà vào chỗ của mình một lần nữa. Robert và vợ tôi ngồi trên sofa. Tôi ngồi nơi chiếc ghế bành. Chúng tôi đã cùng uống thêm hai ba li rượu nữa trong khi vợ tôi và gã nói về những diễn biến xảy ra 10 năm qua.

Tôi chỉ lắng nghe. Thỉnh thoảng góp chuyện. Tôi không muốn gã nghĩ tôi đã rời khỏi phòng, đồng thời tôi không muốn vợ tôi nghĩ tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Họ nói về những điều đã xảy ra với họ - với họ! - mười năm qua. Tôi chờ đợi trong vô vọng để nghe thấy tên mình trên đôi môi ngọt ngào của vợ tôi: “Và rồi người chồng thân yêu của tôi đã đến trong cuộc đời tôi” - đại loại thế. Nhưng tôi không nghe thấy gì về câu đó. Nói thêm về Robert. Có vẻ như gã đã làm một công chuyện giao dịch gì đó dành cho người mù. Nhưng gần đây, khi vợ gã còn tại thế, gã và cô ta đã làm nhà phân phối cho công ti Amway, từ đó, họ kiếm sống được, đại loại vậy. Người mù cũng là người điều hành đài phát thanh Guam. Gã nói gã có rất nhiều bạn thân ở đó, nếu bà xã tôi muốn đến thăm nơi đó thì tha hồ đi. Chốc chốc, gã quay mặt làm ngơ về phía tôi, đưa tay vuốt râu, hỏi tôi đôi điều. Cuối cùng, khi tôi tưởng gã bắt đầu thôi trò chuyện, tôi đứng dậy bật TV.

Vợ tôi nhìn tôi với vẻ bực bội. Sau đó, cô nhìn người đàn ông mù và cất giọng nhỏ nhẹ, “Robert, anh có TV không?” Gã đáp: “Tôi có hai cái TV. Một màu, một đen trắng.”

Tôi không biết phải nói gì về điều đó. Vì vậy, tôi xem chương trình thời sự và lắng nghe những gì phát thanh viên nói. Vợ tôi che miệng ngáp. Cô vươn vai nói, “Em định lên lầu mặc áo choàng vào. Anh Robert, anh cứ tự nhiên nhé,” cô nhẹ giọng.

Sau khi bà xã tôi rời khỏi phòng, gã và tôi nghe bản tin thời tiết, rồi cuộc thi đấu thể thao. Tôi hỏi gã có muốn uống thêm một li không, gã nói OK. Sau đó, tôi pha rượu mời gã uống. Vợ tôi bước xuống với chiếc áo choàng hồng và đôi dép hồng. Cô ngồi trên sofa, giữa tôi và người đàn ông mù. Sau đó, cô than, “Hồi nãy em ăn. Nhưng lẽ ra em không nên ăn nhiều thế.”

Chúng tôi chăm chú theo dõi TV. Vợ tôi lại ngáp. Cô nói với Robert, “Khi nào anh đi ngủ, em sẽ dọn giường.” Cô kéo cánh tay gã. “Anh Robert?”

Gã nhích đến, “Tôi đã có những giờ phút thật thoải mái. TV thích hơn cassette, đúng không nào?” Tôi xuống giọng, “Cũng còn tùy.”

Vợ tôi lên tiếng, “Em định ngồi đây chợp mắt một lát. Nhưng đừng để em làm phiền cả hai anh đấy, được không? Nếu phiền thì cứ nói. À, giường của anh đã chuẩn bị xong, anh Robert. Nó ngay bên cạnh phòng của tụi em ở đầu cầu thang. Em sẽ có mặt khi anh cần. Các anh đánh thức em nếu em ngủ quên nhé.” Cô nói một tràng rồi thiếp đi.

Chương trình thời sự kết thúc. Tôi đứng dậy đổi kênh, rồi ngồi xuống sofa. Tôi tưởng tượng vợ tôi chả đi đâu. Đầu cô tựa lưng sofa, miệng mở ra. Cô xoay người để chiếc áo choàng tuột khỏi chân cô, lộ ra một chiếc đùi trắng nõn. Tôi với tay để kéo áo choàng cô lên, và lúc đó tôi liếc nhìn người đàn ông mù. Cái quái gì thế! Tôi lại mở cái áo choàng vợ tôi ra.

Tôi hỏi, “Anh mệt không? Anh có muốn tôi đưa anh lên giường không?”

“Chưa đâu,” gã đáp. “Tôi sẽ thức khuya với chú mày. Chúng ta chưa có cơ hội nói chuyện với nhau. Biết tôi muốn nói gì không? Tôi cảm tưởng như tôi và cô ấy độc chiếm cả buổi tối vậy.” Gã nâng râu lên rồi thả xuống. Gã lấy thuốc lá ra cùng chiếc bật lửa.

“Không sao đâu,” tôi gật gật. Sau đó, tôi nói, “Tôi rất vui vì được gặp anh.”

Trên TV người ta đang chiếu thứ gì đó về nhà thờ và thời trung cổ. Tôi muốn xem thứ gì khác, nên chuyển sang kênh nọ, kênh kia. Nhưng chả có gì đáng xem. Vì vậy, tôi quay lại kênh ấy và xin lỗi.

“Không sao, chú mày ạ,” người mù nói to. “Chú mày muốn xem gì cũng được. Tôi có thói quen học hỏi. Sẽ không tệ khi tôi học được gì đó tối nay,” gã tâm tình.

Chúng tôi chả nói gì thêm. Gã chồm người về phía trước và quay đầu về phía tôi, tai phải của gã hướng về TV. Rất bối rối. Đôi khi mí mắt gã rũ xuống và sau đó lại mở ra. Đôi khi, gã đưa mấy ngón tay sờ râu và giật mạnh, như thể đang nghĩ về điều gì đó mà gã nghe được trên TV.

TV chiếu cảnh mấy nhà thờ lớn. Cuối cùng, màn hình chuyển sang hình ảnh nhà thờ lớn nổi tiếng ở Paris, với những chiếc trụ bay và những ngọn tháp vươn lên tận mây. Camera kéo ra xa cho thấy toàn cảnh nhà thờ lớn nhô lên ở đường chân trời. Có những lúc, phát thanh viên chợt im lặng, để máy quay di chuyển khắp các nhà thờ. Tôi đã im lặng hồi lâu. Sau đó, tôi cảm thấy tôi phải nói điều gì đó. Tôi thốt lên, “Bây giờ họ đang chiếu quang cảnh bên ngoài nhà thờ. Nhà thờ Gargoyles. Những bức tượng nhỏ được chạm khắc trông giống như những con quái vật. Bây giờ tôi đoán họ đang ở Ý. Có những bức tranh trên tường nhà thờ.”

“Đó là những bức bích họa hả chú mày?” gã chợt hỏi, nhấp một ngụm rượu.

Tôi với lấy li của mình. Nhưng nó trống không. Tôi cố nhớ những gì vừa nghe. “Anh đang hỏi tôi đó là những bức bích họa phải không?” Tôi hỏi. “Đó là câu hỏi hay. Nhưng tôi không biết rõ.”

Máy quay chuyển đến một nhà thờ lớn bên ngoài Lisbon. Sự khác biệt giữa nhà thờ của người Bồ Đào Nha so với Pháp và Ý không rõ rệt. Chủ yếu là nội thất. Sau đó, tôi chợt nhận ra có điều gì đó xảy ra với tôi, nên tôi thật tình hỏi, “Anh có biết một nhà thờ lớn là gì không? Chúng trông thế nào? Nếu ai đó nói nhà thờ lớn với anh, anh có biết họ đang nói gì không? Anh có nói về sự khác biệt giữa nó và nhà thờ Baptist không?”

Gã mơ màng để làn khói tuôn ra từ miệng mình. “Tôi biết người ta đã huy động hàng trăm công nhân trong 50 hoặc 100 năm để xây nhà thờ,” gã nói. “Tất nhiên là tôi vừa nghe phát thanh viên nói vậy trên TV. Tôi biết nhiều thế hệ cùng một gia đình đã làm việc cho một nhà thờ. Nhiều người dành ra cả đời để xây nhà thờ, có khi họ chưa bao giờ sống đủ để chứng kiến sự hoàn thành công việc đó.” Gã say sưa nói. Rồi mí mắt gã lại sụp xuống. Đầu gã gật gù. Gã dường như đang chợp mắt. Có lẽ gã tưởng tượng mình đang ở Bồ Đào Nha. Lúc này TV đang chiếu một nhà thờ khác. Cái này ở Đức. Giọng người Anh trong TV vang lên.

“Nhà thờ,” người mù đột nhiên nói to. Anh ta ngồi dậy và quay đầu lại. “Nếu chú mày muốn biết sự thật, thì đó là tất cả những gì tôi biết. Những gì tôi vừa nói. Những gì tôi đã nghe phát thanh viên nói trên TV. Nhưng chú mày có thể mô tả một cái nhà thờ cho tôi không? Tôi ước chú mày sẽ làm điều đó. Tôi mong được biết điều đó lắm.”

Tôi chăm chú nhìn cảnh quay nhà thờ trên TV. Làm thế nào tôi có thể mô tả nó?

Tôi nhìn chằm chằm vào ngôi nhà thờ thật kĩ trước khi màn hình chuyển sang vùng nông thôn. Chả ích gì. Tôi quay sang người đàn ông mù và nói, “Điều đáng nói đầu tiên là chúng cao vút.” Tôi đang nhìn quanh phòng để tìm manh mối. “Chúng vươn lên. Cao ngất. Hướng tới bầu trời. Chúng quá lớn, một số nhà thờ, phải có những thứ chống đỡ. Chúng được gọi là cột trụ. Đôi khi trong các thánh đường có hình quỷ Satan và những thứ như vậy được chạm khắc ở mặt trước. Đôi khi là lãnh chúa và quý bà. Đừng hỏi tôi tại sao lại như vậy,” tôi cố trình bày.

Gã gật đầu. Toàn bộ phần trên cơ thể gã dường như đang chuyển động.

“Xin lỗi, tôi mô tả có rõ ràng, dễ hiểu không?” Tôi cao giọng hỏi.

Gã ngừng gật đầu và tựa vào thành sofa. Khi nghe tôi hỏi, gã đang vuốt râu. Tôi không hiểu được gã, tôi có thể nhận ra điều đó. Nhưng gã vẫn đợi tôi tiếp tục mô tả. Gã gật đầu, giống như đang cố động viên tôi. Tôi cố nghĩ xem nên nói gì khác. “Nhà thờ rất lớn,” tôi nhấn mạnh. “Chúng trông đồ sộ lắm. Chúng được xây bằng đá. Đá cẩm thạch, đôi khi là vậy. Ngày xưa, khi xây thánh đường, người ta muốn gần gũi Chúa. Trong những ngày xa xưa đó, Chúa là một phần quan trọng trong cuộc sống mọi người. Anh có thể nói như vậy về việc xây nhà thờ. Tôi xin lỗi,” tôi phân trần, “nhưng nhà thờ trông như thế nào thì tôi đã mô tả đầy đủ với anh rồi đó. Chỉ có điều, tôi không rành mô tả thôi.”

“Vậy tốt rồi, chú mày ạ,” người đàn ông mù nói lớn.

Trên TV, phát thanh viên người Anh vẫn thao thao nói. Vợ tôi thở dài trong giấc ngủ. Cô hít một hơi dài rồi ngủ tiếp.

“Anh tha thứ cho tôi chứ,” tôi phân trần. “Nhưng tôi không thể nói cho anh biết một thánh đường nó ra làm sao. Tôi không đủ khả năng làm điều đó.”

Người mù ngồi yên. Gã muốn đưa ra một điều gì đó. Gã lôi một chiếc khăn tay từ túi quần ra. Sau đó, gã lên tiếng: “Chú mày ạ. Đừng áy náy gì hết,” gã nói. “Này! Hãy giúp tôi một việc! Tôi có một ý tưởng. Tại sao chú mày không tìm một tờ giấy roki? Và một cây bút? Chúng ta sẽ cùng nhau vẽ một cái nhà thờ. Đi đi chú mày, cần có những thứ ấy,” gã nói, giọng sôi nổi.

Tôi uể oải lên lầu. Trong phòng vợ tôi, nhìn quanh, tôi tìm thấy cây bút bi. Và tôi cố nghĩ xem nên tìm loại giấy mà gã nói ở đâu. Ở tầng dưới, trong nhà bếp, tôi tìm thấy cái túi giấy màu trắng, loại giấy khá dày. Tôi mang nó vào phòng khách, ngồi xuống cạnh chân gã. Tôi dọn một số thứ, vuốt phẳng các nếp nhăn trên cái túi giấy, trải nó ra bàn.

Người mù rời khỏi sofa, ngồi xuống cạnh tôi. Gã quờ quạng ngón tay trên tờ giấy. Gã sờ quanh các mặt của tờ giấy.

“Tốt,” gã gật gật. “Được rồi, hãy cùng tôi vẽ ra đi.”

Gã tìm thấy tay tôi, bàn tay cầm cây bút. Gã áp chặt bàn tay gã trên tay tôi. “Chú mày vẽ đi,” gã nhắc lại, “Vẽ một cái nhà thờ. Tay tôi sẽ bám theo tay chú mày. Bắt đầu đi. Vẽ đi,” người mù nói, với giọng tha thiết và thành khẩn.

Vì vậy, tôi bắt đầu vẽ. Đầu tiên tôi vẽ một cái hộp, trông như một chiếc vớ. Nó tựa như cái nhà tôi đang ở. Sau đó, tôi lợp mái nhà trên đó. Ở hai đầu của mái nhà, tôi vẽ những ngọn tháp. Ôi, khùng thật.

“Tốt lắm,” gã tỏ vẻ thích thú. “Rất tuyệt. Chú mày đang làm rất tốt,” gã gật gù. “Chắc chú mày chẳng bao giờ nghĩ rằng một điều như thế này có thể xảy ra trong cuộc đời chú mày, đúng không? Ôi, đây là một cuộc sống kì lạ, chúng ta đều biết như thế, đúng không? Tiếp tục đi!”

Tôi vẽ cửa sổ có mái vòm. Tôi vẽ những cột trụ cao vút. Tôi gắn thêm mấy khung cửa ra vào thật rộng và cao. Tôi không thể dừng lại. Tôi buông bút xuống, khép mở các ngón tay. Người mù cứ sờ quanh tờ giấy. Gã di chuyển thật kĩ lưỡng các đầu ngón tay lên mặt giấy, lên tất cả những gì tôi đã vẽ, và gật đầu.

“Tốt quá,” người mù gật gù.

Tôi lại cầm cây bút lên, và gã tìm thấy tay tôi. Tôi giữ nó. Tôi không phải là họa sĩ. Nhưng tôi vẫn tiếp tục vẽ.

Vợ tôi thức giấc, giương to mắt nhìn chúng tôi. Cô ngồi dậy trên sofa, chiếc áo choàng của cô đang xòe ra. Cô nói, “Các anh đang làm gì vậy?”

Tôi không trả lời. Người mù đáp, “Chúng tôi đang vẽ nhà thờ. Tôi và anh ấy đang làm việc đó. Ấn mạnh xuống đi,” gã nói với tôi. “Đúng rồi. Tốt quá,” gã mỉm cười. “Chú mày hiểu rồi đấy. Tôi có thể kể lại được. Chúng ta thực sự đạt được một cái gì đó ở đây trong phút này. Cánh tay hồi nãy đâu?” Gã hỏi. “Vẽ thêm một số người vào đó đi. Nhà thờ không thể không có người, đúng không?”

Vợ tôi hỏi, “Chuyện gì vậy? Anh Robert, anh đang làm gì vậy?”

“Không sao cả,” người mù nói với bà xã tôi. “Bây giờ nhắm mắt lại,” người mù nói với tôi.

Tôi làm y lời gã. Tôi khép mắt lại.

“Nhắm mắt chưa?” gã hỏi. “Đừng giả vờ.”

“Nhắm rồi,” tôi đáp.

“Cứ nhắm mắt như thế,” gã nhấn mạnh. Rồi gã nhắc, “Đừng dừng lại. Vẽ tiếp đi.”

Vì vậy, chúng tôi tiếp tục vẽ. Mấy ngón tay gã bám sát mấy ngón tay tôi khi tôi vẽ trên mặt giấy. Sau đó gã cất tiếng ồm ồm, “Tôi nghĩ nó là thế. Tôi nghĩ chú mày đã hiểu,” gã nói. “Xem nào. Chú mày nghĩ sao?”

Nhưng tôi đang nhắm mắt. Tôi nghĩ tôi sẽ giữ mắt tôi như thế lâu hơn một chút. Tôi nghĩ đó là điều tôi phải làm.

“Tốt chứ?” gã hỏi. “Chú mày đang tìm kiếm gì hả?”

Mắt tôi vẫn nhắm nghiền. Tôi đang ở trong nhà tôi. Tôi biết điều đó. Nhưng tôi cảm thấy như mình chả ở đâu cả. Bóng tối. Bóng tối bao trùm.

Trần Như Luận dịch từ nguyên bản tiếng Anh

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)