Những cách "đọc" nghệ thuật - 1

Thứ Sáu, 22/04/2022 11:01

Khó có thể đưa ra một định nghĩa duy nhất về “đọc nghệ thuật”, bởi luôn luôn có nhiều các “đọc” khác nhau với một tác phẩm nghệ thuật, nhiều cách “xem” khác nhau một bức tranh.

Lời người dịch: Câu hỏi về "nghệ thuật đương đại là gì?" lần đầu tiên đã được nhà phê bình mĩ thuật nổi tiếng Harold Rosenberg đặt ra một cách nghiêm túc vào năm 1972. Câu hỏi này cũng đã từng xuất hiện trong một bài báo đăng trên tạp chí The New Yorker vào năm 1969, với tựa đề “Sự phá bỏ định nghĩa của nghệ thuật”. Bài báo viết: “Nếu mọi thứ mà một nghệ sĩ làm đều có thể coi là nghệ thuật, thì định nghĩa về nghệ thuật trở nên không chắc chắn” và sau đó là: “Thực tế là không có gì còn lại của nghệ thuật ngoại trừ chính người nghệ sĩ ”.

Trong vài thập kỉ qua, đã xuất hiện những tình huống vô cùng bất ổn về bản chất và giá trị nghệ thuật “thực sự” của những tác phẩm mà các nghệ sĩ “ăn khách” nhất sản xuất ra. Đành rằng tầm quan trọng của logic trọng thương trong thế giới nghệ thuật không phải là điều gì đó mới mẻ, nhưng rõ ràng là trong thời đại toàn cầu hóa, một tầm cao mới đã được đặt ra, bằng chứng là mức đầu tư của các nhà sưu tập và giá tăng cao đến chóng mặt của các tác phẩm ... Đã xuất hiện những tiếng nói phê phán mạnh mẽ rằng “chủ nghĩa tư bản nghệ thuật” càng chiếm ưu thế thì tác phẩm càng ít tính nghệ thuật và càng nhiều tính thị trường.

Trong tình trạng này, việc hiểu được bản chất thực sự của một tác phẩm nghệ thuật, nói một cách khác, việc có khả năng “đọc (một tác phẩm) nghệ thuật” là một vấn đề có tầm quan trọng lớn lao. Tuy nhiên khó có thể đưa ra một định nghĩa duy nhất về “đọc nghệ thuật”, bởi luôn luôn có nhiều các “đọc” khác nhau với một tác phẩm nghệ thuật, nhiều cách “xem” khác nhau một bức tranh. Có những cách “đọc” chỉ quan tâm duy nhất đến những ý nghĩa được rút ra từ tác phẩm, cách “đọc” khác lại chỉ quan tâm đến những khía cạnh thuần túy hình thức trong cấu trúc của tác phẩm. Vì thế sẽ không có một định nghĩa duy nhất về “đọc nghệ thuật”.

Các bài viết dưới đây được trích dịch từ cuốn “Đọc Nghệ Thuật” (La Lecture de l’Art, Nxb ) của Jean-Luc Chalumeau, một trong những nhà phê bình nghệ thuật hàng đầu hiện nay, sách do Nxb Klincksieck. Paris in năm 2002. Các phần được trích dịch liên quan chủ yếu đến cách tiếp cận nghệ thuật theo quan điểm hiện tượng học của các triết gia nổi tiếng như Kant, Hegel, Jean Paul Sartre hay Merleau- Ponty.

KANT - CÁI ĐẸP VÀ THƯỢNG ĐẾ

Thay vì đóng vai những người mang sứ mệnh “tìm kiếm” rồi tiếp đó là “thể hiện/biểu đạt” các chân lí được Thượng Đế tạo ra, từ nay các nghệ sĩ trở thành những người “so tài” với Thượng Đế.

Immanuel Kant (22/4/1724 – 12/2/1804) là một triết gia người Đức có ảnh hưởng lớn đến Kỉ nguyên Khai sáng. Ông được cho là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Quan điểm của Kant tiếp tục ảnh hưởng lớn đến triết học hiện đại, đặc biệt là đối với các lĩnh vực như nhận thức luận, đạo đức, lí luận chính trị và mĩ học hậu hiện đại.

1.

Trong hai thế kỉ gần đây, nguồn cảm hứng trong phê bình nghệ thuật bắt nguồn một phần lớn từ các suy ngẫm của Kant. Trong cuốn la Critique de la faculté de juger (Phê phán năng lực phán đoán), cuốn sách kết thúc chặng hành trình triết học của Kant, được khởi đầu từ cuốn La Critique de la Raison pure (Phê phán lí trí thuần tuý), Kant đã dành một nửa số trang cho vấn đề về những đánh giá mĩ học. Phải đến lúc này tính độc lập của cảm xúc đối với lí trí mới được xác lập một cách chặt chẽ về mặt triết học. Trước đó, bị trói buộc bởi chủ nghĩa lí tính Leibniz, Cái Đẹp chưa hề có được một vị trí độc lập, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, trước hết được đánh giá bởi sự “sang trọng” của chủ đề tác phẩm và cái “chân lí” ngự trị trong tác phẩm đó. Với quan niệm đó, nghệ thuật chỉ đóng vai trò hạng hai trong văn hóa , đứng sau các ý tưởng mà nó (phải) phục vụ.

2.

Kant, bằng việc khẳng định sự độc lập/tự chủ của cảm xúc đối với lí trí, cả về phương diện lí thuyết và thực tế, đã thiết lập các nguyên lí mới của Mĩ Học. giống như Luc Ferry đã nhận xét: “Lần đầu tiên trong lịch sử các trào lưu tư tưởng, Cái Đẹp đã có được một sự tồn tại độc lập, ngừng đóng vai trò như một sự phản ánh giản đơn cho một bản thể khác ngoài nó, kẻ đã ban phát cho nó một ý nghĩa thực sự”. Từ nay Cái Đẹp là một Hiện Tượng (độc lập) mà người ta có thể quan sát và bình luận về nó.

3.

Theo cách thức đó, sự ra đời của Mĩ Học cũng đồng thời đánh dấu một sự thoái lui (trên bình diện triết học) của các “Thánh Thần” trong nghệ thuật. Đã có một sự thay đổi căn bản ở những người nghệ sĩ: Thay vì đóng vai những người mang sứ mệnh “tìm kiếm” rồi tiếp đó là “thể hiện/biểu đạt” các chân lí được Thượng Đế tạo ra, từ nay các nghệ sĩ trở thành những người “so tài” với Thượng Đế. Bằng trí tưởng tượng và tài năng của mình, những người nghệ sĩ có thể tạo ra những tác phẩm hoàn toàn mới mẻ, phản ánh những “hiện thực” chưa từng xuất hiện ở đâu. Trái ngược với các triết gia cổ điển, Kant đã chỉ ra rằng nghệ thuật không có chức năng phản ánh sự hoàn hảo. Nhiệm vụ của nó không phải là giới thiệu một cách “giỏi giang” một ý tưởng “tốt” nào đấy mà là tạo ra (một cách vô thức) một tác phẩm hoàn toàn mới, chứa đựng những vẻ đẹp khác lạ, đầy ắp chất biểu cảm đối với con người.

4.

Những đánh giá của Kant về tính phi-trách-nhiệm của người nghệ sĩ về phương diện hiện tượng học nghệ thuật cũng rất thú vị. Những nghệ sĩ thiên tài không bao giờ biết tuân thủ các nguyên tắc đã có, bởi vì ở họ có một khả năng bí ẩn để tạo ra những nguyên tắc mới. “Những nghệ sĩ thiên tài bản thân họ cũng không có lời giải đáp rõ ràng về con đường giúp họ tiếp cận với những ý tưởng sáng tạo chói sáng đã giúp họ tạo dựng nên tác phẩm”.

5.

Tài năng, theo quan niệm của Kant, đó là một “khả năng về các ý tưởng nghệ thuật” biết cách làm cho “những điều đang ẩn giấu phải phát lộ và cất tiếng”, nó hoàn toàn đối ngược với tinh thần sao chép hay bắt chước hiện thực trong các quan niệm cổ điển về nghệ thuật. Tài năng sẽ sản sinh ra các hiện thực hoàn toàn mới lạ, những hiện tượng nghệ thuật đòi hỏi phải có những cách hiểu mới và cách đánh giá mới.

DƯƠNG THẮNG

(Còn nữa)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)