Tác phẩm Capitalism and Slavery (tạm dịch: Chủ nghĩa tư bản và Chế độ nô lệ), viết bởi người sau này sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của Trinidad và Tobago, Eric Williams, biện luận chế độ nô lệ bị bãi bỏ vì động cơ kinh tế, chứ không phải động cơ đạo đức.
Eric Williams sinh ra tại Trinidad và Tobago năm 1911. Ông là Thủ tướng đầu tiên của Trinidad và Tobago trong 25 năm cho tới khi ông mất năm 1981.
Eric Williams, tác giả của Capitalism and Slavery, năm 1961. Nguồn ảnh: Val Wilmer/Getty Images
Tác phẩm vạch trần sự thật về con đường buôn bán nô lệ ở Anh đã lọt top sách bán chạy ở nước này, gần 80 năm sau khi một nhà xuất bản ở Anh nói với tác giả Eric Williams: “Tôi sẽ không bao giờ xuất bản một cuốn sách như vậy, làm như thế là đi ngược lại truyền thống của nước Anh”.
Capitalism and Slavery được xuất bản lần đầu ở Mĩ năm 1944. Tác phẩm được phát hành ở Anh bởi nhà xuất bản độc lập André Deutsch năm 1964, và được in lại vài lần trong suốt 20 năm sau.
Phiên bản dành cho thị trường đại chúng bởi Penguin Random House lần đầu tiên ra mắt độc giả Anh quốc tuần này. Cuốn sách đã bán được 3.000 bản chỉ trong vài ngày đầu, một con số mà nhà xuất bản này gọi là “đáng kinh ngạc”. Tác phẩm xuất hiện ở top 5 của bảng xếp hạng sách bìa mềm phi viễn tưởng của tờ Sunday Times.
Trọng tâm gây tranh cãi trong tác phẩm của Williams là việc bãi bỏ chế độ nô lệ không xuất phát từ những mong muốn nhân đạo mà bắt nguồn từ yêu cầu kinh tế.
Vai trò của Anh trong việc buôn bán nô lệ đã bị dò xét nhiều hơn trong những năm gần đây, khi các tổ chức như National Trust xuất bản những báo cáo cho thấy mối liên hệ giữa nhiều di sản và nhà cổ mà nó sở hữu, với lợi nhuận làm ra nhờ bóc lột nô lệ ở vùng Ca-ri-bê. Và trong giai đoạn mới của hoạt động xã hội, ta đã chứng kiến những sự kiện như việc lật đổ tượng kẻ buôn bán nô lệ Edward Colston ở Bristol trong cuộc biểu tình năm 2020. Luận điểm chính của ông là, chế độ nô lệ không còn tiềm năng về mặt kinh tế nữa, và Đạo luật Bãi Nô năm 1883 bị thúc đẩy nhiều hơn bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp, nó đã thay đổi cách nước Anh làm kinh tế, chứ không phải động cơ đạo đức thúc đẩy việc bãi bỏ chế độ nô lệ ở các thuộc địa của Anh.
Chloe Currens, biên tập viên người Anh đã biên tập cuốn sách của William cho Penguin phát ngôn hôm thứ tư: “Việc xuất bản Capitalism and Slavery đại diện cho một cột mốc quan trọng trong việc ghi chép lại lịch sử về đế quốc; cuốn sách đã trở thành tác phẩm cổ điển trong giới sử học. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy những phân tích mang tính sống còn và cấp thiết trong sách chạm đến một thế hệ độc giả mới, gần 60 năm sau khi nó được xuất bản lần đầu tại Anh”.
Bìa cuốn sách.
Dù từng không mấy tên tuổi ở Anh, Capitalism and Slavery chưa từng ngừng phát hành ở Mĩ kể từ khi được xuất bản lần đầu bởi Nhà xuất bản Đại học Bắc Carolina. Giờ đây, tác phẩm đã được phát hành phiên bản thứ ba. Chỉ vài năm trước, giữa lúc phiên bản thứ hai và thứ ba được phát hành, sách đã bán được 40.000 bản.
Khi học tại Oxford, Williams viết luận văn về chủ đề này. Đây trở thành nền tảng cho Capitalism and Slavery. Ông mang tác phẩm đến với Fredric Warburg, nhà xuất bản đi đầu trong việc phát hành những tác phẩm mang tính cách mạng, và từng phát hành những tác phẩm của Stalin và Trotsky. Warburg thẳng thừng từ chối. “Ông Williams,” ông ta nói, “có phải ông đang cố nói với tôi rằng, con đường buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ bị bãi bỏ vì động cơ kinh tế, chứ không phải động cơ nhân đạo không? Tôi sẽ không bao giờ xuất bản một cuốn sách như vậy, làm như thế là đi ngược lại truyền thống của nước Anh.”
Với con gái của Williams, Erica Williams Connell, việc xuất bản Capitalism and Slavery ở Anh là một khoảnh khắc “khó tin”. Williams Connell là quản lí đời đầu của Thư viện nghiên cứu, Trung tâm lưu trữ và Bảo tàng Tưởng niệm Eric Williams (Eric Williams Memorial Collection Research Library, Archives and Museum) của Đại học Tây Ấn ở Trinidad và Tobago. Phát ngôn từ nhà mình ở Miami, Florida, bà nói, “Gần 80 năm sau khi sách được xuất bản, nước Anh cuối cùng cũng khám phá ra Capitalism and Slavery. Tôi rất kinh ngạc. Ai nghe tin sách cuối cùng được phát hành lại tại Anh cũng nói với tôi: cuối cùng thì nó cũng xảy ra!”
Từ khi sách được xuất bản, có nhiều người bác bỏ, lại có nhiều người khẳng định điều đã trở thành Luận đề Williams. Để hồi đáp, Williams Connell trích dẫn lời tựa trong phiên bản thứ ba mới được phát hành, viết bởi William Darity của Đại học Duke, Bắc Carolina: “Mặc dù những học giả nghiên cứu Cách mạng Công nghiệp Anh nhìn chung đã phớt lờ đề xuất của Williams, họ chỉ có thể tiếp tục phớt lờ nếu sẵn sàng mang trí não của bản thân ra đánh cược.”
NGÔ GIA THIÊN AN theo David Barnett, The Guardian
VNQD