Việc văn hóa Hàn - nhờ Kpop, phim truyền hình và phim điện ảnh Hàn Quốc thuộc làn sóng Hàn, Hallyu - phổ biến khắp thế giới không còn là điều có thể bàn cãi nữa. Thay vào đó, cuộc tranh luận giờ xoay quanh việc nội dung nào đang đi đầu làn sóng hiện tại.
Min Byoung-chul, Giáo sư Đại học Chung-Ang và tác giả của cuốn sách Land of Squid Game. Nguồn ảnh: Min Byoung-chu.
Năm 2021, Hallyu đạt được thành tựu mới với loạt phim gốc đề tài sinh tồn của Netflix, Trò chơi con mực. Nhận được cả lời khen ngợi từ giới mộ điệu và công chúng nhờ ý tưởng độc đáo, biến các trò chơi của trẻ em Hàn Quốc thành cuộc chơi sống còn để thắng 45.6 tỉ won, loạt phim trở thành chương trình được xem nhiều nhất của nền tảng phát trực tuyến khổng lồ, chỉ hai tháng sau khi phát hành toàn cầu.
Cuốn sách mới của giáo viên tiếng Anh kiêm tác giả Min Byoung-chul mang tên Land of Squid Game (Tạm dịch: Vùng đất của Trò chơi con mực) ra mắt khi mà có vẻ như, thế giới đang có nhu cầu cao vượt bậc và mối quan tâm đối với “mọi thứ thuộc về Hàn Quốc”. Tác phẩm là một cuốn sách hướng dẫn dễ đọc, cho độc giả cái nhìn toàn diện về văn hóa Hàn Quốc, từ những trò chơi truyền thống của trẻ em cho đến những lưu ý đặc biệt trong văn hóa ứng xử.
“Đây sẽ là một cuốn sách thú vị và đầy thông tin cho những người nước ngoài sống ở Hàn Quốc, hoặc đơn giản là quan tâm đến việc học hỏi thêm về Hàn Quốc, và cũng là một cuốn sách để giúp những người dân Hàn Quốc giới thiệu văn hóa nước nhà cho bạn bè quốc tế,” ông Min trả lời tờ The Korea Times trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại diễn ra gần đây.
Nhấn mạnh vào sự hiện diện quốc tế ngày càng tăng của Hàn Quốc, tác giả cũng lưu ý rằng cuốn sách có thể giúp người Hàn suy ngẫm thêm về việc văn hóa ứng xử của họ được phản ánh trong mắt khán giả quốc tế như thế nào.
Mỗi chương của Land of Squid Game có thể trở thành lời mở đầu câu chuyện đầy thú vị.
Phần đầu tiên của cuốn sách giới thiệu một loạt trò chơi truyền thống của trẻ em, trong đó có 6 trò chơi được đưa vào loạt phim nổi tiếng của Netflix - “Đèn đỏ, đèn xanh”, “Trò chơi lật giấy”, “Thử thách Dalgona”, “Kéo co kiểu Hàn”, “Bắn bi” và “Trò chơi con mực”.
Bằng cách miêu tả chi tiết luật chơi và bối cảnh lịch sử đằng sau những trò chơi đường phố như “Malddukbakgi” (trong trò chơi, một nhóm trẻ sẽ chui đầu vào dưới chân nhau, tạo một đội hình trông giống như con ngựa, để nhóm trẻ khác nhảy lên), các trang sách giúp các độc giả vốn không quen thuộc với các hoạt động này làm theo hướng dẫn và thử chơi.
Phần đầu sách cũng giải thích hai nét văn hóa thú vị liên quan đến các trò chơi trong phim Trò chơi con mực, các nét văn hóa này, như tác giả đã viết, phản ánh một tình cảm đặc biệt gọi là “jeong”, hay “sự ấm áp và tình cảm yêu thương đã ăn sâu trong lòng.”
"Gganbu," từ từng được Người chơi 001 nói với nhân vật chính Seong Gi-hun, là từ để gọi người bạn chơi cùng đội, nhưng trong chương trình, nó mang hàm ý sâu xa hơn, để gọi “những người bạn đồng hành thân thiết, như anh em cùng máu mủ”, theo cuốn sách, là những người không nề hà mà giúp đỡ nhau trong những tình huống khó khăn.
Một nét văn hóa khác có tên là “Văn hóa Kkakdugi”, cũng được thể hiện trong một tập khác của loạt phim, khi nhân vật Mi-nyeo thoát khỏi vòng loại trừ vì là "Kkakdugi." Thực tế, trong các trò chơi đường phố, thuật ngữ này dùng để chỉ một đứa trẻ, thường là nhỏ tuổi nhất và có kĩ năng chơi kém nhất, nhưng được chơi cùng trong mọi trò chơi mà không bị loại khi thua cuộc.
“Độc giả sẽ cảm thấy lí thú khi đọc về những trò chơi này và đoán xem trò nào sẽ được đưa vào Trò chơi con mực mùa sau,” ông Min nói.
Một trò chơi mà ông cho rằng sẽ rất thú vị nếu được đưa vào chương trình là trò “Chọi gà”, trong trò chơi, hai đối thủ trở lên sẽ vừa nhảy lò cò, vừa cố đẩy nhau ngã mà không dùng tay.
“Ngoài việc đây là trò chơi mà tôi từng chơi rất nhiều khi còn nhỏ,” ông nói, “thì trò chơi này còn yêu cầu người chơi phải có chiến lược và kĩ năng chứ không chỉ dùng sức mà thắng được. Nó dạy người chơi rằng sức mạnh không phải là yếu tố duy nhất để giúp bạn tồn tại.”
Hai phần còn lại của cuốn sách cho thấy mục tiêu của tác giả khi viết, là cung cấp cho độc giả những hiểu biết về các đặc điểm của văn hóa Hàn Quốc, trong khi giải đáp một số hiểu lầm đã từng nổi lên - đây cũng là điều mà ông đã theo đuổi trong suốt các dự án văn học từ năm 1993, khi ông cho ra mắt cuốn sách đầu tay, Ugly Koreans, Ugly Americans (Tạm dịch: Người Hàn xấu xí, người Mĩ xấu xí).
“Đây là một cách để kết nối văn hóa, nhưng cũng là cách để chúng ta nhận ra những điểm khác biệt,” ông cho hay.
Một số chủ đề gây hứng thú trong cuốn sách là, tại sao người Hàn không viết tên bằng mực đỏ; tại sao các nhóm leo núi tuổi trung niên thường mặc đồ theo nhóm; tại sao một số tòa nhà ở Hàn Quốc không có tầng thứ 4; tại sao ở Hàn Quốc lại có phong tục tặng giấy vệ sinh và nước tẩy để mừng nhà mới.
Nhiều ví dụ trong cuốn sách đến từ trải nghiệm cá nhân của Min cũng như các cuộc trò chuyện của ông với những người ông đã gặp, kể cả trong thời gian ông dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai ở Chicago lẫn khi ông làm công việc hiện tại, giáo sư tại Đại học Chung-Ang, Seoul.
Min Byoung-chul, hàng đứng, người thứ 6 từ bên trái, dự lễ khởi động Chiến dịch Sunfull Comment năm 2010. Nguồn ảnh: Tổ chức Sunfull.
Nổi danh với việc chú trọng vào giảng dạy tiếng Anh một cách thực tế, Min cũng là nhà sáng lập và chủ tịch của Tổ chức Sunfull, tổ chức nhằm giải quyết vấn đề bạo lực và ngôn từ thù hằn trên không gian mạng.
Năm 2007, sau khi đọc được tin tức về một ca sĩ Hàn Quốc trẻ tuổi tự sát vì làn sóng bình luận thù hằn trên mạng, ông đã khởi động một chiến dịch online nhằm khuyến khích người dùng đăng tải những bình luận tích cực để dìm đi những bình luận tiêu cực.
“Tôi nhận thấy rằng những bình luận thù ghét trên mạng có thể hủy hoại tinh thần của một người và cuối cùng, trong những trường hợp cực đoan, dẫn đến cái chết” ông nói. “Tôi cảm thấy cần lan truyền văn hóa tích cực và thúc đẩy các bình luận tích cực để cứu lấy những mạng sống.”
Trong chiến dịch kéo dài 15 năm của mình, ông đã gặp nhiều nạn nhân của bạo lực mạng và cả những người gây ra bạo lực mạng. Ông ngạc nhiên khi nhận ra đây là một vòng luẩn quẩn đầy tăm tối - 92.4% người gây ra bạo lực mạng là những nạn nhân không nhận được công lí, theo Khảo sát về Bạo lực mạng năm 2020.
Vì vậy, giáo sư tiếp tục nhấn mạnh vai trò của những bình luận ủng hộ, khích lệ mà ông gọi là “liều vắc-xin cho đại dịch bạo lực mạng.”
Năm 2018, Tổ chức Sunfull lập ra Giải thưởng Hòa bình Internet (Internet Peace Prize) để tôn vinh những cá nhân và tổ chức hoạt động để nâng cao nhận thức chống lại các bình luận phân biệt đối xử và thù hằn trên không gian mạng.
Năm ngoái, tổ chức này tuyên bố ngày 23/5 hằng năm là ngày “Không bình luận tiêu cực”.
“Trong ngày 23/5 tới, tôi muốn mọi người trên thế giới tham gia vào chiến dịch, kêu gọi nhau viết những bình luận tốt đẹp thay vì những bình luận xấu,” ông Min nói.
NGÔ GIA THIÊN AN dịch theo bài viết của Park Han-sol, The Korea Times
VNQD