Nhà văn từng đoạt nhiều giải thưởng nói về thôi thúc phải viết về vấn đề sắc tộc, lợi ích của việc ngồi trong nhà, và việc trao đổi các bản nháp đầu tiên với chồng cô, nhà thơ Steven Price.
Esi Edugyan: “Nhân vật, đối với tôi, sẽ luôn luôn vượt lên những bàn luận mang tính ý thức hệ về sắc tộc.” Nguồn ảnh: David Levenson/Getty Images
Esi Edugyan, 44 tuổi, là tác giả người Canada sinh ra và lớn lên ở thành phố Calgary, Alberta. Cô viết tiểu thuyết đầu tay, The Second Life of Samuel Tyne khi mới 24 tuổi, vào năm 2004. Năm 2011, cô đoạt giải Scotiabank Giller cho tiểu thuyết Half Blood Blues vào năm 2018, cô được đề cử cho giải Booker với Washington Black. Out of the Sun: Essays at the Crossroads of Race là tác phẩm phi giả tưởng đầu tay của cô, tác phẩm đan cài những tự sự cá nhân với những thảo luận về sự phân biệt chủng tộc, việc buôn bán nô lệ ở Canada, lịch sử mĩ thuật ở phương Tây và những bóng ma.
Bạn mở đầu tác phẩm với một bài luận về những người da đen ngồi mẫu cho những bức tranh của phương Tây…
Bài viết đầu tiên hầu như bàn về các bức tranh chân dung thế kỉ 18 và 19, và về sự thay đổi trong cách mô tả người da đen trong chiều dài lịch sử, về việc những thứ chúng ta thấy thường được xây trên nền tảng định kiến của những họa sĩ, những người đưa điều này vào tranh của họ. Một tác phẩm tôi nhắc đến là bức tranh về cận thần trong triều đình Viên, Angelo Soliman, một người đàn ông nô lệ bị bắt khi còn là một đứa trẻ và cập bến Marseille vào những năm 1700. Một trong những điều đáng chú ý nhất tôi rút ra, khi nhìn vào cả chân dung của ông và bức họa của David Martin, chân dung Dido Elizabeth Belle Lindsay, một nữ thừa kế người Anh sinh ra trong cảnh nô lệ, là những chi tiết được thêm vào với mục đích cụ thể là làm sáng tỏ phần nào cuộc đời của họ, nghịch lí thay, lại phản tác dụng. Ví dụ, khăn turban họ đeo gợi lên hình ảnh một “phương Đông”, khái niệm vốn bị cho là ngoại lai, trong khi cả hai đều không có một kết nối nào với cái mà vào thời điểm đó, được cho là phương Đông.
Bạn đã phơi bày nhiều sự thật lịch sử ít người biết về chế độ nô lệ ở Canada. Chế độ này có gì khác với chế độ nô lệ ở Mĩ và các nước vùng Caribe không?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Calgary. Trong tất cả các năm tôi đi học, chế độ nô lệ ở Canada chưa bao giờ được nhắc tới. Đây không phải là điều nằm trong chương trình học ở thập niên 1980. Đó là một điều khá đáng chú ý. Câu chuyện về những đường ray ngầm (mạng lưới các đường bí mật và nhà an toàn thiết lập ở Hoa Kì trong khoảng đầu và giữ thế kỉ 19, để giúp đỡ những người Mĩ gốc Phi bị bắt phải trở thành nô lệ tìm đến Canada) dường như là câu chuyện trung tâm của người Canada. Câu chuyện rằng đất nước của chúng tôi là một nơi nương tựa nồng ấm. Nhưng nó không phải là toàn bộ câu chuyện. Afua Cooper là một nhà sử học Canada tuyệt vời, người đã đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực này. Từ những năm 1600 đến những năm 1800, trên lãnh thổ của nước chúng tôi có tồn tại chế độ nô lệ. Có những người bị bắt làm nô lệ, chủ yếu làm việc nhà trong các hộ gia đình. Đây là điều nằm trong lịch sử của chúng tôi, nhưng chúng tôi lại không nói về nó. Nên tôi rất muốn mọi người chú ý đến (những việc như) sự kiện Marie-Joseph Angélique bị treo cổ. Năm 29 tuổi, bà bị buộc tội phóng hỏa khiến 46 tòa nhà bị phá hủy. Bà bị treo cổ và xác của bà bị thiêu.
Bạn cũng viết, với sự mâu thuẫn trong nội tâm, về Rachel Dolezal, và Jessica Krug hai người phụ nữ da trắng tuyên bố mình là người da đen. Bạn cảm thấy những thảo luận xung quanh việc “chuyển đổi sắc tộc” đang phát triển ra sao?
Mặc dù những sự việc gây tranh cãi này xảy ra cách nhau khoảng 4-5 năm, những chỉ trích gần đây đối với Krug cũng rất kịch liệt. Điều này có vẻ cho thấy rằng, mọi chuyện đã không chỉ không tiến triển tốt lên - để đến mức mà chúng ta cảm thấy rằng, việc vượt qua những lằn ranh sắc tộc một cách nhẹ nhàng hơn là có thể - mà còn đi theo chiều hướng cứng nhắc hơn.
Như tôi đã viết trong cuốn sách, với tôi, thật không công bằng khi chúng ta không cho phép người phụ nữ này - Dolezal, người thật sự cảm thấy cô ấy là một phụ nữ da đen, được là người da đen. Nhưng đối với những cảm xúc của tôi, trong thâm tâm tôi, tôi cảm thấy đây là một sự xâm phạm. Tôi đã nghiên cứu, và thấy rằng mọi người cảm thấy như những người phụ nữ này đang bôi bác. Rằng đây không phải là tóc thật của cô ta, đây không phải màu da thật của cô ta. Tôi hiểu cảm giác này. Có lẽ trong 10 năm tới, chúng ta sẽ cảm thấy khác. Hoặc có lẽ chúng ta sẽ càng lún sâu vào việc củng cố danh tính sắc tộc.
Bạn có cảm thấy mình có bổn phận viết về sắc tộc không?
Tôi quả thật đã bắt đầu viết cuốn sách này không lâu sau khi George Floyd bị giết hại, vì vậy tôi cảm thấy bị thôi thúc vô cùng thay vì bị bắt buộc phải viết về sắc tộc. Sắc tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi. Chẳng hạn như Washington Black, đó là một cuốn sách về sắc tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nhưng nó cũng là một cuốn sách về một cậu bé tìm được chỗ đứng trong thế giới và khám phá những món quà mà mình có. Nhân vật, đối với tôi, sẽ luôn luôn vượt lên những bàn luận mang tính ý thức hệ về sắc tộc. Tôi muốn khám phá những cuộc đời của mỗi con người.
Những chuyến du hành có ý nghĩa như thế nào với việc viết của bạn?
Tôi đã sống một năm rưỡi ở Đức và điều này khiến tôi viết Half Blood Blues. Việc du hành đã trở thành xương sống trong quá trình viết của tôi. Nhìn lại, tôi cảm thấy nếu không đi đâu nữa, thì tôi vẫn sẽ có đủ chất liệu để viết suốt đời. Hai năm vừa qua là hai năm rất khó khăn với nhiều người. Một điều tích cực hơn xảy ra với cá nhân tôi là tôi đã bị ép phải ngồi yên. Tôi kết nối hơn với công việc và kết nối lại với các con mình. Tôi nghĩ rằng tôi đã luôn hơi thái quá.
Bạn có phải một cây viết có kỉ luật không?
Trước khi có con, tôi thường bắt đầu viết vào 10 giờ đêm và kết thúc vào 6 giờ sáng. Trong 10 năm qua, tôi viết trong lúc con đi học. Lịch viết của tôi bị rút ngắn lại và mang tính bắt buộc cao hơn.
Bạn ngưỡng mộ nhà văn nào?
Gần đây tôi đọc The Transit of Venus bởi Shirley Hazzard. Tác phẩm hoàn toàn khai sáng cho tôi, thật nguyên sơ và được viết rất khéo, và thể hiện chất trí tuệ sống động. Theo một số cách, đây là một tiểu thuyết hoàn hảo. Ngay khi vừa đọc xong, tôi lại đọc lại nó. Toni Morrison sẽ luôn là ngôi sao chỉ đường cho tôi. Tôi đọc tác phẩm của bà, và vào lúc đó bà để lại cho tôi tác động rất to lớn. Tôi cũng rất thích bộ ba cuốn sách của Rachel Cusk. Thơ của Dionne Brand, Patrick Lane, Lorna Crozier – tất cả các tác giả Canada này đều mang ý nghĩa nền tảng với tôi.
Chồng của bạn là nhà thơ và tiểu thuyết gia Steven Price. Bạn cảm thấy thế nào khi cùng viết với một tác gia khác ngay trong nhà mình?
Chúng tôi đọc tác phẩm của nhau. Anh ấy đọc mọi bản nháp đầu tiên của tôi và tôi đọc của anh ấy. Điều này đã trở thành tối quan trọng. Anh ấy thực sự đã tham gia nhiều. Tác phẩm sẽ không thành hình nếu không có sự biên tập của anh ấy.
NGÔ GIA THIÊN AN dịch theo Kadish Morris, The Guardian
VNQD