VẬN MỆNH NGƯỜI LÍNH TỐT ŠVEJK TRONG ĐẠI CHIẾN THẾ GIỚI:

Khi chiến tranh cất tiếng cười

Thứ Tư, 13/04/2022 07:33

Nhà văn Joseph Heller, cha đẻ của cuốn Bẫy 22 đã từng nói rằng nếu không đọc qua Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới, thì chắc hẳn cuốn tiểu thuyết đó của ông chưa khi nào ra đời. Là tác phẩm văn học Séc kinh điển được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất, Jaroslav Hašek bằng tài năng và những phương cách rất đặc biệt đã tạo nên một hình tượng vô cùng độc đáo trong dòng văn chương chiến tranh.

ĐỘC ĐÁO

Nhắc đến tiểu thuyết phản chiến thời Đệ nhất Thế chiến, chắc hẳn người ta vẫn thường nhớ đến Erich Maria Remarque với những tác phẩm nhân văn của mình. Nếu Phía Tây không có gì lạ, Lửa ngục tù lửa yêu thương… hút lấy người đọc bằng những lột tả chân thực về những gì từng xảy ra, thì Jaroslav Hašek lựa chọn cách tiếp cận mới hơn, độc đáo hơn đến độ… không tưởng, khi dùng lối giễu nhại, châm biếm trong mê lực của sự hài hước để viết về thời đoạn đầy đặc biệt này.

Điều đặc biệt là tuy viết về chiến tranh, thế nhưng bộ tiểu thuyết hơn nghìn trang gồm 4 phần của ông chưa bao giờ có cảnh chiến trận. Jaroslav Hašek qua đời ngay vừa khi anh lính tốt Švejk tới được biên giới chuẩn bị tham chiến, và liệu đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay ông thấy rằng cuốn tiểu thuyết của mình đến đây là đủ?

Bám theo nhân vật Švejk – một cá tính độc đáo, Jaroslav Hašek châm biếm sự vô nghĩa của chiến tranh, đồng thời lột trần những gì thực sự diễn ra trong bộ sậu của đội quân Đế quốc Áo - Hung: về thói ham hư vinh, quyền lực; về những ảo tưởng của giấc mộng đế vương, cũng như những hiện thực khó khăn trong thời điểm đó. Nếu không dùng chất giễu nhại để rồi sau này làm nên tên tuổi của một cây bút lớn, có thể nói chắc hẳn sẽ không có mảnh ghép nào làm rõ ràng hơn những gì từng xảy ra, từ trong nội bộ của những đoàn quân.

Theo đó, trên chuyến tàu lên đường đến Galicia, với cảnh tượng của người và ngựa chen chúc mà điểm đến không gì khác một “lò sát sinh”, Jaroslav Hašek đã mang đến độc giả câu khẳng định chắc nịch và không thể khác hơn ngay đầu tập 3. Với sự đợi chờ, thiếu thốn cũng như quyền lực bị sử dụng tối đa, những người lính mắc kẹt trên chuyến tàu và những bến đỗ hàng giờ đồng hồ dài chật hẹp như một tử tù chờ đao phủ đến để hành hình.

Tác phẩm Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới

Jaroslav Hašek chia mạch diễn tiến thành hai không gian riêng biệt, một của Švejk và những đồng cấp; và một của các viên chỉ huy lãnh đạo. Ngay trong khoang tàu của Švejk, các bạn anh cũng là một sự châm biếm không hơn không kém, với người đầu bếp huyền bí Jurajda luôn tin vào một xảo thuật nào đó, người bị gửi ra mặt trận bởi vì quên phần ăn cật bò của vị đại tá. Ngoài ra đó còn là lính chạy việc Baloun - người cao lớn, râu rậm và luôn trong cơn thèm ăn, kể cả khi đó là những hộp thức ăn của cấp trên - trung úy Lukáš.

Cơn đói ăn của Baloun bao trùm không gian, làm thành một trong những trụ cột chính mà những gì cuộc chiến mang lại. Ở mỗi ga dừng, những người lính được hứa hẹn thử salami Hungari cho đến phô mai ngon lành; thế nhưng thực tế những gì họ nhận lại chỉ là những tấm bưu thiếp vô dụng và thông tin nước Ý trở mặt, nghĩa là họ sắp có thêm một cuộc chiến mới. Những món cá hộp, bánh mì vòng… chỉ dành cho những viên chỉ huy cấp trên, để rồi những hộp pate có mối liên hệ với những người lính ngang với sức nặng của bản thân họ.

Thế nhưng không chỉ có đói, đây còn là thời mà quyền lực được đặt lên trên hết, với những cao vọng đến độ… không tưởng. Điển hình nhất là học viên trường sĩ quan Biegler - người có tham vọng viết các tiểu thuyết chiến tranh với hàng loạt tiêu đề đã được đặt sẵn, người tự phong cho mình là sĩ quan quân đội hoàng gia, rồi chuẩn tướng, để sau này là giấc mộng bay lên thiên đường. Đó còn là những lão tướng già với tư tưởng cũ kĩ, coi rằng việc đại tiện và ngủ đúng giờ dẫn đến thắng lợi tất yếu.

Sự tự tin của một đế chế đa sắc tộc đầy rẫy căng thẳng như đế chế Áo - Hung cũng được xây dựng bằng hình tượng lính tình nguyện Marek. Nhiệm vụ chính của anh là chép lại trang sử vẻ vang của tiểu đoàn hàng ngày, và trong thời gian ra đến mặt trận, anh đã dự đoán được hơn 42 sự kiện với những cái chết của đồng đội mình được dự đoán trước, và có thể sửa chữa để trông… huy hoàng hơn nếu ý tưởng đến.

Đó là một thời đoạn của sự huyễn tưởng với những ý nghĩ như con người có thể tái sinh như thằn lằn, trùng lông; là thời kì mà “người lính béo tốt chỉ có thể là người chuyên đi ăn cắp ăn trộm”, là thời thức ăn được chia theo chủ nghĩa gia đình trị, và hơn hết, là lúc mà ai cũng muốn thử xem có làm được cái điều gì mà ngày ấy không được phép làm không.

PHÂN VÂN

Jaroslav Hašek đã dùng hài kịch đen để bộc lộ hết những điêu tàn của chiến tranh. Lớp nghĩa đầu tiên và dễ thấy nhất là tác giả đã mượn chất châm biếm để giễu nhại những thói hư tật xấu ngày ấy; thế nhưng lẩn khuất đâu đó, mà cụ thể hơn là ở nhân vật anh lính tốt Švejk, ta vẫn thấy một sự cay đắng và đầy đớn đau của những con người bị đem ra khỏi cuộc chiến.

Nhìn chung, ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên với cuốn tiểu thuyết, người đọc dễ có cảm giác Švejk là một nhân vật hồn nhiên, có phần điên loạn với những câu chuyện không ngừng nghỉ của mình, thế nhưng, ở đâu đó ta vẫn thấy được những lần anh “nếm mật nằm gai” để phản kháng dần trong đôi lúc không thể chịu được. Ví dụ điển hình nhất là lần anh đưa lính hầu Batzer của Thiếu úy Dub đến buồng chỉ huy để vạch trần cơn nóng nảy của người đàn ông này, người mà cũng từng kiếm chuyện với anh, và với mọi người trong cả tiểu đoàn, nhằm tạo ra một sự tham quyền trong hành động ưa tố giác.

Ở khoảnh khắc ấy Švejk đã không còn là anh chàng béo mập, hay bỏ qua và kể những chuyện bông đùa. Hành động phản kháng của anh một mặt cho thấy “con giun xéo quá cũng quằn”, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự chịu đựng đã lên đến đỉnh điểm, và là lần duy nhất phát lộ trong toàn tiểu thuyết. Ở một chi tiết khác, vào đêm an ủi tâm linh trước khi sẵn sàng bị treo cổ, cuộc trò chuyện giữa Švejk với Tuyên úy Martinec có thể vẫn mang một không khí bình thường, thế nhưng sau rốt ta thấy được đó là một con người thiếu thốn niềm tin với ngay cả đức Chúa trời của mình.

Tác giả Jaroslav Hašek.

Milan Kundera khi nói về tác phẩm này của Jaroslav Hašek thì cũng cho rằng “Có thể đây là cuốn tiểu thuyết dân gian lớn cuối cùng”, và rõ ràng ta có thể thấy được điều này thông qua những gài cắm rất nhẹ bằng nhân vật Švejk với những câu chuyện bất tận của anh. Ở đó một lớp thị dân Praha mới hiện lên, và cũng sáng rõ như trong Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông của Jan Neruda, để những tình huống gây cười về việc đánh ghen, những trận cãi vã và nhiều hoài nghi hiện ra, bên cạnh một thời điên cuồng và đầy nhiệt huyết của cơn khát máu.

Với phần lớn các câu chuyện không đầu không đuôi này, rõ ràng Jaroslav Hašek không cố tạo ra những phân định đúng sai rạch ròi, mà với sự lưng lửng trong cách xuất hiện và phát triển, một nụ cười ý nhị, bàng bạc và thầm lặng hiện lên trong mỗi người. Và có thể nói là những nụ cười có chủ ý. Ta có thể cười về sự thật hiển nhiên trước mắt, nhưng khi qua đi và trong những giờ phút anh lính Švejk chuẩn bị kể tiếp câu chuyện, trong mỗi người đọc lại là một sự nhìn lại rất lặng thầm mà cũng sâu sắc, về chiến tranh, máu đổ và những tham vọng đến phần điên loạn đầy đọa con người trong một giai đoạn rất nhiều biến động.

*

Với cách thể hiện vô cùng độc đáo cùng lớp ý nghĩa ẩn sau những nụ cười ý nhị, anh lính tốt Švejk của Jaroslav Hašek đã để lại những ấn tượng thú vị và khó có thể quên lãng. Chiến tranh trong hình thái đơn giản nhất của nó, đầy hoang liêu, máu đổ; thế nhưng bằng chính ngón nghề giấu nó đằng sau lớp vỏ của những câu chuyện đầy trong sáng và bình dị, Hašek đã mang đến một thực tế còn quay cuồng hơn những gì hiện diện, bởi dư vị đắng chát sau đó là thứ theo ta đến cùng. Một sáng tạo độc đáo và một hình tượng không thể nào quên.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)