Câu chuyện thú vị đằng sau tác phẩm “Con bạc” của nhà văn Dostoyevsky

Thứ Ba, 05/04/2022 08:46

Trong năm 2021, nước Nga tổ chức nhiều chương trình kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Fyodor Dostoyevsky, đặc biệt là vào tháng cuối năm. Theo Moscow Times, hầu như mọi thành phố, mọi tỉnh thành ở Nga đều lên những chương trình như triển lãm, kịch nghệ, diễn thuyết về nhà văn… Trong đó có cả chương trình du lịch mặc dù diễn biến covid phức tạp, theo dấu chân nhà văn ở Saint Petersbourg, nơi ông lưu lại nhiều nhất, sáng tác được nhiều tác phẩm nhất, cũng là nơi ông yên giấc ngàn thu tại nghĩa trang Tikhvin thuộc thành phố này.

Cùng với Lev Tolstoy, Dostoevsky được xem là một trong hai nhà văn Nga vĩ đại thế kỉ 19. Các tác phẩm của ông, như Anh em nhà Karamazov, Tội ác và hình phạt hay Con bạc đã khai thác tâm lí con người trong bối cảnh chính trị, xã hội và tinh thần của xã hội Nga thế kỉ 19. Ông được giới phê bình đánh giá rất cao, phần lớn xem ông là người sáng lập hay là người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỉ 20.

Tuy không đồ sộ và nổi bật như Anh em nhà KaramazovTội ác và hình phạt, tác phẩm Con bạc cũng được độc giả trên thế giới yêu mến và đón nhận. Có thể gói gọn cốt truyện của tiểu thuyết tâm lí đó như sau: Alexei Ivanovich, gia sư cho con cái một vị tướng đã bại sản, đem lòng yêu cuồng nhiệt Pauline Alexandrovna, con dâu vị tướng. Để lấy lòng Pauline và cũng để vươn lên về mặt xã hội, Alexei lao vào trò roulette, những ngày đầu, bước ra khỏi sòng bạc rủng rỉnh tiền, nhưng rồi nỗi ám ảnh bạc cờ bắt đầu xâm chiếm lấy Alexei. Cuối cùng, anh thua sạch tiền, bị hủy hoại, rơi vào vực thẳm.

Những gì nhân vật Alexei Ivanovich trải qua chính là một phần đời của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky. Từ đó, độc giả khám phá ra một Dostoyevsky cuồng nhiệt trong tình yêu, sẵn sàng cho ra đi nhiều điều để chiếm được trái tim người mình yêu. Ít ai biết cuộc tình của nhà văn Nga Dostoyevsky với một người phụ nữ ông từng mướn đánh máy tác phẩm Con bạc là Anna Snitkina, sau này trở thành vợ chính thức của ông.

Dostoyevsky và vợ là bà Anna Snitkina.

Những người yêu thích việc đọc và nghiên cứu tác phẩm của Dostoyevsky, đều biết được giai thoại về tác phẩm Con bạc này. Mùa hè năm 1865, do bị thúc nợ, nhà văn Dostoyevsky buộc phải bán cho Fiodor Stellovski, cũng là chủ nợ của ông, quyền xuất bản tất cả những sáng tác của mình. Trong hợp đồng giữa hai người có điều khoản đặc biệt: nhà văn phải giao một cuốn tiểu thuyết không dưới mười hai tay sách, tức chừng 250 trang của khổ sách bỏ túi thường thấy. Nếu nhà văn không kịp nộp bản thảo vào ngày đầu tháng 11/1866, Stellovski sẽ toàn quyền in các tác phẩm của nhà văn trong chín năm liền mà Dostoyevsky viết ra, mà không phải trả một đồng nhuận bút nào.

Lúc bấy giờ, nhà văn đang say sưa viết Tội ác và hình phạt cho tờ báo Người đưa tin Nga, kiểu tiểu thuyết nhiều kì đăng từng ngày trên báo, chưa có thời gian viết tiểu thuyết mới. Cho đến đầu tháng 10/1866 đã gần với thời hạn hoàn thành cam kết giao tác phẩm mới. Vì vậy nhà văn buộc phải mời Anna Snitkina (sau này trở thành vợ ông), chuyên về tốc kí, đọc cho bà chép tác phẩm mới trong vòng 26 ngày, từ ngày mùng 4 đến ngày 29/10/1866. Một mặt do thời hạn nộp bản thảo đã đến gần, hai nữa là do có sự trợ giúp của người đẹp cộng sự nên việc sáng tác có động lực và tiến triển nhanh chóng hơn.

Trong cuốn hồi kí của mình, Anna Snitkina đã kể về quá trình viết chạy đua với thời gian này. Trước khi bà đến, Dostoyevsky đã thủ sẵn các phác thảo, sau đó từ 12 giờ đến 16 giờ mỗi ngày, ông đọc cho bà ghi. Về nhà, bà giải mã tốc kí và viết lại cho sạch đẹp, ngay trong đêm. Đúng ngày 31/10/1866, bản thảo được nộp cho Stellovski với tựa đề Ruletenburg (có nghĩa là Thành phố rulet). Nhưng nhà xuất bản yêu cầu ông phải đổi tên sách thành “một cái tên gì đó, nghe có vẻ Nga hơn” nên sau đó đổi tên tác phẩm thành The Gambler (Con bạc).

Tác giả Con bạc còn có một niềm đam mê giống như nhân vật của mình - Aleksei Ivanovich - đó là thói đánh bạc. Về thú chơi rulet trong những chuyến đi của mình Dostoyevsky thường vẫn kể lại cho những người thân. Trong một bức thư gửi từ Paris cho V.D. Konstant đề ngày 20 tháng Tám năm 1863, kể về lúc thắng bạc ở Viesbaden, Dostoyevsky viết: “… trong suốt bốn ngày này tôi chỉ chú mục vào các con bạc. Số người đặt tiền có tới mấy trăm. Thật tình mà nói, biết chơi thì chỉ có vài người thôi. Tất cả đều thua cháy túi vì không biết chơi. Hai người thắng là một bà người Pháp và một huân tước người Anh, họ chơi giỏi, không hề thua, ngược lại, nhà cái suýt vỡ trận. Tôi nói điều này, xin đừng bảo rằng vì vui sướng mà tôi quá lời, tôi không bị thua vì tôi biết mánh lới để không thua, mà lại thắng cuộc. Mánh lới ấy tôi biết, thật là dễ hiểu và đơn giản, đó là biết tự kiềm chế một phút, dù ở bất kì thời điểm nào của cuộc chơi, không được nóng vội. Vấn đề chỉ có thế…”.

Tay chủ xuất bản khi đó muốn cướp không tác phẩm Con bạc của nhà văn nên đã cho nhân viên ra nói rằng mình đi vắng vài ngày, như thế Dostoyevsky chẳng thể “giao hàng” đúng thời hạn. May mắn thay, nhà văn hay túng thiếu này được ai mách nước nên đã đem bản thảo tác phẩm đến giao cho một đồn cảnh sát để làm bằng chứng là đã nộp đúng hẹn. Nhờ đó Dostoyevsky được làm chứng là giữ đúng lời cam kết và không mất quyền lĩnh nhuận bút đối với các tác phẩm của mình sau này.

Sau này, với thành công vang dội của tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov in năm 1880, nhà văn Nga Dostoyevsky cho biết sẽ cầm bút trong ít nhất 20 năm nữa. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, ông lìa trần vì đột quỵ. Những giai đoạn cuộc đời ông đã được vợ ông, người đánh máy Anna Snitkina năm xưa sưu tầm lại các tài liệu có được, viết lại và xuất bản bên cạnh cuốn hồi kí của mình.

Hầu hết các tác phẩm chính của nhà văn Nga Dostoyevsky đều đã được dịch ra tiếng Việt như: Tội ác và hình phạt, Con bạc, Anh em nhà Karamazov, Những kẻ bần hàn, Chàng ngốc, Lũ người quỷ ám

HOÀNG DIỆP dịch

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)