Dấu chân trên cát là cuốn sách được tác giả Nguyên Phong phóng tác dựa trên tác phẩm gốc The Egyptian (tạm dịch: Một người Ai Cập) của Mika Waltari. Cuốn sách dựa trên những giai thoại dân gian về nhân vật bí ẩn Sinuhe mà nhà văn Mika Waltari đã thu thập được trong hành trình đến Ai Cập. Đây không chỉ là cuốn tiểu thuyết đầy lôi cuốn về cuộc đời nhân vật Sinuhe mà còn chứa đựng những triết lí nhân sinh có giá trị bền vững. Theo chân một vị y sĩ sống ở thời Ai Cập cổ đại, tác giả Nguyên Phong đã vén lên bức màn bí mật về một nền văn mình lừng lẫy một thời.
Dấu chân trên cát kể về cuộc đời nhân vật Sinuhe, thông qua đó phản ánh tình hình chính trị, xã hội và đời sống tâm linh của người Ai Cập cổ đại. Sinuhe vốn xuất thân là con của một lương y nổi tiếng, chuyên chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, nên ông cũng nối nghiệp gia đình và chịu ảnh hưởng từ lối sống thanh tao của cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp trường y khoa Abydos, ông trở về quê hương hành nghề y sĩ. Sau đó, ông gặp những biến cố làm thay đổi cuộc đời. Từ một lương y, ông bị hận thù che mờ mắt, luôn sống trong cảm giác dằn vặt tội lỗi, chạy theo đồng tiền và danh vọng. Sống trong một triều đại rối ren, phe phái tranh giành quyền lực khiến Sinuhe cũng bị cuốn vào cuộc chiến vương quyền.
Cuốn sách Dấu chân trên cát do First News Trí Việt ấn hành.
Sinuhe là một nhân vật mơ hồ được lưu truyền qua những câu chuyện dân gian. Sử gia Herodotus từng ghi nhận một người Ai Cập tên là Sinuhe đã đến Hi Lạp để mở trường dạy học. Học trò của ông rất đông và có nhiều người ưu tú, trong đó có các triết gia Plato, Aristole. Sau này, những học trò của Sinuhe đã góp phần xây dựng Hi Lạp thành quốc gia hùng mạnh, văn minh.
Nền văn minh Ai Cập cổ đại cho đến nay vẫn là một ẩn số chưa có những lời giải đáp chính xác, từ những công trình kim tự tháp thách thức thời gian đến kĩ thuật ướp xác ngàn năm không phân hủy. Ai Cập từng có những triều đại huy hoàng với những vị Pharaoh tài giỏi, những vị hoàng hậu thông minh, xinh đẹp, những đội quân hùng dũng chinh phạt khắp nơi. Khi văn minh nhân loại vẫn đang ở buổi bình minh thì Ai Cập đã đạt những thành tựu rực rỡ về chữ viết, toán học, y học, thiên văn…
Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Ảnh: Pixabay
Tuy nhiên, vương triều Ai Cập cổ đại cũng có những mặt tối của sự đấu đá, tranh giành quyền lực. Tất cả những góc khuất ấy được Sinuhe chứng kiến và tường thuật lại. Khi vào trong cung, ông được thấy lòng tham vô đáy của con người, ngay cả khi họ đã đứng trên đỉnh cao quyền lực và danh vọng. Đó là bà mẹ của Pharaoh Amenophis, người đã từng bước leo lên ngôi vị cao nhất sau khi tìm đủ kế hãm hại hoàng hậu cũ. Khi Pharaoh Akhenaten không làm theo ý mình, bà định giết luôn cả con trai để đưa con gái là công chúa Baketamon lên thay. Ngay cả những người như tướng Smenkere, hay Homremheb - bạn thân nhất của Sinuhe, những tưởng sẽ trung thành với vua nhưng vì quyền lợi mà trở mặt.
Ai Cập từ một triều đại hùng mạnh trở nên lầm than, nhân dân đói khổ và dần bị diệt vong. Chính Sinuhe cũng là một nạn nhân của thời cuộc, một người đến cuối cùng vẫn giữ được bản tính lương thiện nhưng cũng chỉ là cái bóng cô độc, lẻ loi giữa cuộc đời. Nền văn minh từng huy hoàng một thời cũng như những dấu chân trên cát, từng để lại dấu ấn nhưng dần tàn lụi và trở nên mơ hồ.
Dấu chân trên cát không chỉ hấp dẫn bởi cốt truyện mà những triết lí nhân sinh vẫn còn khiến người đọc nghiền ngẫm sau khi gấp cuốn sách lại. Người xưa với sự hạn chế của khoa học công nghệ nhưng đã có cách kiến giải về quy luật của vạn vật trong vũ trụ. Đặc biệt phải kể đến nhân vật Akhenaten Amenophis, một vị vua có lối trị vì khác với các Pharaoh của những triều đại trước. Akhenaten là người thông minh, học rộng, hiểu nhiều, có tầm nhìn xa trông rộng. Quãng thời gian học hành và tu thân giữa sa mạc đã khiến ông đạt đến một tầm nhận thức rất cao.
Nền văn minh Ai Cập cổ đại từng đạt đến độ phát triển rực rỡ, đến nay vẫn còn là điều bí ẩn với thế giới hiện đại. Ảnh: Pixabay
Ông hiểu rõ sai lầm của những vị vua trước đã khiến người dân phải chịu đau khổ. Chính vì thế, ông đã làm một cuộc cải cách táo bạo chưa từng thấy, từ chủ trương hòa bình với láng giềng, tránh chiến tranh xung đột, giảm sưu thuế cho dân, kìm hãm quyền lực của tầng lớp giáo sĩ. Cách cai trị của Akhenaten cho thấy ông là người đức hạnh và nhân từ nhưng lại khiến tầng lớp quý tộc và giáo sĩ nóng mắt vì động chạm đến quyền lợi của họ. Cuối cùng, một Akhenaten cũng chẳng đủ sức đương đầu với cả một thời đại nhiễu loạn, rối ren.
Bản thân Sinuhe đã bước vào đời với bản chất đơn thuần, lương thiện cùng những đức tính được kế thừa từ cha mẹ mình. Sinuhe đã học hỏi từ Akhenaten nhiều điều, quãng thời gian theo học ở trường Khoa học về sự sống và Khoa học về sự chết cũng giúp Sinuhe mở mang đầu óc. Tuy nhiên Sinuhe cũng chỉ là một người bình thường, mang theo những dục vọng, sân hận, ghen tuông mù quáng mà lạc lối trong một quãng đời. Nhưng khi ông đã trải nghiệm đủ nhiều, để để thấu hiểu được thế giới cũng là lúc ông thấu hiểu chính mình.
Dấu chân trên cát là một sự kết hợp hài hòa giữa một cuốn tiểu thuyết và những tư tưởng triết học của Ai Cập cổ đại. Cuốn sách không chỉ giúp người đọc được mở mang hiểu biết về nền văn minh Ai Cập đầy bí ẩn mà còn truyền tải những triết lí sâu sắc còn nguyên giá trị trước thời gian, như một cách tìm về nền văn minh cổ đại huy hoàng.
NGUYỄN HẰNG NGA
VNQD