Spencer, bộ phim tiểu sử - chính kịch xoay quanh cuộc đời Công nương Diana khi đang trên bờ vực tan vỡ với thái tử Charles, đã nhận được nhiều đánh giá tích cực kể từ khi khởi chiếu tại Liên hoan phim Venice. Với kịch bản ấn tượng, diễn xuất xuất thần của Kristen Stewart cũng như trang phục và âm thanh hoàn hảo; có thể nói đây là một trong những bộ phim tiểu sử ấn tượng nhất năm qua.
TIỂU SỬ CẢI BIÊN
Lấy bối cảnh những ngày cuối năm 1991, khi gia đình Hoàng gia Anh trải qua kì nghỉ lễ Giáng sinh tại dinh thự Sandringham rộng lớn ở Norfolk, miền đông nước Anh. Spencer tập trung vào những diễn biến tâm lí phức tạp của Công nương Diana trước sự kìm kẹp của những lễ nghi truyền thống cũng như sự vụ ồn ào về việc ngoại tình của Thái tử với người yêu cũ, Camilla Parker Bowles.
Trước hết phải thừa nhận rằng, chính những chi tiết cải biên đã giúp phác họa một cách rõ ràng nội tâm của Công nương Diana. Sinh thời được giáo dục trong môi trường Hoàng tộc khắc nghiệt nên những giải bày tâm trạng ra với thế giới là khó có thể thấy. Ở bộ phim này bằng tính ước lệ biểu trưng, khán giả đã có dịp chứng kiến một chân dung rất khác của Công nương, người phụ nữ bị giới hạn, chịu nhiều dồn nén và không thể thoát ra.
Đạo diễn Pablo Larraín và Kristen Stewart.
Dựa trên khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời của Công nương Diana, đạo diễn Pablo Larraín và biên kịch Steven Knight đã cài cắm những hình tượng độc đáo nhằm đưa những diễn biến nội tâm thể hiện ra ngoài. Một trong số đó là chuỗi ngọc trai như biểu trưng cho tính quy củ và giá trị sang trọng của Hoàng gia. Không dưới một lần Kristen Stewart đã giật đứt nó, hay sau đó là nhai ngấu nghiến từng viên ngọc một cùng với bát súp, dẫu chỉ là trong tưởng tượng của nhân vật, thế nhưng cũng có thể làm khán giả sởn gai óc khi xem.
Công nương trong ba ngày Giáng sinh cuối năm ấy đã trải qua những thời khắc lên xuống của tinh thần, khi luôn bị ám ảnh bởi sự phản bội, chứng cuồng ăn và hơn hết là những bóng ma trong tình trạng tương đồng với Anne Boleyn – người vợ thứ hai của vua Henry VIII, bị hành quyết do những cáo buộc vô căn cứ về việc ngoại tình. Việc xây dựng song song hai hình tượng có phần bị giới hạn trong Hoàng gia có thể nói là một sáng tạo thú vị, tuy không mới nhưng độc đáo, từ đó cho những gì mà trên cương vị Công nương một người phụ nữ phải chịu.
Hai nhân vật tưởng tượng gồm người phụ trách trang phục Maggie và ông quản gia được thêm vào kịch bản như lời đồng cảm cho những áp lực mà Diana oằn mình chịu đựng. Nói về tính hà khắc của Hoàng gia, bà thoại “Ở đây chỉ có một thì duy nhất. Quá khứ và hiện tại đều như nhau”. Nói về việc trở thành tâm điểm cho truyền thông, bà nói “Máy ảnh của họ giống như là kính hiển vi. Tôi là con bọ nằm trên đĩa. Ông thấy đấy, họ lần lượt kéo đứt cánh, kéo đứt chân của tôi. Để ý xem tôi sẽ phản ứng ra làm sao”. Từ đó tất cả những đau đớn, mỏi mệt, uất ức cũng như mong manh đã được khắc họa một cách sáng rõ và đầy hình tượng.
NHỮNG NHÂN TỐ LÀM NÊN THÀNH CÔNG
Trước hết phải nhắc đến diễn xuất xuất thần của Kristen Stewart. Đây không phải là bộ phim chính kịch đầu tiên mà cô đảm nhận, thế nhưng, có thể nói một cách chính xác, đây là bộ phim mà cô hóa thân và làm tốt nhất. Từng bị nhận xét là “đơ” từ những ngày đầu với series phim cà rồng Twilight; thế nhưng ngay cả những người thân cận của Công nương ngoài đời thực khi xem Spencer cũng cho rằng Stewart là người làm được và làm giống nhất trong số các phiên bản trước đó.
Kristen Stewart trong vai diễn tái hiện Công nương Diana.
Những góc quay 3/4 khuôn mặt cùng đôi mắt mỏi mệt, rơm rớm nước của Stewart một cách hoàn hảo cho thấy toàn bộ xáo động của những diễn biến nội tâm trong người Công nương. Stewart đã không diễn lại hình tượng đẹp đẽ, sang trọng, kín đáo và thanh lịch mà Công nương vốn có; mà thay vào đó là người đàn bà ngược sóng chịu nhiều khổ đau với những tâm tư tình cảm đã được khắc họa rõ ràng.
Tiếp theo, chính sự cải biên như đã nói trên là một trong những điểm đặc biệt nhất của Spencer. Chi tiết ăn ngọc trai hay sự hòa quyện số phận với Anne Boleyn ở những hành lang dài hay căn nhà tuổi thơ; đẩy cảm xúc người xem lên đến tận cùng. Thước phim cuối cùng khi lấy mình làm bù nhìn để giải thoát hai người con trai khỏi hành động bắn chim, và xưng họ thời con gái - Spencer đã như một lời giải thoát khỏi sự giam hãm
Ngoài ra, trang phục và âm thanh cũng là những điểm cộng của Spencer. Vốn là một trong những biểu tượng thời trang và có ảnh hưởng sâu rộng, các bộ trang phục của Stewart diện trong Spencer không giống hoàn toàn, nhưng có phần gợi nhắc đến nhiều dấu ấn mà Công nương để lại lúc sinh thời. Bộ váy đuôi cá ở phía cuối phim là một trong những cảnh ấn tượng nhất, khi ngược với đôi vai trần gầy guộc, người phụ nữ ấy tự làm đau mình, như cách tìm kiếm lại con người thật và sự hiện tồn.
Âm nhạc kịch tích từ nhà soạn nhạc Jonny Greenwood với dàn dây xuyên suốt những cảnh đặc biệt như trong phòng ăn, trước những quyết định khó khăn trên cầu thang ở ngôi nhà cũ… cũng góp phần nâng cảm xúc của khán giả. Không khí nghẹt thở trong những tưởng tượng của Công Nương đã được khắc họa không chỉ qua diễn xuất của Kristen Stewart, mà với âm nhạc, đó còn là sự thăng hoa vô cùng ấn tượng và rất khó quên.
Tuy không trung thành với các sự kiện lịch sử, thế nhưng có thể nói Spencer là một trong những bộ phim hay nhất về Công Nương Diana cùng những nỗi đau bà phải gánh chịu. Cùng với Jennifer Hudson tái hiện Aretha Franklin và Lady Gaga tái hiện Patrizia Reggiani; vai diễn của Kristen Stewart là rất thành công và nhiều ấn tượng. Spencer có nhiều yếu tố tạo nên sức hút, do đó việc ghi nhận như một trong những bộ phim tiểu sử hay nhất 2021 là hoàn toàn xứng đáng.
NGÔ MINH
VNQD