Từng bị từ chối xuất bản thế nhưng nhanh chóng gây nên tiếng vang toàn cầu với Người đàn ông mang tên Ove, tiểu thuyết gia người Thụy Điển Fredrik Backman trong các tác phẩm của mình luôn mang đến một góc nhìn thú vị với các nhân vật đặc biệt, từ đó họa nên đời sống của những con người nhạy cảm, chịu nhiều tổn thương trong lòng xã hội hiện đại.
NHỮNG NHÂN VẬT PHÍA BÊN KIA
Là một đất nước có dân số già, nên không lạ lẫm khi các nhân vật của Fredrik Backman đa phần là những người đã ở bên kia bờ dốc cuộc đời. Nhân vật chính của Người đàn ông mang tên Ove hay Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi đều là những người như thế, những cá nhân mà ngay lần đầu bắt gặp có thể ta sẽ gọi là “dở hơi”, thế nhưng khi hiểu được những gì tạo nên bản tính cọc cằn, ương ngạnh và có phần khó chịu, thì góc nhìn về họ sẽ lập tức đổi khác trong mỗi người đọc.
Nếu ông Ove trải qua nỗi đau mất đi Sonja - người vợ cùng mình trải qua biết bao biến cố, thì bà Estelle trong Những kẻ âu lo cũng tương tự thế. Bà đã hình thành thói quen đi xem những buổi chào bán nhà, vì với bà, ở đó bà được gặp lại những người trẻ tuổi và những ước mơ xây nên gia đình mà bà từng có với ông Knut. Những người già trong các tác phẩm hoặc phải đối mặt với sự mất mát, hoặc là trạng thái chênh vênh ở tuổi về hưu, khi họ không còn công việc, và không biết phải làm gì với khoảng thời gian dư ra.
Bộ 3 tác phẩm của Fredrik Backman do Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu.
Nếu trước đó họ thấy mình có giá trị, thì giờ đây khi chứng kiến công ty vẫn ổn cả khi không có mình, họ đâm ra sầu muộn và nghi ngờ về “mục đích” từng có trong suốt một khoảng thời gian dài. Họ nghi hoặc những gì mình là, có thể là cuộc hôn nhân như bà Britt-Marie trong cuốn Britt-Marie từng ở đây, mà cũng đôi khi là những thành tựu mà họ luôn tin là mình gặt hái được, như ông Roger trong cuốn sách mới nhất Những kẻ âu lo.
Không chỉ có những người già, các tiểu thuyết của Fredrik Backman còn thường mở rộng ra những đứa trẻ bất hạnh, chịu nhiều tổn thương bởi bố mẹ chúng hoặc không được chăm sóc một cách tận tình bởi hệ thống hành chính máy móc, thiếu quan tâm. Đó còn là những cá thể yếm thế, là người di cư, các cá nhân lệch chuẩn cũng như những người có “cá tính mạnh” bị dồn đến bước đường cùng, và cũng chính từ đó làm nên tình thế “khó đỡ” như trong Những kẻ âu lo. Chính ở điểm này Fredrik Backman tạo ra một sự bao trùm thú vị, khi dẫu khác biệt ở trong phông nền văn hóa của vùng Bắc Âu, thế nhưng mỗi một người đọc đều tìm thấy mình đâu đó trong những vết thương đô thị hay những mảnh ghép hiện đại.
GIỌNG VĂN HÀI HƯỚC
Cũng như tác giả đồng hương Jonas Jonasson, xuyên suốt các tác phẩm của Fredrik Backman người đọc có thể có được rất nhiều nụ cười. Tính hài hước luôn chiếm vị thế trung tâm, và được thể hiện trong nét “gàn dở”của các nhân vật, có thể là bởi tính cách hoặc trong hành động, tình huống mà họ gặp phải. Đó là ông Ove tự tử năm lần bảy lượt nhưng không thành công, vì bất cứ lúc nào khi đã gần được cũng sẽ có thứ gì đó khiến nó thất bại. Đó là bà Britt-Marie những tưởng đáng ghét, nhưng lại bầu bạn với cả chú chuột dẫu cho bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ…
Hay trong Những kẻ âu lo, đó là tên cướp ngân hàng có phần “gà mờ”. khi chỉ đi cướp một món khiêm tốn 6.500 krona, mà lại ở ngay ngân hàng… không dùng tiền mặt. Do đó, từ một vụ cướp ngân hàng, bối cảnh chuyển sang một vụ giam giữ con tin, do trong quá trình chạy thoát thì căn nhà đang được rao bán là con đường duy nhất. Thế nhưng những người đang xem căn hộ chung cư bị giam giữ ấy sớm muộn rồi thì cũng sẽ gắn bó với nhau, chở che cho nhau, chữa lành cho nhau; dẫn đến có những chi tiết như cùng xem pháo hoa vào ngày năm mới, cùng ăn pizza có phần… không tưởng.
Nhà Văn Fredrik Backman.
Rõ ràng rằng là các câu chuyện của Fredrik Backman khó mà tưởng tượng có thể xảy ra ở trong đời thực. Thế nhưng bằng tính hài hước, độc giả đón nhận những câu chuyện này vô cùng dễ chịu và bị cuốn theo mạch truyện. Bởi Backman đã làm rất tốt, khi ông tạo dựng ra một tình huống của những chất liệu hóa học kì dị, do đó phản ứng kì dị là không tránh khỏi, và người đọc cảm thấy thoải mái về điều đó. Hài hước làm phông nền cho câu chuyện khó có thể xảy ra, nhưng khi xảy ra nó cũng giảm bớt tính chất nghiêm túc, từ đó phát lộ ra những ý nghĩa mà Backman mong muốn truyền tải, do đó, hầu hết tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim, và được đánh giá rất cao.
NÂNG ĐỠ NHỮNG CUỘC ĐỜI MỎI MỆT
Đằng sau mỗi một câu chuyện ta lại thấy Fredrik Backman gửi gắm một niềm hi vọng vào trong cuộc sống. Dẫu là câu chuyện phần nhiều mang tính cá nhân như Người đàn ông mang tên Ove, Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi hay hướng ra cộng đồng như Britt-Marie đã ở đây, Những kẻ âu lo; thế nhưng ẩn chứa đằng sau luôn là những sự hàn gắn, chữa lành, mà không cần bất cứ vật chất hay là tiền tài nào có thể. Họ chỉ đơn thuần trông thấy nhau, phản ánh lẫn nhau và tự chữa lành cho nhau.
Nếu ông Ove được người hàng xóm Parvaneh nhận ra nỗi buồn và sự cô độc, từ đó bắt ông bận rộn luôn tay bằng cách dạy cô lái xe hay phải nhận nuôi chú mèo cụt tai; thì ở Những kẻ âu lo, đó là người cặp đôi vợ chồng mới cưới Julia và Ro nhìn thấy tình yêu có phần bất diệt mà bà Estelle dành cho ông Knut quá cố, hoặc sự hi sinh gìn giữ hôn nhân của ông Roger và bà Anna-Lena. Những phản ứng này không xuất phát từ bất kì lời thuyết giáo nào, thế nhưng qua sự quan sát, hành động và những tấm lòng tử tế, họ nhìn được nhau và dần bổ khuyết cho nhau.
Tác phẩm mới nhất Những kẻ âu lo của Fredrik Backman bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Họ là những mảnh vỡ, và riêng bất toàn cũng mang vẻ đẹp. Đó còn là bà Britt-Marie lãnh nhiệm vụ huấn luyện đội bóng địa phương của những đứa trẻ quê nghèo thua sút, cũng như anh em nhà Sami - những đứa bé bất hạnh vì sớm chia cắt với cha mẹ mình… Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình yêu, hi vọng và sự tha thứ gắn bó họ, từ đó làm nên cuộc sống và những niềm tin được nhen nhóm lên, giữa đời sống đang mất kết nối có phần xô bồ, với sự thờ ơ cũng như khuôn thước của các tổ chức được lập nên với mục đích hỗ trợ, nhưng đến sau cuối họ không làm được gì, và chỉ có những tình cảm chân thành nhất là sự nâng đỡ cho những đôi cánh đã quá mỏi mệt.
*
Với sự hài hước cũng như nhân vật trải dài có tính đại diện cho bất cứ xã hội nào, các tác phẩm của Fredrik Backman mang đến rất nhiều cảm xúc cho mỗi người đọc, dù là trong hoàn cảnh nào và độ tuổi nào. Bằng sự soi chiếu, tự chữa lành, chia sẻ cũng như đồng cảm; niềm vui cũng như hi vọng kịp thời thắp lên làm đẹp hơn nữa chính cuộc sống này. Không ngoa khi nói Fredrik Backman là nhà văn của sự chữa lành bằng vẻ đẹp “không tưởng” của văn chương, cũng như tính hài hước giảm bớt nỗi đau có phần cố hữu để làm nên những tác phẩm vô cùng dễ chịu.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD