Cùng Mori Ogai và Natsume Soseki, Akutagawa từ lâu trở thành bộ "tam trụ" đặt nền móng cho văn chương cận đại Nhật Bản thời kì chuyển giao xã hội từ Edo sang Duy Tân Minh Trị. Khác với thế hệ trước, có thể thấy các sáng tác của Akutagawa đa dạng thể loại, đề tài; đi theo cuộc sống cá nhân cũng như những biến động đồng thời của xã hội đương thời.
Tuyển tập truyện ngắn Akutagawa bao gồm những truyện được sắp xếp theo thời gian sáng tác, khởi đầu từ cú chạm ngõ với truyện ngắn đặc sắc Cổng Rashomon vào năm 1915 để sau này sẽ được dựng thành nhiều phiên bản phim, cho đến khi bị ám ảnh lúc cuối đời (1927) với các truyện ngắn mang tính tự truyện như Ảo ảnh cuộc đời, Mộng mị và Sổ điểm danh những người đã khuất.
TỪCHẤT LIỆU CÓ SẴN
Trong hơn 12 năm cầm bút, Akutagawa đã cho thấy được sự quan sát tinh tế cũng như sức sáng tạo trong việc sử dụng những chất liệu cũ. Ở quãng đầu sự nghiệp sáng tác, có thể thấy ông đã dùng lại khá nhiều những điển tích, điển cố, truyện cổ, sự tích… khá đặc trưng của Nhật Bản. Tuy nhiên cũng như các nghiên cứu cho thấy, ông không giữ nguyên những gì nghe được, học được; mà có cách khoác lên chúng chiếc áo mới rất thú vị và nhiều đổi mới.
Điển hình nhất là truyện Sợi tợ nhện - câu chuyện mang đậm triết lí Phật giáo mà đa số các nhà nghiên cứu cho rằng xuất phát từ tác phẩm Karma (Nghiệp chướng) của triết gia người Đức Paul Carus. Đây là câu chuyện kể về nhân vật Kandata - một tên kẻ cướp, người không có lòng từ bi, khi bị đày xuống địa ngục vì chỉ muốn bản thân được thoát mà dẫn đến sợi tơ nhện Đức Phật giăng xuống, đứt phăng và tất cả mọi người đều rơi xuống, bởi khi chứng kiến hắn leo lên thì người khác ai cũng muốn như thế.
Tuyển tập truyện ngắn Akutagawa.
Ngoài ra, ông cũng sử dụng câu chuyện về người sáng lập giáo phái Phật giáo Shingon để viết nên Lòng đã trót yêu, mượn sự tích về nhân vật Sadafun – người được coi như nhân vật Don Juan của Nhật Bản để viết Kẻ háo sắc; cũng như hiện đại hơn, là sử dụng cùng nhân vật nhà ảo thuật Ấn Độ Hassan Kan của Tanizaki Junichiro, hay cốt truyện Mùa thu Nhật Bản của Piere Lotti và biến nó thành Tiệc khiêu vũ, mang nội dung về những thứ mới mẻ phương Tây đang ào vào nước Nhật thời Duy Tân Minh Trị.
KHẮC HỌA TÂM LÍ NHÂN VẬT CHI LI
Cũng như người thầy Natsume Soseki khai thác một cách triệt để cõi lòng của những tri thức trước ngưỡng cửa chuyển giao mới - cũ, Đông - Tây… Akutagawa tập trung khắc họa những giằng co giữa thiện - ác, đẹp đẽ - xấu xa cũng như những niềm vui giản dị và dục vọng thấp hèn trong mỗi con người. Được đánh giá là người dung hòa được những tinh hoa lí trí của chủ nghĩa tự nhiên và sắc màu lãng mạn phóng túng của chủ nghĩa duy mĩ; những “vùng tối” của con người mà ông mô tả vừa trần trụi nhưng cũng văn chương một cách không ngờ.
Các tội ác được ông đưa ra thường có sức thuyết phục. Đó là những cá nhân bị dồn vào bước đường cùng hoặc trải qua những nỗi đau khắc nghiệt, dẫn đến trong họ hình thành nên cái xô đẩy dần sang phía cái ác. Các phân tích tâm lí chi li về mặt tình cảm, vui buồn, ham muốn cũng như những khía cạnh tế nhị và dữ dội của con người được ông tạo ra vừa thực tế nhưng cũng khơi gợi được lòng cảm thông. Một trong số đó là truyện Mùa thu nói về người chị chịu cảnh sống không thỏa mãn khi nhường tình yêu của mình cho em gái, hay Đứa con rơi, về người mẹ bị mất đứa con cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi người khác cũng mất đi đứa con của mình.
Nhà văn Ryūnosuke Akutagawa.
Các nhân vật của ông thường được đặt ở ngã ba đường, họ phân vân giữa cái được - mất, nên - không nên và nghi ngờ mức độ vừa đủ. Trong Cổng Rashomon, người nô bộc khi chứng khiến người đàn bà làm nên tội ác trên xác chết, y ta cũng liền quyết định mình cũng có thể trở thành như thế, khi chỉ vừa một khắc trước đó y ta vừa tự nhủ thà chết đói còn hơn làm điều ác. Hay trong Cái mũi, Sư thầy khi đã có cái mũi bình thường lại luôn nghi ngại hiện tại, cuối cùng quay trở lại hình dạng gây cười lúc ban đầu.
Địa ngục cô độc như tên một truyện ngắn của ông, chính là nơi mà ông cố gắng khắc họa những con người chìm trong bể dục vọng. Đó là những ý nghĩ tà dâm giết chết con người trong Lòng đã trót yêu, Truyện Yonosuke, Bốn bề bờ bụi hay Kẻ háo sắc. Ở đó, đố kị, tham lam cũng khiến người ta hóa rồ, trở thành những nhân vật thấp hèn và không đáng nhắc đến, như người mẹ chồng trong truyện Cục đất hay truyện Bùn lầy và Bản chất anh hùng.
YẾU TỐ NHẬT BẢN
Bên cạnh việc khai thác mặt tối của con người, chủ nghĩa lãng mạn cũng xuất hiện trong các sáng tác của Akutagawa mà đặc biệt nhất nằm ở các truyện như Những trái quýt, Chiếc xe goòng hay Thầy Mori. Nét đẹp thoáng qua trong các tác phẩm này của ông thinh nhẹ như cảm thức aware, chỉ một chốc thôi nhưng huy hoàng một góc trời. Đó là hình tượng cô gái nhếch nhác ném cho đứa em trai mình những quả quýt, cậu bé Ryohei và trận khóc không ngừng khi chạy qua bao quả đồi cũng như người học trò khi nhớ lại những nụ cười bạc bẽo mình đã dành cho người thầy đáng kính.
Xã hội Nhật Bản buổi giao thời cũng được ông gài cắm đầy ẩn dụ, như trong truyện Khu vườn hay À…a…a…Ba về mãnh lực của sự thay đổi. Sức mạnh của thời gian, của sự đổi mới và bất biến của đời sống này luôn luôn chi phối vạn vật, khiến dù ta có nỗ lực đến đâu thì những cái cũ cũng sẽ bị thay thế. Sự xung đột giữa đức tin, tôn giáo cũng không ít lần trở lại trong các tác phẩm của ông, mà đặc biệt và dữ dội nhất là trong truyện Vợ người võ sĩ với câu hỏi thường trực: “Treo mình trên thập tự giá sao lại cất tiếng kêu than”. Thế nhưng các triết lí Phật giáo về nhân quả, phóng sinh, luân hồi… lại được ông gài cắm trong nhiều truyện ngắn, như lời răn đe cho những tội ác hiện tồn.
Bộ ba câu chuyện mang tính tự truyện sáng tác vào cuối đời bao gồm Ảo ảnh cuộc đời, Mộng mị và Sổ điểm danh những người đã khuất như thuật lại một cách xác tín những gì ông đã trải qua. Từ bé đã phải làm con nuôi do người mẹ phát điên nên ông có sự nhạy cảm nhất định trước những dao động xã hội, cũng như sức khỏe suy sụp vì suy nhược thần kinh. Trong ông luôn thường trực những ảo ảnh thị giác mà rất có thể là những ác mộng trong Mộng mị, hoặc những ám ảnh mà ông gọi tên là shinkiro như những phản xạ toàn phần của một tương lai bất định.
*
Qua đời do dùng quá liều thuốc ngủ ở tuổi 35, sự mất mát của Akutagawa để lại một mất mát lớn cho văn chương cận đại Nhật Bản nói riêng, cũng như thể loại truyện ngắn của thế giới nói chung. Với sự đa dạng thể loại từ việc sáng tạo các hình thức mới, sự mô tả tâm lí thần sầu cũng như cách thể hiện hiện thực vô cùng độc đáo; văn chương của Akutagawa là sự hòa trộn đặc biệt giữa hiện thực và huyền ảo, trong bút pháp hoa mĩ và súc tích.
Trong những tác phẩm cuối đời ông viết “Phù du ơi, chỉ sống ngoài mộ địa” như bao hàm trọn vẹn con người ông, một cánh bướm chao nghiêng giữa đêm trường tăm tối, rồi nằm mãi trên bãi tha ma của những linh hồn vật vờ. Nhưng là cánh bướm có sức nặng và tầm ảnh hưởng đến mai sau.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD