Linda Lê, nhà văn người Việt tại Pháp, tác giả của nhiều tác phẩm hư cấu và phi hư cấu khác nhau, vừa qua đời vào hôm 9/5 sau một cơn ốm dài. Trong cuộc phỏng vấn sau đây được thực hiện vào tháng 7 năm 2007 bởi Leslie Barnes, Linda Lê thảo luận về các giao điểm của việc đọc, viết và trải nghiệm bản thân trong vũ trụ sáng tạo. Cuốn sách Le Complexe de Caliban (tạm dịch: Phức hợp của sự phụ thuộc, 2005) của bà cũng nói về những vấn đề này.
- Cuốn Le Complexe de Caliban của bà được lên ý tưởng như thế nào? Và tại sao bà lại lựa chọn pha trộn giữa tính tự truyện và các ẩn dụ văn chương?
+ Trong những năm qua, tôi đã viết nhiều bài về những nhà văn và các nhà viết tiểu luận mà tôi ngưỡng mộ, và từ những mảnh ghép ấy, một dự án bắt đầu hình thành xung quanh ý tưởng “việc đọc gì, và tại sao việc đọc lại khiến tôi viết một loại văn bản nào đó?” Đồng thời, tôi cũng nghiền ngẫm sâu hơn về bản thân mình - một người có nhiều lai lịch. Chẳng hạn như tôi biết rằng, mọi người đều coi tôi là tác giả Pháp, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy như vậy. Tôi cũng không thấy mình như một tác giả Việt Nam. Có lẽ chúng ta không nên nói về nguồn gốc; ở một mức độ nào đó người viết phải luôn “phá vỡ” nguồn gốc khi viết, dù cho đó là gia đình hay quê hương. Dường như đó là một trong những điều kiện cơ bản của việc viết.
Đúng là tôi đã nghi ngờ và đặt câu hỏi về lai lịch của mình, nhưng tôi cũng nhận ra rằng danh tính thực sự mà tôi có chính là cái tôi mà tôi tạo ra qua những cuốn sách mình viết. Do đó cuốn sách mang tính cá nhân của tôi, và được phản ảnh qua việc đọc những tác giả khác.
Nhà văn Linda Lê.
- Bà dành các chương của cuốn sách này cho nhiều tác giả khác nhau, từ Cioran, Hamsun, Tsvetaeva… cho đến những người khác - những người mà bà gọi là những “hồn ma thân thương” (dear departed). Bà có tự coi mình là một trong số đó?
+ Điều này thật ra giống với lòng trung thành mà tôi tuyên xưng với các nhà văn đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng của tôi trước khi tôi dám nghĩ một ngày nào đó mình cũng sẽ viết hơn. Thường thì có những nghịch lí, là các tác giả mà tôi ngưỡng mộ thời trẻ thì giờ đây tôi không còn đọc nổi nữa. Tuổi trẻ là một giai đoạn tôi đọc mà không phân biệt; chúng tôi đọc tiểu thuyết ba xu và tác phẩm kinh điển với cùng một sự thích thú. Sau đó thì nhiều cận biên và những ánh xạ bắt đầu gạn lọc. Giờ đây nhiều khi tôi không thể đọc một số cuốn sách - một vài tác giả - mà chỉ vài trang đầu thôi thì tôi đã thấy một sự tầm thường. Albert Camus chẳng hạn. Ông từng là người mà tôi đã đọc hết sức đam mê, nhưng sau này thì chỉ còn lại một nỗi khiếp đảm…
- Khiếp đảm?
+ Vâng. Những sáng tác của ông dường như vô hồn đối với tôi giờ đây, giống như những ý tưởng triết học được ghép vào một bộ xương; và nó thiếu thịt. Bạn không thể nghe được giọng nói của bất kì ai trong bộ xương đó. Và khi đọc trở lại những cuốn sách này, tôi đã tìm thấy phong cách của ông. Tôi vẫn mang sự ngưỡng mộ đối với những người mà ông trở thành: một người viết mâu thuẫn với thời đại mình, một người đàn ông lặn sâu vào phía bên trong. Cũng với tư cách một nhà tư tưởng, ông đã khám phá một số đề tài phong phú; và với tư cách một tiểu thuyết gia, ông đã tạo ra những con rối người, những phát ngôn viên cho niềm tin của mình.
Chúng ta cũng có thể thấy một sự tương đồng ở ông với Victor Hugo, người có xu hướng tạo ra nguyên mẫu thay vì sinh vật riêng lẻ, và đôi khi biến mất vào những tấn trò đời. Nhưng Hugo vẫn còn khiến tôi xúc động, đặc biệt là Hugo của Thằng cười, bởi vì tồn tại tham vọng sáng tạo thực sự ở đó.
Camus hiểu được thời đại của sự nghi ngờ trong các bài luận của Sarraute, và ông đã xử lí nó bằng cách viết những cuốn sách nghi ngại về tính hợp pháp của tiểu thuyết. Dù thế thì ông vẫn là một trong những “hồn ma thân yêu” bởi vì tôi nhớ rất rõ buổi chiều mà mình đọc được các tác phẩm của ông và chỉ nghĩ đến việc đọc nhiều, nhiều hơn nữa. Nhưng giờ đây tôi không có bất kì cuốn nào của ông. Có những tác giả như thế, những người mà tôi không còn đọc được nữa.
- Ở những chương khác, bà đã thể hiện một sự đồng cảm với dự án kịch thể nghiệm Theater of cruelty (tạm dịch: Nhà hát tàn ác) của Antonin Artaud. Trong tác phẩm này, Artaud đã so sánh nhà hát với bệnh dịch hạch, tuyên bố rằng mỗi một cá nhân phải “thực sự nhìn thấy chính mình; phơi bày thế giới và tiết lộ những lời dối trá, những sự yếu đuối, nỗi đê hèn, đạo đức giả …” Nhà hát của ông là để khiêu khích những người giả hiệu; liệu có sự tương đồng nào đó trong các sáng tác của bà không?
+ Tôi muốn điều đó, dù tôi không nghĩ quá nhiều về những gì mà các tác phẩm của mình có thể tạo ra. Người ta không viết mà không có ý phơi bày - có thể là chính mình hoặc một điều giả hiệu nào đó - ngay cả khi chính tác giả vẫn còn ảo tưởng đôi khi. Tôi đã học được điều này bằng các tổn hao của mình.
Văn chương là thanh gươm hai mặt: Nó đã giúp tôi định hình chính mình ở những thời điểm nhất định, nhưng đôi khi nó cũng tuyệt diệt chính bản thân tôi. Càng đi sâu vào trong chiều kích cá nhân, thì người ta sẽ càng có nhiều những cơn chuếnh choáng và những rủi ro diệt vong - và tôi đã tự mình trải nghiệm điều đó.
Tôi cũng hiểu rằng văn học có thể là một phương thức cứu rỗi thực sự. Tôi không nghĩ điều này theo nghĩa tôn giáo, nhưng … nó giống như một cảnh tàn phá, để rồi cuối cùng mọi thứ hồi sinh. Tôi không thể nói làm thế mà nó có thể xảy ra … Tôi chỉ nghĩ rằng sự sụp đổ là không thể tránh khỏi với văn học, tất nhiên là nếu chúng ta không gian lận. Nhưng cuối cùng, sau khi gục ngã, bằng cách nào đó chúng ta đã tự cứu lấy mình.
- Tôi rất ấn tượng với sự “không thoải mái” của bà đối với những từ vựng tôn giáo và giờ nó lại lặp lại trong các chủ đề của bà, cụ thể là sự sụp đổ từ ân sủng. Tôi thấy điều này trong cuốn Conte de l’amour bifrons, nơi bà đặc tả một sự “hoài nhớ tuyệt đối”, và ở Le Complexe de Caliban, bà cũng tuyên bố rằng người ta chỉ viết từ những mất mát. Điều gì là tuyệt đối? Mất mát thứ gì? Và phản bội phù hợp với những nơi đâu?
+ Tôi đã bị ám ảnh trong một thời gian dài bởi ý tưởng tôi đã phản bội ngôn ngữ và đất nước tôi. Cuối cùng, suy nghĩ này đã rời đi, thế nhưng cảm giác mất mát thì vẫn còn lại. Nhưng nó là thật. Tôi đã mất đi một trụ cột cho sự tồn tại của tôi, cha tôi, mà không có ông tôi sẽ không bao giờ viết.
Cái chết có thể là một phần của trật tự tàn nhẫn, nhưng tôi đã không thể đối mặt với nỗi đau của mình trong nhiều năm. Và cuộc sống tiếp tục khiến tôi tổn thương, điều mà tôi cố gắng trả lại bằng cách tìm kiếm lời nói, bằng cách không nhượng bộ chủ nghĩa thất bại, và bằng cách chống lại sự biến mất của điều sẽ khiến thế giới trở nên dễ chịu hơn.
Nhưng ngay cả với nỗi hoài nhớ, tôi không phải người có xu hướng nhìn lại. Tất cả năng lượng của tôi hướng đến việc tìm kiếm một cái gì đó mới, một điều tuyệt đối bất chấp mọi thứ: cái chết và sự vỡ mộng, đó là bệnh dịch của kỉ nguyên chúng ta.
- Thế thì nhiệm vụ của nhà văn hiện đại là gì? Như Knut Hamsun mà bà viết trong cuốn Le Complexe de Caliban thì đó là việc kiểm tra những mâu thuẫn bên trong tâm lí con người. Còn với Sartre thì đó là việc dung hòa chính trị vào trong đời sống.
+ Tôi nghĩ Ingeborg Bachmann, một nhà văn mà tôi vô cùng tôn trọng, đã nói rất hay. Bà nói nhiệm vụ của một nhà văn là phải mở mắt. Và điều này quay ngược trở lại với những gì mà Artaud đã nói về lời dối trá. Đối với Bachmann, chúng ta phải mở mắt để không mắc kẹt trong sự lừa lọc, hoặc theo những cách suy nghĩ cố định, để không chạy trốn khỏi sự tàn ác của thực tế.
Tôi nghĩ rằng nếu nhà văn có một nhiệm vụ, thì trên hết phải là chính mình. Là chính mình trước, để phá vỡ các rào cản và phiêu lưu vào những điều mà ta chưa biết, làm cho người viết trở thành người có tầm nhìn, như Rimbaud nói, nhưng rõ ràng đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Với cá nhân tôi, tôi tin thật không bình thường khi các nhà văn đưa ra ý kiến về mọi thứ. Tôi nghĩ nhà văn cũng giống như những người khác, tồn tại điểm yếu và các thiên vị cố hữu. Ngược lại, trách nhiệm của người viết, có lẽ là không để bản thân lăn theo xu hướng nông cạn trong việc tham gia vào mọi thứ xảy ra trên thế giới này.
Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa chúng ta nên rút lui vào sự cô độc hoặc bỏ qua những lời than khóc. Chúng ta không được thờ ơ với những bất công trên thế giới. Và đây là một cuộc đấu tranh cho tất cả mọi người.
Những tác phẩm của nhà văn Linda Lê đã được dịch ra tiếng Việt. Nguồn: Phan Chung
- Nhân vật Bartleby của Melville cũng là một cá tính quan trọng được bà nhắc đến trong Le Complexe de Caliban, và ảnh hưởng của sự im lặng từ nhân vật này đối với chính bà, với nguồn gốc của bà, với việc nhập cư của bà, với việc đọc và viết của bà; là rất sâu sắc. Bà nói bà thấy chính mình ở vị trí Bartleby, nghĩa là từ trong góc nhìn của một nhân dạng nổi loạn đang “ôm lấy số phận của một nhà văn” Bà có thể nói rõ hơn không?
+ Tôi nghĩ anh ta thực sự là một ý tưởng về kiểu nhân vật không muốn gì, người khẳng định sự tồn tại của bản thân một cách kì lạ, nghĩa là, từ chối xếp mình vào bất cứ hạng mục nào. Và sau đó, như Gilles Deleuze ghi chú, Bartleby là minh chứng nổi bật nhất về một thế giới không lai lịch. Đúng vậy. Trong văn học luôn luôn tồn tại nỗ lực để quay về với nguồn gốc của bản thân người viết, từ bất kì phương thức nào có thể - từ đoạt lấy sức mạnh, nhìn lại quê hương, tìm về tiếng mẹ đẻ, hoặc thậm chí là có niềm tin vào một người cha thực sự, như Kafka vậy - và điều này đã ám ảnh tôi một thời gian dài.
Nhưng ngoài ra, Bartleby cũng là nhân vật từ chối để lại di sản. Trong nhiều năm, tôi tự hỏi về các nhà văn im lặng: những người hoàn toàn ngừng viết, như Rimbaud; những người dừng lại 10 năm, như Ingeborg Bachmann; những người dừng lại 20 năm, như Akhmatova … Tôi đã luôn bị mê hoặc bởi sự im lặng, dù bị buộc tội hoặc họ cố ý - đôi khi là cả văn nghiệp.
Và tôi nghĩ về Maria Tsvetaeva, người mà tôi ngưỡng mộ rất nhiều, người đã treo cổ khi chạm đến một thực tế là bà không còn có thể viết thêm gì nữa ở Nga. Bà ấy không muốn dính dáng vào trong chính trị và đã luôn chọn bảo vệ những người bị bức hại, bất kể màu da hay ý kiến của họ - đến mức nó làm tê liệt công việc của bà, trong khi bản thân bà thì tự lưu đày trong những năm tháng lưu vong. Cô đơn và khốn khổ, bà viết một cách giận dữ mỗi sáng bên bàn. Tôi bị ám ảnh bởi sự im lặng này. Mỗi lần tôi vào một kì khủng hoảng, tôi nghĩ rằng mình không còn có thể viết. Và ngày một rõ ràng, rằng khi tôi không viết, cuộc sống không còn ý nghĩa nữa.
- Bà đã bao giờ trải qua những giai đoạn im lặng chưa?
+ Chưa, và tôi đã luôn xoay sở để viết, nhưng nó vẫn cứ ở đó, ý tưởng rằng một ngày nào đó tôi sẽ không còn có thể viết nữa, một ngày nào đó lời sẽ không còn thốt ra nữa. Điều này đau đớn đối với chính tôi hơn cả cái chết.
NGÔ MINH dịch
VNQD