'Xa ngoài kia nơi loài tôm hát' - Bản tụng ca đầm lầy

Thứ Sáu, 20/05/2022 06:30

Ngay từ khi ra mắt đã là một cú nổ lớn, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của nhà văn - nhà động vật học Delia Owens mang dáng dấp của một tiểu thuyết sinh thái, khi tụng ca vẻ đẹp tự nhiên, kết hợp cùng với bi kịch con người, cũng như trải nghiệm giao hòa giữa văn minh và hoang dã.

Tiểu thuyết gồm hai mạch truyện được kể song song, về Kya - cô gái đầm lầy, và những năm tháng trưởng thành cùng tự nhiên của cô. Bị bỏ rơi bởi từng thành viên trong gia đình mình, cô được thiên nhiên nuôi dưỡng rồi trở thành “con thú hoang” cô độc chạy trốn văn minh, bị gán vào tội mưu sát Chase Andrews. Rốt cuộc cái chết của người đàn ông phong lưu ấy do ai gây ra?

VẺ ĐẸP THIÊN NHIÊN

Là tác phẩm hư cấu đầu tay của một nhà động vật học, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát có thể đánh gục người đọc bằng những quan sát và đồng nhất giữa cuộc sống con người và thế giới tự nhiên vô cùng tinh tế của Delia Owens. Sống tách biệt và mang trong mình biệt danh “rác rưởi đầm lầy” hay “chuột đầm lầy”, đó dường như là bi kịch của Kya, nhưng đồng thời cũng mở ra một cuộc sống giao hòa, chia sẻ cùng nhau và nhất là nhận thấy được vẻ đẹp thiên nhiên mà không phải ai cũng có thể thấy được.

Từ việc sưu tập lông vũ, xương, vỏ sò và tổ chim cho đến làm bạn với bầy mòng biển, hươu, nai… Ở Kya người đọc thấy được cuộc sống dường như nguyên thủy, khi cô kiếm ăn cũng từ đầm lầy, và lớn lên cũng từ nơi đó. Khi mẹ, anh trai rồi cuối cùng là cha bỏ đi, cô tự mua xăng và sắm đồ dùng bằng việc bán vẹm, làm cá xông khói cũng như đào đất để trồng những loại rau củ. Sống trong đồng lầy, nên thuyền, bài ca của lũ chim cũng như ánh sáng từ những vì sao là thứ chỉ đường cho một cô gái bị săn đuổi, xa lánh và được cho là gây e ngại.

Xa ngoài kia nơi loài tôm hát bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Những bi kịch trong cuộc đời cô đều được quy ngang so với tập tính của những loài vật khác. Vì sao mẹ cô bỏ đi và để lại những đứa con của mình? Bởi lẽ cũng như loài cáo, khi cảm thấy chúng không đủ sức lực để nuôi con, chúng sẽ bỏ lại bầy con đó để rồi cố gắng tận trung cho bầy tiếp theo. Mẹ cô cũng vậy. Bà bỏ đi như tự giải thoát, và cũng là để bảo vệ bầy con trước người bố dường như bạo lực trong sự bất lực của bản thân trước miếng ăn của gia đình.

Nếu một con chim trở nên khác với những con cùng bầy, thì nó sẽ dễ thu hút thú săn mồi hơn nên phần còn lại của bầy sẽ phải giết nó. Đó là phương án tốt hơn việc dụ đến một con đại bàng vốn có thể bắt chúng trong cuộc mặc cả. Và đó là lí do vì sao mà từng người một bỏ cô mà đi, để lại trong cô một sự kiềm nén cảm xúc luôn luôn tồn tại. Vẻ đẹp của vùng đồng lầy vừa là bối cảnh mà cũng là một phương thuốc an ủi, bởi tính chất bất định và luôn thay đổi, xóa bỏ dấu vết; cũng là khi Kya đón nhận tự nhiên như người bạn thân, thay thế cho những vai trò mà cô đã thiếu trong đời sống của mình.

Đồng lầy có thể là vùng hiểm ác, nhưng bất cứ tấc đất nào cũng không nghèo nàn. Delia Owens mang đến bài học tưởng cũ nhưng chưa khi nào lỗi thời của Rachel Carson hay Aldo Leopold, về tầm quan trọng của đất và đó chính là gốc rễ của cuộc sống. Bà viết: “Tầng tầng lớp lớp sự sống - cua rù rì ngoe nguẩy, tôm hùm đất sủi bùn, hằng hà chim nước, cá, tôm, sò, hươu béo xị, ngỗng mập núc- chất chồng trên đất hay trong nước. kẻ không ngại lùng sục tìm bữa ăn sẽ không đời nào chết đói được […] Đồng lầy không giam giữ mà định nghĩa con người họ, và như tất cả những vùng đất linh thiêng, chúng giữ cho bí mật của họ được vùi sâu”.

VĂN MINH ĐỐI ĐẦU THIÊN NHIÊN

Trong các tác phẩm đề cao tự nhiên, dường như nan đề đối nghịch giữa văn minh, vật chất cùng với tự nhiên và thứ thuần nguyên nhất luôn luôn tồn tại, và Xa ngoài kia nơi loài tôm hát cũng không thiếu vắng điều đó. Văn minh trong tác phẩm của Delia Owens không mang hàm nghĩa vật chất hay là thời sự, mà bà đánh mạnh hơn vào cảm xúc, vào cách mà con người ta nhìn nhận thiên nhiên, đối xử với tự nhiên, và những đứa con của nó.

Đó có thể là tình cảm trìu mến của những con người còn giữ niềm tin. Đó là sự tương đồng về tình yêu thiên nhiên với Tate, nhưng cũng có thể là lòng tin ở sự sẻ chia, với ông Jumpin’ và bà Mabel. Mặt khác, Delia Owens cũng khắc họa được góc nhìn không mấy thiện cảm của người văn minh với những cá thể lệch chuẩn, như Kya, cô gái đầm lầy; hoặc người da màu, như ông Jumpin’ và bà Mabel. Sắc dân da trắng và đã tiến bộ ở trong thị trấn vẫn nhìn những con người này dưới sự ghét bỏ. Đó là phiên tòa áp tội Kya, đó là người vợ mục sư và sự cảnh giác với một bé gái dường như bất khả để làm được làm gì…

Nhà văn, nhà động vật học Delia Owens.

Chính sự trêu đùa của những đứa trẻ ở trường học đã khiến Kya bỏ học, từ đó gắn chặt cô vào cùng với mòng biển, loài diệc và cái lán; để rồi đồng lầy là gia đình duy nhất của cô. Xa thật xa nơi loài tôm hát nghĩa là thật xa nơi rừng rậm loài vật vẫn còn hoang dã, và vẫn cư xử như loài hoang dã. Thế nhưng khi ta cư xử như kẻ săn bắt, thì con thú sẽ liền lập tức thành kẻ bị săn. Cũng như những con người khác, Kya mong muốn việc được ghi nhận, và trải qua cảm xúc cũng như một người thật sự. Đó là lí do vì sao cô bị lừa dối bởi Chase Andrews với những tình cảm gần như thuần nguyên, và cuối cùng khép lại là phiên tòa xử.

Đồng lầy là nhà của cô, là nơi đã dạy cô đọc và dạy cô viết, làm nên con người cô và là mẫu nhỏ liên hệ với gia đình cũ; thế nhưng nó cũng đồng thời là một vùng đất cô độc, nơi tình yêu không thể nảy mầm và là cánh đồng vẫn chưa gieo hạt, bởi những cây trái giả dối và đầy sâu mọt vẫn còn lủng lẳng treo phía trên cao. Đó là nghi hoặc của người không thể chấp nhận được sự đa dạng, đó là lừa dối của những con người đang không thực sống và cũng là những bí mật vô cùng muốn quên. Văn minh chính là cõi lòng của sự kẻ cả, ban ơn, của việc tự cho bản thân đứng trên vị thế đối với tự nhiên. Xa ngoài kia nơi loài tôm hát một cách thành công đã khắc họa được điều này, sáng rõ và nhiều cảm xúc.

Nếu Phúc lành của đất khắc họa vẻ đẹp siêng năng làm việc từ mảnh ruộng vườn của Knut Hamsun, thì Xa ngoài kia nơi loài tôm hát là bản tụng ca vẻ đẹp tự nhiên, của con người sống nhờ vào đó, và cũng là những bí ẩn muốn giấu, của những xấu xa đục khoét, cũng như những lợi dụng, đen tối của một xã hội văn minh không thể chấp nhận được sự đa dạng và xem nhẹ tự nhiên. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Delia Owens vừa đẹp bởi những mô tả thiên nhiên thuần nguyên nhất, mà nó còn là cõi lòng dâng hiến cho một sự sống hài hòa, như Adold Leopold với đất đai thuận lành. Một tác phẩm khơi gợi được những vẻ đẹp và nhiều cảm xúc.

Tháng 7 tới đây, bộ phim điện ảnh chuyển thể từ Xa ngoài kia nơi loài tôm hát sẽ đến với khán giả trên toàn thế giới. Dưới sự nhào nặn của nữ đạo diễn Olivia Newman cùng biên kịch đoạt giải Oscar, Lucy Alibar; nữ diễn viên Daisy Edgar-Jones sẽ thủ vai chính Kya, sau thành công trước đó ở bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Normal People (tựa tiếng Việt: Giữa hai chúng ta) của Sally Rooney. Ngoài ra, nhạc phim được thực hiện bởi Taylor Swift cũng khiến khán giả vô cùng chờ đón.

NGÔ THUẬN PHÁT

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)