Là cuốn sách nổi bật nhất năm 2021 khi liên tục gặt hái các giải thưởng và nằm trong danh sách bán chạy, Nửa kia mất tích của Brit Bennett là một nỗ lực nhằm khắc hoạ lại các vấn đề chủng tộc, tiếng nói của những cá nhân yếm thế và hành trình vượt thoát khỏi những giới hạn vốn có từ lâu.
Kể về cặp song sinh Desiree và Stella của nhà Vignes, một ngày nọ bỗng biến mất khỏi Mallard - một thị trấn nhỏ vô danh, và chỉ 14 năm sau thì một mảnh ghép trong hai chị em mới kịp trở về. Một nửa còn lại vẫn đang ở đâu? Cô đang chối bỏ điều gì, cũng như cố gắng vượt lên điều mà số phận đã gán lên mình ra sao?
CHỦ NGHĨA MÀU DA
Là một tác giả da màu, nên việc hiểu rõ và thấu hiểu những khát khao cũng như ước vọng của việc rứt bản thân ra khỏi khái niệm “ngoại tộc” của Brit Bennett được thể hiện vô cùng nổi bật trong tác phẩm này. Quay về thời điểm những năm 40, khi người da trắng vẫn coi người da màu là cái gai trong mắt, Leon - cha của hai chị em cũng bị vu oan như vụ Strange Fruit chỉ vì bản thân đã làm quá tốt công việc của mình, và người chứng kiến điều đó không ai khác ngoài hai chị em họ.
Ở thập kỉ ấy “dân da trắng giết ta nếu ta muốn quá nhiều, rồi cũng giết ta nếu ta muốn quá ít. Ta phải tuân theo luật chơi của chúng nhưng chúng cũng có thể thay đổi luật chơi bất cứ lúc nào”. Từ trên tình thế mong manh và sự quỷ quyệt ấy, sự tự tôn cũng như tự ghê tởm chủng tộc mình bắt đầu thành hình, mà điều đó thể hiện rõ nhất là ở cộng đồng Mallard cũng như hành trình xoá bỏ quá khứ của Stella.
Tác phẩm Nửa kia biệt tích, lọt vào vòng chung khảo giải Women Prize for Fiction 2021 và là hiện tượng xuất bản cùng năm này.
Mallard tuy là một thị trấn vô danh ở Lousiana, thế nhưng nó lại nổi bật một cách khác biệt, bởi đó là vùng đất bị ám ảnh bởi da sáng màu, của những người chẳng bao giờ được coi là dân da trắng nhưng chối từ bị đối xử như người da đen. Cũng như Toni Morrison phân tích trong những bài luận Nguồn gốc của ngoại tộc, khi chứng kiến những gì người da trắng phản ứng với “chủng tộc mình”, người dân Mallard liền khép bản thân lại. Họ không ưa thích ý định có người da màu (mà sự tò mò về Kennedy là một ví dụ), và loại trừ những cá thể riêng sở hữu điều đó.
Đó là lí do vì sao tự trong “chủng tộc” mình, những người da màu cũng sớm tự phân biệt và coi khinh nhau. Với Sam, anh coi Desiree như một ơn trên, và nhắc con gái mình phải luôn canh chừng mẹ nó, vì bà luôn coi bản thân tốt hơn “chúng ta”. Cụm “chúng ta” đó thể hiện điều gì, bao nhiêu sắc trắng ẩn trên sắc đen, hay khả năng nào ẩn giấu được tính da màu đằng sau những sắc da trắng? Có thể là cả hai, khi Stella làm hệt như thế, ẩn mình khỏi “chủng tộc” mình; để tự bước vào xứ Oz bất ngờ, với “ông chủ” Sanders, và tự huyễn hoặc bản thân thuộc về tầng lớp thượng lưu da trắng.
Như sau này Kennedy, cô bé da đen thuần chủng, vẫn luôn coi rằng người dì Stella không giống nó, và là phiên bản tốt hơn của mẹ. Hai chị em Desiree và Stella bổ khuyết cho nhau, đối nghịch nhau, và luôn chuyển dịch vị trí. Họ đại diện cho hai tư tưởng hướng về màu da, một người tự tôn làn da của mình, Desiree, người thoát khỏi Mallard chỉ vì buồn chán; trong khi Stella luôn tự cảm thấy khinh ghét cội nguồn, và buộc bản thân phải chạy khỏi đó. Hai chị em liên tục biến hoá lẫn nhau, và dù cùng chủng tộc, nhưng “màu da hư vô” của họ là hoàn toàn khác nhau. Vấn đề chủng tộc đã được Brit Bennett khắc hoạ sâu hơn như thế, dưới góc nhìn phân mảnh của người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nó.
Thế nhưng tiếng gọi nguồn cội vẫn luôn theo sát họ, và nó làm nên tiếng gọi quay về dẫu cho vật đổi sao dời. “Mọi người thường nghĩ độc nhất vô nhị khiến ta trở nên đặc biệt. Không, nó chỉ khiến ta trở nên cô đơn. Thuộc về ai đó mới đặc biệt”. Đó là lí do vì sao chạy trốn khỏi lời nói dối màu da, nhưng Stella vẫn không thể cưỡng lại được việc nói chuyện với Loretta như một hiện thân của Desiree, và giữa những người phụ nữ của nhà Vignes luôn xuất hiện những phản ứng điện tích nào đó, bởi nhẽ “Người ta có thể chạy thoát khỏi thị trấn, nhưng không thể thoát khỏi giống nòi”.
NHỮNG NGƯỜI YẾM THẾ
Không chỉ viết về chủ nghĩa màu da, mà Nửa kia biệt tích của Brit Bennett cũng mở rộng hướng tới những đối tượng đặc biệt hơn - những người yếm thế, những người “ngoại cuộc” và “lệch chuẩn” khỏi những chuẩn mực đời sống. Những lời nói dối hay sự che đậy mà suốt đời Stella mong muốn kiềm giữ thật ra không quá quan trọng, bởi nhẽ ta luôn có thể sống một cuộc đời dối trá, tách biệt bản thân, miễn ta biết rằng bản thể nào đang làm chủ cuộc đời.
Đó là Barry - thầy giáo dạy hoá, nhưng trong những buổi tối vẫn khoác lên dáng hình phụ nữ, và trở thành Bianca để đến những tụ điểm giải trí. Đó là Threse, sinh ra như một bé gái, nhưng sống như Reese, một người đàn ông. Đó còn là Kennedy - cô gái được cha mẹ bảo bọc, để rồi oằn mình muốn sống với mơ ước. Thế nhưng vai diễn của Stella cuối cùng có thật thành công, khi rồi cô cũng tìm về Mallard, với người mẹ mắc chứng Alzheimer và người chị mòn mỏi mong chờ?
Tác giả Brit Bennett.
Những nhân vật trong Nửa kia biệt tích dường như phải mất một khoảng thời gian rất lâu để tìm ra được tiếng nói thật sự của bản thân mình. Kennedy thì phải đến tuổi trung niên, khi những bộ phim truyền hình không còn cần đến cô, để biết ước mơ đời mình là gì. Early thì sớm hơn, từ một con “ngựa hoang” sống cù bất cù bơ không nhà, săn lùng người lạ; chỉ đến khi gặp lại Desiree sau 14 năm về lại Mallard, thì mới sống một đời yên ổn trong tình yêu và những thứ dễ chịu.
Ngay cả Stella, khi phải quay về quê nhà, nhưng vai diễn của cô đã không hoàn toàn thất bại. Giờ đây cô biết bản thân là một người mẹ, hơn là Stella-da-màu. Cô biết mình là quý bà Sanders hơn là Stella nghiêm nghị và luôn ngăn nắp. Dẫu đi thật xa để cuối cùng trở về, nhưng cô cũng đã tìm được con người mình muốn trưởng thành, và sống hết mình với nó, không buông bỏ hay chọn một ngã rẽ khác.
Có thể thấy rằng Nửa kia biệt tích là cuốn sách lớn, khi không chỉ cho thấy những ngã rẽ của màu da “hư vô”, của “chủng tộc” tự xưng; mà ngay những người trong cộng đồng họ, chảy cùng dòng máu, vẫn chứng kiến nhau và phản ánh lẫn nhau. Brit Bennett men theo vấn đề chủ chốt và đầy thú vị, để cho thấy rằng dù nhiều năm tháng đã kịp trôi qua, thế nhưng chủ nghĩa màu da vẫn luôn còn đó và mãi tồn tại.
Đó cũng là tiếng nói của một cộng đồng người yếm thế, của sự biến hoá, của cú chuyển mình và của những lời nói dối vô hại. Nửa kia biệt tích phơi bày sự thật, về việc ta là ai không quan trọng bằng việc ta muốn bản thân trở thành người nào. Tiếng nói của một xã hội bao gồm những người “lệch chuẩn” được cất lên như thế, giữa trắng - đen, tiêu chuẩn - hỗn tạp không bao giờ được phân định rõ ràng. Qua cuốn sách này Brit Bennett cũng chứng minh bản thân là một tác giả đương đại lớn, có sức bật và đi sâu vào trong những vấn đề “chủng tộc” hiếm khi được phơi bày.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD