"Châu Phi nghìn trùng" - một đời ngoái lại

Chủ Nhật, 08/05/2022 07:46

TRỊNH NGỌC TRÂM
 

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi

Còn gì đâu nữa mà khóc với cười…(1)

Nữ văn sĩ Isak Dinesen rời xa châu Phi sau mười bảy năm chinh phục, hoà nhập, gắn bó và yêu thương. Bảy năm sau, năm 1937, bà xuất bản tác phẩm Châu Phi nghìn trùng(2).

Châu Phi nghìn trùng là hồi ức về quãng đời thanh xuân nhiều biến động, lắm sự kiện và đầy cảm xúc của Isak Dinesen. Bà cùng chồng đến châu Phi với vai trò là người khai thác thuộc địa - chủ nhân của một đồn điền dưới chân rặng núi Ngong phía tây nam Kenya. Cuối cùng, đồn điền thất bát, kinh doanh thất bại, hôn nhân đổ vỡ, người tình tử nạn, Isak Dinesen đành rời xa châu Phi.

Xa châu Phi một lần, nhớ châu Phi một đời. Một đời luôn ngoái lại, cho dù “còn gì đâu nữa mà khóc với cười”.

Mời người lên xe về miền quá khứ

Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu…

Bán đồn điền, bán tài sản, Isak Dinesen chỉ đem theo toàn vẹn tình thương yêu với con người, vạn vật và đất trời châu Phi trên chuyến tàu trở về Đan Mạch; ủ ấp nâng niu nó trong từng nhịp đập, từng hơi thở của phần đời còn lại. Và, bằng một thứ văn phong trác tuyệt, lộng lẫy, đậm chất nữ tính và giàu tính liên văn bản, bà đã khiến bạn đọc đắm say trong miền quá khứ của Châu Phi nghìn trùng - châu Phi xa xôi - châu Phi gần mãi.

Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm màu

Có lũ kỉ niệm trước sau…

Kỉ niệm chồng chồng lớp lớp. Đó là kỉ niệm về tình người, tình đất giữa những con người khác nhau về màu da, về địa vị xã hội nhưng đã biết vượt qua những cách biệt để gắn bó, yêu thương. Bằng bản năng chở che và nuôi dưỡng của người phụ nữ, Isak Dinesen đã tự làm thầy thuốc để chữa bệnh cho người dân bản địa. Từ vai trò là một chủ điền trang, bà trở thành “dì phước” của tộc người Kikuyu và Masai; trở thành bạn tâm giao của họ. Không còn khoảng cách, không còn thứ bậc, chỉ còn sự tin cậy và tình yêu thương. Các bà già ở đồn điền gọi nữ chủ nhân của mình là Jerie - cái tên đặc thù dành cho những cô gái sinh ra trong một gia đình có nhiều anh chị khôn lớn. Jerie là công chúa nhỏ, là cô út, là nữ hoàng, là bạn. Jerie hàm chứa tất cả tình yêu thương. Jerie là kết quả của sự hoà hợp hiếm có của hai màu da, hai sắc tộc; là quá trình going black (trắng chuyển thành đen) của nữ sĩ Isak Dinesen và quá trình going white (đen chuyển thành trắng) của người bản địa. Nhưng rồi, bao biến cố ập đến như một bi kịch đến hồi kết: đột ngột, đớn đau…

Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi

Còn lời trăng trối gửi đến cho người

Ngày chia tay lặng lẽ mưa rơi…

Cứ nghĩ rằng sẽ ăn đời ở kiếp với châu Phi, Isak Dinesen và người bạn Denys Finch-Hatton thân thiết của mình từng mong ước được mai táng ở núi Ngong, nếu một mai họ lìa trần. Trong một chuyến bay trên bầu trời châu Phi mênh mông, Denys tử nạn. Isak cùng bạn bè và gia nhân đào huyệt mộ cho anh trong một ngày mưa tầm tã, mưa mờ mịt không còn nhìn thấy đất trời.

Kết thúc những tháng ngày êm đềm bên nhau với thơ ca, âm nhạc, săn bắn và bao sẻ chia ý hợp tâm đầu, Denys nằm lại bên núi Ngong. “Hơn bất cứ một người da trắng nào, anh tỏ tường đất đai cùng các mùa nơi đây, thực vật và những loài hoang thú, các loại gió cũng như những thứ mùi.” Anh đã thấu suốt đất nước này, châu Phi trở thành một phần của anh. Bây giờ, nó đón nhận anh; anh ở lại cùng châu Phi, cùng núi Ngong mãi mãi.

Lúc Isak Dinesen cất bước ra đi, các gia nhân mở toang mọi cánh cửa sau lưng bà, dù họ luôn được chỉ dạy phải đóng chặt mọi cửa nẻo. Hành động đó chứng tỏ họ chờ mong bà trở lại. Nhưng Châu Phi nghìn trùng - một đi không trở lại - châu Phi trở thành niềm nhớ tiếc khôn cùng.

“Hãy cưỡi ngựa, bắn cung, nói sự thật.” Đó là phương châm sống của tầng lớp quý tộc Ba Tư được Isak Dinesen dùng làm đề từ cho tác phẩm. Sự thật của Châu Phi nghìn trùng mở ra trong người đọc những chân trời tiếp nhận khác nhau. Vấn đề khai thác thuộc địa; vấn đề đất đai, tôn giáo, văn hoá bản địa; văn hoá hậu thực dân; chủ nghĩa hậu thực dân; cái hoang dã; sinh thái hậu thực dân; sinh thái nữ quyền; nữ quyền luận… Tất cả lần lượt hiện ra sống động từ giọng kể điềm đạm pha chút châm biếm một cách kín đáo của nữ nhà văn hai lần được đề cử giải Nobel.

“Hãy yêu thương lòng tự tôn của các dân tộc bị chinh phục, và hãy để họ được tôn kính cha mẹ mình.” “Lúc bị chúng ta tước đoạt đất, thứ người bản xứ mất mát thực ra còn hơn cả đất. Đó còn là quá khứ của họ, cội rễ họ, nhân thân họ. Nếu ta lấy đi thứ họ quen được nhìn và mong được thấy, có thể nói ta cũng cướp đi luôn cặp mắt họ.” Nói lên sự thật này, Isak Dinesen đã xem châu Phi là máu thịt của tâm hồn mình. Bà đã hiểu châu Phi, hiểu người dân nơi đây như hiểu chính mình.

Trước ngày Isak Dinesen ra đi, lễ hội Ngoma trọng đại mà một trăm vị cao niên bộ tộc Kikuyu tổ chức để tiễn đưa bà cũng bị chính quyền thực dân cấm đoán. Trăm vị bô lão mình trần, phục trang và phẩm màu theo lối truyền thống trịnh trọng chuẩn bị nhảy múa chợt khựng lại, thất vọng và ngơ ngác như một bầy cừu già. Còn Isak Dinesen thì đau đớn tỏ bày: “Trong suốt phần đời ở châu Phi của mình, tôi chưa từng nếm trải thời khắc nào chua cay đến thế…, bão lòng tôi cũng chưa bao giờ sục sôi đến thế.” Bởi vì, bà hiểu rằng, nếu lễ Ngoma vĩ đại vô song bị xoá sổ, văn hoá bản địa cũng đã đến hồi tiêu vong.

Chủ mới của đồn điền sẽ phân lô bán đất xây nhà. Hết rồi rừng cà phê, hết rồi đàn gia súc, hết rồi các mục đồng, hết rồi các loài thú hoang ghé nhà tuỳ ý, hết rồi các lễ hội và phong tục… Người bản địa trở thành lưu dân từ vùng đất này sang vùng đất khác. Đi đến đâu, họ cũng đều mang theo tên núi, tên sông, tên thảo nguyên chốn cũ để đặt cho núi sông thảo nguyên ở xứ sở mới. “Đem theo cội rễ bị cắt rời như phương thuốc chữa trị trong hoàn cảnh bị đày ải”, để rồi trong nhiều năm sau, họ thay nhau kể mãi về lịch sử và địa lí của vùng đất mình, cho dù gánh nặng của diệt vong đang dần đè lên đầu họ.

Bối cảnh câu chuyện của Châu Phi nghìn trùng cho thấy việc khai thác thuộc địa đầu thế kỉ XX đã bước vào giai đoạn bình định. Những xung khắc về sắc tộc, văn hoá, tôn giáo hầu như không còn; cũng không có cảnh chống đối, trừng phạt, chém giết, hãm hiếp, máu me… Tuy nhiên, qua những bất công và thiệt thòi mà cư dân bản địa phải gánh chịu, qua nỗi băn khoăn day dứt của Isak Dinesen đối với sinh mệnh dân tộc họ, có thể thấy được mất mát của những dân tộc bé nhỏ trong quá trình bị thực dân xâm lược, khi mà “dây cuống rốn kết nối họ với thiên nhiên chưa thực sự đứt lìa”. Vì thế, nhà văn từng nói rằng, nếu viết về châu Phi, cuốn sách của bà sẽ “chứa đựng vô vàn chua chát và oán thán cách người Anh xử sự với xứ sở và con người nơi đó”. Cuốn sách sẽ là tiếng nức nở của lòng bà trước chế độ nông nô.

Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời

Đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người…

Chú bé Sirunga từng được Isak Dinesen giúp chữa bệnh động kinh mắm môi mắm lợi chạy theo xe bà cho đến tận nơi giao cắt của đồn điền và đường cái quan. Chú bé ngóng theo, cho đến lúc Isak Dinesen chẳng còn thấy gì nữa. Bà ngước nhìn lại, núi Ngong thuần một sắc lơ vẫn sừng sững giữa miền đất châu Phi, và vĩnh viễn sừng sững trong kí ức của bà.

“Tôi chẳng để Người đi trừ phi Người ban phước cho tôi.” Isak Dinesen đã ban phước cho người dân đồn điền như câu kinh của Sáng thế kí được nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm hay chưa? Sự yêu thương, gần gũi, chăm sóc, chở che của bà đối với họ có đủ để bù đắp cho nỗi mất mát lớn của bộ tộc hay không? Dẫu gì, người dân châu Phi cũng phải để Isak Dinesen ra đi, vì chính họ không có quyền giữ bà lại; cũng như không có quyền định đoạt số phận của bộ tộc mình.

Isak Dinesen mất đồn điền, người Kikuyu và Masai mất quê hương bản quán; còn chúng ta - những bạn đọc của chín mươi năm sau, chúng ta mất cả châu Phi: cảnh quan châu Phi, hoang dã châu Phi, thổ dân châu Phi, tập tục lễ hội châu Phi… Hỡi ôi, châu Phi đã nghìn trùng!

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi

Còn gì đâu nữa mà giữ cho người…

Vẫn còn! Còn mãi đây tấm lòng với người và đất qua những áng văn miêu tả phong cảnh hoang dã như dệt gấm thêu hoa từ ngôn ngữ giàu hình ảnh và vốn kiến văn thâm hậu của người phụ nữ đa đoan và mẫn cảm. Tác giả Isak Dinesen đã làm say đắm hồn người bằng thủ pháp so sánh nhân hoá và vật hoá độc đáo; bằng ý vị triết lí nhẹ nhàng và ẩn dụ sâu sắc. Bà đã mang đến cho người đọc một châu Phi nghĩa trọng tình thâm, can đảm, hào hiệp và dâng hiến; một châu Phi khoáng đạt, tráng lệ, huyền ảo và gần gũi đến mức “chỉ nội hành động lặng ngắm nó cũng đủ khiến bạn hạnh phúc trọn đời”. Vì lẽ đó, Châu Phi nghìn trùng của Isak Dinesen được xem là một trong những văn bản phi hư cấu hay nhất mọi thời đại.

Châu Phi nghìn trùng - một đời ngoái lại - muôn đời ngoái lại - chắc chắn sẽ mở ra nhiều chân trời tiếp nhận đối với bạn đọc Việt Nam.

T.N.T

----------

1. Thơ được trích dẫn trong bài viết này là ca từ bài hát Nghìn trùng xa cách của Phạm Duy.

2. Isak Dinesen, Châu Phi nghìn trùng, bản dịch của Hà Thế Giang, Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2021; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)