Bác bỏ luận điệu phản động “miền Bắc xâm lược miền Nam”!

Thứ Sáu, 29/04/2022 16:40

. HẢI NGUYÊN

 

Chưa hết tâm trạng cay cú, hằn học, các thế lực phản động lưu vong luôn có những luận điệu xuyên tạc ý nghĩa thành quả vĩ đại của công cuộc thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Chúng “khẳng định” vì “Việt Cộng xâm lược miền Nam” nên phải coi ngày 30/4 là ngày “Quốc hận”, “Ngày mất nước”... Trắng trợn hơn chúng tìm mọi cách hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, trong đó trơ tráo vu khống: “Hồ Chí Minh là người phát động cuộc cưỡng chiếm miền Nam”. Lại có một số ít kẻ cơ hội trong nước a dua với lời lẽ hàm hồ “30 năm chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn”; “cuộc chiến mang tính ý thức hệ”... Hẳn nhiên những lời xuyên tạc xấu xa như gió độc ấy làm sao có thể gây tác động đến ngọn núi chân lý, chính nghĩa của Đảng và nhân dân ta. Nhưng cần nhận rõ hơn đó là những chiêu trò nằm trong âm mưu diễn biến hòa bình rất thâm hiểm của các thế lực phản động từng tuyên bố “không thắng trong chiến tranh nhưng sẽ thắng trong hòa bình”; “không thắng bằng súng đạn nhưng sẽ thắng bằng dư luận” với mục đích đen tối là phủ nhận đường lối của Đảng để dần làm lung lay rồi thay thế chế độ. Bài viết xin vạch rõ một luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tấm lòng Bác Hồ với miền Nam trong những năm nhân dân ta kháng chiến chống Pháp và Mỹ!

Trước hết cần vạch rõ âm mưu của Pháp và Mỹ về miền Nam.

Không dễ dàng từ bỏ dã tâm xâm lược mảnh đất có vị thế địa chiến lược cực kỳ quan trọng ở châu Á, chỉ sau hơn nửa tháng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập, ngày19/9/1945, Chính phủ Pháp đã cử ngay một đội quân viễn chinh sang Việt Nam do tướng Lơ-cơ-léc làm chỉ huy, Đô đốc Đác-giăng-li-ơ (D’Argenlieu) làm Cao ủy. Vừa đến Sài Gòn Lơ-cơ-léc họp báo tuyên bố trắng trợn Pháp sẽ thành lập một “chính phủ Nam kỳ tự trị”.Từ tháng 10/1945, khi quân Anh trao quyền lại cho Pháp, quân Pháp mở rộng đánh chiếm toàn Nam bộ. Ngày 01/6/1946 tại Sài Gòn cái gọi là “Chính Phủ cộng hòa Nam kỳ tự trị” do người Pháp lập ra, chỉ định bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm “Thủ tướng”.

Ngày 08/6/1946 trên đường sang Phápdự Hội nghị Fontainebleau, Bác Hồ nói với tướng R.Xalăng: “Tôi vừa mới quay lưng đi, người ta đã nặn ra cái chính phủ Nam Kỳ… Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam bộ thành một thứ Andát Loren mới, nếu không chúng ta sẽ đi tới cuộc chiến tranh trăm năm đấy”(1). Chỉ một mệnh đề “Nam bộ thành một thứ Andát Loren mới” cũng đủ chứng minh một tầm hiểu biết cụ thể lịch sử nước Pháp, một liên tưởng thâm thúy cũng là một cách nhắc nhở tinh tế viên tướng Pháp. Vốn là một vùng đất của Pháp bị chia cắt sau chiến tranh Pháp- Phổ năm 1871, mãi đến năm 1919 Andát Loren mới hợp nhất về Pháp. Đây là một đòn “gậy ông đập lưng ông”: người Pháp đã từng chịu đau khổ khi để người Đức xâm chiếm đất đai tổ tiên mình, bây giờ hà cớ gì lại đi cướp đất của nước khác (!?).Đó còn là một niềm tin thuộc về lẽ phải: cũng như vùng đất Andát Loren từng bị cướp nhưng rồi lại thống nhất về Tổ quốc mình, Nam bộ của Việt Nam rồi cũng sẽ như thế!

Trên đất Pháp một phóng viên Mỹ hỏiBác Hồ có ý “xỏ xiên”, “móc máy” nếu “Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào”. Người trả lời: “Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basques), người Brơtôn không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?” (2).Câu trả lời lại là câu hỏi đặt ngược lại vấn đề đồng thời đưa ra một bằng chứng hiển nhiên: người Brơtôn không nói tiếng Pháp nhưng cũng vẫn là người Pháp thì vì sao người Nam Kỳ nói tiếng Việt lại không phải là người Việt Nam. Ở đây còn nổi lên một quan niệm rất hiện đại về khái niệm dân tộc trước hết là có chung tiếng nói!

Pháp thua ở Điện Biên Phủ, Mỹ liền thế chân. Thực ra Mỹ đã có âm mưu chiếm miền Nam từ trước đó.Ngay việc giúp Pháp tái chiếm Đông Dương cũng nằm trong “Chiến tranh ngăn chặn” của Mỹ. Từ năm 1971, một phần của cuốn sách nổi tiếng sau này được in là Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers (Tài liệu mật: Hồi ký về cuộc chiến tranh Việt Nam và vụ tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc) của tác giả Daniel Ellsberg công bố cho biết tài liệu số NSC51 ngày 01-7-1949 của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận định: “Đông Nam Á có tầm quan trọng về chiến lược...”. Ngày 30-12-1949, Tổng thống Mỹ Tru-man khẳng định: “Đông Dương nằm trong khu vực bất khả xâm phạm của chiến lược Mỹ”; “Mỹ muốn ở Việt Nam và Đông Dương có các nhà nước chống cộng, thân Mỹ”. Ngày 01/11/1955 Mỹ chính thức tham chiến đánh dấu bằng việc thành lập “Nhóm chuyên gia hỗ trợ quân sự Mỹ” (U.S. Military Assistance Advisory Group - MAAG) tại Việt Nam. Để rồi sau này dù có sa lầy Mỹ vẫn cố bám vào hy vọng dù mong manh biến miền Nam thành “nước Mỹ thứ hai” để, như lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ coi miền Nam là một con bài chính trị trong đối ngoại quốc tế:“Việc mất miền Nam Việt Nam sẽ khiến bất kỳ cuộc thảo luận nào về tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với thế giới tự do trở nên vô nghĩa”!

Bác Hồ đã hiểu thấu âm mưu đen tối này nên ngay trong không khí mừng vui đón chào thắng lợi Điện Biên Phủ, Người nhắc nhở các đồng chí của mình thắng lợi tuy lớn nhưng mới chỉ là bắt đầu, còn phải chuẩn bị chống Mỹ! Thế nên chúng ta bước vào cuộc kháng chiến với kẻ giặc xâm lược đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc tuy cực kỳ khó khăn gian khổ, cực kỳ ác liệt nhưng hoàn toàn chủ động trên mọi chiến trường để dẫn tới ngày toàn thắng lịch sử!

Sau này nhiều học giả lịch sử chính trị tiến bộ Mỹ rất tâm đắc với một ngụ ngôn của Bác Hồ chỉ 195 chữ nhưng diễn tả thật đúng về bối cảnh, bản chất Mỹ xâm lược Việt Nam. Đó là phần đầu bài báo Kẻ cướp nói chuyện hòa bìnhkể câu chuyện làng Xuân có 2 xóm Trong và Ngoài đang vui vẻ làm ăn. Bỗng lũ kẻ cướp từ phương xa đến đánh chiếm xóm Trong. Dân làng xóm Trong nổi dậy nện cho lũ cướp giập đầu chảy máu. Cả dân làng Xuân đoàn kết kiên quyết bảo chúng: “Làng này là làng của chúng tao. Chúng mày là kẻ xâm lược. Chúng mày phải cút khỏi làng này. Nếu chúng mày chần chừ, thì chúng tao sẽ đẩy chúng mày xuống biển”. Lũ cướp bèn kêu lên: “Xin thiên hạ làm chứng cho, chúng tôi muốn giảng hoà, nhưng làng Xuân không muốn!” (3). Đọc lên ai cũng hiểu được lẽ phải chính nghĩa, tinh thần đoàn kết, ý chí đánh giặc của “làng Xuân” (dân tộc Việt Nam); bản chất ăn cướp, luận điệu trắng trợn, xảo trá, vô lối của đế quốc Mỹ. Không có tài năng, không có một tầm khái quát, một tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén… không thể viết được ngắn gọn, sâu sắc như thế!

Cho đến nay trong điều kiện giải mật hầu hết các hồ sơ liên quan đến chiến tranh xâm lược miền Nam, cả thế giới đều thấy rõ như ban ngày sự thật về âm mưu của đế quốc Mỹ là biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, lấy đó làm bàn đạp tiến công miền Bắc để tiến tới xây dựng “thành trì” ngăn chặn sự “xâm lăng của Cộng sản”. (Tổng thống tay sai Ngô Đình Diệm từng hô hào “Bắc tiến” chính là sự cụ thể hóa ý đồ của “quan thầy”). Vì lẽ này Mỹ không tiếc tiền của, sinh mệnh lính Mỹ ồ ạt ném vào miền Nam để rồi sau này cả nước Mỹ mắc “Hội chứng Việt Nam” bởi sai lầm lớn nhất thế kỷ XX: xâm lược, tàn sát nhân dân miền Nam, ném bom hủy diệt miền Bắc. Đế quốc Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh mang tính diệt chủng, giết hại hàng triệu đồng bào ta, phi nhân tính hơn chúng rải bom hóa học để lại hậu quả lâu dài. Đến nay hàng ngàn đồng bào ta vẫn phải chịu cảnh bất thành nhân dạng do ảnh hưởng chất độc da cam. Đến nay tiếng bom mìn do kẻ xâm lược để lại vẫn còn nổ...!!!

Những chứng cứ trên đủ cho thấy luận điệu “miền Bắc xâm lược miền Nam” là sự bịa đặt trắng trợn!

H.N

--------

(1) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (2006), tập 3. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 243.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập(2002), tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 272.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập(2002), tập 11. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 569.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)