. NGUYỄN THANH HÀ
1. Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà!
Có một tầm nhìn chiến lược của một thiên tài chính trị, một khát vọng hòa bình cháy bỏng, một tâm hồn yêu thương sâu nặng, ngay từ khi khai sinh ra Nhà nước dân chủ nhân dân Bác Hồ dành cho miền Nam tình cảm đặc biệt. Người hiểu miền Nam sẽ còn phải “đi trước về sau” chịu nhiều đau khổ, hy sinh. Chỉ tính riêng từ tháng 9/1945 đến tháng 6/1946, tức hơn nửa năm trời 9 lần Bác viết thư riêng cho miền Nam thể hiện tình cảm nhớ nhung, căn dặn, nhắc nhở đồng bào đoàn kết. Cuối tháng 9/1945 đoàn đại biểu Nam bộ do đồng chí Nguyễn Văn Tạo dẫn đầu ra báo cáo trước Quốc hội tố cáo những âm mưu gây hấn cùng tội ác của thực dân Pháp và niềm tin tưởng của đồng bào miền Nam với Bác. Người xúc động nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi” (1). Trên đất Pháp, ngày 12-7-1946 tiếp các trí thức Việt Nam và trả lời các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, Người khẳng định ý chí thống nhất đất nước để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, tiến bộ và giàu mạnh: “Nam Kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam… Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi” (2).
Nỗi niềm đau đáu trong tâm hồn Bác là làm sao nước nhà sớm thống nhất, Nam Bắc sớm sum họp một nhà: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên” (3). Khát vọng của Người là khát vọng của hàng chục triệu con tim cùng dòng máu Hồng Lạc mong muốn Nam Bắc ruột thịt sum vầy một nhà, không gì có thể chia cắt được: “Miền Nam Việt Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Nhân dân Việt Nam sẽ được thống nhất” (4). Máu, thịt là những hình tượng hoán dụ mang tính biểu cảm cao nhất về sự quý giá, về mối quan hệ chặt chẽ nhất, thống nhất cao nhất trong một cơ thể. Chỉ có những hình tượng ấy mới diễn tả sâu sắc nhất về tình cảm thiêng liêng, về mong muốn sự đoàn kết, thống nhất muôn người như một. Tháng 11/1964, nghe tin miền Nam bị bão lũ Bác viết thư thăm hỏi với tâm trạng của một người trong nhà “tay đứt ruột xót”: “Vừa qua, mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời. Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng” (5). Thương nhớ miền Nam, hàng ngày Bác chăm sóc cây vú sữa – quà tặng thiêng liêng của miền Nam yêu dấu. Cây lớn lên cùng hy vọng miền Nam sớm được giải phóng, được đón Bác vô Nam. Trong Di chúc Người mong muốn đến ngày chiến thắng “sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào”!
Ngày 28/2/1969 tiếp đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Bác đọc câu thơ chứa chan tình cảm, phơi phới một niềm tin vui: “Bao giờ Nam Bắc một nhà/ Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng” (6). Ngày 14/7/1969 tiếp nữ nhà báo Cu Ba Mácta Rôhát, Bác nói những câu chân thành tận đáy lòng: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam...” (7). Càng yêu quý, kính trọng Bác càng thương Bác, chúng ta càng hiểu hơn vì sao nhân dân miền Nam gọi Bác là Bác Hồ, là Cha già và quyết tâm giải phóng miền Nam để thỏa lòng ao ước của Người!!!.
2. “Độc lập hay là chết”. Miền Nam hướng về Bác Hồ đứng lên kháng chiến đuổi Pháp, Mỹ!
Sáng 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu phát đi Lời kêu gọi đồng bào trong đó có câu bất tử cùng lịch sử: “Độc lập hay là chết!”. Ngày 26/9/1945, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ có thư Gửi đồng bào Nam Bộ có những câu mang tư tưởng lớn vượt thời gian đọng lại ở ngày hội nhập toàn cầu hôm nay về tinh thần đối thoại văn hóa của những người có văn hóa đối lập trời vực với kẻ xâm lăng phản văn hóa: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải... đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước” (8).
Vâng lời Bác cả miền Nam kết thành một “Thành đồng Tổ quốc”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Miền Nam cầm chân giặc Pháp để kéo dài thời gian hòa bình ở miền Bắc. Khi Pháp đổ quân xuống Điện Biên Phủ hòng một đòn “quyết chiến lược”, miền Nam đánh mạnh hơn để phân tán lực lượng... Miền Nam cùng miền Bắc kết “vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” để Pháp phải cuốn gói nhục nhã.
Vì hòa bình, thống nhất, vì lẽ phải và lương tri nhân loại, miền Nam buộc phải cầm súng đuổi Mỹ. Để chiến thắng kẻ xâm lược nham hiểm, tàn bạo và giàu có hùng mạnh nhất, miền Nam chiến đấu bằng mưu trí, lòng căm thù,... trên hết là tấm lòng mong muốn sớm được đón Bác Hồ vô thăm. Trong ách kìm kẹp đêm tối của kẻ thù đồng bào giữ gìn nâng niu ảnh Bác coi đó là nguồn sáng hướng lối chỉ đường. Trước khi xung trận, những dũng sỹ hướng về ảnh Bác tuyên thệ để thêm niềm quyết tâm. Trong ngục tù, những chiến sỹ quả cảm mỗi sáng nhẩm đọc lời Bác Hồ để tiếp thêm niềm tin chiến đấu. Có người cắn tay lấy máu viết lên tường ba chữ Hồ Chí Minh. Nhiều đồng chí thà hứng chịu những trận đòn tàn khốc chứ quyết không chịu “ly khai Cộng Sản”, “ly khai Hồ Chí Minh”... Khi nghe tin Bác mất, cả miền Nam sững sờ, nghẹn ngào, đau đớn! Bất chấp mọi hiểm nguy đến tính mạng, đồng bào tổ chức Lễ Truy điệu Bác, lập bàn thờ Bác ở chiến khu, ở ngay trong ấp chiến lược, ở ngay trong nhà, dưới hầm bí mật... Chỉ tính vùng đồng bằng sông Cửu Long trong 4 tháng cuối năm 1969 có gần 30 đền thờ Bác Hồ. Riêng xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) sau 8 tháng kể từ ngày Bác mất đã dựng 4 đền thờ Bác. Bà con dựng đền thờ Bác bằng tấm lòng, có khi chỉ là cột tre mái lá nhưng hỉnh ảnh và tấm lòng Bác khắc sâu trong trái tim!
Là sự kết tinh nghệ thuật cao nhất của văn hóa đời sống, là tiếng nói của tình cảm, là nhịp đập của con tim nên thể loại thơ luôn được sáng tạo và tiếp nhận một cách phổ biến, rộng rãi. Với tư cách một đối tượng thẩm mỹ đặc biệt Bác Hồ trở thành hình tượng trữ tình vừa cao cả vĩ đại vừa thân quen bình dị trong thế giới thơ ca miền Nam thời kháng chiến. Như nhiều nhà thơ khác, Bảo Định Giang làm thơ về Bác có câu: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ”. Câu thơ nói được tiếng lòng của cả miền Nam nên người đọc quên luôn tên tác giả mà gọi là ca dao! Hiện tượng “dân gian hóa” này chỉ có được khi tác phẩm trở thành mẫu số chung của văn hóa cộng đồng. Như lẽ tự nhiên, tên Bác Hồ, tấm lòng Bác Hồ đã trở thành mẫu số chung của văn hóa miền Nam. Cũng là tất nhiên một chân lý miền Nam luôn hướng về Bác Hồ, về Cách mạng!
Nhà thơ Thu Bồn nói thay miền Nam tri ân công lao Bác: “Cho con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm/ Cho con những ánh trăng rằm/ Có quà có bánh lời thăm ân tình”. Đó là tấm lòng thật chân thành trong bài thơ Gửi lòng con đến cùng Cha được Thu Bồn viết ngay trong tháng 9/1969. Sau này, khi miền Nam được giải phóng, nhà thơ Viễn Phương cũng nói thay tình cảm miền Nam luôn muốn quấn quýt với nơi Người mãi mãi yên giấc ngủ ngàn thu: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/ Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...” (Viếng Lăng Bác, 4-1976).
Cũng câu chuyện về thơ nhưng trước đó, trung tuần tháng 10-1962, Đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Bác, nhà thơ Thanh Hải xin ngâm bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ: “Đêm nay bên bến Ô Lâu/ Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ/ Nhớ hình Bác giữa bóng cờ/ Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu...”. Khi ngâm tới đoạn “Càng nhìn lại càng ngẩn ngơ/ Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn” thì nhà thơ quên, không ngâm tiếp được. Thấy người ngâm lúng túng, Bác Hồ ôm lấy nhà thơ, hôn lên má và nói: “- Đây, hôm nay thì Bác hôn thật đây này…!” (9). Một chi tiết tưởng bình thường nhưng nói được rất nhiều về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa chủ thể và nhân vật trữ tình. Khi nhà thơ (chủ thể trữ tình) ngâm thơ của mình cảm động mà quên cả chi tiết nghệ thuật, thì nhân vật trữ tình là Bác Hồ chủ động gợi nhớ bằng một hành động như đã được miêu tả trong tác phẩm. Tức là Bác đã đọc thuộc bài thơ, thấu cảm tâm trạng tác giả cả lúc sáng tạo và lúc ngâm thơ. Bận trăm công ngàn việc nhưng Bác luôn quan tâm sâu sắc đến những chi tiết nhỏ nhất về miền Nam như thế. Càng thấy Bác vĩ đại, lớn lao và cũng thật bình dị, gần gũi, tự nhiên, tinh tế biết chừng nào. Còn với miền Nam, Bác luôn ở trong trái tim mỗi người. Thế nên miền Nam quyết tâm giải phóng là ý nguyện của hàng chục triệu con tim Nam bộ cũng là ước mong của Bác Hồ, của cả dân tộc!
N.T.H
----------
(1). Hồi ký của cán bộ Văn phòng Quốc hội (2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tr 27.
(2). Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (2006), tập 3. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 279.
(3), (4), (5), (6), (7), (8). Hồ Chí Minh toàn tập (2002), tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 419; tập 11, tr 266; tập 11, tr 342; tập12, tr 447; tập 12, tr 560, 561; tập 4, tr 27, 28.
(9). Nhiều tác giả - Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu (2007). Nxb Thanh Niên, tr 126.
VNQD