. PHAN XUÂN LUẬT
Bấy giờ giữa tháng chạp, xế chiều, nắng hanh và lạnh. Chiếc xe bảy chỗ dừng lại bên lề đường cao tốc. Người đàn ông trạc ngũ tuần cùng vợ và mấy người bước xuống xe. Tất cả men theo bậc từ đường cao tốc xuống con đường quốc lộ 7B, dừng lại trước một cồn đất sát lề đường ngay dưới chân cầu vượt. Cẩn thận mở hộp giấy, ông lấy ra một cái đĩa với chục con cua đồng rang muối đỏ rựng và một cút rượu nút lá chuối. Xong ông trịnh trọng đặt đĩa cua, cút rượu trước mộ, thắp hương và cùng mọi người khấn vái: “Cháu lạy cụ! Cụ sống khôn chết thiêng, mong cụ tiếp tục phù hộ cho con cháu, cho khách qua đường.”

Minh họa: Nguyễn Bá Kiên
Ông đứng lặng hồi lâu rồi cúi xuống nhặt một hòn đất bên vệ đường nâng niu đặt vào nấm mộ. Mọi người cùng làm theo. Đó là nấm mộ, người dân vùng Đông Yên nhị huyện gọi là mả ông ăn mày hay mộ ông cố. Ngôi mộ đã hơn mấy thế kỉ nằm bên vệ đường, trước cả khi người Pháp nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ngã ba chợ Sy - Cầu Bùng chạy xuyên qua huyện Diễn Châu và Yên Thành, nối quốc lộ 1A với quốc lộ 7 sau này...
*
* *
Người đàn ông tên Phúc, là chủ một doanh nghiệp lớn, quê Hà Tĩnh. Theo lời căn dặn từ ông nội đến cha ông, cứ cữ này giáp Tết, gia đình ông phải có người ra đây thắp hương cho cụ.
Gia phả dòng họ Phan Hà Tĩnh còn ghi: Cụ tên là Phan Tích, nổi tiếng hay chữ cả một vùng nhưng lận đận thi cử, mãi đến bốn mươi tuổi mới đậu cử nhân. Dòng họ lâu lắm mới có người đỗ đạt, cả làng cả họ vui lắm. Gia cảnh thường thường bậc trung, nhưng cả làng cả họ bàn nhau: Làng mình, họ mình dễ cả trăm năm rồi mới có người hiển vinh, không thể xuề xòa được, nên phải ăn mừng cho nở mày nở mặt. Nhưng ngặt nỗi, làng nghèo, họ nghèo, đóng góp chẳng được bao nhiêu, vì thể cụ Cử nghĩ lắm. Cụ nghĩ, đằng nào rồi cũng làm quan, nếp nhà thanh sạch, không trông mong gì lộc quan, nhưng lương quan cũng cũng dư sức trả nợ. Và thế là cụ bảo cụ bà đi vay. Vay của cụ chánh tổng giàu có nhất nhì vùng này để mổ bò khao họ khao làng.
Đích thân cụ bà cùng người nhà đi mua bò. Chợ Nhe, cái chợ mua bán trâu bò lớn nhất vùng cũng không xa là mấy, đi độ non nửa buổi là đến. Người ta mua bán trâu bò để cày kéo, mua bò để làm thịt như nhà cụ là rất hiếm. Chợ chật những trâu bò, cụ bà hoa cả mắt. Đi sâu vào cuối chợ, ánh mắt cụ bà bất chợt dừng lại ở một con bò tơ độ chừng hơn hai tuổi. Con bò thật đẹp, lông mượt, mông nở, mắt ướt nước. Cụ bà thấy thế thì bật cười: ngữ này là gái làng thì đa đoan lắm, lắm chàng lắm, lại mắn đẻ nữa. Nghĩ thế, cụ bà tiến lại gần con bò. Ánh mắt cụ bắt gặp mắt nó, tự dưng nó cúi xuống, quay mặt đi. Cụ bà thích con bò cái tơ, muốn vuốt ve. Song mỗi khi cụ chạm vào nó lại rùng mình, rúm người lại. Nó muốn nói điều gì mà không thể.
Rồi thì cuộc mặc cả cũng thành công, sau cái đập tay giữa người bán và người mua, cụ trả tiền. Nhưng khi người nhà dắt con bò đi, đột nhiên nó lồng lên như muốn chạy trốn. Giằng co mãi, cuối cùng cụ bà phải bỏ mấy tiền thuê thêm người áp tải, đến xế chiều mới dắt được nó về. Cụ ông nghe nói đã mua được bò thì mừng lắm. Ngắm nghía một lát, cụ tỏ vẻ hài lòng. Cụ vỗ vỗ trên lưng rồi xoa xoa lông nó. Con bò lại rùng mình, chân dậm dậm. Chợt từ hai mắt nó rơm rớm hai giọt nước, ngước lên nhìn cụ rồi rống lên một hồi thật thảm thiết. Hình như nó van xin cụ điều gì đó. Cụ đang vui, cụ không để ý.
Tối hôm đó, mải tiếp người làng người họ sang ăn trầu uống nước chúc mừng, cắt đặt việc chuẩn bị mâm cỗ cho ngày mai, đến gần giữa canh ba, cụ ông mới chợp mắt. Vừa thiu thiu, cụ chợt thấy một người đàn bà còn rất trẻ, bụng chửa vượt mặt đứng cạnh giường. Người đàn bà nước mắt ròng ròng, quỳ xuống phía dưới chân cụ nức nở: “Con lạy cụ, con xin cụ thương mẹ con con với. Con đang có mang, chỉ dăm bữa nữa là đẻ. Xin cụ cho con đẻ xong rồi hãy giết thịt. Giết thịt rồi thì còn con con đấy, cụ nuôi mà lấy vốn”. Cụ ông choàng tỉnh dậy. Đã mời hết rồi, quan viên đã nhận lời hết rồi, thầy dạy cũng cho người đón rồi, sao mà hoãn được. Với lại là mơ, chỉ là giấc mơ thôi mà, lâu nay cụ vẫn thường mơ, có những giấc mơ thật hãi hùng, mà có làm sao đâu. Rồi cụ chặc lưỡi nằm tiếp. Giấc ngủ trằn trọc, đứt đoạn, lởn vởn hình bóng người đàn bà và con bò cái. Đến giữa canh năm, đang thiu thiu, cụ bỗng giật mình bởi một tiếng rống đau đớn, bàng hoàng, thảm thiết. Cụ bật dậy, với chân tìm guốc, đi ra góc vườn. Dưới ánh đuốc và ánh trăng thượng tuần bàng bạc, con bò nằm duỗi cả bốn chân, mắt mở trừng trừng, hờn oán. Bất chợt cụ rùng mình, đang tiết trời tháng sáu mà người gai lạnh. Cụ không dám nhìn nữa. Đến mờ sáng, người nhà vào hớn hở: “Mừng lắm cụ ạ, con bò tơ thịt ngon mà dôi. Thêm hẳn một con bê trong bụng. Bê cái cụ nhé!” Tai cụ như ù đi. Ngày hôm đó, bữa tiệc ăn mừng cụ đỗ cử nhân thật tưng bừng mà lòng cụ sao lạnh lẽo. Cụ chỉ uống, hầu như không ăn. Uống nhiều, tối đó cụ say. Trong giấc mơ, cụ thấy người đàn bà, lần này ẵm theo đứa con gái, đứng bên giường, trân trân nhìn cụ. Cụ vã mồ hôi lạnh, ngồi dậy, không ngủ được nữa.
Khoa thi hương năm đó, trường Nghệ lấy đỗ hai mươi hai cử nhân, cụ xếp thứ mười hai. Cả năm đèn sách chuẩn bị cho kì thi hội, nhiều đêm về khuya, trong cơn buồn ngủ, cụ vẫn thấy người đàn bà bồng con chập chờn sau ngọn đèn leo lét. Năm sau, vào kinh đô Huế thi hội, hầu như tối nào cụ cũng không ngủ, cứ chập chờn hình bóng người đàn bà ẵm đứa con nhỏ. Hôm vào trường thi, lấy đề xong, bỗng nhiên bụng đau quằn quại, cụ không tài nào làm bài được. Nhìn mấy người cùng trường thi hương năm trước nay lấy được phó bảng, tiến sĩ, cụ buồn lắm. Thôi thì phước nhà mình chưa đến được đại khoa, cử nhân cũng đã là vẻ vang lắm rồi, nghĩ thế, cụ về và chờ.
Cụ chờ, chờ mãi, trong khi các ông cử đều đã được bổ làm giám thụ kia, tri huyện nọ hết cả, thật sốt ruột. Một hôm, cụ nhận được thư của một án sát. Ông này đỗ cử nhân cùng khoa thi với cụ, đỗ thứ hai mươi, tức là thua cụ tới tám bậc. Cụ trịnh trọng để thư lên hương án, thắp hương vái ba vái, lại để xuống đất dậm chân ba cái, rồi mới mở ra đọc. Có người hỏi tại sao cụ làm thế, cụ bảo là thư quan về, mình phải trân trọng thắp hương mà đón nhận, nhưng người này thi cử thứ bậc thua ta, nên ta chưa hẳn phục tài. Cái mộng làm quan trong cụ vẫn chưa nguôi. Sau này cụ cứ ray rứt mãi về điều phù du ấy.
Chờ thêm mấy năm, ruộng vườn bán hết để trả nợ, nhà cụ vốn chẳng phải là khá giả, bỗng lâm vào cảnh túng quẫn. Tối đó, cụ đang chập chờn giấc ngủ lại thấy mẹ con người đàn bà hiện lên nhìn thẳng vào mắt cụ mà nói rằng: “Ân đền oán trả, ông không chỉ lấy mạng tôi mà còn cướp mạng của con tôi. Ông phải trả nợ. Ông phải làm ăn mày, đến khi nào xin đủ tiền mua một con bò cái, đẻ được con bò con thì khi đó tôi mới tính tiếp.” Cụ tỉnh dậy bàng hoàng. Cụ nghĩ nhiều lắm. Rồi cụ ngồi dậy, mài mực, viết một bức thư để lại cho cụ bà. Và tối hôm ấy, mới còn canh ba, cả làng đang trong giấc ngủ, cụ men theo lối cổng sau của làng, đi biệt tăm từ đó.
*
* *
“Yên Thành là mẹ là cha. Đói cơm rách áo thì ra Yên Thành.”
Cụ nhớ đã từng nghe ai đọc câu ca dao ấy, vậy là trong đêm tối, cụ cứ phía bắc mà đi, đi mãi…
Một người nghèo nhất làng Xuân Đồng ở phủ Diễn, tên Hạnh, trong khi đi bắt cua đã phát hiện ra cụ nằm bên vệ đường. Cụ nằm bất tỉnh vì đói và lạnh. Người đàn ông đem cụ về, đặt vào ổ rơm cạnh bếp lửa. Tỉnh dậy, cụ cảm ơn và hỏi đường lên Yên Thành. Ban đầu cụ nói dối là không vợ con, không nơi nương tựa, phải làm nghề ăn xin. Người đàn ông thấy cụ quần áo lành lặn, dáng người thư sinh, mặt mũi sáng sủa thì không khỏi ngờ ngợ, song vẫn bảo: “Từ đây lên Yên Thành chẳng còn bao xa. Đồng làng tôi đây cùng chung một cánh đồng từ Yên Thành xuống, nhà tôi tuy nghèo, chỉ hai vợ chồng và đứa con nhỏ, nhưng cũng xin mời ông ở lại cùng rau cháo qua ngày”. Cụ trầm ngâm một hồi rồi bảo: “Tôi thật không muốn làm phiền bác tí nào, nhưng giờ cũng không biết đi đâu. Thôi thì được ông thương, tôi xin ở lại, nhưng xin thông cảm cho tôi một điều, là tôi vẫn làm nghề đi xin, nghiệp của tôi rồi, tôi không thể làm nghề nào khác.” Rồi cụ kể thật nông nỗi của mình cho ân nhân.
Từ đó người ta thấy vùng Đông Yên nhị huyện có một người ăn mày, một người ăn mày đặc biệt mũi cao mắt sáng. Một người ăn mày bị gậy như bao ăn mày khác nhưng không hề cất tiếng ăn xin. Cụ cứ đi hết làng này làng khác, hiền lành đến chó cũng chẳng sủa. Ai cho gì nhận nấy, chân thành cảm ơn. Có người cho kèm theo lời ban ơn, có người không cho mà còn buông lời chê bai mạt sát, cụ chỉ dạ dạ mà không lấy làm buồn phiền. Gần thì sáng đi, tối về. Xa lên tận tổng Vân Tụ có khi dăm ngày mới về, ngủ đình, ngủ chùa, ngủ miếu. Cụ nhớ nhất là lần ăn xin tại xã Tràng Thành, tổng Quan Hóa, Yên Thành. Hôm đó đã xế chiều, đang đứng trước ngôi nhà ba gian gỗ lim còn mới, thì thấy một cụ bà trông rất phúc hậu đi ra. Bà ân cần mời cụ vào, xúc hẳn một đấu gạo gọi là biếu cụ. Đang trò chuyện với cụ bà thì cụ chợt nghe tiếng quen quen: “Hình như bác là…” Cụ ngẩng đầu lên, giật mình lắp bắp: “Cụ Tú! Tôi không ngờ đây là nhà cụ!” Thì ra họ là bạn nhau qua mấy kì thi hương. Cụ Tú hay chữ nổi tiếng cả một vùng nhưng thi cử lận đận, hết tú kép đến tú mền, sau cụ không theo đường thi cử để làm quan nữa mà chuyên tâm dạy học. Cụ dạy miễn phí cho tất cả con em người nghèo, lại hay xem ngày, xem đất, bốc thuốc chữa bệnh cho bà con trong vùng nên được mọi người kính nể. Học trò cụ rất đông, nhiều người đỗ đạt làm quan, thấy thầy nghèo bèn góp tiền góp công làm cho thầy ngôi nhà này để có chỗ dạy học.
Cụ Tú tha thiết mời cụ Cử ở lại chơi mấy hôm. Trong khi đàm đạo, cụ Cử bảo cụ Tú: “Tôi xem tướng của hai cụ thấy phúc trạch dồi dào lắm! Thật là vận với đôi câu đối của trò mừng thầy treo trên kia: Đường thượng hoa diên đào hiến quả/ Môn tiền thư đái thảo sinh hương (Trong nhà đào hoa đà kết quả/ Trước sân văn vẻ tỏa hương cây), còn tôi thì…” Rồi cụ Cử kể lại sự tình vì sao mình lại phải đi ăn xin. Nghe xong, cụ Tú ngậm ngùi nói: “Nhà tôi tuy chẳng khá giả cũng có thể giúp cụ được một phần, hay là…” Nghe đến đó, cụ Cử vội xua tay: “Cảm ơn cụ nhiều, nhiều lắm, nhưng cái nghiệp của tôi là vậy, tôi phải đi hết cái nghiệp để trả nợ, rồi may ra thì… Tôi chỉ có một nguyện vọng, mong cụ giúp cho thì tôi mới mãn nguyện. Là nhà tôi đang tá túc, vợ chồng nhà ấy lam lũ, nghèo khó nhưng rất chân thành, tốt bụng. Vợ chồng ấy có một thằng con trai học hành sáng dạ, tôi vẫn bảo ban hàng ngày. Cho nên, nhỡ tôi có mệnh hệ gì, xin cụ làm phúc, thay tôi dạy bảo cháu cho rạng đường khoa cử.” Cụ Tú gật đầu, nói mấy câu cho cụ Cử yên tâm rồi bùi ngùi đưa tiễn.

Minh họa: Nguyễn Bá Kiên
Ngôi nhà ông Hạnh - ân nhân của cụ Cử là gia đình của một người ngụ cư. Ông không biết gốc gác quê hương của mình, không biết vì sao cha mình lại trôi dạt đến đây. Ông sinh ra trong ngôi nhà tre tuềnh toàng trên miếng đất thừa thẹo cuối làng xen mấy ngôi mộ vô chủ này.
Không có vườn có ruộng, từ đời cha đến đời ông Hạnh làm thuê cuốc mướn, mò cua bắt ốc đắp đổi qua ngày. Bữa ăn một phần cơm, ba phần khoai, đến mùa giáp hạt có khi nhiều ngày liền chỉ có cháo rau má. Cả năm không biết đến miếng thịt, nhưng bù lại cua ốc lại rất sẵn. Cả huyện Yên Thành và một vùng Diễn Châu là đồng chiêm trũng, cua ốc rất nhiều. Những con cua béo múp, đầy gạch, không chỉ đổi gạo đổi khoai mà còn là nguồn thức ăn của một gia đình nghèo ba người và thêm ông ăn mày. Cụ Cử góp gạo góp khoai xin được vào bữa cơm đạm bạc của gia đình. Cụ thích nhất là món cua rang chỏng ở vùng này. Con cua bắt về, tách yếm, khều gạch, bỏ vào nồi đất rang với muối, thêm chút mật mía đỏ rựng, vậy mà cụ ăn thấy ngon, ngon hơn bao bữa tiệc trong đời cụ từng được dự, cả cái hôm đậu cử nhân được ban yến. Những đồng tiền lẻ xin được, cụ cất kĩ vào cái túi vải luôn giắt trong người. Gạo xin được, cụ dồn lại, đến lúc được ít cân, cụ bí mật đến chợ xa bán. Số tiền xin được, một phần cụ tích góp, một phần mua sách vở, bút mực dạy chữ cho thằng Quả, con ông Hạnh. Đó là một thiếu niên khoẻ mạnh, lễ phép và rất sáng dạ. Trừ những lần đi ăn xin xa, hằng đêm cụ Cử miệt mài dạy chữ cho nó. Thằng bé tiếp thu nhanh, nhớ lâu, cụ Cử hài lòng lắm. Cụ dặn vợ chồng ông Hạnh và thằng bé tuyệt đối không được tiết lộ việc này…
Đã bao nhiêu năm cụ không còn nhớ nữa, đôi lần soi vào vại nước mưa, cụ thấy da dẻ mình đã nhăn nheo, râu tóc bạc trắng. Cụ không còn đi xa được nữa, cái gậy ngày nào chỉ là vật dụng của người ăn mày thì bây giờ là vật bất li thân, lững xững cùng cụ làng này xã nọ. Vợ chồng ông Hạnh cũng đã già đi, thằng Quả đã trở thành trụ cột trong nhà. Ngày đi làm thuê cuốc mướn, đêm về dùi mài kinh sử, nó càng học càng tấn tới, cụ hài lòng lắm, và lại chạnh nhớ thằng con trai ở quê nhà.
Giữa khuya hôm đó cụ lại nằm mơ. Cụ mơ thấy mẹ con người đàn bà đứng trước ổ rơm cụ nằm. Ánh mắt không còn căm giận như thuở nào. Người đàn bà nói: “Lâu nay tôi vẫn thường theo dõi những việc làm của ông. Tôi biết là ông ân hận. Ông đã thành tâm. Bây giờ ông đã xin đủ tiền. Ngày mai, ông cứ theo con đường trước làng này mà ngược. Ngược khoảng hơn ba mươi dặm thì đến một cái chợ trâu bò, ông sẽ gặp một con bò có chửa, ông nhớ mà mua về. Rồi thì ông đối xử với con bò ấy như thế nào là việc của ông.” Cụ định hỏi người đàn bà vài câu nhưng không thấy nữa. Cụ bèn ngồi dậy, viết bức thư để lại cho vợ chồng, cha con ông Hạnh. Rồi cũng như cái đêm định mệnh thuở nào, mới canh ba, cả làng đang trong giấc ngủ, cụ đi ra khỏi cổng làng rồi theo con đường trước làng mà ngược. Lạ thay, không một tiếng chó sủa.
Cụ cứ đi như thế, vừa đi vừa nghỉ vừa hỏi đường, đến gần trưa thì đến chợ. Đó là cái chợ cạnh một ngã ba bằng phẳng, rộng rãi, quang cảnh mua bán còn tấp nập hơn chợ Nhe quê cụ. Cụ vừa qua khỏi cổng chợ thì chợt nghe một tiếng “bò…” rất to và dài. Cụ giật mình dụi mắt mấy cái. Thì nó chính là con bò hơn hai mươi năm trước cụ bà dắt về chứ ai. Giống không sai một li, từ màu lông, cái yếm, cái xoáy đến đôi mắt đẹp ướt nước và buồn thăm thẳm. Cụ tiến lại, con bò có vẻ mừng rỡ. Nó dụi dụi mõm vào ngực cụ. Cụ vuốt lưng nó, nó đứng yên, mắt lim dim. Cuộc ngã giá rất nhanh, cụ trả tiền dắt con bò về. Nó ngoan ngoãn đi theo. Cụ đã già, vả lại không dám đi nhanh. Cụ tin chắc rằng nó đang có chửa, sợ đi nhanh nhỡ mệnh hệ gì. Như cái hồi vợ cụ mang thai thằng con trai bây giờ, hai vợ chồng về quê ngoại, cụ đi rất chậm, đi sau cụ bà, đến khe suối, cụ đỡ cụ bà, dắt tay lội qua. Thì lần này cũng vậy. Cụ cứ có cảm giác như đang đi cùng người đàn bà đã sắp đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Và vì thế, mãi đến nửa đêm, khi cả làng đã chìm vào giấc ngủ, cụ mới về đến làng. Nhưng cụ không vào làng. Cụ cột con bò vào một gốc cây, cạnh cái nơi hơn hai mươi năm trước, cũng vào tầm này, vì đói và lạnh cụ đã té xuống mê man bất tỉnh. Cụ nhìn con bò. Con bò thật đẹp. Lông thật mượt, mắt thật dịu, yếm thật dài, lại có cái xoáy rất tròn trước u. Người ta bảo đó là giống bò tốt nái, ai tậu được con bò có tướng như thế thì làm ăn phát đạt lắm.
Rồi cụ nhìn vào làng. Ôi chỉ là quê người mà sao cụ thấy gần gũi thân thiết quá, chẳng khác gì cái làng nghèo nơi cụ cất tiếng chào đời, gắn bó đến quá nửa đời người và vẫn đau đáu suốt hơn hai mươi năm qua. Cụ nghĩ đến vợ chồng, cha con ông Hạnh. Đời cụ như vậy là vẫn còn có phước, gặp được những con người nghèo của cải mà giàu lòng nhân ái. Không ai khó ba đời, rồi đây thằng Quả, đứa con ông Hạnh mà cụ cũng coi như con đẻ sẽ đổi đời, có khi còn thành ông này ông nọ cũng nên. Cụ nhìn ra bao la cánh đồng, ra những làng mạc thấp thoáng xa xa. Cụ cảm ơn cánh đồng, cảm ơn cái vùng đất Đông Yên nhị huyện đã cưu mang, che chở, nuôi sống cụ đến hơn hai thập niên. Cụ nhìn về phương nam, nơi đó có ngôi làng cụ, có vợ và thằng con trai, nơi không ngày nào mà cụ không đau đáu. Rồi cụ nghĩ đến cuộc hội ngộ với cụ Tú Tràng Thành và lời hứa của cụ Tú. Bất giác cụ mỉm cười nằm xuống, từ từ chìm vào giấc ngủ, một giấc ngủ thật sâu, thật thanh thản và không bao giờ dậy nữa.
Lại nói, sáng hôm trước ngủ dậy, không thấy cụ Cử đâu, chỉ thấy một bức thư để lại trên chõng tre, thằng Quả vội vàng cầm lên đọc. Trong thư cụ cảm ơn vợ chồng ông Hạnh cùng làng Xuân Đồng và vùng đất Đông Yên nhị huyện đã cứu vớt, che chở, nuôi nấng cụ. Cụ bảo đừng tìm cụ, cụ sẽ trở về trong hôm nay. Cụ bảo sáng hôm sau, hãy ra con đường trước làng sẽ thấy cụ ở đó. Đừng ma chay phúng viếng, hãy chôn cụ ngay tại đấy, hướng về phía nam báo cho gia đình, tổ tiên của cụ là cụ đã mất. Bên cạnh nơi cụ nằm có một con bò. Con bò đang có chửa. Hãy chăm sóc cho tốt, đó là món quà cụ dành tặng gia đình. Nó sẽ giúp gia đình thoát nghèo. Riêng Quả, thầy đã coi con như con đẻ. Rất tiếc là thầy không còn dạy chữ cho con được nữa. Thầy mừng là con chăm ngoan, khiêm tốn, có lòng thương người. Con hãy lên cụ Tú Tràng Thành tiếp tục dùi mài kinh sử, rồi sẽ có ngày kết quả. Thầy cũng nhờ con, ngày này năm sau hãy vào báo cho gia đình thầy biết là thầy đã mất. Nhớ nói dùm thầy dặn là không được đưa xương cốt về quê, hãy để thầy yên nghỉ nơi đây. Hằng năm có ra thắp hương cho thầy thì chỉ cần cút rượu và đĩa cua rang chõng là đủ, không được nhiều hơn. Thầy có thằng con hơn con ba tuổi, học hành sáng dạ. Con cũng chuyển lời thầy dặn là dù trong hoàn cảnh nào cũng không được bê trễ việc học hành. Cả con và con trai thầy, nếu có đỗ đạt, tuyệt đối không được cỗ bàn linh đình và nhớ là phải rất ít sát sinh. Có làm quan thì phải thương dân, chăm dân. Có thương dân thì dân mới thương. Có tình thương thì có tất cả.
Nghe thằng Quả đọc thư, vợ chồng ông Hạnh không cầm được nước mắt.
Và cũng từ đó, cạnh con đường cái quan từ ngã ba chợ Sy đi qua huyện Diễn Châu lên Yên Thành có một ngôi mộ, có người gọi là mả cụ cố, đa phần gọi là mả ông ăn mày. Đồn rằng ngôi mộ rất thiêng, vì thế ai đi qua đây cũng thắp hương cầu khấn, đắp vào một hòn đất và đều linh ứng. Qua năm tháng, ngôi mộ cứ to dần. Khoảng hơn trăm năm trước, người Pháp cho mở rộng con đường thành tỉnh lộ, dù vậy khi thi công, họ vẫn chừa ngôi mộ ra. Qua nhiều lần nâng cấp, nắn đường, mở rộng, từ đường đất lên đá dăm cấp phối rồi đường nhựa, từ tỉnh lộ lên quốc lộ, ngôi mộ ông ăn mày vẫn đứng đó, ngày càng to thêm. Mới đây, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam chạy qua, kì lạ là tuyến đường phóng tuyến đúng mả ông ăn mày, và mả ông ăn mày bây giờ nằm dưới mái cầu vượt như một mái nhà nên không bao giờ phải chịu mưa nắng.
Cũng từ sau khi cụ Cử mất, cả gia đình ông Hạnh ngoài Diễn Châu và bà Cử trong Hà Tĩnh đều làm ăn khấm khá dần lên. Con cụ Cử, con ông Hạnh đều được theo học với thầy đồ giỏi, sau đỗ đạt ra làm quan đều là những vị quan thanh liêm, chăm lo cho dân và được người dân yêu mến.
*
* *
Như thông lệ hằng năm, sau khi thắp hương cho cụ xong, người đàn ông tên Phúc, là chủ doanh nghiệp lại vào làng. Ông đi tặng quà cho bà con chòm xóm, hỏi thăm các gia đình đã được hỗ trợ xóa nhà tạm, động viên, chu cấp thêm cho học sinh nghèo hiếu học. Mỗi lần về đây ông rất vui, ông cảm thấy như ở ngoài kia, trong ngôi mộ đã mấy trăm năm có lẻ, cụ của ông đang hài lòng lắm…
Vĩ thanh: Xung quanh chuyện mả ông ăn mày tôi đã nghe kể nhiều dị bản. Tôi rất đắn đo và cuối cùng đã chọn câu chuyện do một người thầy dạy tôi hồi học phổ thông kể để viết nên truyện ngắn này. Chuyện dân gian nên có thể đúng có thể sai, có thể tin có thể không, nhưng ngôi mộ ông ăn mày là có thật, đã ám ảnh tôi từ tuổi thơ, khi mỗi năm mấy lần từ quê nhà xuống ga Sy đi tàu vào Vinh học phổ thông hay ra Hà Nội học đại học, và bây giờ là mỗi dịp về quê…
P.X.L
VNQD